thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tiễn Lộc Thành ở B’lao

 

Tặng sư Nguyệt Quang

 

Tôi nói với nhà sư: “Để tôi chở thầy về...” Chúng tôi rời căn nhà của tác giả Tinh SươngĐại mộng, hai thi tập của nhà thơ có vóc dáng cao lớn dềnh dàng, tâm hồn lại rất mong manh sương khói. Anh chuyện trò đối đáp với ai cũng như gây gổ, nhưng không vì thế mà tôi bớt mến anh. Ăn nói thì cộc cằn thật đấy, nhưng anh nhân hậu. Căn nhà ở ngoại ô thị xã Bảo Lộc, tên gọi nguyên sơ là B’lao, cây cỏ hoang dại mọc đầy chung quanh, một con suối chảy róc rách thì thầm ngay trước sân nhà.

Nhà sư và tôi, trước khi về Lộc Thành, cách thị xã Bảo Lộc chừng hai mươi cây số, chúng tôi ghé thăm Thanh. Tôi gặp Thanh lần đầu cách đây vài ngày, nhưng cả Thanh và tôi ngỡ đã quen nhau từ lâu lắm, từ một tiền kiếp nào. Đã uống cà phê ở căn-nhà-ngoại-ô của tác giả Tinh sương Đại mộng, nên lúc này chúng tôi bảo Thanh pha trà đặc biệt của B’lao để cùng uống. “Hóa ra thầy có làm thơ tình?! Thấy có thơ của thầy trong cuốn Thơ tình miền Nam...” Nhà sư đặt chén trà xuống cái dĩa trên mặt bàn, nhìn Thanh và nói chậm rãi: “Tôi có làm vài bài thơ mà người ta gọi là thơ tình, nhưng đã từ quá lâu rồi. Lúc đó tôi mười sáu tuổi, mới bắt đầu làm thơ mà thôi.” Khuôn mặt người-phụ-nữ-tôi-quen-từ-tiền-kiếp còn trẻ lắm; tôi nhìn thấy vẻ yên tâm trên khuôn mặt ấy, sau khi nhà sư cho biết về lai lịch những bài thơ tình dại dột của người tu hành. Câu chuyện vu vơ, thơ mộng như người ta nói, giữa ba người, trong căn nhà xinh đẹp vắng vẻ, đầy nắng sớm hiền lành của B’lao. Rồi chào từ giã, dĩ nhiên chúng tôi cùng nói với nhau, hẹn sẽ tái ngộ bất cứ lúc nào có thể. Mà có thể chẳng bao giờ tái ngộ, tôi vẫn luôn nghĩ vậy, khi chào từ biệt bất cứ một người nào.

---------

Qua khỏi trung tâm Lộc Thành một đoạn đường khá xa, gặp ngả rẽ vào con đường để đi tới cái thất của nhà sư. “Lối này vào nơi gọi là Tà Ngào, Núi Chúa. Tôi ở mãi sâu đồi rừng phía trong đó.” Chiếc xe gắn máy hiệu Viva-Đời sống của tôi bắt đầu chạy giữa cây cối rậm rịt của những đồi rừng, con đường uốn lượn lên xuống, nhiều chỗ gập ghềnh khúc khuỷu.

Cái thất xinh đẹp của nhà sư, trên nền đất trũng mà lại cao, thung lũng vây bọc chung quanh; lối vào thất là một cái dốc thoai thoải. Chúng tôi uống trà dưới mái hiên thất; sân rộng có nhiều cây, nhiều gió; lúc gió đậm, cành lá va chạm nhau, rào rào như trời đổ mưa. Tôi chợt nhớ bài thơ về nơi có tên là Vị Thành trong một ngày mưa của Vương Duy, nhà thơ đời Đường - Trung Quốc đặc biệt thơ hay vẽ giỏi, am tường âm nhạc, say mê Thiền học, đầy thực nghiệm Thiền quán. Tôi nhớ Thanh nữa, người-phụ-nữ-tôi-quen-từ-tiền-kiếp. Trong đầu tôi hình thành bài thơ Mưa ở Lộc Thành, dù rằng lúc này ở Lộc Thành không mưa như ở Vị Thành của Vương Duy: Mưa tuôn dào dạt Lộc Thành / Ồ không cành lá chạm cành lá thôi / Nơi đây đậm gió thưa người / Nhớ Thanh chợt ấm đất trời ở B’lao.

Nhà sư ngó tôi, mỉm cười và nói: “Anh Đăng chắc có nhiều cô theo lắm nhỉ?” Tôi ngừng cảm nghĩ về bài thơ vừa hình thành trong đầu, cười với nhà sư: “Có một cô theo tôi thôi: cô lô cô lốc ấy mà!” Tôi liền nhớ tới H, liền nhớ tới Thanh. H và Thanh không phải là cô-lô-cô-lốc, dĩ nhiên; H và Thanh là gì nhỉ? Là cơn mộng huyễn của tôi? “Có thể vì các cô không thể hiểu anh, mà thường là như thế, các nhà thơ luôn luôn cô đơn... Tôi đọc thơ anh từ nhiều chục năm rồi, trên báo Khởi Hành của Sài Gòn cũ. Tôi cũng tập tành làm thơ từ thiếu thời; nghe danh nhà thơ Thanh Tâm Tuyền từ lúc đó, nên tôi đã đổi trường học, theo học năm đệ tam ở Trường trung học tư thục Trường Sơn, vì nhà thơ Thanh Tâm Tuyền dạy môn Việt văn đệ nhị cấp ở đó. Tôi chăm chú học vì thầy Dzư Văn Tâm dạy tận tâm lắm; tôi luôn ngồi học ở bàn đầu trong lớp để nghe cho rõ lời thầy Tâm giảng dạy. Chắc cũng vì thế, thầy giáo Dzư Văn Tâm -- nhà thơ Thanh Tâm Tuyền -- đặc biệt thương mến tôi; thầy rủ tôi về nhà thầy; thầy hỏi tôi có làm thơ không...” Ngừng một lát, uống một ngụm trà; vẻ mặt nhà sư mơ màng, hồi tưởng: “Tôi đưa nhà thơ Thanh Tâm Tuyền coi vài bài thơ của tôi lúc đó; ông cầm đọc lâu lắm, rồi ông nói để ông giữ. Khoảng một hai tuần lễ sau, vào lớp ông đưa cho tôi cuốn báo Vấn Đề số mới ra, có đăng mấy bài thơ của tôi mà ông giữ đó. Thì ra, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đưa tận tay, thơ tôi được đăng liền ở nguyệt san Vấn Đề. Ông lại biểu tôi, khi nào có thơ mới, cứ tới tòa soạn báo Vấn Đề, đưa thẳng cho ông Vũ Khắc Khoan... Rồi khi tôi tới thăm ông, ở chỗ ông làm việc, tòa soạn nhựt báo Tiền Tuyến, ông chỉ tôi chỗ nhà thơ Viên Linh đang ngồi ở một bàn đối diện, nói: ‘Đấy là nhà thơ Viên Linh, phụ trách tuần báo Khởi Hành, em có thể đưa thơ cho nhà thơ Viên Linh để đăng ở tuần báo Khởi Hành.’ Thế là từ đó, thỉnh thoảng tôi gửi thơ và được chọn đăng ở Vấn Đề, ở Khởi Hành, hai tờ báo văn nghệ uy tín bực nhứt của miền Nam tự do. Và tôi đọc được thơ của anh Đăng cũng ở mấy báo đó, nhiều nhứt là ở Khởi Hành...

---------

Tôi từng đọc thơ của nhà sư, từ lúc anh Tâm nói chuyện với tôi về thơ của người học trò ở Trường trung học Trường Sơn, và đọc nhiều bài thơ khác, ở một tờ báo mạng sau này. Tự đề nghị chở nhà sư về Lộc Thành, một nơi chốn ở B’lao thân thuộc mà tôi không hề lưu tâm, cũng vì tôi biết nhà sư là tác giả những bài thơ tôi từng chú ý. Tới Lộc Thành, tôi tiếc không có thời gian để ở lại đây lâu hơn một hai ngày; nơi này làm tôi bắt nhớ ngôi chùa cổ, giữa khu rừng thông cao nhất ở Dran. Nay Sương, cô gái Thượng xinh đẹp và rất Tây, học tại Lycée Yersin ở Đà Lạt, đã chỉ nhớ tới tôi mỗi khi Nay Sương muốn lên vãn cảnh ở ngôi chùa cổ ấy. Nay Sương bảo, ở đấy lại có một vị tu sĩ trẻ mà rất uyên thâm Thiền học, từng tu học ở những Thiền viện nổi tiếng bên Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan... mà không hề dương danh, ít người biết đến. Đúng là tôi đã gặp vị tu sĩ đó, dù chỉ một lần, nói chuyện với nhau về thơ Vương Duy; đặc biệt, vị tu sĩ đã đọc lên bài thơ Tương Tư cho tôi và Nay Sương nghe, bảo đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của nhân loại từ ngàn năm nay, từ-cổ-chí-kim. Tôi nhớ buổi gặp duy nhất ấy, vào đêm cúp điện ở Dran; khuôn mặt vị tu sĩ, và cả Nay Sương, và dĩ nhiên là cả tôi nữa, dù tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt tôi, trong ánh lửa ngọn nến, thật lung linh diễm ảo.

Tôi nói đôi điều, về sự tinh tế, cô đọng trong thơ của nhà sư, qua những bài tôi đã đọc và nhớ được trên trang báo mạng gần đây. Một cơn gió đậm ùa tới, cành lá va chạm nhau, rào rào như trời đổ mưa. Chỉ thêm một chút xíu mềm lòng nữa, tôi đã buột miệng, đọc cho nhà sư nghe bài thơ “Mưa Ở Lộc Thành” còn ở trong đầu. Tôi nói với nhà sư: “Thế là thầy và tôi biết nhau từ lâu lắm rồi, bây giờ là gặp mặt, nói chính xác là, gặp mặt lần đầu.” Nhà sư mỉm cười, nói chậm rãi, âm giọng mơ hồ: “Anh Đăng nói đúng. Nhưng chính xác là: bây giờ chúng ta gặp mặt lại, sau nhiều năm mịt mùng xa biệt. Tôi vẫn nghĩ anh Đăng có nhiều mỹ nhân theo anh lắm. Ngay từ buổi đầu gặp anh, cách đây vài chục năm, trong ngôi chùa ở Dran, anh không nhớ là bên anh có cô gái K’ho tuyệt mỹ hay sao? Cô ấy tên là gì nhỉ?”

Hóa ra nhà sư chính là vị tu sĩ tôi đã gặp tại ngôi chùa cổ, giữa khu rừng thông cao nhất ở Dran. Tôi ngầm thán phục trí nhớ của nhà sư. Duy có điều, Nay Sương nào phải là một trong nhiều-cô-theo-tôi-lắm-nhỉ. Cô nữ sinh Lycée Yersin chỉ nhờ tôi dẫn lên ngôi chùa, khi nào cô thích ngắm cảnh tịch liêu tuyệt đẹp ở đấy mà thôi.

 

Tháng 2, 2011

 

 

-------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021