thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chút ít sự thật của…

 

H nói: “Thỉnh thoảng ông Sơn Núi có gọi điện thoại…”. Tôi hỏi ông Sơn núi về H, nhưng gợi ý nói về H là ông: “Gớm quá, đồng bóng gớm quá!”. Tôi hỏi H: “Thế ông Sơn Núi điện thoại nói gì với em?”. “Thì hỏi thăm này nọ… Nhưng lâu nay không thấy gọi nữa… Lần cuối, ông ấy toàn nói bậy bạ, em cúp máy không nghe”. Tôi nói với H, như vậy người ta gọi là quấy rối tình dục…

Nhà sư Chăm có ý định trọng đại và nghiêm chỉnh, ông ta tự nhận xét, một công trình nghiên cứu về nhà thơ không tiền khoáng hậu: Sơn Núi. Dĩ nhiên Sơn Núi là hỗn danh nhà thơ đặt cho mình. Tôi tự nhiên mến nhà sư Chăm, muốn cung cấp cho ông ta vài điều tôi biết về ông Sơn Núi, hóa ra nhà sư Chăm biết cả rồi, ví dụ như…

Cuối năm, ông Sơn Núi về Sài Gòn liên tục. Đi và về, lên và xuống, bằng chiếc xe gắn máy trông như một cục đồ chơi gồ ghề thô kệch của con nít, ông Sơn Núi đặt tên cho nó là Monkey. Tôi thấy cái tên ông Sơn Núi đặt cho chiếc xe, đặt cho chính ông thích hợp hơn: Ông giống con khỉ già thông thái tinh ranh.

Ông, trước mắt nhìn của công chúng: Một người đàn ông trọng tuổi, làm ăn sinh sống ở vùng núi, làm rẫy chẳng hạn. Đặc biệt, ông làm rẫy thường ghé các chùa chiền, ở đó như một ác tăng chuyên việc truy hỏi để phụng hiến mục đích cao cả là khu trừ những kẻ tà đạo ẩn náu trong hình dạng của bậc tu hành chân chính.

Đặc biệt khi ghé chùa Già Lam, ông phải gặp bằng được thượng tọa Tuệ Sỹ để khẳng định nghi vấn hành trạng của nữ họa sĩ D.TH. thuộc trường phái thấy sao vẽ vậy, sau khi phát biểu một cách khinh miệt thích đáng về trường phái hội họa này, ông nói thì thầm vừa đủ cho mọi người nghe, tất nhiên bao gồm thượng tọa Tuệ Sỹ: “Nương này là kẻ tà đạo, đang âm mưu lôi kéo thầy Tuệ Sỹ về phía đạo giáo Tin Lành của nương”. Hẳn ông Sơn Núi không hài lòng khi thầy Tuệ Sỹ chỉ lắc đầu và cười, bảo: “Bậy nào, ông căn cứ vào đâu mà nói vậy?”. Ông Sơn Núi chẳng căn cứ vào đâu hết, ngoại trừ việc nữ họa sĩ D.TH. theo gia đình mà theo đạo Tin Lành. Nên ông Sơn Núi, khi bước xuống những bậc cấp cuối hành lang để rời chùa Già Lam, nói một cách chán nản, dĩ nhiên là nói với tôi, kẻ đồng hành: “Mấy đệ tử của Tuệ Sỹ, như H, D.TH., không khá được”. Tôi chẳng nói gì, nghĩ: Nếu biết mối quan hệ giữa H và tôi, hẳn ông Sơn Núi còn tăng gia chửi rủa H.

Ông Sơn Núi hay rủ tôi ghé nhà một người bạn trẻ tuổi, Nguyễn Thiên Chương. Rất đáng mến, Nguyễn Thiên Chương trầm tư, sâu sắc, đãng tử, viết rất đẹp thứ chữ mà một triệu người ở xứ sở văn hóa gầy còm Việt Nam này gọi là “thư pháp”, nhưng Nguyễn Thiên Chương không thấy đó là cái quái gì. Nguyễn Thiên Chương ra kiểu dáng cho thợ làm ngôi nhà ở khá đẹp, một biệt thử nhỏ, đơn giản, khác lạ hẳn những nhà chung quanh. Tôi nhìn những bậc thang gỗ dẫn lên căn gác thấp gần mái, hình dung căn gác dễ cảm, cùng lúc nhớ lời ông Sơn Núi nói về người bạn trẻ : “Ông Sơn Núi bảo rất thích Chương, một người Quảng Nam duy nhứt không ưa tranh luận, bàn cãi tào lao”. Người bạn trẻ giọng nhẹ nhàng: “Anh ấy thích căn gác nhà em thôi”.

Đêm mưa, ở lại nhà Nguyễn Thiên Chương, ông Sơn Núi và tôi ngủ trên sàn nhà. Không nghe ông ngỏ lời lên ngủ trên gác, còn tôi rất sợ tiếng mưa trên mái tôn. Ông Sơn Núi dậy rất sớm, lúc hai giờ sáng, đánh thức tôi bằng câu hỏi: “Này, ông là bạn lão B.X.H. hả?”. “Ừ, bạn học cũ thời trung học. Mà sao ông biết?”. “Biết chứ! Lão ấy lấy con mu[1] vợ cũ của ông tướng râu kẽm. Hồi con mu này còn nhỏ, tôi dạy kèm Anh ngữ ở nhà con mu tại Nha Trang”. “Đúng, bạn tôi đã từng lấy cô ta, nhưng nay họ lại bỏ nhau rồi”. Ông Sơn Núi lại nhắc câu hỏi về người bạn học cũ của tôi, rằng lão ấy ra sao. Tôi nói: “B.X.H. rất đẹp trai. Vẻ đẹp của Marlon Brando cộng với Kennedy”. Ông Sơn Núi cười thích thú một chặp: “Cộng với cặc lõ nữa chứ!”.

Ở nhà Nguyễn Thiên Chương về nhà Hồ Hữu Thủ, họa sĩ có ngôi nhà lớn rộng, nhiều phòng ốc, dành riêng một phòng cho ông Sơn Núi mỗi khi ông từ Phương Bối Am xuống Sài Gòn. Nhà sư Chăm tìm gặp ông Sơn Núi ở đây, hẳn để chuẩn bị đầy đủ cho công trình nghiên cứu về nhà thơ không tiền khoáng hậu. Ông ta rủ ông Sơn Núi và tôi tới thăm ngôi chùa của ông ta ở vùng thác Trị An, nghĩa là cứ đi về phía thị trấn Trảng Bom.

Đường đi về phía thị trấn Trảng Bom, ông Sơn Núi và tôi rất quen thuộc, nằm trên quốc lộ 1 A. Nhà sư Chăm chở ông Sơn Núi trên chiếc xe gắn máy hiệu Honda, không tiếp tục đi trên quốc lộ rộng rãi bằng phẳng, ông ta rẽ vào một con đường, đi sâu mãi, xe tôi phải chạy theo phía sau. Nhà sư Chăm phóng xe nhanh, cứ băng băng hết con đường lạ hoắc này tới con đường lạ hoắc khác, đường rất xấu, xe hiệu Simson bánh nhỏ, hình dáng giống xe scooter của tôi chạy theo khó khăn, bánh xe trệu trạo trên những con đường lồi lõm đất trũng gò, hoặc mặt nhựa thì loang lổ. Ông Sơn Núi thỉnh thoảng quay lại ngó chừng tôi chạy phía sau.

Đến vùng đất rộng trống, đường ray tàu lửa nổi lên giữa cây cỏ dại, rác rưởi lẫn lộn. Giữa khoảng trống trải, tôi nhìn trọn chuyến tàu chạy qua. Ông Sơn Núi nói: “Ngó những chuyến tàu đi, bao giờ cũng cảm động”. Tôi nhìn ông Sơn Núi và nghĩ, thôi cũng được, cái việc cứ tìm mà đi những đường xa xôi trắc trở của nhà sư Chăm, cuối cùng được thấy trọn vẹn chuyến tàu, cũng là an ủi. Chúng tôi lại ra quốc lộ 1 A. Nhà sư Chăm ít nói, thỉnh thoảng nói lại nói hơi nhiều, nụ cười tự tin, hơi kiêu ngạo mà hồn nhiên.

Sau một hồi chạy trên quốc lộ 1 A về phía thị trấn Trảng Bom, còn cách thị trấn Trảng Bom khoảng mười cây số, ông ta quẹo xe sang phía tay trái, chạy vào con đường chẳng biết dẫn tới đâu. Ông Sơn Núi hỏi nhà sư Chăm: “Ông đưa bọn tôi đi vào con đường thủ tiêu đấy hả?”. Nhà sư Chăm cười lớn tiếng. Tôi không thể nhìn thấy ông ta cười, chỉ nghe tiếng cười mà thôi, vẫn tự tin, hơi kiêu ngạo, và ma quái nữa.

Nhà sư Chăm phóng xe thật nhanh, tôi chạy phía sau cố bám theo, con đường dài ngút giữa những rừng cây cỏ dại, lũng vực. Nhà cửa lác đác thoáng hiện, bặt vắng. Tôi nghĩ, hẳn nơi đến còn xa nữa, nhà sư Chăm phải tiếp tục phóng xe thật nhanh để kịp tới lúc trời còn sáng. Nơi tới đó ông Sơn Núi nói là một “Ngôi chùa tuyệt đẹp của ông thầy chùa người Chăm”, như thể ông đã từng tới đó, nhà sư Chăm nói ra tôi mới biết là ông Sơn Núi chưa tới đó lần nào.

Con đường vẫn chạy miết về phía chân trời, bóng chiều sẫm xuống. Một con dốc cao đột ngột. Tôi cố theo sát nhà sư Chăm và ông Sơn Núi. Xuống dốc, con dốc chúi hút chiếc xe Simson bánh nhỏ, giống xe scooter của tôi lao vùn vụt, băng qua những tảng đất sét trơn láng từ đâu rải đầy ở cuối dốc, mưa lúc nào đó nơi này. Chiếc xe vượt khỏi sự kiểm soát của tôi, cứ thế lao xuống mỗi lúc một nhanh, nhưng vẫn cách khoảng xa chiếc xe của nhà sư Chăm chở ông Sơn Núi. Cầm chắc té xe giữa con lộ, tôi vội lái sang một phía, tất nhiên phía trái ven đường. Chiếc xe và tôi đâm sầm vào rào cản bằng xi-măng cốt sắt ngăn chặn phía trên một vực sâu. Chóa đèn xe vỡ nát. Vai, ngực tôi đau điếng. Tôi không kêu nổi một tiếng để báo hiệu cho nhà sư Chăm dừng xe. Tôi ngồi bất động, nhìn chiếc xe chở hai người mất dạng trên con đường đang tối dần.

Chỉ còn một nước trở lui, may là chiếc xe còn nổ máy để chạy, tôi quay xe lại, chạy tới con dốc, ngay dưới chân dốc có một lều quán giải khát. Tôi rất đau mệt, khát nước và thèm hút thuốc lá, và cầu âu nhà sư Chăm , ông Sơn Núi quay lại tìm tôi.

Người đàn bà mang tới các thứ tôi gọi, nụ cười hiền hòa trong ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn máng dài: “Anh cứ ngồi nghỉ ở đây, thế nào các bạn cũng trở lại kiếm mà”. Tôi cười gượng gạo, vì tôi tuyệt vọng về chuyện các bạn trở lại kiếm. Lúc nãy, tôi ngồi bất động ít gì cũng nửa tiếng đồng hồ.

Có lẽ tôi đã ngồi tại lều quán lâu gấp đôi lúc nãy. Người đàn bà nói: “Tệ thật đấy, bạn bè đi chung mà lại bỏ mặc giữa đường… thế người ta bị lao xe xuống vực thì sao?... ở đây tôi đã thấy xảy ra nhiều vụ xe lao xuống vực”.

Vài ngày sau, ông Sơn Núi lại có mặt ở Sài Gòn. Ông lại tới chùa Già Lam, nói chuyện nữ họa sĩ D.TH. âm mưu lôi kéo thầy Tuệ Sỹ vào đạo Tin Lành. Ông lại tới H, nói chuyện ăn chay trường vì lẽ công bằng của trời đất. Ông về nhà Hồ Hữu Thủ nói về dự định viết thơ lên những chiếc bình, những chiếc ấm, chén trà, nói chung là viết những bài thơ không tiền khoáng hậu lên đồ gốm. Và ở đâu, nếu cao hứng, hay vì mối thiện cảm với dân tộc Chiêm Thành hờn vong quốc, ông cũng nói về ngôi chùa tuyệt đẹp của ông thầy chùa người Chăm mà ông đã có dịp tới thăm từ lâu, hình như từ mùa hè năm…, cùng đi với một nữ tu người Tây Tạng.

 

Sài Gòn, 23-6-2004

_________________________

[1]ông Sơn Núi gọi "con mụ" là "con mu".


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021