thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trích đoạn trên đường mòn

 

H xem cuốn sổ địa chỉ của tôi: …Huỳnh Hữu, Tuy Phong-Bình Thuận “Tuy Phong đẹp lắm, em có đi thăm cảnh X, Y, Z…”. Tôi cũng đã tới Tuy Phong, tôi cũng đã tới Tuy Hòa, Tuy Phước, tuy nhiên tôi chẳng thể nhớ để kể lại gì. Tôi chỉ có thể nhớ, nhưng tôi nào kể được gì nhiều, những gì trên con đường mòn của tôi. Năm…, ông tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh đề nghị tôi làm bài thơ để đăng trang bìa số báo chào mừng kỷ niệm x năm thành công cuộc hành trình dọc đường Trường Sơn, tôi có sẵn bài thơ Nói Chuyện Về Cỏ Cao Đường Mòn, ông tổng biên tập cho đăng bài thơ trang bìa số báo ấy. Cỏ cao tôi nói là những bụi dã quỳ dọc con đường mòn của tôi.

Thuở bạn tôi, Joseph Huỳnh Văn còn tại thế, anh tự nhận là người giang hồ trên một lộ trình duy nhất: Từ nhà, ở đường Trương Minh Giảng, tới quán La Pagode (quán cái chùa). Anh bảo tôi cũng là người giang hồ trên lộ trình duy nhất: Quốc lộ Hai Mươi, nối ngã 3 Dầu Giây với Đà Lạt. Dĩ nhiên người giang hồ ấy phải kinh qua lộ trình nối từ Sài Gòn tới ngã 3 Dầu Giây.

Mùa Giáng Sinh năm x, nhiều khúc đoạn đường vốn trổi bật biển hiệu Cầy Tơ 9 Món, lúc này đan chen với rực rỡ đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Tuy nhiên tôi không nhớ bạn tôi chút xíu nào khi đi ngang qua đây, dù Joseph Huỳnh Văn có nhiều năm trong Khổ Tu Viện Xitô. Tôi nhớ anh tưởng như đứt ruột khi tôi tới Đơn Dương. Đơn Dương và Joseph Huỳnh Văn và Uyên và tôi. Cơn bồi hồi hoài niệm.

Tôi vừa đi ngang qua B’lao, hẹn với thinh không, lượt về sẽ gặp ông Sơn Núi. Rồi tới Đà Lạt, cuộc tiễn đưa gần ba mươi năm qua, nhưng không phải tôi, mà là ông Ba Mươi Tháng Tư tiễn đưa Uyên một thời trẻ dại của tôi sang đất Mỹ.

Cũng không có tôi, tôi mắc kẹt ở Sài Gòn trong buổi tiễn đưa người bạn vong niên đi học tập cải tạo. Đại úy Anh, những sáng cà phê ở Nha Địa Dư, hỏi lung tung ông đại úy uyên bác về ngôn ngữ Do Thái cổ. Đại úy Anh đi học tập cải tạo gần 3 năm. Thế là mau, hình như bởi vì các ông Cách Mạng nhờ đại úy Anh thiết kế cái đập thủy lợi, tù nhân này đã thiết kế đập thủy lợi đại thành công.

Đại úy Anh trở về Đà Lạt làm ông thợ mộc. “Anh học nghề thợ mộc hồi nào?”. “Tôi xuất thân là ngành Công Chánh. Vì thế mới thiết kế cái đập thủy lợi vừa nói đấy. Nên cái gì kỹ thuật tay nghề cũng làm được. Nghề mộc, ngó mấy ông thợ mộc làm cũng bắt chước làm được thôi”.

Đại úy Anh gặp tôi lần này nói tôi mập, trông lại giống ông Vũ Khắc Khoan. Tôi bảo, nghe anh nói thế tôi mừng lắm, ông Vũ Khắc Khoan vừa oai vừa đẹp, lại viết hay nữa. Đại úy Anh: “Tôi là bà con bên ngoại của ông Vũ Khắc Khoan. Đọc thì tôi lại thích đọc Mai Thảo”. Tôi nói văn Mai Thảo trang điểm son phấn quá, tôi không thích. “Ừ nhỉ, Mai Thảo bớt mượt mà một tí thì hay hơn. Tôi còn nhớ ông chỉ đọc Thanh Tâm Tuyền. Tôi thì thích đọc cái gì nhẹ nhàng, tươi vui một tí cũng thích. Ông nghe bài hát tôi mới viết mừng đám cưới nhé. À mà ông có làm bài thơ nào mừng đám cưới chưa? -Đại úy Anh ngắt ngang hỏi tôi, tôi nói: Tôi chỉ làm được thơ mừng đám ma thôi-. Tôi chả biết ký âm pháp, cứ hát theo điệu nhạc trong đầu”.

Đại úy Anh hát, thỉnh thoảng đưa một ngón tay vào miệng để chặn hàm răng giả khỏi xê dịch. Bài hát, cả lời lẫn điệu nhạc tôi nghe thấy hay, ngạc nhiên về khả năng nhạc sĩ của đại úy Anh như lúc thấy tác phẩm của ông thợ mộc. Tôi nói bài hát hay, giọng hát lại càng hay, ngang ngửa giọng hát Frank Sinatra chứ chẳng thua. Đại úy Anh cười, cười hết mình, cười không gì can nổi. Thấy anh cười đã xong, tôi hỏi: “Bây giờ anh có nhiều giờ dạy không?”. “Tôi nghỉ dạy lâu rồi, bây giờ ở nhà dịch, dịch đủ thứ sang tiếng Anh tiếng Pháp”. “Anh có dịch cái gì sang tiếng Hébreu không?”. Thế là đại úy Anh lại cười, cười hết mình, cười không gì can nổi. Cười xong, đại úy Anh nói: “Bây giờ chắc quên gần hết”. “Hồi đó anh học tiếng Hébreu ở đâu nhỉ?”. “Học 3 ông père lận, cả ancien Hébreu lẫn Hébreu moderne”. Tìm lại thời gian đã mất. Tới phiên đại úy: “Ông đi cải tạo mấy năm?”. “Có một tuần lễ. Binh nhì mà”. Đại úy Anh nhăn mặt lục lọi ký ức: “Tôi nhớ có thời gian ông vắng mặt ở Đà Lạt, hỏi chàng Lộc-Lê Uyên Phương, chàng nói ông về Sài Gòn nhập ngũ sĩ quan trừ bị Thủ Đức?”. “Thì đúng vậy, tôi nhập ngũ khóa 2/69. Mãn khóa, thay vì trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ở Bình Dương, tôi trình diện Rừng Thông Đà Lạt. Rồi bị bắt lính trở lại, rồi lại đào ngũ, cứ thế cứ thế năm lần bảy lượt. Đơn vị cuối cùng của tôi là Đại Đội Hắc Báo vùng hỏa tuyến, bị giam lon, đóng chức binh nhì”. Đại úy Anh lại cười tiếng cười như lúc khởi thủy: “Vậy là ông từng được các cô ca sĩ yêu dài dài. Lúc nào các cô cũng Em Chỉ Yêu Anh Binh Nhì”. Tiếng cười khởi thủy không gì can nổi. Tôi bật cười theo, kịp ngưng lại. Tôi sám hối cái vụ đào ngũ lung tung beng, chẳng đã góp phần Đà Lạt Sài Gòn giải phóng? Allô bis bis khóc đi, các em ca sĩ!

“Bon voyage!”, đại úy Anh siết chặt bàn tay đau thấp khớp của tôi, cho thêm thấm đậm lượt về trên quốc lộ hai mươi.

Trở lại ngang qua B’lao, tôi đành lỡ với thinh không cái hẹn gặp ông Sơn Núi vì thời gian gấp rút. Thôi cứ để ông du sĩ mắc cạn trên ngọn đồi nghi hoặc, viễn tưởng muôn năm. Có nhớ ông là nhớ kèm theo chàng trai Đặng Toản, bắt tay là biết tim bừng lửa, đốt hồng lên những khối lạnh tro. Bàn tay của chàng trai ít học, đã dư sức đốt lên ngọn lửa. Còn khối lạnh tro kia, thây kệ hồng lên được hay không, giữa cơn lầm lạc trong biển sương mù tri thức của một người chú, nhà phê bình văn học hàn lâm.

Dừng nơi đây, bên dòng nước khoáng Langbian, phía dưới thị trấn Đạm Ri, tôi bắt nhớ thằng tôi chuẩn úy Chi Khu B’Sar thuở nào, đứng hút ống vố bốc khói cùng nắng lửa đồi trọc, đêm chợt giật mình thức dậy với sương rơi như khởi cuộc tấn công của các ông giải phóng quân.

“Cháu để ý, chỉ có hai người, đi ngang đây bao giờ cũng ghé vô quán trại nước khoáng Langbian: Ông già, nói đúng là hơi già già, kêu là ông Sơn Núi, và chú. Ông Sơn Núi vô quán giở cơm chay ra ăn, rồi kêu ly cà phê đá như chú, uống cà phê nhưng không hút thuốc lá liên hồi như chú”.

Chàng trai trùng tên với vị danh tướng Cách Mạng nói hai lần như chú, nhưng thực chất chỉ có một lần ông Sơn Núi như tôi, còn một lần khác tôi. Tôi dừng ở đây hút thuốc lá thì khỏi ăn cơm chay, chàng trai nói ông Sơn Núi hai lần như tôi là chí lý. Dù sao chàng trai cũng mang cùng tên vị danh tướng Cách Mạng.

H đi nhiều, đi tiêu sái và tiêu xài. Tôi cũng đi nhiều, để chỉ biết mỗi con đường mòn, đi cùng hoài niệm ở thinh không, H là một phần hoài niệm đó.

 

Sài Gòn, 3-8-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021