thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai nhân vật
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

CLAUDE SIMON

(1913-2005)

 

Trích đoạn dưới đây, cũng như cả tác phẩm Les Géorgiques,* mở ra bằng đoạn mô tả một bức vẽ, có thể bảo là một hình hoạ nghiên cứu của David, trên đó có hai người đàn ông. Giữa hai người, một người trẻ, người kia nhiều tuổi hơn, chỉ có một mối liên hệ duy nhất, ấy là một bức thư người trẻ đưa cho người lớn tuổi. Có những khoảng không rộng lớn người hoạ sĩ để lại chung quanh hai nhân vật, những điểm mốc phối cảnh ngắn gọn cũng như, ngược lại, là những chi tiết chính xác lạ thường. Những cử chỉ, cả những nét sửa chữa nhập nhằng khó phân biệt trên bức hoạ – mọi thứ đều chứng tỏ “một hình vẽ như thế chỉ có thể đọc được theo một mật mã viết đã được nhìn nhận trước bởi mỗi hai bên, người vẽ và người thưởng ngoạn”.
 
Jérôme Lindon, người chủ trương Nhà xuất bản Minuit, khi giới thiệu Les Géorgiques của Claude Simon đã viết: “... Tôi thích tưởng tượng hai nhân vật được vẽ lại đều có thể thể hiện hai thời gian của cùng một cuộc đời, còn có thể bảo là hai thế hệ, như suốt chiều dài tiểu thuyết Les Géorgiques người ta thấy một người đàn ông, chưa bao giờ được nêu tên đầy đủ, xuất hiện khi thì dưới hình thức một Đại biểu Hội nghị Quốc ước, tướng trong quân đội năm II, khi là một kỵ binh binh nhì trong cuộc bỏ chạy năm 1940, khi lại là một thanh niên người Anh chiến đấu chống những người theo Franco trong hàng ngũ những Dân quân tự vệ... Ba nhân vật chiến đấu vào các thời kỳ xáo động, vinh quang hay thảm hoạ, nhưng vẫn không để cho tiếng gầm của đạn bom có thể ngăn chặn mùa màng tiếp nối nhau, cây cối đơm hoa, loài vật sinh sôi theo một lối sắp xếp bất biến của thiên nhiên, cái thiên nhiên, như tên sách chỉ rõ, chắc chắn là nhân vật chính của cuốn sách... Lịch sử trong Les Géorgiques đi qua những mùa, những trận đánh và những cuộc đời. Những xáo trộn lớn của châu Âu, ở đây, đi cạnh bên mùa gặt dâu tằm, sương mù trên tuyết của một khu rừng im ngủ hay đường bay của hai con bướm trên một vùng đầm lầy mùa hạ...”
 
HNB

____________

 

HAI NHÂN VẬT

 

Cảnh tượng là như sau đây: trong một căn phòng kích thước rộng, một nhân vật ngồi trước bàn làm việc, một chân khép phân nửa dưới ghế ngồi, gót chân nhấc lên, bàn chân phải đưa ra phía trước và nằm bè, xương chày với đùi nằm ngang tạo thành một góc bốn mươi lăm độ, hai cánh tay tựa trên mép bàn, hai bàn tay cầm phía trên một tờ giấy (một lá thư?) trên đó đôi mắt đang nhìn chăm chú. Nhân vật hoàn toàn trần truồng. Mặc dù đã đứng tuổi, như gương mặt phệ với những nét thô dày, hai cái má sệ rõ nét cho thấy, chắc chắn việc thường xuyên tập thể dục, như một số những kỵ binh hay các quân nhân, đã giữ cho thân hình một hệ cơ bắp lực lưỡng, cho dù thân thể đẫy đà, người ta vẫn có thể thấy rõ được những phần nhô ra dưới lớp mỡ, ngay cả những nếp xếp ở bụng, bất chấp tư thế ngồi làm nổi bật cái bụng lỏng lẻo, những nếp xếp sắp thành tầng, vạm vỡ, như ta thấy nơi những võ sĩ đánh vật già mà trọng lượng, thay vì cản trở, còn tăng cường cho sức mạnh. Một nhân vật thứ hai trẻ hơn, anh ta cũng trần truồng, đứng phía bên kia bàn viết, trong tư thế nghỉ cổ điển của một vận động viên, trọng lượng của thân hình dựa trên chân trái, cánh tay phải buông thẳng đứng, cánh tay trái gập lại ôm sát ngực một cái hộp cac-tông chữ nhật trên đó bàn tay vừa nắm lại. Ở anh chàng này cũng thế, việc thường xuyên tập thể dục đã phát triển một hệ cơ bắp khoẻ mạnh, giờ đây không có chỗ nào chê được. Người ta nhìn thấy cơ bắp cánh tay co căng phồng. Nửa thân trên, nơi cơ bắp ngực và cơ bắp bụng nổi rõ, làm ta nghĩ đến tấm chắn của những tàu thiết giáp La Mã được đắp nặn mỹ thuật, sao chép lại trên mặt đồng những chi tiết nghệ thuật vẽ hình thể hoàn hảo. Dưới bụng, hơi phình ra và nhẵn nhụi, là bộ phận sinh dục ngắn, chỗ cuối có hình cái núm vú do nếp gấp của bao qui đầu, nằm dựa trên những túi đựng mấy hòn dái hơi đẩy nó ngổng ra phía trước. Dưới làn da mịn, người ta có thể nhận ra những đường tĩnh mạch, nhô rõ hơn ở phần cẳng tay, mu bàn tay, xương chày và những bàn chân mà các tĩnh mạch ấy ôm chặt như những rễ cây. Sự tương phản giữa hai nhân vật trần truồng và lối bài trí, những đồ đạc sắp xếp qui mô, đem đến cho cảnh tượng một tính cách khác thường, dồn thêm vào nữa là lối cấu tạo của hình hoạ vẽ lên một tờ giấy (hay một tấm bố thớ vải rất mịn) nhờ vào một cái ruột bút chì rất kỹ lưỡng và rất thường xuyên (đến độ gần như là điên gàn) được hoạ sĩ chuốt lui chuốt tới trong suốt lúc vẽ. Cũng như các thân hình trần truồng được vẽ với một sự lạnh lùng có cân nhắc, đi vào chi tiết những mô hình giải phẫu có sẵn đã được truyền lại về thời cổ đại, các đồ vật chung quanh họ, căn phòng hiện diện hai nhân vật, cũng được biểu thị với sự khô khan điều khiển công việc thực hiện những dự án của các nhà kiến trúc muốn giới thiệu cho người xem không phải những đền đài đã hiện hữu mà là các kiểu phối hợp và lắp ghép những hình thể nảy sinh từ óc tưởng tượng của họ, chỉ từ họ mà ra, và những đường nét màu xám cực kỳ tinh vi, rõ ràng và đều đặn hay được vuốt tròn theo những đường cong hoàn hảo, vẽ ra những ranh giới không phải giữa những vật ở thể rắn (thịt da, đồ gỗ, đá hoa) và không khí bao quanh, mà là giữa những bề mặt trắng ăn khớp với nhau theo những chỗ uốn gập hay ở những góc cạnh. Hiển nhiên là một hình vẽ như thế chỉ có thể đọc được theo một mật mã viết đã được nhìn nhận trước bởi mỗi hai bên, người vẽ và người thưởng ngoạn. Như thế, cũng như trong hình học hoạ pháp người ta nhìn nhận là hai đường thẳng giao nhau cho ta biết – chứ không phải là biểu hiện – sự hiện hữu của một mặt phẳng, không gian mà những vách tường bao quanh đơn giản chỉ được gợi ra bởi vài nét biểu thị các đường cạnh của những hình hai mặt** mà chúng hình thành với nhau hoặc với trần nhà, hoặc nữa là với nền gạch vuông mà hình hoạ xuất hiện trong một phối cảnh được tính toán chặt chẽ. Bên ngoài, qua những hình chữ nhật của các lỗ cửa cao, người ta nhìn thấy một mặt tiền dài (hẳn là mặt tiền của một cung điện nào đó) với ba dãy cửa sổ trên cao có những trán tường (hình tam giác ở tầng lầu một, hình vòng cung tròn ở tầng lầu hai, còn cửa sổ ở tầng ba và tầng cuối thì được bao quanh bởi một đường gờ đắp nổi đơn giản), ngay cả mặt tiền cũng được vẽ với sự chính xác kiên nhẫn và tỉ mỉ của một mặt chiếu thẳng góc, chỉ vẽ nét, toàn bộ (cũng như các đồ vật trong phòng, bàn viết, ghế dựa) không vẽ bóng, vì bóng được để dành cho tài thể hiện đường nét những cơ bắp trên hai thân thể trần truồng, trong khung bản vẽ hai thân thể ấy có dạng một hình đắp nổi lạ lùng đến nỗi không có một thứ bóng nào trải dài dưới chân họ, tựa như họ ở kia, giống như đá hoa và được trau nổi, giống y những nhân vật được tách ra từ một bức đắp nổi và sau đó được dán lên giấy chứ không phải đang ngồi trên ghế hay đang đứng trên nền gạch bông trang trí những hình thể kỹ hà lạnh lùng. Dường như người hoạ sĩ, tuân theo lối chọn lọc cá nhân của mình trước những giá trị, đã tìm cách phân biệt rõ ràng, trong cảnh tượng được đề xuất, những yếu tố khác nhau theo tầm quan trọng gia tăng của chúng trong đầu mình như ta thấy được qua những lối cấu tạo đặc biệt mà hoạ sĩ đã dùng khi xử lý chúng, nghĩa là, thứ nhất: những đồ vật vô tri (ngoài nền lát gạch bông, những vách tường, đồ đạc, cửa sổ và cảnh vật bên ngoài, người ta còn có thể thấy, tượng hình theo cùng một cách, nghĩa là bằng nét: một tấm bản đồ xưa khổ lớn treo lên một mảng panô, với biểu đồ gió, những dãy núi hình hang chuột chũi, những đường viền cong nham nhở của một bờ biển có những mũi đất nhô lởm chởm đá, những con sông khúc khuỷu nhiều nhánh – và còn có một bản đồ hai bán cầu to tướng, được bao bọc ở xích đạo bởi một vòng hoàng đới và dựng trên một cái bệ ba chân); thứ nhì: thịt da, thân thể nổi lên những cơ bắp, những đường gân và những chỗ lồi lõm hoạ hình và vẽ bóng kỹ, và toàn thể giống như đá hoa xám nhạt; thứ ba, sau cùng: đầu của hai nhân vật cũng không đơn giản chỉ hoạ hình và vẽ bóng mà là vẽ bằng những màu nghiền trong dầu, tựa như đây đúng là những pho tượng mà một tay đùa bỡn bông lơn nào đó đem màu tô lên mặt và tóc tai, bắt chước màu da và tóc thật. Nơi một trong hai nhân vክt, người đứng phía bên kia bàn viết (mặc dù có một cái ghế có vẻ như nằm ở đấy là để tiếp khách), lớp sơn dầu tô lên đá hoa dừng lại một chút phía dưới cằm. Tóc người này rất đen, kéo ngược thành lọn trên hai thái dương giống như bị ép sát bởi một cơn gió nào đó từ phía sau dồn tới. Mặt anh này, với nét khắc nghiệt mặc dù hãy còn thanh niên, thản nhiên, có lẽ đang che giấu một sự mỉa mai không rõ ràng hay một sự khinh bỉ không rõ ràng. Đầu anh hơi ngả ra phía sau, trong một tư thế đúng qui cách, tư thế cứng đơ mà có vẻ như anh cố tình phóng đại. Từ anh ta toát ra một cái gì vừa lệ thuộc vừa kiêu kỳ, chắc hẳn là phản ứng theo bản năng của một thanh niên trước một nhân vật lớn tuổi hơn và quan trọng hơn. Nơi nhân vật sau này, là người ngồi trước bàn viết, việc cho màu tỉ mỉ hơn. Không chịu chỉ vẽ gương mặt lực lưỡng và màu đỏ, hơi xung huyết, mái tóc dày màu hạt dẻ bắt đầu hoa râm, người hoạ sĩ, đi xa hơn, đã khoác lên đôi vai ông ta một chiếc áo rộng xanh da trời, cổ cao và đỏ, trên cổ có một mớ tóc dày rũ xuống. Lớp sơn dầu màu xanh ngừng hẳn (trừ một vài chỗ cọ vẽ bị trượt) phía trên hai núm vú, và chiếc áo rộng được tô điểm bằng hai miếng độn vai có tua viền mạ vàng thòng xuống trên hai cánh tay da thịt màu xám nhạt, để trần xuống đến tận bàn tay là nơi mà người tô màu lần nữa lại sử dụng tài của mình, có thể nói là đã cho mang đôi găng tay bằng da người, màu cũng hơi đỏ thắm, nhất là về phía đầu những ngón tay đang nắm chặt trên tờ giấy trắng ngả vàng, được vẽ với một sự tỉ mỉ nhìn bên ngoài như thật, với những bóng vẽ mờ nhạt do các chỗ giấy gấp nếp và những đường văn tự kẻ bằng mực màu gỉ sắt. Quả là có ý nghĩa khi hai khuôn mặt không phải chỉ được phác thảo, như một hoạ sĩ thường làm khi bắt đầu một bức tranh, điểm đây đó vài ba nét màu nhanh tay để tạo một sự hài hoà chung, dù phải trở lại chỗ này hay chỗ kia, hoặc giả phải bắt đầu trở lại toàn bộ tuỳ theo diễn tiến của tác phẩm đang khởi công: ngược lại, cách cấu tạo mỗi khuôn mặt mang tính cách một «hoàn chỉnh» đẩy xa đến tận những chi tiết nhỏ nhất (chẳng hạn một mụn cóc trên vành một bên lỗ mũi của nhân vật ngồi) và, rõ ràng, hoạ sĩ sẽ không thay đổi gì ở đây nữa. Vả lại, mặc dù căn phòng rộng mênh mông chỉ sáng nhờ ba cánh cửa sổ cao nằm cùng một phía, ánh sáng toả ra (ngược với những lối xử lý ánh sáng hiện thực và đối chọi nơi một số hoạ sĩ Hà-lan, và một vài lối xử lý ánh sáng khác nữa) còn góp phần tạo vẻ lạ thường của cảnh tượng đó, chảy tràn trên những khuôn mặt, như thứ ánh sáng được phân bố giả tạo kia, hắt xuống từ những kính ghép màu ở các xưởng vẽ của hoạ sĩ, là nơi những người mẫu trần truồng im lặng ngồi làm mẫu trên những cái bục, hai bên sườn thở lặng lẽ chẳng làm xáo trộn sự bất động của thân thể mình bấy giờ đứng yên trong tư thế tượng người trước những tấm bình phong phủ vải lụa xanh. Điều này cộng thêm vào chỗ không có một màu sắc nào khác (trên thân hình được vẽ bóng cũng như trên nền tranh, những đồ đạc) và vào sự kiện là hoạ sĩ đã đẩy xa đến tận cùng khả năng của mình để hoàn tất những phần đã vẊ (chỉ một màu lam nhẹ, một lớp màu day mỏng, có tính tín hiệu hơn là biểu hiện, lướt qua phía trên bức hoạ tỉ mỉ vẽ kiểu kiến trúc trên đó những cánh cửa sổ mở, nhưng cũng không choáng đầy phần trên của những cửa sổ ấy) có vẻ như xác nhận đấy không phải là một bức tranh vẽ dang dở, mà là một tác phẩm được tác giả coi là hoàn toàn thực hiện xong và ở đấy, do tính năng của màu sắc, hai khuôn mặt, các miếng độn vai mạ vàng, hai bàn tay của nhân vật ngồi và lá thư ông đang đọc được cố ý đặt vào hàng ưu tiên và phân rõ với toàn bối cảnh. Tuy nhiên, nghiên cứu chăm chú hơn hình hoạ ấy có thể cho người ta có cảm nghĩ rằng tác giả của nó đã từng do dự về thời điểm mà người ấy chọn để đưa vào tranh. Người ta quả có thể thấy (mặc dù nó đã được tẩy xoá cẩn thận và giờ đây xuất hiện bằng một màu xám rất nhạt, như bóng ma) là bàn tay phải của nhân vật ngồi nguyên thuỷ đã được vẽ trong một tư thế khác: tách rời với lá thư mà bàn tay kia vẫn tiếp tục cầm, bàn tay bây giờ hơi đưa cao một chút, những ngón tay duỗi ra nửa chừng theo hình quạt, trong một cử chỉ vừa lơ là vừa cấp thiết, như cử chỉ của một người đang đuổi một người cấp dưới hay một kẻ quấy rầy, ngón trỏ chỉ ra hướng cửa lớn. Tuy nhiên vấn đề còn nguyên là cần biết cử chỉ ấy (việc đuổi người) xẩy ra trước khi người nhận thư biết được nội dung lá thư (mà nhân vật với vẻ mặt hơi ranh mãnh cho dù thái độ vẫn là kính cẩn kia có vẻ như đã biết rồi), hay là trong khi ông đọc thư, hoặc sau khi đọc thư, nhằm được để yên một mình để đọc lại thư bởi lẽ, trong khi ông tiếp tục khua nhẹ bàn tay, người ngồi không ngẩng đầu lên, mắt vẫn nhìn thẳng, như bị thôi miên, trên tờ giấy đã được giở ra.

 

 

________________
* Tiểu thuyết của Claude Simon, Les Géorgiques (Paris: Minuit, 1981). [Trích đoạn này từng xuất hiện lần đầu trên tạp chí Art Press, tháng Hai 1973.]
 
** Cũng gọi là «nhị diện».

 

 

------------------

Tác phẩm của Claude Simon đã đăng trên Tiền Vệ:

Đối thoại  (tiểu thuyết) 
[Trích đoạn từ cuốn tiểu thuyết L’Herbe của Claude Simon (1913-2005) — nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1985.] ... Nàng nhớ lại điều này, không đúng hẳn là mẩu đối thoại, không đúng hẳn là những chữ được nói đi hay nói lại, được lặp đi hay lặp lại, mà là hai giọng nói trả lời nhau, luân phiên, phối hợp với nhau, hoà tan với nhau trong ký ức nàng thành một khối độc nhất, không phân ra được, những câu hỏi và những câu trả lời gắn liền trong một thứ liên hệ không dứt được và phi lý của mọi đối thoại, của mọi lời nói... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tro tàn  (truyện / tuỳ bút) 
Một đoản văn tuyệt đẹp của Claude Simon (1913~) — nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1985, người đã "kết hợp óc sáng tạo của nhà thơ và nhà hội hoạ với một ý thức sâu sắc về thời gian trong việc mô tả điều kiện nhân sinh" — lần đầu tiên được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021