thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hòn máu

 

Mẹ lại lùa chúng vào nồi. Nước nóng dần. Lửa reo trong bếp. Chúng lại kêu lên.

Chít chít chít... Chít chít chít.

Ai sinh tôi ra? Không ai sinh tôi ra cả. Cũng không ai sinh mẹ ra. Mẹ lại vỗ tay, mẹ lại vỗ tay. Tất cả mọi người, kể cả mọi người, không ai sinh nhau ra cả. Nhưng vì sao mọi người lại có mặt ở đây. Ông nội buồn nôn. Ai sinh ông nội ra để ông nội cứ mãi buồn nôn như vậy? Lú thật.

Nhưng lú nhất có lẽ là anh tôi. Ba mươi ba tuổi, tóc xoắn, mũi tẹt và nói thì như ngan. Cứ mỗi lần đi làm về anh lại đút dùi cui vào dưới gầm giường rồi lao vào nhà tắm. Anh xả nước rửa tay, anh cứ để cho nước xối xả trên hai bàn tay của mình. “Dùi cui và răng nanh... Dùi cui và răng nanh...” Anh nói.

Trong khi đó, mẹ lại vỗ tay.

Rồi mẹ lùa chúng vào nồi. Nước nóng dần lên, nước nóng dần lên. Những tiếng kêu ấy cũng nóng dần lên.

Chít chít chít... Chít chít chít...

Tôi là hòn máu. Hòn máu lăn, hòn máu lặn. Ai sinh tôi ra để tôi là một hòn máu. Hòn máu nặng, hòn máu chìm. Tôi cũng buồn nôn, tôi cũng buồn nôn.

Cha vẫn nôn thóc nôn tháo. Mẹ lại lùa chúng vào nồi. Chúng phản kháng bằng những tiếng kêu tuyệt vọng. Trời mùa hè, nắng cười khanh khách trên mái tôn. Chúng nhìn cha cầu cứu. Cha cười. Mẹ lại vỗ tay. Bao nhiêu hòn máu cha nôn ra mẹ đã gom hết vào nồi. Lửa hò hét bằng những chiếc lưỡi màu xanh có viền màu đỏ.

Hòn máu có chìm không? Tay anh trai tôi không thấy máu nhưng vì sao khi anh xả nước thì máu lại loang ra cả nhà tắm. Vì sao?

Sau nhà, ông nội lại oẹ. Ông nội lại móc hai ngón tay vào họng rồi oẹ liên rồi. Khủng khiếp. Sao ông không nôn đi? Sao ông không nôn ra đi? Hòn máu nặng. Hòn máu chìm. Hòn máu im, hòn máu hát.

Nếu có thêm một hòn máu nữa, tôi sẽ không cô đơn như thế này. Sao mẹ lại gom hết chúng vào nồi rồi vỗ tay như điên loạn? Sao cha lại cười khi những hòn màu ấy nhìn cha cầu khẩn? Ngày qua tháng lại, có ai để tâm tới tôi đâu. Tôi là hòn máu duy nhất sống sót, vì mẹ là người nôn tôi ra, mẹ không muôn giết tôi bằng cách bỏ vào nồi. Hòn máu nóng, hòn máu lăn. Tôi lăn khắp mọi xó xỉnh trong nhà. Tôi lăn trong bóng đêm, tôi đứng ở thềm chờ bình minh tới.

Hòn máu nặng, hòn máu buồn.

Mẹ tru mắng anh trai: “Tốn bao nhiêu là nước rồi đấy, không sạch đâu, mới vào nghề nên còn biết tởm, lâu rồi sẽ quen, sẽ ghiền...”

Tháng sáu trời mưa. Trời không mưa tôi cũng khấn trời mưa. Tôi thèm lụt nhưng phải đợi đến tháng tám những cơn mưa mới đổ xuống. Trong mưa, những người đàn ông xiềng xích đầy mình sẽ lăn những hòn máu qua làng. Tôi sẽ ào ra trò chuyện với những hòn máu. Chúng tôi sẽ nhảy múa trong mưa. Chúng tôi có những bí mật. Ai sinh ra những bí mật?

Chít chít chít... Chúng lại van lơn trong nồi. Những hòn máu kêu lên tuyệt vọng trong nồi. Mẹ lại vỗ tay.

Tôi lăn vào phòng tắm, tôi đứng dưới chân anh tôi. Anh tôi đờ đẫn nhìn vào hai bàn tay đỏ tươi của mình. Không sạch được. Anh tôi úp mặt vào tay. Úp mặt vào tay. Ai lăn hòn máu giữa đời? Hòn máu khóc.

Trong bữa ăn, ông nội lại dừng đũa và lấy tay móc vào họng. Ông không thể nôn ra cái thứ đó. Ông nuốt phải nó từ thời trước. Đó là vào lúc ông hai mươi lăm tuổi, một buổi sáng mùa thu. Có gió se lạnh.

Tôi biết rồi, mẹ nôn tôi ra. Mẹ đã nôn hòn màu này ra. Mẹ biết không, không ai sinh ra ai cả. Chỉ nôn nhau ra mà thôi. Nhưng trong họng ông nội là gì mà mãi như thế ông vẫn không thể nào nôn ra được? Nôn ra đi ông. Ông mửa đi. Thời này khác rồi. Ông ơi, ông tỉnh đi. Hãy nôn hòn máu ấy ra đi để cháu có bạn, bọn cháu sẽ lăn cùng nhau tới trường để lấy những phiếu bé ngoan, bọn cháu sẽ đính đầy phiếu bé ngoan lên tường nhà rồi múa hát những bài ca nhi đồng. Ông nhỉ?

Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng. Mẹ thở dài. Trong nhà chỉ mẹ là không buồn nôn, vì mẹ đã nôn tôi ra vào mấy năm trước. Tôi nhớ rằng khi nôn tôi ra mẹ đã cười, một nụ cười đầy nước mắt. Mấy cô dì bế tôi lên, nhìn vào mặt tồi rồi hoan hỉ nói: “Đỏ lắm.”

Cha lại nôn. Mẹ lại hứng. Bao nhiêu nồi, bao nhiêu chậu cũng không đủ. Những hòn máu cha nôn ra trườn qua tường rào để hòng thoát thân nhưng mẹ tinh lắm. Mẹ lại vỗ tay.

“Ông ơi. Cố mà nôn đi.” Tôi lăn tới giữa những ngón chân sần sùi của ông nói như van lơn. Van lơn, tôi thích van lơn. Ai lăn hòn máu qua cầu? Tôi muốn ông nôn ra cho tôi một thằng oắt con màu đỏ. Chúng tôi sẽ nhảy múa sau đồi vào những đêm trăng.

Đêm trăng ngực nhú chị hằng.

Nhưng ông nội vẫn không nôn ra được. Nước mắt ông giàn giụa, những ngón tay của ông lại thọc vào cổ họng. Ông bíu tay vào cánh cửa, người ông gập lại như một dấu hỏi khổ đau. Mắt ông nhìn tôi. Ánh mắt của ông làm tôi sợ. Tôi lại lăn, tôi lại lăn đi trên mặt đất gồ ghề.

Mẹ lại vỗ tay. Vào những bữa ăn, mẹ luôn vỗ tay khi thứ nước màu đỏ trong nồi đã cạn. Đi làm về anh trai tôi lại lao vào nhà tắm chứ không ngồi xuống bàn an. Anh muốn rửa tay, nhưng biết bao nhiêu nước cho đủ. Nước màu đỏ loang ra cả nhà. Ông nội ngồi choài xuống những vũng nước màu đỏ loang ra từ nhà tắm. “Không sạch được đâu.” Mẹ lại tru tréo anh tôi. “Mới vào nghề thì vậy thôi, quen rồi sẽ ghiền đấy.”

Tốn bao nhiêu là nước cho đôi tay của anh trai. Mới vào nghề, anh trai còn tởm máu, nhưng mẹ nói: “Quen rồi thì không dừng lại được.” Tôi lăn vào gầm giường, nằm bên chiếc dùi cui của anh trai. Tôi liếm lên những vết xước trên đó, tôi cảm nhận được những mùi vị khác nhau của máu trên chiếc dùi cui bằng gỗ lim đen đúa. Ai sinh ra hòn máu này? Hòn máu là tôi, không ai sinh nhau ra cả. Mẹ lại đứng lên vỗ tay vào mỗi bữa ăn. Ông nội lại thọc tay vào họng và cố nôn ra. Ai nôn hòn máu nóng? Ai nôn hòn máu lạnh?

Ai nôn hòn máu buồn?

Buổi chiều, khi mẹ ngồi vỗ tay trong bếp, cha tôi đang lùa những hòn máu của ông vào bình thuỷ tinh trước sự thèm thuồng của ông tôi, thì tôi lăn ra phía chuồng lợn. Chiều nay, tôi có cảm giác mình sẽ nôn ra. Tôi sẽ nôn ra những hòn máu. Tôi biết, cũng như mẹ tôi, nếu tôi nôn ra được một trăm hòn máu thì chỉ có một vài hòn có thể sống sót và trưởng thành. Những hòn máu sống sót sẽ lớn lên và trở nên thành viên của gia đình. Rồi cứ tiếp tục như thế, những thế hệ sẽ nối tiếp nhau, sẽ nối tiếp nhau ca hát vui tươi.

Tôi là mẹ, tôi đã là mẹ của mười hai hòn máu. Tôi lăn phía trước, bọn trẻ theo sau. Chúng phát ra những âm thanh như những nốt nhạc diệu kỳ. Gia đình nhỏ bé của tôi lăn xuống nhà kho. Tôi trải rơm khô cho những hòn máu con. Tôi hi vọng chúng sẽ sống sót trong mùa nóng nực.

Ngoài nhà, anh tôi lại về sau một ngày hăng máu. Anh đá vào cửa nhà tắm, vì ông nội đã khóa trái cửa lại. Ông nội đang cố nôn trong nhà tắm, nhưng khốn khổ cho ông, mấy mươi năm rồi ông không nôn ra được. Anh tôi lại la hét. Mẹ tôi lại vỗ tay.

Cha thì cười.

Rồi mẹ nhìn vào những hòn máu của bầy con tôi trong ổ rơm tranh tối tranh sáng. Mẹ liếm mép thèm thuồng.

Nhưng tôi sẽ làm mọi cách để bầy con tôi sống sót. Tôi thì thầm cho bọn trẻ trong ổ rơm về những vùng đất xanh mướt và về những bài ca hi vọng màu xanh da trời.

Những bài ca đi cùng năm tháng.

 

 

-------------

Đã đăng:

Cưng  (truyện / tuỳ bút) 
Cưng sẽ không bao giờ có thể lý giải được hành động điên rồ đó của cha cưng. Buổi chiều, khi chúng ta bước vào nhà vệ sinh của ký túc xá rồi khoá trái cửa lại thì cha cưng, thay vì về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, lại bước tới trước đồn cảnh sát. Ông muốn ngắm nhìn ngôi nhà màu vàng ấy, ông muốn biết những tiếng thét kia là có thật hay chỉ là ảo giác trong trái tim bạc nhược của ông... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021