thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tuỳ bút ở Đà Lạt

 

Tôi không còn nhìn thấy bóng hình Tam Đảo từ khi chưa biết mơ mộng ngắm nhìn núi non, để Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì như nhà thơ Quang Dũng, tôi di cư vào Miền Nam tự do từ thuở nhỏ. Tam Đảo của quê ngoại tôi, nghe nói chỉ cách Ba Vì khoảng hai mươi cây số. Tam-Đảo-Ba-Vì-nhìn-nhau, dù sao tôi cũng không thể tưởng tượng để viết một bài thơ, có nhan đề ví dụ vậy. Tuổi nhỏ của tôi giữa rừng thông Đa Thọ - Đà Lạt, bây giờ nhớ lại là những lát bánh mì quết mứt cà chua điểm tâm hoài không ngán, đống củi đốt lên ấm lửa trong sớm sương chiều lạnh, và những chuyến tàu dừng lại ở ga xép Đa Thọ.

Ga xép Đa Thọ, bài thơ tôi viết năm hai mươi tuổi, bây giờ Ta về nghiêng mái đầu sương điểm (Thơ Tô Thuỳ Yên) quá nhớ thương tới xót xa: Khoảng thời gian xa ấy / Đâu rõ tên tuổi nàng / Mưa và rừng xô chạy / Tàu đã tới ga chăng // Rừng bước xuống thung lũng / Bụi dã quỳ trông mưa / Những đoá sầu gió dựng / Vai gầy áo chợt thưa // Khoảng thời gian xa ấy / Tôi nào quen biết em / Tuổi thanh xuân buồn vậy / Mở mắt nhìn thâu đêm // Những đêm sâu Đa Thọ / Cây đèn bão lửa im / Tàu sắp qua ga nhỏ / Tàu sắp qua đường tim // Tàu sắp qua. Còi hụ / Em đăm nhìn bụi hoa / Mỗi nhành quỳ thêm nụ / Tràn ven đồi tàu qua // Khoảng thời gian xa thật / Tâm tưởng có phai mờ / Đôi mắt nàng bí mật / Mang hồn đồi hoang sơ.

Hai mươi tuổi, lên xuống những chuyến tàu xuôi ngược trên đường ray móc xích Đa Thọ - Đà Lạt, những dòng thơ của Trần Dạ Từ ở trong tâm tư, ở ngoài cảnh tượng: Nhịp máy liên hồi kéo bước chân qua / Tiếng còi không, tiếng còi không, sắt động / Và gió và gió và gió điên cuồng / Gió điên cuồng hút thịt xương đêm tối / Và rừng và rừng và rừng ôi rừng / Những kẻ giơ tay tình nguyện đời chạy đuổi... Đà Lạt, đường phố dốc lên cao, nhà thờ có hình tượng con gà trên chóp đỉnh cột thu lôi. Vào một quán cà phê, viết tên cô bé tưởng tượng trên khung kính mờ sương, Cybèlesi belle, ví dụ... Đà Lạt như vậy, như Ville d’Avray, có rừng thông có hồ nước có nhà thờ con gà... Ville d’Avray, nơi Corot đã sống và vẽ. Viết tên Cybèle giữa khung kính mờ sương, tưởng tượng nhân vật của một cuốn phim — Les dimanches de Ville d’Avray — là cô gái nhỏ đẹp xinh có thật, đã đi qua một đoạn đời tôi.

Đà Lạt vẫn vậy, dù đã nhiều người cho rằng Đà Lạt quá thay đổi để không còn là Đà Lạt. Thây kệ, những ngôi nhà vẫn thiếp ngủ, những lũng đồi vẫn mơ màng, những tối chưa khuya mà con đường đóng băng trong tịch mịch. Ồ, một buổi chiều mới đây, cụm sương mù như một cụm mây nở rộng trắng xoá một vùng, từ từ rơi xuống ngoài cửa kính quán cà phê Tùng. Ngã ba rộng rinh trước quán đón nhận cụm sương hiếm hoi lạ lùng, cho tôi sẵn lòng đón nhận Đà Lạt của một ngàn năm trước.

Đà Lạt vẫn là Đà Lạt, thây kệ những nhà cửa mọc lên phô phang hợm hĩnh, những người những xe những ngột ngạt xô bồ của giành giật mưu sinh. Thây kệ hồ nước Xuân Hương đang mở trừng con mắt cạn khô, con mắt chết oan khiên, thây kệ đồi Cù từ lâu quây chắn bưng bít, tôi cùng Đà Lạt cố nhân ngồi xuống bãi cỏ nào cũng được, bãi cỏ nào mà chẳng được nuôi nấng bởi đất đồi này.

Trong quán cũ, tôi biết người con ông Tùng -ông Tùng chủ quán đã mất- không chịu nhượng lại cho ông hoạ sĩ một thời danh mấy bức tranh xưa, dù với giá rất cao. Tôi nhìn bức tranh của Cù Nguyễn, cô gái choàng khăn tím, bàn tay dưới cằm, bây giờ ẩn chìm trong mờ tối của chiếc bàn cà phê độc nhất ở chỗ này, một chỗ của người quá vãng. Ngoài ánh sáng hừng lên buổi xế chiều, người nghệ sĩ đàn ghi-ta của cố hoạ sĩ Vị Ý càng khắc khoải trong lòng quán cũ. Hoài nhớ bài thơ thanh xuân, bài thơ của nỗi sầu cơn mộng kêu đòi, tôi vừa chia tay một người thân yêu duy nhất, ra đi vĩnh viễn không trở lại, có Đà Lạt buổi xế chiều này chứng kiến.

 

Đà Lạt, cuối tháng 11.2010

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021