thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ông ấy tên Đăng

 

Tất cả khoảng mười người, không kể tôi trong đó, cũng không kể người đàn ông thỉnh thoảng rời đôi tay ôm đầu, khuôn mặt nhìn nghiêng sững im trên mặt bàn hình chữ nhật. Người ấy xuất hiện trong khoảng không gian hẹp, bức vách gỗ ngăn khoảng không gian nép sát phía bên trái ngôi nhà, chiếc bàn hình chữ nhật khuôn theo khoảng không gian hẹp đó kéo dài ra như loại bàn chuyên dùng, hoặc một loại bàn cổ xưa. Dù sao tôi không thể nhận biết rõ ràng trong tình cảnh này, đám đông khoảng mười người, họ đứng, ngồi đây đó trong ngôi nhà, cả tôi và có thể cả người đàn ông ấy nữa, chắc hẳn đều lo sợ những gì cơn dông bão có thể mang tới.

Ngôi nhà thỉnh thoảng rung lên, hoặc nghiêng ngả theo chiều gió đang gào thét hỗn độn phía ngoài. Những luồng chớp nhoáng và cháy rực bất chợt ngoằn ngoèo lướt dưới mái ngói. Hai bóng đèn, hoặc nhiều hơn vậy ở khuất chỗ nào, không đủ sức soi rõ gì trong ngôi nhà, ít nhất ở chỗ này, có tất cả khoảng mười người, đứng ngồi đây đó. Thỉnh thoảng hai bóng đèn ấy chao đảo ít nhiều theo độ rung chuyển của ngôi nhà, ánh sáng lúc ấy rung theo cũng ít nhiều như vậy.

Tôi chẳng ngớt bận tâm về người đàn ông trong khoảng không gian hẹp, lúc này đôi tay đang ôm mái đầu hơi uá bạc, dĩ nhiên ông ấy ngồi, thân hình đậm trước chiếc bàn dài và hẹp chiều ngang. Như lúc đầu tôi chú ý, thỉnh thoảng người đàn ông rời đôi tay ôm đầu, từ chỗ tôi luôn thấy khuôn mặt nhìn nghiêng sững im, bây giờ ông ấy nhìn ra phía ngoài qua cửa sổ nhỏ, hơi cao một chút, ngay trước mặt. Tôi nhìn bán diện của người đàn ông đang ngước nhìn, một bán diện thanh tú với sống mũi thẳng, không thẳng như nét kẻ bằng thước, mà được vẽ, một nét thẳng mềm mại sống mũi hơi ngắn và hơi hớt lên, thật hòa hợp khuôn mặt.

Tôi không thể biết được người đàn ông thấy gì phía ngoài, ở khối đen rách vỡ, chắc phải như vậy, những tiếng động bất chợt bao gồm những hiểm họa, có lẽ như vậy, như một mớ tối tăm rối loạn chỉ hiểu được bằng cảm xúc đau đớn, giá buốt.

Dù sao đám đông rời rạc trong ngôi nhà đang nói chuyện thì thầm từng vài ba người với nhau. Hết thảy là phụ nữ. Có hai hoặc ba người hình như không quen biết ai trong số người hiện diện ở đây, tôi tự hỏi, có thể họ quen biết duy nhất chủ nhân ngôi nhà. Tôi nghĩ chắc chắn chủ nhân ngôi nhà này là người đàn ông trong khoảng không gian hẹp, nếu tôi không lầm, ông ấy chỉ ngồi một chỗ. Ông ấy có lẽ di chuyển bằng xe lăn, nhưng tôi không thấy chiếc xe lăn nào gần bên. Có thể ông ấy, trong một cảm xúc nào đó, ai mà biết được, đã xô đẩy chiếc xe lăn chạy tuốt vào một xó xỉnh của ngôi nhà.

Lúc này tôi không nhìn thấy chiếc xe lăn, nhưng biết đâu, vào lúc nào đó tôi có thể nhìn thấy. Hoặc giả chiếc xe ấy tự động lăn trở lại chỗ người đàn ông đang ngồi, như lúc này, tự nhiên tôi nhìn thấy người đàn bà ngồi gần cây cột tròn, lớn cỡ một vòng tay ôm, hẳn là thứ gỗ quý, chống đỡ ngôi nhà tới một ngàn năm, chính vì cây cột này, và cây cột y hệt, đối xứng cây cột này, tôi yên tâm trước cơn dông bão. Người đàn bà ngồi đó như làm đối trọng của người đàn ông, và tôi không khỏi ngạc nhiên trước bán diện thanh tú, sống mũi thẳng, nét thẳng mạnh và chắc là dài hơn sống mũi của người đàn ông, đặc biệt chiếc cằm là nét hoàn chỉnh cho vẻ đẹp của khuôn mặt người đàn bà nhìn nghiêng. Người đàn bà cũng mang vẻ im bặt như người đàn ông, tôi tự hỏi, họ là anh em, là vợ chồng, hay họ là tình nhân của nhau? Những trường hợp ấy thường có nhiều tương tự trên khuôn mặt. Rồi tôi lại tự hỏi: Chẳng lẽ như vậy, chẳng lẽ họ đang buồn phiền nhau, hoặc tệ hại hơn, họ bực bội, giận dữ nhau? Thảy đều là phỏng đoán của tôi, có thể không có gì hết, ngoài sự ngẫu nhiên, tình cờ, mà cũng có thể đúng là như vậy, ai mà biết được.

Một tiếng nổ lớn, vỡ nát gì ngoài trời, toàn bộ ngôi nhà rung chuyển, trừ hai cột gỗ tròn. Đèn tắt ngúm ngay sau sự nhận biết của tôi về tính cách bền vững của hai cây cột nhà. Tiếng rì rầm của những người vừa hứng chịu cơn thịnh nộ bí mật, họ không nói gì khác, ngoài những gì có liên quan tới người đàn bà nào đó, ít nhất tôi nghe được như vậy. “Chị ấy về đây để từ biệt chủ nhân ngôi nhà này”. Một người nói vậy. Có tiếng nói sau đó, chắc người nói rành chuyện về người đàn bà được nhắc tới: “Không phải đâu. Ông chủ nhà này quyết định dứt khoát với chị ta. Ông ấy thất vọng về chị ta. trước đây, đôi mắt chị ta đẹp lạ lùng, giống mắt diễn viên điện ảnh Nhựt Bổn”. Tiếng nói nhanh, của người trước, nói chuyện về “chị ấy”: “Đôi mắt chị ấy có làm sao đâu, vẫn đẹp đấy chứ. Vừa rồi tôi có ngắm kỹ”. “Chị ta sửa mắt, nhìn là biết ngay, sao chị không biết chứ?”. “Thì có sao đâu, sửa mà vẫn đẹp thì thôi, chứ có gì phải phàn nàn… Mà đẹp hay không còn do con mắt mỗi người. Chị ấy thấy mắt mình một mí, hay mí lẩn như đa số mắt người Nhựt Bổn không đẹp, thì chị ấy sửa, có gì lạ đâu!”. Người đối thoại thở dài, bảo: “Nói như chị thì chẳng còn gì để nói nữa”. Người kia cười lẫn tiếng nói: “Cũng như về chủ nhân ngôi nhà này, ông ấy không xoàng xĩnh như vậy, giận người đàn bà về chuyện sửa mắt sửa mũi… Có chuyện gì đã xảy ra thiệt đó, nhưng không phải chuyện sửa mắt sửa mũi. Tôi có biết đôi chút về chị ấy, chị Lan Hoàng Hiệp, ngày xưa chúng tôi cùng học một trường. Chị ấy xinh đẹp, sớm biết yêu đương. Người chị ấy yêu lớn hơn chị ấy cả chục tuổi, rất tiếc đã có vợ. Chính vì thế mà chị ấy, dù yêu, nhưng không gặp nhau bình thường được. Rồi nhiều năm sau cũng vậy. Theo tôi biết, sau này chị ấy có gặp một người… hình như người này chính là chủ nhân ngôi nhà chúng ta đang có mặt…”

Tiếng người kia khẳng định: “Thì đúng người yêu mới của chị ta là ông chủ nhà này chứ còn ai nữa”.

Tôi buồn bực khối động đen đặc, nó cản trở đủ thứ, nó đáng thù ghét như những âm mưu, những hiểm họa rình mò cùng khắp, không cần thiết như vậy, tôi cũng đủ thù ghét nó, ít nhất tôi không nhìn nhận được gì: Người đàn bà nghiêng nhìn bên cây cột gỗ tròn, sao tôi mong thấy lại. Và hai người đàn bà, ít nhất là người lên tiếng trước, về người đàn bà bên cây cột gỗ tròn. Và cả người đàn ông trong khoảng không gian hẹp, hình như ông ấy bị liệt nửa người, có phải ông ấy là người yêu mới của người đàn bà trong câu chuyện hai người đàn bà hóng chuyện vừa nói?

Tôi vừa dứt cảm xúc, ý nghĩ ấy thì ngôi nhà sáng lên. Ai đã thắp một cây nến khổng lồ, dù sao nó cũng chưa sáng được bằng ánh sáng của hai bóng đèn tròn khi chúng chưa tắt ngúm, và dù sao thì cũng quá tốt rồi. Tôi nhìn ngay về phía cây cột gỗ tròn, rồi nhìn quanh khắp, xem chừng tôi đã nhẩm đếm: Không có người đàn bà ấy nữa. Ngay sau, tôi nhìn vào khoảng không gian hẹp, người đàn ông chẳng còn ngồi trước chiếc bàn hình chữ nhật. Tôi không ngần ngại, lùng sục khắp ngôi nhà: Những lối ngách, buồng ngủ, nhà bếp… ở mỗi nơi đều có một cây nến, nhỏ hơn cây nến ở giữa ngôi nhà, nơi hiện có chín người đứng và ngồi, ở khắp chốn của ngôi nhà không thấy người đàn ông, cũng không thấy chiếc xe lăn.

Tôi thúc thủ, về một chỗ tôi đã chọn từ lúc vào ngôi nhà. Chẳng ai dám mạo hiểm ra khỏi ngôi nhà trong cơn dông bão vẫn không ngừng hoành hành khắp ngoài trời.

Bây giờ tôi cũng làm sao nhận ra hai người đàn bà hóng chuyện lúc nãy. Có tiếng nói, tôi chưa định hướng phát xuất từ người nào, nhưng giọng nói quen thuộc: “Chị ta đi tìm người xưa mà chị ta không ngớt quyến luyến”. Và giọng nói thứ hai, tôi nghe cũng quen thuộc: “Không đâu, tôi biết chút ít về người này, ông Bạch. Ông ta nào dám rời khỏi chăn ấm nệm êm mà chị ấy phải ra ngoài dông bão mà tìm”. “Thế còn ông chủ ngôi nhà này, chị có biết ông ta không?”. “Tôi không biết gì nhiều về ông ấy, nhưng tôi kính trọng ông”. “Chị nói tên ông ta là gì?”. “Ông ấy tên Đăng. Hình như ông ấy là nhà văn, nghĩa là một người nhiều hơn một người”.

Tôi rất tiếc không nhận diện được người đàn bà vừa nói về một người tên Đăng. Có thể tôi sẽ hỏi thêm, ông Đăng có bị liệt nửa người không, và như vậy, ông ấy đã đi ra ngoài dông bão cùng với chiếc xe lăn?

 

Sài Gòn, 3-7-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021