thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trăng trên thung lũng Jerusalem [V]
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG JERUSALEM

 

 
 

V

 

Tôi trở về nhà Greifenbach và lên giường nằm trở lại. Tôi ngủ thiếp đi, nhưng chẳng bao lâu tiếng xe lửa đánh thức tôi dậy. Xe lửa dừng lại ở ga Garmich. Cửa toa xe mở hướng ra những ngọn núi cao và những suối nước và người ta nghe có một giọng cất lên hát yedal yedal yedal va pa ma. Giọng hát thu hút tôi, tôi muốn đi theo nó, nhưng cánh cửa khép lại trước mặt tôi. Mặt trăng hiện ra và ánh trăng tỏa tràn lên người tôi. Tôi nheo mắt cười với nó và bằng cả gương mặt nó cười lại với tôi.

Thật ra không có xe lửa nào cả. Tôi đang nằm trên giường trong nhà Greifenbach. Tôi trở mình và kéo chăn lên đến khỏi mắt, vì trăng chiếu vào mặt tôi. Tôi bắt đầu nghĩ về cái thế giới này, cái thế giới khép kín đối với chúng ta; chúng ta không thể đến được nơi nào chúng ta muốn đến. Chỉ có mặt trăng mới có thể vừa đi khắp cả thế giới vừa hát yedal yedal yedal va pa ma.

Sau khi ăn trưa tại một quán ăn ngoài phố, tôi về nhà tôi để làm việc. Lúc tôi muốn pha cà phê uống, tôi thấy trong vòi không có nước. Tôi leo lên mái nhà để xem lại các bể nước. Các bể nước nóng bỏng và nước ở dưới đáy đã đóng cặn. Jérusalem là một thành phố khó khăn và đặc biệt ngày hôm đó lại thiếu nước. Tôi để mặc công việc tôi đó và đến nhà Greifenbach, ở đấy có một bể chứa nước mưa như tất cả những nhà xưa trong thành phố, vì ở Jérusalem người ta chỉ uống nước mưa thôi.

Mỗi nhà ở thành phố Jérusalem đều có cả một lịch sử của nó, nhất là những ngôi nhà ở ngoại thành.

Cách đây gần bảy mươi năm, một trong những người giàu có nhất Gallipoli, Signor Gamliel Giron, đến thành phố thánh để chết tại đó. Ông ta không tìm ra được một chỗ ở hợp với nhu cầu của mình. Tất cả dân cư Do thái đều bị nhốt trong những cái sân cũ kỹ ở trung tâm thành phố. Trong mỗi sân có rất nhiều gia đình ở, toàn là những gia đình đông con. Thế nên ông ta chiếm được một ngàn thước đất ở ngoài tường thành, hơi thấp hơn Cửa Sichem; ông ta có cất lên một căn nhà rộng rãi tại đó và trồng một miếng vườn. Nhưng vì nhà ở xa những vùng có dân cư đông, nên không có nhà nguyện quanh đó. Ông bèn biến một căn phòng thành giảng đường và cho nhiều người đến cầu nguyện cùng với ông. Sau khi ông chết, ông để căn nhà lại cho một hội từ thiện. Vì cần tiền để trả các thứ thuế cho quân đội, những người cai quản hội đem thế cái nhà. Nhà bị cầm trong nhiều năm và cuối cùng, vì không thể trả tiền cầm, những người cai quản đem bán căn nhà cho một người Đức tên Ganseklein, chủ tịch phái “Trung thành với Lòng tin”, bắt nguồn từ một phái khác gọi là “Gemeinschaft der Gerechten” do một người tên là Gottfried Greulich sáng lập trong thành phố Gorlitz.

Cái ông Ganseklein đó, cùng với vợ và mẹ vợ dọn đến ở trong căn nhà. Những tín đồ tụ tập nơi đây và ông chủ nhà giảng cho họ nghe về ba tín điều thật sự liên quan đến sự giải thoát thể xác và những giới hạn được mở rộng của phần hồn.

Có một lần, vợ và mẹ vợ của Ganseklein cãi nhau và vợ ông cắn mũi của mẹ mình để sỉ nhục bà trước mặt chồng. Câu chuyện đến tai người ngoài và Genseklein xấu hổ phải bỏ xứ mà đi. Căn nhà lại vào tay ba anh em rể làm phó mát, họ bắt đầu hành nghề tại đó. Đại chiến bùng nổ. Jemal Pacha trục xuất họ như những kẻ bị tình nghi là đảng viên Do thái tự trị, vì đã tìm thấy trên phó mát của họ những hình vẽ giống như “Ngôi sao David”.[1] Sau khi hết chiến tranh, Hội đồng các đại diện thuê căn nhà cho một trong các hội viên là Georg Gnadenbrot. Họ sửa chữa căn nhà lại, đem vứt đi những đống gạch đổ nát, quét dọn vườn tược và xây một bức tường rào chung quanh vườn. Khi đâu đó đã xong xuôi, Ginendelein, vợ của ông Gnadenbrot, lại tuyên bố là bà không muốn ở Jérusalem. Họ trở về Glascow và căn nhà biến thành văn phòng. Lúc đó lại xảy ra vụ động đất làm hư cả mấy bức tường và làm thủng mái. Căn nhà bị bỏ hoang trong nhiều năm. Sau cùng Gerhard Greifenbach đến; ông sửa lại nhà, cho vô điện, nước và đủ cả tiện nghi tối tân.

Greifenbach và vợ ông sống trong căn nhà này nhiều năm cho đến ngày mà hai người thấy thích đi du lịch ở nước ngoài để tránh cái mệt phải ở mãi trong nước và chính tôi lãnh việc trông chừng để căn nhà họ khỏi bị người khác chiếm. Gerhard và vợ ông đem nhau đi ngao du ở xứ ngoài, còn tôi, tôi đã ngủ lại hai đêm dưới mái nhà của họ. Nằm ở giữa miếng vườn, xa những khu phố quá đông đúc, căn nhà tràn đầy cả ánh sáng trăng. Những cây to và cây nhỏ đều cách xa nhau, không có liên lạc gì với nhau cả. Nhưng mặt trăng, vốn không phân biệt cây cỏ, soi sáng tất cả cùng một lúc.

Đứng bên cửa sổ, tôi nhìn khu vườn. Mỗi cây lớn, mỗi cây nhỏ đều chập chờn dưới trăng. Nhưng bỗng có một tiếng chân bước… Phải chăng đó là bước chân của Guinath đi du lịch trở về, hay bước chân của Gamzou? Hôm qua, khi tôi đưa anh ta về, tôi có bảo anh nhớ cho tôi biết tin vợ anh. Vậy thì chắc anh ta đến cho tôi hay. Nhưng có thể không phải là Gamzou, mà là một người nào khác – có Trời mới biết được là ai…

Trăng tròn đã không làm tôi lầm được. Quả thật, đó là Gamzou. Tôi ra mở cửa cho anh ta và mời anh ta vào phòng. Anh kéo một cái ghế dựa và ngồi xuống đó. Anh lấy giấy và vấn một điếu thuốc. Anh ngậm điếu thuốc vào miệng, châm lửa, hút thuốc mà không quan tâm gì đến tôi, lúc đó đang đợi, đang nóng lòng muốn biết xem anh ta có tìm thấy vợ không. Cái im lặng của anh làm tôi bực mình và tôi, tôi cũng im lặng. Cuối cùng, Gamzou nói: “Anh không hỏi tôi về vụ vợ tôi à.” Tôi bảo anh: “Nếu anh có gì để kể, thì anh kể đi!” Gamzou nói: “Quả thật, tôi có chuyện kể cho anh nghe. Ở đây không có cái gạt tàn sao?” Tôi đem lại cho anh một cái gạt tàn thuốc. Anh dụi tàn thuốc của anh trong đó. Rồi, anh nhìn tôi với con mắt còn lành, dụi con mắt mù, lấy bàn tay cọ vào râu cằm, đưa lên miệng, thấm vào đầu lưỡi và nói: “Dường như tôi đã đốt cháy tay tôi vì điếu thuốc, nhưng tôi cảm thấy tôi bị muỗi đốt. Trong nhà có muỗi sao?” “Có thể có lắm,” tôi bảo, “nhưng cũng có thể là không. Vì tôi rất sung sướng được một người khách đến viếng như anh, nên tôi không cảm thấy được là có muỗi.” Gamzou đã hiểu được cái gì anh ta muốn hiểu và nói: “Tôi tìm thấy vợ tôi trên giường. Nàng ngủ rất say.” Biết được Gamzou tìm thấy lại vợ anh cách nào có lẽ cũng thích lắm, tôi nghĩ như vậy, nhưng tôi cố nín không hỏi anh ta. Nếu anh nói cho tôi biết, càng tốt, nhưng tôi sẽ không hỏi anh ta, tôi không muốn tỏ ra có ý dò xét những hành động và cử chỉ của anh. Anh không thốt lên lời nào trong một lúc thật lâu, tựa như anh đã quên câu chuyện kia. Bỗng nhiên, anh đưa bàn tay lên trán, như một người vừa tỉnh mộng, và anh bắt đầu kể cho tôi nghe anh ta về đến nhà như thế nào, mở cửa ra sao, nhìn vào phòng mà không hy vọng bất cứ một điều gì. Đột nhiên, anh nghe tiếng thở. Anh lại gần giường vợ anh. Nàng đang nằm trên đó! Vậy thì không thể lầm được. Anh cảm thấy mừng vô cùng, vì nếu hơi thở của vợ anh mà không lay động được hồn anh thì anh đã ngã gục xuống chết rồi.

Tôi ngạc nhiên đến độ đứng há hốc miệng ra mà không nói được gì cả. Anh ta làm gì ở đây? Hôm qua tôi có nói rõ cho anh ta biết là tôi định về nhà tôi, có nghĩa là tôi sẽ không có mặt ở nhà Greifenbach. Thế mà anh lại có mặt ở đây! Tôi còn lấy làm lạ hơn nữa là anh ta đã để vợ anh ở nhà một mình vào một đêm như đêm nay, một đêm trăng tròn. Trăng đã chẳng nhiều phen cho anh ta thấy có thể gây ra những gì đó sao? Gamzou nói: “Anh ngạc nhiên vì tôi để Guemoula một mình à?” Tôi nói: “Quả thật, tôi ngạc nhiên, vì anh đã bỏ vợ anh ở nhà một mình.” Gamzou cười bằng con mắt lành hoặc có thể là con mắt mù và nói thêm: “Dù Guemoula có thức giấc, dù nàng có ra khỏi giường, nàng cũng không đi đâu xa.” Tôi hỏi anh ta có tìm được lá bùa không. Gamzou trả lời: “Không, tôi không tìm ra được lá bùa.” “Vậy thì, sao anh có thể để vợ anh một mình? Mặt trăng có hứa với anh là nó sẽ để cho nàng yên đêm nay sao? Rabbi Gavriel, thế thì anh hãy cho tôi biết xem, do đâu mà anh tin tưởng như vậy?” Gamzou trả lời: “Tôi tìm ra một phương thuốc rồi.” Tôi bảo: “Anh có hỏi ý bác sĩ nào và bác sĩ có chỉ cho anh một thứ thuốc sao?” Gamzou trả lời: “Tôi không hỏi thăm một bác sĩ nào cả và tôi không có thói quen cầu cứu bác sĩ nữa. Họ biết tên tất cả các chứng bệnh và chí đến những triệu chứng của bệnh nữa, nhưng tôi không tin họ. Tôi tin ai bây giờ đây? Tin người đã gội rửa cho mình trong sạch bằng Kinh thánh Tora. Chỉ có người đó biết những thứ thuốc trị bệnh thân thể, dĩ nhiên là cũng trị được những chứng bệnh thuộc về hồn.” Tôi nói với Gamzou: “Thế anh đã tìm ra được người ấy và ông ta đã có cho Guemoula thứ thuốc hợp với chị ấy rồi sao?” Gamzou trả lời: “Thuốc đã có sẵn. Hồi thời tôi đọc Kinh thánh Tora trong trường Yechiva[2] của Rabbi Chemouel Rosenberg, ở Einsdorf, một lần nọ có một người đàn bà đến nói với ông về một chàng thanh niên đã ở trọ tại nhà bà ta. Anh chàng ấy mắc bệnh tim và bệnh mộng du. Mỗi tháng, cứ đến ngày trăng tròn, anh ta nhảy qua cửa sổ, leo lên mái nhà, rất nguy cho tính mạng của anh. Nếu rủi ro, anh ta tỉnh dậy đột ngột, anh có thể mất thăng bằng, có thể té xuống và tự sát. Người ta có hỏi thăm nhiều vị bác sĩ và không vị nào tìm ra thuốc chữa cho lành được. Rabbi Chemouel bảo bà ta: “Bà hãy lấy một cái áo dày, nhúng vào nước lạnh đến khi nào nó thật ướt và trải nó ra trước giường của anh thanh niên ấy. Khi anh ta ra khỏi giường, chân anh đụng vào cái áo lạnh đó; lạnh sẽ làm anh tỉnh dậy và anh sẽ nằm xuống ngủ lại liền. Người đàn bà làm theo lời dặn và anh chàng kia lành bệnh. Đó là điều tôi cũng vậy, tôi đã làm đêm nay, và tôi chắc chắn là dù Guemoula có thức dậy đi nữa, thì nàng cũng trở lại giường.”

Câu chuyện làm tôi lạ hết sức. Nếu đó là một phương thuốc chữa bệnh, tại sao từ trước đến giờ Gamzou không dùng? Gamzou đoán được ý nghĩ của tôi nên nói: “Anh lấy làm lạ tại sao tôi đợi đến ngày nay mới đem phương pháp ấy ra dùng phải không?” “Vâng, tôi trả lời, tôi lạ vì anh, người hết lòng tin tưởng là những lá bùa có một quyền lực phi thường, dường như anh vẫn không chú ý đến những thứ thuốc có hiệu lực thường mà.” Gamzou nói: “Có một lần, trong một chuyến du lịch của tôi, tôi ngã bệnh và tôi được chữa lành bằng những lá bùa. Trở về Âu châu, tôi kể lại chuyện đó cho các vị bác sĩ nghe và họ bảo tôi: “Những thứ bùa mà người ta dùng để chữa bệnh cho ông là những thứ thuốc rất thông dụng. Người ta đã bỏ những thứ ấy đi khi người ta tìm ra được những thứ khác tốt và tiện hơn.” Còn về câu hỏi tại sao cho đến nay tôi không đem phương pháp đó ra áp dụng, thì là, phải tin rằng chắc ông Trời ông ấy đã định cho tôi phải quên mất nó. Tôi đã bị phạt vì không trung thành với ông tsaddik [3] nọ, tôi đã bỏ trường yechiva để theo học nơi khác. Anh muốn biết tại sao hôm nay tôi lại nhớ ra phương pháp đó à, vâng, thì đây là những gì đã xảy ra: tôi đang ngồi vá lại chỗ rách trên áo tôi. Trong lúc cầm chiếc áo trong tay, cả câu chuyện kia đột nhiên trở lại trong trí tôi. Tôi nhảy lên, tôi bỏ áo vào nước và khi tôi thấy nó thật thấm nước, tôi trải nó ra dưới giường của Guemoula.

“Và bây giờ,” tôi nói với Gamzou, “tôi xin hỏi anh một câu giản dị: Anh không thấy tôi đàng nhà và anh đến đây chứ gì” Gamzou nói: “Tôi không lại nhà anh và tôi cũng không có ý đến đây.” Tôi bảo anh: “Thế nhưng anh đã đến rồi đấy!” Anh trả lời: “Tôi đã đến, nhưng không có ý định đến.” “Rabbi Gavriel này, tôi bảo, anh thấy không, lòng anh trung tín hơn cả anh và nó đã dẫn anh đến tôi để anh giữ lời hứa cho tôi biết tin tức vợ anh.” Gamzou nói: “Việc xảy ra như thế này đây: Tôi đang ngồi trong nhà và tôi thấy Guemoula ngủ. Nàng đang ngủ, tôi tự nhủ, thì mình cũng nên đến xem Amrami ra sao. Tôi coi lại cái áo mà tôi trải trước giường nàng, tôi nhúng nó vào nước một lần nữa, tôi để nó lại chỗ cũ và tôi đi. Trong lúc bước đi, tôi nghĩ đến trường hợp của Amrami. Người đàn ông này sinh ra và lớn lên ở Jérusalem, sống bốn mươi lăm năm liền ở ngoại quốc. Sau thời gian vắng mặt lâu, ông trở về quê hương ông. Tất cả những gì ông kiếm được trong bốn mươi lăm năm, ông chỉ còn lại một cô cháu gái và vài quyển sách chữ Do thái. Tôi bắt đầu nghĩ đến những con dân Do thái khác, cách đây đã bốn mươi hay năm mươi năm, rời bỏ xứ sở mà họ đã chán ngấy để ra ngoại quốc kiếm nghề làm ăn. Vài người đã thành công và trở nên giàu có. Nhưng loạn lạc nổi lên và người ta lấy mất tất cả những gì họ có. Họ quay trở về Erets-Israel và bây giờ, họ phàn nàn xứ họ đối xử với họ như người nước ngoài. Trong lúc tôi nghĩ đến những lời trách móc của họ như vậy mà không để ý đến những nỗi khổ của họ, bất chợt tôi nghe nhiều tiếng la. Tôi đi về phía có tiếng la và tôi thấy một người con gái đang nói với một chàng thanh niên: “Gunther, anh yêu, Gunther, anh yêu, anh còn sống sao, thằng Ả-rập không làm anh bị thương chứ!” Chuyện gì xẩy ra vậy? Một chàng thanh niên và một cô gái đi dạo trong một thung lũng, ngoài thành phố. Một người Ả-rập đên gần họ và quấy rầy họ. Chàng thanh niên chửi hắn và muốn đuổi hắn đi. Người Ả-rập rút ra một con dao và hăm dọa anh ta. Cô gái sợ và la lên, vì nàng chắc chắn là người Ả-rập đã đâm bạn mình. Đó là lý do làm tôi đi lệch qua con đường khác con đường tôi định đi. Tôi lấy làm lạ khi thấy mình đột nhiên ở cuối đường mòn này. Tôi tự hỏi, tôi làm gì quanh quẩn ở đây? Tôi định đến nhà Amrami và bước đi đã dẫn tôi đến căn nhà này. Anh có hiểu được điều đó không? Tôi, tôi không hiểu nổi, cũng như tôi đã không hiểu được tại sao hôm qua tôi lại đến đây.” Tôi trả lời anh: “Các giáo chủ chúng ta nói: “Chân của con người đem họ đi đến nơi nào họ được gọi tới – nhưng con người không phải lúc nào cũng biết được tại sao mình được gọi tới.” Gamzou nói: “Vâng, đúng như vậy, con người đi đến nơi nào họ được gọi tới. Dù họ có muốn hay không, chân họ cũng dẫn họ tới đó. Nhiều người hỏi tôi làm sao tôi có được những bài thơ của Rav Adiel. Chính anh cũng đã hỏi tôi điều này. Nếu anh không hỏi bằng lời, có thể anh cũng đã hỏi tôi câu đó trong thâm tâm anh.” Tôi bảo anh: “Dù sao chăng nữa, tôi có hỏi anh câu đó hay không hỏi anh, anh cũng chưa kể cho tôi biết câu chuyện ra sao cả.” Gamzou nói: “Nếu anh muốn biết, thì anh hãy nghe đây: Một hôm tôi đến một làng nọ; chân tôi không muốn cho tôi đi xa hơn nữa. Tôi tự bảo: không có gì lố bịch hơn là ghé lại một cái làng bất hạnh đến thế này, ở đầy cả dân Do thái chỉ biết chút ít về Kinh thánh Tora và bị cái nghèo khó hành hạ. Họ sống vất vả bằng công việc đồng áng và buôn bán trái cây mà họ mua của những người bán trái cây trong thành phố. Thế mà, tôi tự nhủ, tôi lại muốn tìm sách ở nơi đây sao? Đến đấy, thì tôi bị vướng một ngày lễ Chabbath;[4] tôi xin đến trọ nơi nhà một người Do thái làm nghề gói trái sung và trái chà là. Tôi cùng đi với ông đến một ngôi nhà làm bằng gỗ cây dừa, đen đúa vì quá cũ. Chẳng mấy chốc tất cả những xã viên trong làng hội họp lại tại đó; họ bỏ giày ra, thắp lên một ngọn đèn bằng đất sét, ngồi xuống và đọc bài Nhã Ca;[5] họ đứng dậy và hát một bài Thánh Vịnh[6] tôn danh lễ Chabbath với một điệu nhạc rất lạ với tai chúng ta, nhưng lại có khả năng làm rung động một con tim Do thái. Vả chăng, nó cũng giống như những phong tục được truyền lại từ đời ông cha họ, là những người đã bị Nabuchodonosor, vua xứ Babylone, trục xuất khỏi Jérusalem. Ông cha họ chính là những kẻ đã dựng lên ngôi nhà cầu kinh của họ. Khi cũng chính Nabuchodonosor, vua xứ Babylone, đuổi Do thái ra khỏi Jérusalem, ông ra lệnh cho để lên vai lũ thiếu niên tất cả những cối xay trong xứ và những thiếu niên này đã đi đày với cối xay trên hai vai như vậy. Chính nhà tiên tri Jérémie[7] nói về họ như thế này: “Những thiếu niên thì mang cối xay” và ông còn nói: “Dọc đường sức tôi yếu đi.” Chúa thấy được những nỗi khổ của họ và thổi sự sống vào các tảng đá. Đá biến thành cánh bay về một xứ không có kẻ bạo tàn. Những tảng đá đó dùng làm nền cho những ngôi nhà nguyện của họ và những ngôi nhà họ ở. Trong số những thanh niên đó, có những nhà bác học rất thông thạo vế Kinh thánh Tora và về những bí mật của kinh thánh đó. Họ là những người thánh thiện. Tôi thường hay tự hỏi không biết Chúa có thích những tập tục của họ hơn những tập tục của chúng ta không. Vậy là họ đặt nền làm nhà nguyện của họ và lập ra một tập đoàn lớn, gần như một nước thật sự. Tuy nhiên, còn phải sợ rằng một ngày kia, họ sẽ biến hết trên mặt đất, vì trong số người của họ không có đàn bà. Nhưng Chúa đã mở mắt cho họ, và họ thấy những cô gái đồng trinh từ ngoài biển vào. Thánh Kinh nói về các thiếu nữ đó như sau: “Ta đem họ từ Bachan trở về, ta kéo họ từ đáy biển lên.” Vậy là mỗi người lấy một cô. Họ đẻ ra con trai và con gái và sống vui vẻ. Sự việc cứ tiếp tục như vậy; nhiều thế hệ đã qua; họ sung sướng đến nỗi quên mất Jérusalem. Và khi Ezra viết thư bảo họ trở về Jérusalem, họ không về, cho rằng Chúa đã cho họ vùng đất này và tất cả của cải chứa nơi đây. Quân đội ngoại quốc ào đến và gây chiến với họ. Chúng tàn sát họ một cách tàn nhẫn và trong số không biết bao nhiêu là người đó chỉ còn lại rất ít. Hối hận, những kẻ thoát nạn trở về Jérusalem, cùng lúc họ hiểu được rằng những người ngoại quốc đến là chỉ để trừng phạt họ. Đó là quá khứ của họ và bây giờ, tôi trở lại đoẊn đầu câu chuyện của tôi.

Khi họ đọc kinh xong, họ hôn nhau, hoặc trên vai hoặc trên râu, vừa chúc lành nhau “Chabbath Chalom”[8] rồi ai nấy về nhà mình. Tôi ngồi vào bàn ăn của chủ nhân và tôi dùng bữa ăn tối thứ sáu, cùng với hai người vợ và mấy người con của ông. Ngồi trên một chiếc chiếu, họ ăn, uống và hát những bài zemiroth, [9] những bài hát mà tôi không biết, mà tôi cũng không hề nhìn thấy trong một tập thánh ca nào cả. Ngày hôm sau, những tiếng hát một bài thánh ca đánh thức tôi dậy vào lúc rạng đông; tôi thấy chủ nhân ngồi trên một chiếc chiếu và hát những bài ngợi ca Chúa. Tôi rửa tay, lắng tai và nghe được những lời mà tôi chưa hề nghe trong đời tôi. Tôi ngạc nhiên trước giọng ca thánh thiện đó, nhưng tôi cố nín không hỏi xem ai là tác giả và tại sao nó lại thuộc quyền sở hữu của ông dân làng này. Và dù tôi có hỏi đi nữa, ông cũng không trả lời; trong những vùng này, người ta thường cố khỏi phải làm gián đoạn một bài kinh để trả lời những câu hỏi. Khi ông ta ca xong, chúng tôi đến nhà nguyện. Ở đây họ có thói quen bắt đầu làm lễ rất sớm, khi mặt trời vừa mọc.

Tất cả tập đoàn ngồi quanh bốn bức tường của nhà cầu kinh và họ hát. Trong vùng này, theo thói quen thì một người trong tập đoàn lớn tiếng đọc bài thánh ca, đọc từng chữ; sau người này, một người khác đứng lên rồi một người khác nữa. Tựa như mỗi người trong bọn họ muốn biết xem mình có xứng đáng là kẻ mang sứ mệnh tiến dẫn cho Do thái bên cạnh Đấng Tối cao không. Bài thánh ca chấm dứt, người ấy hạ thấp giọng, vì thấy mình không xứng đáng với sứ mệnh đó. Đến hồi kinh Yotser, dâng cho Đấng đã tạo ra ánh sáng, người hành lễ đến gần Cung Thánh, đọc lên những lời ban phép lành hàng ngày, trở về chỗ cũ và cả tập đoàn đọc lại những lời ban phép lành đó, những lời tạ ơn, bài kinh Chema và bài cầu nguyện mà họ đọc thì thầm. Để lặp lại bài kinh này, người hành lễ trở lại Cung Thánh. Tất cả mọi người dự lễ đứng lên nghe ông, ngây ngất, và trả lời Amen một cách nhiệt tình. Khi ông đem ra Cuộn giấy chép Kinh thánh Tora, họ có thói quen nói: Achré Haam “Sung sướng thay dân tộc nào được chia phân như vậy” và “Sung sướng thay dân tộc nào có Vĩnh Cửu là Chúa” và “Chúa sẽ ngự trị đời đời!” Sách của họ viết bằng thứ chữ lớn trên tấm da hươu và theo lệ thường người ta không được gọi quá bảy người đến đọc Kinh thánh Tora. Trong khi đọc kinh Tora, những người đàn bà đến ngồi ở ngưỡng cửa nhà nguyện. Đó là một tục lệ xưa và tôi nghe nói không một vị tsaddik nào, không một vị gaon [10] nào chống đối cả; vì trong lúc dâng Kinh thánh Tora, những ác thần không có quyền uy và đến ngày nay cũng vẫn còn như vậy.

Sau bài kinh cầu lễ Moussaf, [11] tôi trở về nhà với chủ nhân. Ông này ngồi chồm hổm trên chiếc chiếu và bắt đầu hát lên những bài thánh ca thật hay để tôn vinh Chúa đã chọn dân tộc Do thái và đã cho họ lễ Chabbath. Rồi ông lại ca lên những bài ngợi khen Do thái đã được Chabbath. Rồi, ông lại thốt lên những lời ca tụng Chabbath, vốn là lễ thánh, nên thánh hóa tất cả những ai biết tuân theo mình. Sau đó chúng tôi rửa tay và chúng tôi ngồi vào ăn. Bữa ăn chấm dứt, nhưng chưa dứt những bài zemiroth. Tôi hỏi ông ta: “Những bài ca đó, ai cho ông vậy?” Ông trả lời: “Cha tôi. Ông là một haham đại tài, ông biết được tất cả những gì người ta viết trong sách”. Tôi nói: “Thế những cuốn sách đó đâu rồi?”. Ông ta đặt tay vào cái lỗ trên tường và kéo ra một gói sách, đầy cả những bài thơ thánh, thật hay, trong số có một bài của Rabbi Dossa Ben Rabbi Panouel, tác giả bài ca El Adonn (“Đức Chúa Trời”). Ông ta không ký tên dưới bài thơ vì khiêm tốn, nhưng trong câu thứ tư, là câu ông tán tụng hành động của thiên thần “Tri thức” và của thiên thần “Lý trí”, vây quanh hào quang của Chúa – xin ngợi ca Người – ông xen vào những chữ đầu của tên ông.

Tôi cũng khám phá được trong một quyển sách những bài thơ của Mar Rav Adiel, tác giả bài thánh ca “Dân tộc mà Chúa đã tạo ra sẽ tuân theo những điều răn thánh thiện của Chúa”, cũng như những bài thơ xưa khác, tất cả đều không có tên tác giả. Tôi xin ông chủ nhà bán quyển sách đó cho tôi. Ông bảo: “Tôi sẽ không bán cho ông, dù ông có cho tôi một con bò”. Tôi nói: “Xin ông cho phép tôi chép lại hai hoặc ba bài thơ”. Ông trả lời: “Dù ông có cho tôi một con cừu, tôi cũng không cho phép ông chép nữa”. Ông ta không nhường lại cuốn sách dù để lấy một con bò và cũng không cho chép lại dù để lấy một con cừu. Thất vọng, tôi bỏ đi và vào thành phố. Ba ngày sau, ông ta tìm đến tôi và cho tôi quyển sách. Tôi biếu ông một số tiền, nhưng ông từ chối. Tôi cố nài ép, nhưng vô ích. “Có thể, tôi nói, số tiền tôi trả không vừa ý ông đấy”. “Không, ông trả lời, tôi tặng ông quyển sách với lời ban phước lành của tôi”. Tôi nói với ông: “Tại sao ông cho tôi mà không lấy gì cả?” Ông trả lời: “Chuyện đó liên quan gì đến ông? Ông muốn có quyển sách, tôi tặng nó cho ông”. Tôi nói: “Tôi không muốn lấy nó mà không trả tiền. Tôi sẽ trả cho ông đúng giá của nó”. Ông ta chắp tay sau lưng và bỏ đi. Thật khó xử cho tôi khi phải lấy của một người nghèo như thế kia một món đồ quí giá đến như vậy mà không trả tiền.

Tôi đi gặp những bậc hiền triết trong thành phố để nhờ họ khuyên bảo. Khi họ thấy tôi, tức thì họ lật đật đi ra đón tôi và tiếp tôi rất nồng hậu. Tôi nói với họ: “Thưa các ngài, các ngài đã thấy được cái gì nơi tôi mà lại cho tôi được cái hân hạnh này vậy?” Họ trả lời tôi: “Làm sao chúng tôi có thể không tôn kính một người được ân sủng của Trời?” “Các ngài đã nói một điều mà tôi tự thấy không xứng đáng. Do đâu mà các ngài cho là Trời ban đặc ân cho tôi thế?” Họ trả lời: “Một người đàn ông trong làng đã đến đây và kể lại cho chúng tôi nghe ông ta nằm mơ thấy thế này: người ta bảo ông ta đem tặng cho ông một quyển sách mà cha ông ta đã để lại, và cha ông ta đã nhận quyển sách của ông nội ông ta, một quyển sách truyền từ đời này sang đời khác”. Tôi bảo họ: “Cũng vì cuốn sách ấy mà tôi đến thăm các ngài đây. Các ngài thử đánh giá nó đi và tôi sẽ trao cho các ngài số tiền đó”. “Xin Chúa chớ để chúng tôi lấy tiền của ông!”, họ nói. “Tôi thề với các ngài, tôi sẽ không rời khỏi nơi này trước khi các ngài chịu cho tôi biết các ngài đánh giá quyển sách này là bao nhiêu”. Trước sự bướng bỉnh của tôi, họ nhận lấy vài đồng vàng. Tôi trao cho họ số tiền đó. Tôi không biết cái ông nghèo khổ kia có nhận số tiền mà tôi để lại cho ông ta hay không. Có thể người ta đã bảo cái ông nằm mơ nọ đem số tiền cúng cho một hội từ thiện nào đó và ông ta đã làm theo. Đấy là câu chuyện tập thơ đó, tập thơ mà tôi đã có được hồi tôi làm quen với Guemoula.

 

[còn 2 chương]

_________________________

[1]Maguen-David, cái mộc của David, vua Do thái vào khoảng 1010-970 trước Kỷ nguyên Tây lịch.

[2]Trường cao cấp chuyên nghiên cứu Pháp điển Do thái [Kinh Talamud], hay là chủng viện rabbi Do thái. Những người theo học ở đây gọi là Yechivoth.

[3]Hay tsadik [zađik] người ngay thẳng và thánh thiện, đức độ, người dẫn đạo tinh thần của một cộng đồng Hassidic.

[4]Ngày nghỉ thiêng liêng cuối tuần mà theo luật của Moise thì người Do thái phải tuân theo, ngày dành cho Chúa. Cũng viết là Sabbath.

[5]Cantique des Cantiques, một tập thơ trong Thánh Kinh.

[6]Psaume.

[7]Một trong những nhà tiên tri lớn nhất của Do thái [vào khoảng 650-590 trước Kỷ nguyên Tây lịch].

[8]Bình yên ngày Sabba. Lời chào và từ giã.

[9]Số nhiều của chữ zérima, những bài hát tôn giáo, thường hát quanh bàn ăn trong ngày Sabba.

[10]Học giả tôn giáo, người có thế giá về Luật; danh hàm của những vị đứng đầu các Hàn lâm giáo sĩ Do thái.

[11]Tiếng Hy bá là Mùsàpha, lễ buổi sáng thêm vào ngày Sabbath hoặc vào các lễ khác.

 

-------------------------
“Trăng trên thung lũng Jerusalem” dịch từ bản Pháp ngữ của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Jérusalem (Paris: Albin Michel, 1959). Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là một tập tuyển những truyện ngắn và những đoạn trích văn rời rạc của Ch.-Y. Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thu Hồng đã được in thành sách năm 1969 ở Saigon, do Nhà Trình bầy xuất bản, dưới cùng tên truyện, Trăng trên thung lũng Jerusalem, 176 trang, Diễm Châu giới thiệu, bìa & phụ bản Hoàng Ngọc Biên.
 

 

Đã đăng:

... Trăng chiếu sáng rực và cả thành phố nằm trọn trong vùng ánh sáng đó. Ai được thấy một đêm như vậy sẽ không ngạc nhiên về việc những kẻ mộng du rời giường mình để đi bách bộ dưới trăng... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” ... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cái vỏ cam (truyện / tuỳ bút)  - Agnon, Shmuel Yosef
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021