thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Borges viết từ bên kia thế giới

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

JIŘÍ KRATOCHVÍL

(1940~)

 
Jiří Kratochvíl là một nhà văn Tiệp, tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và kịch bản. Ông đã bắt đầu xuất bản từ những năm 1960, nhưng lập tức bị hệ thống kiểm duyệt của chế độ cộng sản ngăn cấm, nên suốt 20 năm sau đó ông trở thành một nhà văn “ngoài luồng”, chỉ lén xuất bản dưới hình thức samizdat. Ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, ông nhanh chóng trở thành một trong những nhà văn đương đại của Tiệp được dịch ra ngoại ngữ nhiều nhất. Cho đến nay, nhiều tác phẩm của ông đã được xuất bản qua hơn 10 ngoại ngữ, và đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học.
 
Jiří Kratochvíl đã xuất bản hàng chục cuốn tiểu thuyết, nhưng với những truyện ngắn độc đáo của ông, ông thường được độc giả xem như một Jorge Luis Borges của văn chương Tiệp đương đại. Trong truyện ngắn của ông, điều nổi bật nhất là nỗ lực khám phá những thủ pháp mới và những ý tưởng lạ. Truyện nào cũng đem đến cho độc giả một điều gì đó đáng ngạc nhiên, thích thú. Ông cũng là một nhà văn thành công về truyện cực ngắn. Cuốn Má lásko, postmoderno [Tình yêu tôi, hậu hiện đại] (Atlantis, 1994; Heron Press, Bulgaria, 2001) gồm 37 truyện “một phút”, lấy cảm hứng từ cuốn One Minute Novels của Peter Altenberg. Mỗi truyện “một phút” này được viết bằng cách khai triển từ một câu văn của Peter Altenberg, kết hợp với vô số thủ pháp khác nhau đầy tính khôi hài, huyễn tưởng và nhục cảm, có khả năng hàm chứa và diễn đạt nhiều ý nghĩa khác nhau trong tinh thần hậu hiện đại.
 
Dưới đây, tôi xin gửi đến độc giả một truyện ngắn của Jiří Kratochvíl. Đây là một truyện mang nét “hiện thực thần kỳ” (magical realism) kết hợp với thủ pháp metafiction hậu hiện đại. Nhan đề “Borges viết từ bên kia thế giới” là của người dịch.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn

 

__________

 

BORGES VIẾT TỪ BÊN KIA THẾ GIỚI

 

Một hôm vào mùa xuân năm 1981 tôi đến thành phố Pardubice, phía bắc Brno, để gặp một phụ nữ trẻ trên là Romana. Lúc ấy nàng đang dịch một bức thư tôi đã viết để gửi cho nhà văn xứ Á-căn-đình Jorge Luis Borges, một bức thư đầy rẫy những ẩn ý văn chương, những kiểu tán dương cầu kỳ và những cử chỉ ngưỡng mộ huê dạng.

Romana — lúc vừa tốt nghiệp trung học đã kết hôn với một người Á-căn-đình chuyên nghề đóng thịt hộp — có hứa với tôi rằng nàng sẽ không chỉ dịch bức thư mà còn sẽ đích thân mang nó đến đọc cho nhà văn mù nghe, ngay cả nếu như nàng phải đi Thuỵ-sĩ, nơi Borges đang trải qua phần lớn những tháng ngày khiếm thị của ông. Và khi nàng trở lại Pardubice để viếng thăm mẹ của nàng, nàng sẽ kể cho tôi nghe bức thư ấy đã được đón nhận như thế nào.

Nhưng rủi thay, nàng không bao giờ trở lại để kể cho tôi về bức thư ấy nữa. Sau này tôi nghe nói nàng có thể là một nhân viên phản gián của KGB, mặc dù người ta cũng nói rằng nàng làm việc cho cả hai phía, và có kẻ đã hạ sát nàng — như cách họ thường đối xử với các nhân viên phản gián. Sau đó tôi có dăm ba lần suy nghĩ về nàng, đặc biệt về cái chuyện mà nàng đã giãi bày với tôi, rằng trong những gia đình người Á-căn-đình giàu có như gia đình bên chồng của nàng, có một sự sùng kính nhiệt tình như một thứ giáo phái chung quanh tên tuổi của Jorge Luis Borges.

Và rồi tôi quên bẵng chuyện đó. Nhiều năm trôi qua, đến khi chế độ cộng sản đang thở hổn hển vì hụt hơi như một tay bợm nhậu già nua ngồi trong quán rượu, thì lúc ấy, Borges đã từ trần được mấy năm rồi. Một ngày nọ tôi đi đến một quảng trường ở ngoại ô Brno, đúng ra đó là một thảo viên công cộng, nơi có pho tượng một người bán hàng bình dân nào đó mới được dựng lên; tôi ngước nhìn và thấy trên bệ tượng có khuôn mặt một người đàn bà được điêu khắc vào đá. Kỳ thực, đó là khuôn mặt của Romana. Đúng ra tôi không trông thấy nàng đã quá lâu, nhưng nàng là một người mà tôi không thể không ghi vào ký ức cho đến ngày tôi chết.

Thế nhưng tôi đã không dừng lại để nhìn kỹ hơn như bạn dự tưởng. Thay vì vậy, hoảng hốt vì những gì mình trông thấy, tôi vội vã rời khỏi công viên. Chỉ đến khi về tận nhà, tôi mới nghĩ lại về chuyện đó; sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm và đi trở lại nơi ấy vào một giờ chỉ có gió đuổi theo những chiếc lá trên đường phố. Thế rồi, khi tôi có thời gian để nhìn ngắm pho tượng một cách kỹ lưỡng (quả thật đó là Romana trên bệ tượng, được nắm bắt bởi nhà điêu khắc đúng vào khoảnh khắc tôi trông thấy nàng lần cuối cùng lúc chúng tôi chia tay tại một góc phố ở Pardubice: nàng đã bước đi rồi, nhưng đầu nàng vẫn còn hơi ngoái lại phía tôi), tôi mới nhận ra một điều mà tôi đã không thấy khi xem lần đầu tiên. Cái mà tôi tưởng là chiếc cổ áo dựng lên của Romana, thật ra, lại là đôi bàn chân có vuốt nhọn của một con chó to lớn đang đeo trên lưng của nàng bằng cách choàng hai chân trước quanh đôi vai của nàng.

Tôi để cả tuần lễ trôi qua trước khi trở lại công viên ấy vào một đêm khuya. Trong khoảng thời gian đó, một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra. Con chó đã biến thành một con sói và nó không bám trên lưng của Romana mà lại bám trên lưng một con sói cái khổng lồ, và con sói cái đang chồm lên trên hai chân sau như một con con ngựa cái đang nhảy múa. Đứng giữa công viên ấy, chung quanh là những cao ốc với những khung cửa sổ lốm đốm ánh sáng, tôi cảm thấy như mình ở trong một bể cá tối tăm giữa một căn phòng có thắp đèn. Sau khi do dự chốc lát, tôi trèo lên bệ tượng, đánh một que diêm và quan sát kỹ lưỡng cái đầu xấu xí của con sói cái. Hàm răng của nó nhe ra với vẻ khoái trá của một dã thú.

Tôi sẽ không làm bạn mất thời gian chờ đợi, vì mọi sự bây giờ diễn ra một cách nhanh chóng. Những ngày kế tiếp tôi có thể bắt gặp pho tượng ấy trong lúc nó tiếp tục thay đổi. Trước hết, có một con rắn đá khổng lồ đang siết một con đà mã đá hay con thú tương tự nào đó, thế rồi, nó nhanh chóng đổi thành những cảnh thiên nhiên từ những cánh rừng nguyên thuỷ ở Á-căn-đình với những hình ảnh từ thần thoại. Tôi thích thú nhìn ngắm pho tượng trong lúc thiên hạ đi dạo qua công viên và ngồi trên những băng ghế như thể không có điều gì thay đổi; họ hành xử như thể mọi sự đều hoàn toàn bình thường trong lúc, ngay giữa công viên, pho tượng biến thành hình ảnh một con độc giác mã đứng trên lưng một con voi, hay hai con gà đang đá nhau.

Một lúc sau, tôi mới hiểu ra mọi sự: đó là một cuộc viết sinh động bằng hình tượng! Tôi nhận ra rằng, từ một cõi nào đó mà Borges đang trú ngụ, ông đang trả lời bức thư của tôi. Nhưng trong chốc lát sau đó, tôi lại nhận ra rằng tôi đã lầm.

Đó không phải là một lời hồi đáp cho bức thư của tôi, mà đúng ra Borges muốn diễn tả sự tin cậy của ông đối với tôi một cách vô ngôn. Với cuộc viết sinh động bằng hình tượng của ông, ông đang trình bày cho tôi cái truyện mới nhất của ông từ một cõi nào đó mà ông đang trú ngụ. Và mất một thời gian dài tôi mới có thể đọc được cuộc viết này chỉ một chút xíu. Đến lúc này, văn bản của cái truyện đã quấn chung quanh bệ tượng được sáu lần rồi, và tôi đã có thể nắm được một chút ý nghĩa của những diễn biến của truyện. Và ở đây tôi đã nhận ra một điều gì đó khiến tôi khoái trá. Borges đã có lần viết một truyện ngắn, “Phép Lạ Bí Mật”, và truyện ấy đã diễn ra ở Prague trong thời gian bị Đức Quốc Xã chiếm đóng (nhân vật chính là nhà văn Jaromír Hladík), và giờ đây tôi đã có ngay trước mắt tôi một truyện khác của Borges với một đề tài về nước Tiệp.

Cuối cùng, sau một nỗ lực to lớn (một sự hy sinh mà tôi vui lòng cống hiến cho bậc Tôn Sư của tôi), tôi đã thành công trong việc ghi lại, từ cuộc viết sinh động bằng hình tượng của ông, hai câu đầu tiên của cái truyện mới: Một hôm vào mùa xuân năm 1981 tôi đến thành phố Pardubice, phía bắc Brno, để gặp một phụ nữ trẻ trên là Romana. Lúc ấy nàng đang dịch một bức thư tôi đã viết để gửi cho nhà văn xứ Á-căn-đình Jorge Luis Borges... Nhưng tôi không thể ghi thêm được chút nào nữa. Nó khiến tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Tôi sẽ không bao giờ biết những gì còn lại của câu truyện.

Trong lúc này, tại một công viên nhỏ ở ngoại ông thành phố Brno, một văn bản vô danh của Borges vẫn đang hoài công diễn ra và lặp lại, được viết bằng những hình tượng sinh động.

 

 

------------
Dịch từ bản Anh ngữ của G.S. Evans, “Borges 2”, đăng trên The Cafe Irreal, Issue 36, November 1, 2010.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021