thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một tình huống khó xử
Thế gian này là khủng khiếp, khủng khiếp, khủng khiếp.
Bertrand Russell

 

H không phải là một tình huống khó xử của tôi. H tự nhìn nhận mình là người phụ nữ lụy tình, và tôi thấy H đúng như vậy, u mê một lão già có 40 năm kinh nghiệm mồi chài phụ nữ. Tôi nói: “Anh sẽ chữa bịnh cho em”, xem chừng H bằng lòng để tôi chữa bịnh. Dù sao H cũng không ngăn nổi ý muốn dò tìm lai lịch của ông thầy thuốc, có lẽ để xác định ông thầy thuốc xứng đáng chữa bịnh cho mình hay không. H nói: “ Anh kể những mối tình của anh cho em nghe đi”. Tôi phải nói tới một ngàn lần: “Anh chỉ được làm một thằng cha tự xục kẹc suốt 40 năm mà thôi”. Tôi lấy tuổi 20 làm điểm khởi sự cho hành trình tình yêu, và năm nay tôi sắp 60 tuổi, chẳng 40 năm là gì. H không tin, chính tôi cũng không tin, nhưng sự thật là vậy. Một ngàn người đã nói rằng tôi khá đẹp trai. Bỏ qua chuyện nhan sắc vốn không được xem là quan trọng đối với nam giới, và như người ta thường nói “trai tài gái sắc”, một ngàn người đã nói tôi là một nhà thơ có hạng, từ năm tôi 20 tuổi. Tôi nhớ năm đó tôi còn làm giùm bài thơ cho cô gái, em một người bạn, theo lời yêu cầu của cô, để cô gửi đăng trên báo xuân của trường. Tôi làm sao nhớ tên cô gái, nhưng còn nhớ vài câu thơ trong bài thơ tôi làm giùm cô: Tôi nói tôi hoài mà tôi không nghe / Tôi bảo tôi hoài mà tôi không đứng lại / Đừng đi chơi khuya về ngủ rồi buồn…Vài năm trước đây, tôi được nghe một ca khúc của ông Phạm Duy phổ bài thơ ấy. Có lẽ ông nhạc sĩ tài danh cũng chẳng nhớ tên cô gái, nên cũng không nghe ai nói đây là bài thơ phổ nhạc.

Tôi không có mối tình nào để kể cho H nghe, chẳng lẽ tôi kể những mối tình đơn phương. Giáng Châu là cô gái xứng đáng nhất để tôi yêu vào năm tôi 25 tuổi. Năm đó tôi đi lính, chẳng có cô nào vào trại lính thăm tôi, như hầu hết đồng đội của tôi, người yêu có mặt bất luận khi nào có thể. Tôi viết một bức thư, tự thấy rất cảm động, và thảm sầu như tình sầu của chàng Werther, vậy mà cô Giáng Châu xem như tờ giấy lộn, chỉ để vứt vào sọt rác. Và từ đó tôi quen với chuyện yêu đơn phương, và khi tôi làm thơ viết truyện, thì những chuyện yêu đơn phương chuyển đổi sang song phương quá dễ dàng. Cần thiết nữa là đằng khác, cái chuyện yêu đơn phương ấy.

Nhiều năm sau đó, tới bây giờ, tôi vẫn làm thơ viết truyện, nhưng lúc ấy tôi đang là lính, thứ lính dữ dội nữa là đằng khác. Anh chàng đổ xăng vào xe Jeep có cái cần ăng-ten kéo cong từ phía sau xe tới phía trước xe, ngó phù hiệu con báo đen ở mũ bê-rê trên đầu tôi: “Binh chủng này là binh chủng gì hả anh?”.

“Không binh chủng nào hết. Đại Đội Hắc Báo, tăng cường cho Sư Đoàn 1 Hỏa Tuyến”. Anh chàng nhìn tôi bằng con mắt khâm phục pha chút sợ hãi. Tôi đạp mạnh ga, chiếc xe Jeep lao tới như máy bay phản lực.

Tôi dừng xe ở một khu vực lạ hoắc, không thể nhận định nơi này thuộc vùng Thừa Thiên - Huế, hay Đông Hà - Quảng Trị. Từ ngôi biệt thự gần như hoang phế, thoát ra tiếng kêu rên đau đớn. Tôi vội vàng xách cái ba-lô không kịp gài nắp, chạy lên bậc cấp của ngôi nhà. Tôi vừa chạm vào, hai cánh cửa gỗ mở ra căn phòng rộng rinh. Cô Giáng Châu chứ không phải ai khác, gương mặt đẹp và nốt ruồi đậm phía tay trái của chiếc cằm có chẻ giữa, cô ngồi như bức tượng đặt trên chiếc ghế bành. Người đàn ông ngồi sụp bên, hai tay ôm chân cô Giáng Châu, ông ta ngoái mặt ra phía cửa, nơi tôi vừa bỏ rơi xuống cái ba-lô. Ông ta trắng trẻo, vẻ thư sinh nho nhã, ngược hẳn với tôi. Ông ta đi nhanh, cũng chỉ vài bước chân, đứng trước gã lính Đại Đội Hắc Báo mà rõ ràng ông ta tin tưởng có đầy sức mạnh. Ông ta khẩn nài: “Xin anh nói giúp tôi, bảo cô ấy vào phòng ăn cùng tôi”. Tôi ngạc nhiên hết sức: Cô Giáng Châu ngồi bình thản, đâu có vẻ gì giận dỗi mà không cùng ăn với người đàn ông này, là chồng, hay là người yêu của cô. Tôi hỏi: “Cô ấy là vợ của ông? Cô ấy bị bịnh sao vậy?”. Ông ta, môi đỏ hồng như trẻ thơ, mếu máo nói: “Vợ tôi, nàng như thể bị chứng trầm uất. Tôi đã năn nỉ, dỗ dành bao nhiêu ngày rồi, nàng không chịu ăn uống gì cả”. “Ông nói bao nhiêu ngày rồi không ăn uống, làm sao cô ấy chịu được?”. Người đàn ông ngoảnh nhìn phía tay mặt, một phụ nữ có lẽ là gia nhân đứng bên cửa phía đó. Ông ta nói: “Nàng chỉ uống một chút nước mà thôi. Nàng bị trầm uất. Nàng cứ thỉnh thoảng nhắc tới một cái tên, như thể tên người tình của nàng. Mà không phải đâu, tôi biết nàng từ nhỏ, tới lúc thành hôn với tôi, nàng chưa hề yêu ai để mà nhắc cái tên như vậy. Tôi biết nàng đã bị bịnh. Cái tên nàng nhắc, không biết từ trên trời hay từ dưới đất, đã nhập vào nàng”. Người đàn ông vừa nói tới đây, cô Giáng Châu lại nhắc cái tên mà người đàn ông cho rằng từ trên trời hoặc từ dưới đất nhập vào. Cô gọi tên tôi, chính xác cả họ và tên. Và giọng nói của cô không có chút gì là mê sảng. “Đấy, cái tên như vậy, nàng cứ nhắc mãi không thôi. Anh giúp tôi, giả bộ với nàng như cái tên ấy chính là tên anh vậy, anh nói nàng phải ăn một chút gì chứ”. Không lâu hơn một giây, cô Giáng Châu vừa nhìn tôi vừa vẫy tay gọi tôi tới. Người đàn ông có chạm vào người tôi để thúc giục tôi đi tới chỗ cô Giáng Châu? Tôi không biết gì cả, chân tôi bước cũng chỉ vài bước là tới ngay bên chiếc ghế bành. Cô Giáng Châu nhớm người lên một chút, vẻ mặt cô hiện rõ niềm hân hoan, cô nói: “Em biết mà, sớm muộn gì anh cũng trở về”. Tiếng nói của người đàn ông phía sau lưng tôi: “Đấy, tôi nói đúng không, nàng bị ma nhập, nàng tin rằng anh là người mang cái tên đó”.

Cô Giáng Châu chậm rãi đưa bàn tay ra, đặt bàn tay mềm mại đó lên bàn tay tôi, lúc này nó tự động đặt trên tay gỗ của chiếc ghế bành. Giọng nói như trách móc: “Em biết mà, đời lính cực nhọc nguy hiểm lắm, anh đi lính làm chi vậy? Tay anh khô héo, còn mỗi da bọc xương”. Tôi nghe giọng nói, tôi nghe hơi thở, tôi nghe cái mềm mại của những ngày hư tưởng cô Giáng Châu, niềm hạnh phúc từ đâu vây lấy tôi, chôn chặt tôi bên chiếc ghế bành. Bước chân đi giày đế da gõ lộp cộp trên nền gạch căn phòng, tôi giật mình, nhìn sững cô Giáng Châu nhớm hẳn người lên. Từ lòng chiếc ghế bành, thân thể cô như con trăn trườn sát bộ đồ lính bụi bậm của tôi. Trong một chớp nhoáng, cô Giáng Châu ôm ghì lấy đầu tôi, chiếc bê-rê Đại Đội Hắc Báo của tôi rớt xuống. Cô hôn tôi, gắn chặt đôi môi như đang trong cơn sốt, vào miệng tôi đắng ngắt vị xì-gà.

Tôi choàng tỉnh tức thời. Người đàn ông, một tay cầm khẩu súng colt 45 của tôi, một tay giơ tập bản thảo thơ cũng của tôi, chúng tuồn ra từ cái ba-lô không gài nắp lúc nào tôi không biết. Giọng người đàn ông lạnh băng: “Té ra chính là anh. Chính là anh. Thế mà bấy lâu nay tôi tưởng vợ tôi bị bịnh. Còn cô, ha ha ha, cô đóng kịch khá lắm, con dâm phụ”. Những gì diễn ra ngay sau đó rất lộn xộn. Người đàn ông nhắm bắn tôi hay nhắm bắn cô Giáng Châu, hay nhắm bắn ai trước? Tôi chỉ biết sau giây phút rất lộn xộn, bao gồm giằng kéo, ngăn cản gì đó giữa người đàn ông và tôi, một tiếng súng nổ, cô Giáng Châu cùng tiếng kêu ngã xuống nền gạch căn phòng. Người đàn ông biến mất sau giây phút ngắn ngủi đó. Tôi đứng như bị trời trồng trong vài phút, bên cạnh người phụ nữ có lẽ là gia nhân, và phía trên cái thân thể im bặt của cô Giáng Châu trải dài trên nền gạch.

Tôi ra khỏi ngôi biệt thự, không biết để tìm người đàn ông vừa biến thành kẻ sát nhân, hay trở ra chiếc xe Jeep có cái cần ăng-ten kéo cong từ phía sau xe tới phía trước xe.

Tôi không kể cho H nghe câu chuyện này, dù nó cũng ít nhiều mang tính chuyện tình. Tôi xếp nó vào một ngăn ký ức dành riêng cho gã lính Đại Đội Hắc Báo. Phát súng đó không phải do tôi siết cò, nhưng khẩu súng colt 45 là của tôi. Và bản thảo tập thơ của tôi mặc nhiên là tên phản gián khốn kiếp.

 

Sài Gòn, 13-10-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021