thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chín chín trên bốn một
tặng Nguyễn Thiên Chương

 

“Quán đẹp thế này mà lại vắng khách nhỉ,” người đàn ông nghe người đàn bà nói vậy. Người đàn ông tới trước, uống thật chậm ly chanh rum, uống hết chừng hai phần ba ly chanh rum thì người đàn bà tới.

Người đàn bà ngắm nghía tấm danh thiếp của quán đặt dựa vào bình hoa nhỏ bé trên bàn, có ghi giờ mở cửa quán: Từ 17 giờ tới 22 giờ 30. “Anh phải đứng ở ngoài đường đợi hả?” Người đàn ông im lặng. Như vậy thì ai mà chẳng hiểu rằng im lặng là đứng đợi ngoài đường.

Người đàn ông tới quán vào lúc 4 giờ 30. Cô chủ quán đứng phía trong cánh cổng gỗ sơn trắng đã hơi cũ và sạch sẽ, hai người cùng một lúc gật đầu chào nhau. “Cô còn nhớ tên tôi chứ?” Cô chủ quán nói tên người đàn ông, đúng họ nhưng sai tên, người đàn ông nói vậy, cô chủ quán nói lại đúng tên. “Cô có trí nhớ thật tuyệt vời.” “Quán chỉ có ít khách lui tới nên cũng dễ nhớ.” Cô chủ quán nói vậy, mặc nhiên lời khen của người đàn ông là quá đáng. Cũng không thể biết người đàn ông có thấy những gì là tuyệt vời trong cuộc đời này.

Chợt giọng nhẹ nhàng như hơi gió thoảng của người đàn bà: “Người đẹp chung thân của anh đó… có điều gì phàn nàn nhau không?” “Hễ mình không phàn nàn ai thì chẳng ai phàn nàn mình.” Người đàn ông nói vậy, mặc nhiên sự thật là người đàn ông và người đẹp chung thân không có điều gì phàn nàn nhau. “Đàn ông thường như vậy,” người đàn bà nói. Người đàn ông lắc đầu: “Không có tôi trong đó đâu.”

Người đàn bà nghiêng ngó chỗ này chỗ kia giống vẻ nghiêng ngó của con chim. Tuy nhiên sẽ thật kỳ dị nếu có một con chim như vậy, phải thật khổng lồ, và không thể tưởng tượng nó xâm nhập chốn này. Đột ngột người đàn bà nhìn thẳng gương mặt đối diện, cười không thành tiếng: “Anh không có trong đó thì anh có ở đâu?” Người đàn ông nói nhanh: “Tôi ở trên đường.” Người đàn bà nói với vẻ nghi hoặc: “Chẳng lẽ chỉ có mình anh trên đường. Thế theo anh thì những người khác ở đâu?” “Những người khác ở đâu hả?” người đàn ông nói, “Ở trên giường.”

Sau giây lát im lặng êm ả người đàn bà nhoài thân mình nhìn ra ngoài cửa sổ, chỗ người đàn ông ngồi ở khoảng giữa khung gỗ hình vuông. Phía ngoài cửa sổ, một không gian hẹp, dài và tối giữa vách quán và bức tường rêu xám xịt có treo những chậu hoa phong lan. “Anh biết tên mấy thứ lan này không?” người đàn bà hỏi khi đã ngồi lại tư thế cũ. Người đàn ông nói tên một chậu lan, Vũ Nữ, mấy thứ khác người đàn ông nói không biết và khen mấy thứ lan đó đẹp hơn lan Vũ Nữ, nhất là mấy chậu lan treo ngoài cùng, phía tay mặt cửa sổ. Người đàn bà nói: “Mấy chậu lan Hồ Điệp đó, mà là hoa giả.” Người đàn ông ngạc nhiên: “Thế à? Vậy thì tôi không thể ưa nó bằng chậu lan Vũ Nữ chẳng mấy đẹp. Tôi không làm sao ưa được hoa giả, cho dù nó đẹp đến mấy đi nữa.” Âm giọng người đàn bà vẫn nhẹ nhàng như hơi gió thoảng: “Chậu lan Vũ Nữ đó cũng là hoa giả.”

Quán sâu hút, ánh sáng đậm nhạt xen lẫn, chia những vùng không gian không đều. Cô chủ quán từ khoảng sẫm tối đi ra, dừng lại ngay phía dưới chiếc quạt trần im lìm. Người đàn bà hỏi: “Sao không treo biển hiệu quán ở ngoài?” Cô chủ quán giọng mềm mại: “Dạ.” Người đàn bà tiếp tục thắc mắc sao không treo biển hiệu quán ở ngoài. Người đàn ông nói: “Hồi đó tôi có thấy treo biển hiệu. Tên quán Old Friends viết kiểu chữ Gothique trên miếng gỗ thông.” Cô chủ quán gật đầu: “Dạ.” Sau tiếng dạ mềm mại cô chủ quán đi chậm rãi quanh mấy bàn, mấy bình hoa nhỏ bé và từng ấy tấm danh thiếp. Người đàn bà nói nhỏ giọng: “Có thể bị thu thuế nếu treo biển hiệu.”

Cô chủ quán lướt ngang qua bàn hai người. Tiếng người đàn ông: “Có lẽ nên treo lại miếng gỗ thông ghi số nhà, kiểu chữ Gothique, với mũi tên chỉ lối vào, Một Chín Chín, Trên… mấy đó.” Tiếng người đàn bà: “Trên mấy nhỉ?” Giọng mềm mại lướt qua thật chậm: “Trên bốn một.” Người đàn ông nói : “Trên bốn mươi mốt… Lúc nãy H tìm quán này chắc cũng phải lâu lắm.” Người đàn bà mỉm cười, lát sau nói: “Anh hút thuốc nhiều thế này không sợ lủng phổi à?”

Chiếc vỏ bao thuốc rúm lại trên mặt bàn, người đàn ông chưa châm điếu thuốc cuối cùng, đợi nghe người đàn bà nói: “Bây giờ H mới quậy chứ trước kia tuyệt đối không.” Người đàn ông hỏi: “H quậy như thế nào?” Người đàn bà dang hai cánh tay ra một khoảng rộng trước mặt: “Như tới đây uống cà phê với anh.” Người đàn ông châm điếu thuốc cuối cùng, nói: “Tôi không thích tới đây mấy. Tôi muốn rủ H tới một quán rượu. Nó là một cái hầm.”

Người đàn bà nói nhanh: “Hồi Ký Viết Dưới Hầm.” Người đàn ông gật đầu: “Đúng, nó là cái hầm, để bộc bạch trần truồng gì cũng được, và uống rượu tới xỉn.” Người đàn bà lặng thinh hồi lâu rồi nói: “H chỉ đi uống cà phê với anh thôi… Chỉ tới mức đó thôi, không thể xa hơn .”

Người đàn ông dụi mẩu thuốc trong cái gạt tàn, lấy ống vố trong túi vải treo sau lưng ghế. Người đàn bà ngó chăm chăm cái ống vố. Người đàn ông nói: “Ống vố này người yêu cuả H tặng tôi đấy.” Người đàn bà không nói gì, im lặng tới lúc người đàn ông châm thuốc ống vố, vừa bập bập cối thuốc ống vố vừa ngó cánh tay người đàn bà đặt trên mặt bàn, chỗ mấu xương cổ tay cong vẹo như mấu cành củi. Người đàn bà nói: “H bị giựt đồ té xe mấy lần, đập cánh tay này xuống đường.” Người đàn ông đưa một bàn tay sang nắn chỗ mấu xương ấy hồi lâu, nói: “Không phải tôi lợi dụng cơ hội để sờ mó H đâu.” Sau một khoảng im lặng êm ả người đàn ông nói: “Tôi là bạn của ông M từ hồi ở Kinh Thành Cũ.” Người đàn bà mỉm cười: “Anh thấy bạn của anh là người thế nào?”

“Là người thế nào hả?” người đàn ông vừa bập bập cối thuốc ống vố vừa nói, “Phong nhã tươi đẹp y chang đám phong lan giả ngoài này, chỉ khác là đang treo ở Một Nơi Sạch Sẽ & Sáng Đèn.” Im lặng một chập người đàn ông nói: “Tôi bịa ra đó. Cái ống vố này đúng là của ông M, nhưng không phải ông ấy tặng tôi. Ông ấy sưu tập đủ thứ, cóc cho ai cái gì hết. Tôi cướp giật của ông M đấy. H không thấy tôi là một gã bặm trợn hay sao?”

Người đàn bà nhìn thẳng gương mặt đối diện: “H không thấy anh bặm trợn. Anh rất hiền… Nói năng có hơi cộc cằn nhưng tâm hồn anh nhân hậu.”

Người đàn ông gõ ống vố vào cạnh cái gạt tàn cùng lúc những bước chân đi tới, đám trai gái a vào một bàn ngay phía dưới chiếc quạt trần. Bây giờ chiếc quạt trần không im lìm, nó quay nhanh và rất nhẹ hầu như không có tiếng động, chỉ quay mà thôi. Tiếng nói chuyện ồn ào của đám trai gái tụ quanh một khu vực nhỏ, như một cụm khói bốc lên từ bàn của họ. Giọng hát nữ nhừa nhựa lan dài một ca khúc muôn thuở của người nhạc sĩ Thân Phận Da Vàng. Người đàn bà mỉm cười, nói: “Anh có vẻ không thích nghe nhạc.” Người đàn ông giọng gắt bẳn: “Không phải tôi không thích nghe nhạc, mà là tôi không thích nghe thứ nhạc liệt dương.”

Các thứ ấy chuyển dịch mau lẹ đến nỗi chúng như thể chưa xảy ra, trong phút chốc chúng biến mất và phút chốc sau đó là khoảng trống vắng bằn bặt. Người đàn ông im ngó người đàn bà giống người ta nhìn sững bức tượng. Hai người trong giây lát cùng im ngó nhau, hai bán diện thanh tú, nhất là sống mũi thẳng của họ. Đột ngột như có đường dao sắc lẻm cắt ngang tấm phông cảnh, một cô bé xuất hiện, đi thẳng tới chỗ hai người. Cô bé đưa phiếu tính tiền. Người đàn bà nói: “Chắc 22 giờ 30.” Người đàn ông nhìn đồng hồ đeo tay, nói: “11 giờ đêm rồi.” Từ khoảng tối, giọng mềm mại của cô chủ quán: “Bonne nuit.” Người đàn ông giơ tay chào khoảng tối: “Chúc cô ngủ ngon”.

 

Ngoài cổng gỗ sơn trắng lúc này như ướt nước, người đàn bà nói nhỏ giọng: “Ngày mai ông M ở Mỹ về.” Người đàn ông im ngó người đàn bà, giây lát người đàn bà lại nói: “Người bạn của anh không phải là thứ lan giả đâu, anh đừng quá kiêu ngạo.” Giây lát người đàn bà lại nói: “Bữa nào gặp lại… ở quán rượu gì anh nói đó… Hồi Ký Viết Dưới Hầm.”

Sài Gòn,04/2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021