thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hiện thân không tên | Gặp gỡ | Esse
(Nguyễn Phan Thịnh chuyển ngữ)
 

Hiện thân không tên

 
Lý trí con người đẹp đẽ và vô địch,
không rào cản, không dây thép gai, không bụi sách nghiền nát,
không án lưu đầy nào có thể khuất phục.
 
Nó thiết lập những ý tưởng hoàn vũ trong ngôn ngữ,
và dẫn dắt bàn tay chúng ta viết Sự Thật và Công lý
bằng chữ hoa, dối trá và áp bức chữ thường,
 
Nó đặt lên cao những gì phải cao hơn mọi thứ khác,
là kẻ thù của tuyệt vọng và bạn hữu của hy vọng.
 
Nó không phân biệt người Do Thái với người Hy Lạp hay nô lệ với ông chủ,
trao cho chúng ta trông coi cả tài sản thế giới .
 
Nó cứu vớt những từ ngữ mộc mạc trong sáng
khỏi mớ bòng bong ghê tởm của những lời chữ bị tra tấn.
 
Nó nói rằng mọi sự đều mới lạ dưới ánh mặt trời,
và mở nắm tay đông cứng của quá khứ.
 
Đẹp đẽ và trẻ trung là triết học
và thi ca, đồng minh của lý trí phục vụ điều thiện.
mãi hôm qua Thiên Nhiên mới ăn mừng chúng ra đời,
tin tức được truyền đến những rặng núi bởi một con tê giác và một tiếng dội,
tình bạn của chúng sẽ vinh quang, thời của chúng là vô hạn,
mọi kẻ thù của chúng đã tự gieo thân vào huỷ diệt.
 
Berkeley 1968
 
 

Gặp gỡ

 
Chúng tôi ngồi trên toa tàu đi qua những cánh đồng băng giá lúc rạng đông,
Một cánh đỏ mọc trong tối đen.
 
Bỗng dưng một con thỏ rừng chạy băng qua đường,
Một người trong chúng tôi giơ tay lên chỉ.
 
Đã qua lâu rồi. Ngày nay cả hai chẳng ai còn sống,
Con thỏ rừng lẫn người giơ tay.
 
Hỡi em yêu, bây giờ họ ở đâu, họ đang đi đâu
Bàn tay nháng lên, bước chạy vút nhanh, tiếng lao xao sỏi đá
Tôi hỏi chẳng phải vì buồn, mà vì kinh ngạc.
 
Wilno, 1936
 
 

Esse

 
Tôi nhìn gương mặt ấy, lặng người. Những ngọn đèn nhà ga métro lướt qua; tôi không để ý. Biết làm gì khi cái nhìn của chúng ta thiếu sức mạnh vô hạn để háo hức nhìn mê mẩn các đối tượng, trong thoáng giây, chẳng còn lại gì nhiều hơn một khoảng trống không của một hình thể lý tưởng, một ký hiệu giống như chữ tượng hình được đơn giản hóa từ hình vẽ một động vật hoặc một con chim. Một cái mũi hơi hếch, một bờ trán cao với mái tóc bóng mượt chải ra sau, đường nét của cái cằm – nhưng tại sao cái nhìn lại không có sức mạnh tuyệt đối? – và trong sắc trắng pha hồng khắc sâu hai lỗ chứa một thứ dung nham đen óng ánh. Thu hút gương mặt ấy để cùng lúc có được nó trên nền hậu cảnh là tất cả mọi cành xuân, những bức tường, những con sóng, trong tiếng khóc tiếng cười của nó, đưa nó lui lại mười lăm năm hay tới trước ba mươi năm. Để có nó. Đây thậm chí không phải là một thèm muốn. Như một con bướm, một con cá, một thân cây, chỉ kỳ bí hơn thôi. Và như vậy điều xảy đến cho tôi là sau bao lần hoài công gọi tên trần gian, tôi chỉ có thể lặp lại, gảy mãi lên một dây đàn harp, dây đàn cao nhất, lời thú nhận độc nhất không sức mạnh nào có thể đạt tới xa hơn: tôi hiện hữu, nàng hiện hữu. Hãy kêu to, thổi những cây kèn đồng, diễu hành đông cả ngàn, nhảy lên, xé tan áo quần, chỉ lập đi lập lại: hiện hữu!
 
Nàng xuống xe ở Raspail. Tôi bị bỏ lại đằng sau giữa mênh mông vạn hữu. Một miếng bọt biển, đau khổ vì tự nó không thể đẫm ướt; một dòng sông, khổ đau vì bóng mây trời cây cỏ không phải là cây cỏ trời mây.
 
Brie-Comte-Robert, 1954
 
------------------------------------------------
Czesław Miłosz, The Collected Poems 1931-1987” (London: Viking/Penguin, 1988)
* Bản dịch Anh ngữ của Czeslaw Milosz và Robert Pinsky.
 
----------------------------
CZESŁAW MIŁOSZ, nhà thơ Ba Lan, Giải Nobel Văn Chương 1980, đã được dịch giả Diễm Châu giới thiệu tiểu sử và chuyển ngữ một số thi phẩm trên tienve.org. Ông vừa từ trần ngày 14-8-2004.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021