thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
8 bài thơ văn xuôi trong LE CORNET À DÉS và DERNIERS POÈMES
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
MAX JACOB
(1876-1944)
 
Max Jacob [1876-1944] là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, người viết tiểu luận, một hoạ sĩ nổi tiếng, được coi là gương mặt thực sự nối kết giữa hai trường phái tượng trưng và siêu thực ở Pháp – biểu hiện trước tiên từ những bài thơ văn xuôi trong tập Le Cornet à dés [1917] và cả trong những tranh của ông qua các cuộc triển lãm ở Pháp cũng như ở Mỹ [New York, 1930 & 1938]. Ông sinh ngày 12.7.1876 ở Quimper, Bretagne, tây bắc nước Pháp, trong một gia đình Do-thái. Suốt thời thơ ấu ông sống ở đây, trước khi dời lên Paris, vào Trường thuộc địa, rồi bỏ trường [1897] để theo đuổi nghệ thuật, lui tới khu Montmartre, và trở thành chứng nhân của sự ra đời tươi mát của trường phái lập thể. Ông giao du với nhiều bạn bè trong giới thơ ca và hội hoạ tiền vệ đầu thế kỷ XX, trong số đó có Pablo Picasso [năm 1901, và sau đó có thời gian sống và vẽ chung trong một studio với hoạ sĩ này trên Đại lộ Voltaire], George Braque, Henri Matisse, Guillaume Apollinaire, Jean Cocteau, Juan Gris, Amedeo Modigliani, André Salmon... – kể cả một người cũng làm nghệ thuật nhưng về sau lại nổi tiếng như một nhà lãnh đạo kháng chiến: Jean Moulin. Max Jacob sống rất nghèo, có thời ở trong một căn hộ không có ánh mặt trời, ngày đêm bốc khói một ngọn đèn vàng, và phải kiếm ăn bằng đủ thứ nghề, trong đó, theo ông, có cả nghề... dạy đàn dương cầm. Năm 1909, ông cho rằng mình “thiên cảm” thấy chúa Christ và đã rửa tội năm 1915. Sau đó, kể từ 1921 đến 1928, ông sống quanh quẩn trong xứ đạo dòng thánh Benoît, nơi có tu viện Saint-Benoît-sur-Loire [Loiret], vì ao ước được “trốn khỏi Paris, tìm một nơi nghỉ ngơi và làm việc” – như trong thư ông gửi Maurice Sachs đầu năm 1926. Và quả đúng vậy, nhiều tác phẩm văn học quan trọng của Max Jacob đã được chuẩn bị hoặc hoàn thành trong tám năm sống và làm việc hết mình ở vùng họ đạo này. Chính cuộc sống tinh thần và nghệ sĩ của ông đã làm nên những dòng thơ bàng bạc không khí tâm linh tôn giáo, cộng với một thứ ngôn ngữ tung hứng tuyệt đẹp và một giọng điệu mỉa mai khinh bạc. Sau mấy năm [1928-1935] sống loanh quanh giữa đạo và đời, giữa Paris với những hoạt động văn nghệ “hoa lệ” và ngôi làng nhỏ tu viện của ông, năm 1936 Max Jacob trở lại Saint- Benoît -sur-Loire, với ý định vĩnh viễn sống ở đây. Sáng sớm ngày 24 tháng Hai 1944, trong một cuộc bố ráp của linh Đức, ông bị Gestapo ở Orléans bắt vì nguồn gốc Do-thái,* đưa vào Trại giam de Drancy. Một cơn bão dữ dội của nhiều nhà văn nhà thơ và nghệ sĩ như Jean Cocteau, Sacha Guitry... nổi lên, can thiệp cho ông được trả tự do, nhưng vô hiệu. Max Jacob bị sưng phổi, kiệt sức, và qua đời ngày 5 tháng Ba 1944 trong trại giam.
 
Chỉ riêng về văn học, Max Jacob đã để lại cho người đọc một danh sách dài những tác phẩm độc đáo và đa dạng. Chọn nêu ra những tác phẩm sau đây chắc chắn sẽ để lộ một sự thiếu sót không dễ tha thứ: Saint-Matorel [1911, Picasso minh hoạ], Œuvres burlesques et mystiques de Frère Matorel [1912, với tranh vẽ của Derain], Le Siège de Jérusalem [1914, Picasso minh hoạ], Le Cornet à dés [1917], La Défense de Tartuffe [1919], Le Laboratoire central [1921], Le Cabinet noir [1922], Art Poétique [1922], Visions infernales [1924], Les Pénitents en maillots roses [1925], Le Tableau de la Bourgeoisie [1929], Rivage [1931], Ballades [1938], Derniers poèmes [1945]...
 
Ngoài tên thật là Max Jacob, ông còn viết dưới ít nhất hai bút danh, Leon David và Morven Gaëlique.
 
Cho đến ngày hôm nay, nhiều hội nghị, hội thảo, triển lãm về Max Jacob đã được tổ chức nhiều nơi, ở Pháp cũng như trên thế giới. Riêng tại thành phố quê hương ông, người ta đã lấy tên Max Jacob để đặt tên đường và tên câu lạc bộ thành phố.
 
Ngày thứ Bảy 11 tháng Mười 2008 vừa qua, tại “Salon de la revue”, Espaces des Blancs Manteaux, Paris, ban biên tập Les Cahiers Max Jacob đã giới thiệu một hồ sơ có tên là “Max Jacob nhân vật tiểu thuyết”.
 
------------------
* Anh chị em ông đều bị săn lùng, bị bắt vào các trại giam, riêng chị ông và chồng bị giết hại bằng hơi ngạt ở Auschwitz.
 
 

Phố Ravignan

 
“Người ta không tắm hai lần trong cùng một dòng sông”, triết gia Héraclite bảo. Thế tuy nhiên, lúc nào cũng vẫn từng ấy người bước lên con dốc! Cùng những giờ khắc trong ngày, họ đi qua lúc vui lúc buồn. Tất cả các bạn, những kẻ đi qua phố Ravignan, ta đều lấy tên những người quá cố trong Lịch sử để đặt cho các bạn! Đây là Agamemnon! Đây là Bà Hanska! Ulysse là một người đi giao sữa! Khi Patrocle xuất hiện phía dưới đường thì một tên vua Pharaon đã ở ngay cạnh ta. Castor và Pollux là hai mệnh phụ ở tầng năm. Thế nhưng ông, ông lão nhặt đồ phế thải, chính lão là kẻ trong buổi sáng thần tiên đã bước vào nhà để lấy đi mớ rác còn tươi rói khi ta đang tắt ngọn đèn lớn, lão là kẻ ta không quen biết, ông lão bí ẩn nghèo hèn, ông, kẻ lượm đồ phế thải, ta đã cho ông tên của một người nổi danh và cao quí, ta đã đặt tên ông là Dostoïevsky.
 
 
 

Cung cách trong giới văn chương I

 
Khi một đám các ông gặp một đám khác, hiếm có những lời chào hỏi không xen lẫn với những nụ cười. Khi một đám các ông gặp một ông, nếu như có một lời chào hỏi quá đáng, thì những lời chào giảm dần và, có khi, người cuối cùng trong đám còn không buồn chào. Dường như tôi có lần viết là bạn từng cắn một người đàn bà ở đầu vú và máu chảy ra. Nếu bạn nghĩ tôi từng viết như thế, tại sao bạn phải chào tôi? Và nếu tôi nghĩ là bạn từng làm như thế, tôi có sẽ chào bạn không? Chúng ta gặp nhau ở nhà một bà mệnh phụ mập ú mang kính và mặc một cái áo choàng len đan, bạn bắt tay tôi, thế rồi chúng ta đứng trong phòng có chiếc ghế thủng đáy[1] của bà mệnh phụ và bạn lấy những cái gối dựa của chiếc ghế thủng đáy ném lên đầu tôi. Những cái gối chính hiệu thế kỷ XVIII. Người ta đồn là tôi cũng thế, tôi đã ném gối lên người bạn thay vì tự biện bạch. Tôi không biết chuyện đó có thật hay không. Khi đám bạn bè tôi gặp bạn, nếu tôi là người cuối cùng và là người không chào hỏi, xin bạn chớ nghĩ ấy là do chuyện những cái gối dựa; thế nhưng, nếu đám bạn của tôi gặp đám bạn của bạn và có những nụ cười trao đổi qua lại, xin bạn chớ nghĩ có nụ cười nào đó từ tôi mà ra.
 
 
 

Cung cách trong giới văn chương II

 
Một thương gia ở la Havane gửi cho tôi một điếu xì gà bọc vàng có người đã ngậm hút một chút. Trước bàn ăn, các nhà thơ bảo rằng ấy là để chế nhạo tôi, nhưng ông già người Tàu là người mời chúng tôi đến ăn thì bảo rằng đấy là cái tục lệ xưa ở la Havane, khi người ta muốn biểu lộ một vinh hạnh lớn. Tôi đưa ra hai bài thơ tuyệt hay mà một học giả bạn tôi đã dịch cho tôi trên giấy, bởi lẽ tôi rất thích bản dịch miệng của ông ta. Các nhà thơ bảo rằng những bài thơ ấy ai cũng biết và chẳng đáng giá gì. Ông già Tàu bảo rằng các nhà thơ không thể biết những bài thơ ấy, bởi lẽ chúng chỉ có một bản viết tay duy nhất và bằng tiếng pehlvi,[2] là thứ ngôn ngữ các nhà thơ không biết. Các nhà thơ bấy giờ bèn phá ra cười ồn ào như những đứa trẻ và ông già Tàu buồn bã nhìn chúng tôi.
 
 
 

Người đàn bà ăn xin ở Naples

 
Hồi tôi sống ở Naples, nơi cửa ra vào dinh tôi ở lúc nào cũng có một bà ăn xin được tôi ném cho mấy đồng tiền trước khi lên xe. Một ngày nọ, lấy làm lạ là không bao giờ nghe được những lời cám ơn, tôi nhìn kỹ bà ăn xin. Thế mà, khi tôi nhìn, tôi nhận ra cái tôi cứ ngỡ là một bà ăn xin, chỉ là một cái thùng gỗ sơn màu xanh lá cây chứa đất đỏ và năm ba trái chuối đã bị thối rữa mất một nửa.
 
 
 

Văn học và thơ ca

 
Đấy là vùng phụ cận Lorient, trời nắng chói chang và chúng tôi đi dạo, nhìn mặt biển dâng cao vào những ngày tháng Chín ấy, dâng cao và phủ lên cả rừng cây, cảnh vật, những vách đá. Rất sớm, chống chọi với biển xanh chỉ còn có những lối đi uốn khúc dưới những tán cây và các gia đình xích lại gần nhau. Trong chúng tôi có một chú bé mặc đồ lính thủy. Cậu bé buồn; cậu nắm tay tôi: “Thưa ông,” cậu bé nói, “cháu từng ở Naples; ông có biết là ở Naples có rất nhiều con đường nhỏ; trên những con đường ấy người ta có thể đứng một mình mà không ai nhìn thấy: ấy không phải là vì có đông người ở Naples mà là vì ở đấy có nhiều đường nhỏ đến nỗi lúc nào cũng chỉ có một con đường thôi cho mỗi người.” – “Ôi cái thằng bé này còn nói dối với ông chuyện gì nữa đây,” người cha nói với tôi, “nó chưa bao giờ đến Naples.” – “Thưa ông, con trai ông là một nhà thơ.” – “Thế thì tốt, nhưng nếu nó là một nhà văn học thì tôi sẽ vặn cổ nó!” Những lối đi uốn khúc nước biển còn để ráo khô đã làm cậu bé nghĩ đến những đường phố ở Naples.
 
 
 

Xứ sở của những ngọn đồi

 
Tôi đi đến một ngọn đồi trên đỉnh phủ toàn những đồng cỏ; cây cối bao quanh đồi và người ta nhìn thấy gần mình còn có những ngọn đồi khác. Tôi gặp cha tôi ở khách sạn, người bảo tôi: “Ta cho gọi con đến đây để cưới vợ!” – “Nhưng con không có bộ đồ đen!” – “Cái đó không sao; con sẽ lấy vợ, đó là chuyện chính yếu!” Tôi đi bộ đến nhà thờ và tôi nhận ra là người ta đã dành cho tôi một thiếu phụ xanh xao. Buổi chiều, tôi đã ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cuộc lễ: bao quanh đồng cỏ là những dãy ghế băng; những cặp nam nữ đi vào, những người quý tộc, vài nhà bác học, những người bạn thời trung học, trên những bãi đất lồi lõm, dưới những tàng cây. Tôi đột nhiên muốn vẽ. Thế còn vợ tôi? A! đây chỉ là một trò đùa, phải thế không? Người ta không làm lễ cưới cho những người không có bộ đồ đen, theo mốt Anh-cát-lợi. Thị trưởng là một ông hiệu trưởng trường tiểu học. Ông đọc một bài diễn văn trước cánh đồng cỏ, bảo rằng người ta đã cưới vợ cho tôi mà không đếm xỉa gì đến tôi, bởi vì người ta biết hiện trạng vận số hai bên. Đến đó thì tôi nén lại những tiếng nức nở nhục nhã và tôi viết ra trang này đây, nhưng là viết với nhiều văn chương lố bịch hơn.
 
 
 

Những phép lạ có thật

 
Cái lão linh mục hiền lành này! Sau khi lão rời chúng tôi, chúng tôi trông thấy lão bay đi trên mặt hồ như một con dơi. Lão bị cuốn hút vào ý nghĩ của mình nên không nhận ra ngay cả cái phép lạ kia. Chiếc áo dòng của lão thấm ướt phía dưới, làm cho lão ngạc nhiên.
 
 
 

Tình thương đồng loại

gửi Rousselot
 
Ai từng thấy một con cóc băng qua đường? Đó là một con người nhỏ xíu: một con búp bê cũng không nhỏ hơn thế. Hắn ta lê mình trên hai đầu gối: hắn mắc cở, ta có thể bảo thế...? Không! hắn bị thấp khớp, một chân ở lại sau, hắn phải kéo ra trước! Hắn đi đâu thế kia? Hắn vừa từ lỗ cống chun ra, anh hề tội nghiệp. Không ai để ý con cóc kia trên đường phố. Ngày xưa chẳng ai để ý tôi trên đường phố, còn bây giờ thì lũ trẻ chế nhạo cái ngôi sao vàng của tôi. Hạnh phúc thay con cóc! Mày không có ngôi sao vàng.
 
__________
 
 
 
Tranh sơn dầu trên giấy của Max Jacob: Khu phố cổ Paris & Lễ hội ở Quimper.
 
 
---------------
“Phố Ravignan”, “Cung cách trong giới văn chương I”, “Cung cách trong giới văn chương II”, “Người đàn bà ăn xin ở Naples”, “Văn học và thơ ca”, “Ở xứ sở của những ngọn đồi”, và “Những phép lạ có thật” dịch từ nguyên tác “La rue Ravignan”, “Mœurs littéraires I”, “Mœurs littéraires II”, “La mendiante de Naples”, “Littérature et poésie”, “Au pays des collines”, và “Les vrais miracles” trong Max Jacob, Le cornet à dés (Paris: Gallimard, 1945). “Tình thương đồng loại” dịch từ nguyên tác “Amour du prochain” trong Max Jacob, Derniers poèmes (Paris: Gallimard, 1945).
 
 
_________________________

[1]Rất có thể ý muốn nói cái bô trong phòng ngủ (?)

[2]Pehlvi là ngôn ngữ viết duy nhất ở Ba Tư thời trung cổ, với những chữ viết còn để lại trên các đồng tiền, các bảng khắc ở những đền đài xây vào thời Sassanida, và cả trong những trang bình giải kinh thư.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021