thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những niềm hoan lạc của sự tha thứ

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MARCEL MARIËN

(1920-1993)

 

Marcel Mariën, người Bỉ, sinh ở Antwerp, là một trong những nghệ sĩ tạo hình nổi danh của phái siêu thực ở Bỉ. Ông còn là nhà thơ, nhà viết tiểu luận, nhà nhiếp ảnh, và nhà làm phim. Ngoài vô số tác phẩm mỹ thuật, ông đã viết và xuất bản hơn một chục cuốn thơ và văn xuôi. Năm 1854 ông thành lập nhà xuất bản Les Lèvres Nues, rồi cùng Christian Dotremont và Paul Colinet điều khiển tạp chí Le Ciel Bleu. Từ năm 1963, ông sang Trung Quốc làm việc như một nhà dịch thuật, nhưng năm 1965 ông trở về Bỉ vì hoàn toàn thất vọng với chủ nghĩa Mao. Năm 1983, ông tung ra cuốn tự truyện Le Radeau de la Mémoire và gây xôn xao dư luận vì những tiết lộ cực kỳ táo bạo về đời tư của chính ông. Marcel Mariën, tất nhiên, là một con người rất khác thường trong cả nghệ thuật và đời sống.
 
Truyện ngắn dưới đây nằm trong tuyển tập The Belgian School of the Bizarre: An Anthology of Short Stories (1998), gồm những truyện ngắn khác thường của 16 tác giả của nước Bỉ, do Kim Connell chọn lựa, biên tập và dịch thuật.
 

_________

 

NHỮNG NIỀM HOAN LẠC CỦA SỰ THA THỨ

 

Vào thời của những kẻ tiên phong khai điền lập ấp ở Nouvelle-Écosse, một người đàn bà rất trẻ, tên là Yvonne-Marie Née, bị bắt quả tang đang phạm tội gian dâm và bị kết án phải phô bày loã thể trước sự nhục mạ của công chúng.

Họ đem nàng ra giữa chợ, trói nàng vào một cái bàn, kéo cho hai chân giơ lên, và vén váy nàng đến hông. Rồi họ cột hai mắt cá chân nàng vào hai cái cọc dang rộng qua hai bên để cho xác thịt trần truồng của nàng bị phô bày như miếng thịt treo trong cửa sổ tiệm bán thịt.

Một bà già lãnh cảm chịu trách nhiệm trông chừng lũ trẻ con đang ở trong một sân trường có cổng được khoá kỹ. Cả làng, gồm 367 người đàn ông và đàn bà, diễn hành qua chỗ người thiếu phụ bị trói. Khi họ đi ngang qua cô gái bất hạnh, từng người dừng lại, ngắm nghía nàng một lát, rồi nhổ nước miếng lên cái phần thân xác mà nàng đã chuốc lấy tội lỗi.

Khi người áp chót đã trình diễn sự ghê tởm của hắn, thì người chồng bị mất mặt của nàng từ cuối đoàn diễn hành bước đến. Mọi người đều tin rằng sự trả thù của chàng sẽ vượt qua óc tưởng tượng của họ và chàng sẽ là người làm cho đống nước miếng trên thân xác nàng phải đầy tràn ra. Thế nhưng, thay vì vậy, chàng nhìn nàng một hồi lâu với đôi mắt đầm đìa lệ. Người vợ của chàng đã ngất đi vì nhục nhã, và cái bụng đẹp đẽ của nàng đã ngập ngụa dưới đống nước miếng của toàn dân trong làng.

Rồi chàng cúi xuống phần xác thịt mềm mại, nhơ nhớp của nàng, và chậm rãi đưa lưỡi ra, liếm sạch cái đống nhục nhã nhầy nhụa ấy. Dần dần hồi tỉnh, Yvonne-Marie thoát khỏi nỗi đau đớn tàn khốc của nàng. Tâm hồn lắng dịu lại, nàng mỉm cười và ngửa cổ lên, diện-đối-diện với màu xanh vô hạn của bầu trời bao dung cao thượng.

 

 

------------
Dịch từ bản Anh ngữ, " The Pleasures of Forgiveness", trong The Belgian School of the Bizarre: An Anthology of Short Stories, edited and translated by Kim Connell (Madison, New Jersey: Fairleigh Dickinson University Press, 1998).
 

 

 

Đã đăng:

Những nấm mồ không đánh số  (truyện / tuỳ bút) 
... Một hôm, chàng tránh tia mắt của gã đốc công, lẻn ra khỏi đám người làm, và từ độ cao mười mét, chàng lao mình xuống lòng máy xay thịt khổng lồ đang quay hết tốc lực... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cái tôi không bao giờ cô đơn  (truyện / tuỳ bút) 
... Nỗi cô đơn đã giam cầm nó vào cái tôi của nó — một cái tôi không ngừng hiện diện — tuy thế, nó vẫn cố gắng nhớ rằng nó cũng hiện hữu bên ngoài cái tôi ấy, ngay cả cho dù sự hiện hữu này chỉ như sự hiện hữu của một vật thể đơn thuần trên hòn đảo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021