thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
X trắng

 

Người mẹ từ Sài Gòn đi xe đò lên vùng rừng Xuyên Mộc thăm nuôi đứa con học tập cải tạo ngụy quân ngụy quyền. Từ cổng trại tới nơi gặp gỡ thăm nuôi có xa một ngàn cây số mọi người cũng phải xuống xe hết. “Già trẻ nớn bé xuống xe đi bộ tất tần tật, không chừa một ai,” chàng bộ đội quân quản nói vậy, nhưng tất nhiên phải chừa bác tài xế để lái chiếc xe đò vào đậu ở bãi đất trống bên trong rào cản. Chàng bộ đội quân quản làm cuộc cách mạng đảo lộn “l” thành “n” nhảy lên xe kiểm tra, nhảy xuống, phất tay cho bác tài xế lái chiếc xe không chạy tới.

“Lúc ông bộ đội nói vậy, mẹ lầm thầm cầu nguyện em gái con. Ngay sau đó, một màn trắng xóa hiện ra che chắn cho mẹ, làm ông bộ đội chả nhìn thấy mẹ vẫn còn ngồi tại chỗ.” Em gái tôi thiêng lắm, luôn hiện ra phò hộ người thân, những người hợp ý và thật lòng thương tiếc em, mẹ tôi bảo vậy. Thế mà từ lúc em gái tôi về nơi chín suối, chưa một lần trở về thăm tôi, còn tôi dù muốn cũng không thể đi thăm em được, nơi chín suối. Ở lại trần gian, tôi cũng không đi đâu được, ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Nói cho cùng là như vậy. Nói chính xác, đi đâu ngoài phạm vi Sài Gòn mà không cần điều kiện này điều kiện nọ. Chỉ có việc lên xe buýt chuyên chở công cộng, tôi đi hết ngày cũng không hết đường để đi, cũng chẳng cần điều kiện gì mấy. Sài Gòn có thể đẹp lắm hay không đẹp lắm Sài Gòn ơi, nhưng Sài Gòn mênh mông một ngàn tuyến đường xe buýt đi mệt nghỉ. Nhưng tôi dựa hơi xe buýt chứ nào tôi có đi bằng hai bàn chân. Không ai đi được hết, tôi tin chắc chắn như vậy.

Vậy mà ở một ngàn tuyến xe buýt, tôi đều thấy anh ta. Anh ta đi bộ, vai đeo cái túi kaki màu vàng nhà binh thời quân đội Sài Gòn cũ, cái túi cũ kỹ bạc màu nhưng hiển nhiên còn xài được một ngàn năm, cái túi tốt và đẹp bỏ mẹ, tôi ưa lắm. Anh ta ngồi trên băng ghế đá, lần này tôi chọn nơi đây để xuống, công viên rộng rinh trước dinh Độc Lập của Sài Gòn cũ, nay là dinh Thống Nhất, vì nay đất nước muốn gì thì gì, thống nhất đứt đuôi con nòng nọc rồi. Anh ta ngồi y chang Charlot ngồi, phục sức lình xình, nhỏ con, ủ dột, rầu bỏ mẹ cái thời gian đợi bạn đi tìm vàng, không biết mỏ vàng nơi nao, chỉ biết đang đói cơm ăn khát nước uống vàng cả mặt mũi (thật ra không vàng vọt gì, tôi ưa nói căng như vậy). Cái túi kaki vàng đặt bên cạnh, cái túi này cũng dư sức chứa một ngàn kí lô vàng, không biết anh ta chứa cái quái gì. Có thể là bản thảo tác phẩm văn chương, vì anh ta giống nhà văn, tôi hình dung nhà văn giống anh ta. Có thể như vậy, vì tôi đã xem một ngàn cuốn phim của điện ảnh Mỹ và điện ảnh Pháp về nhân vật nhà văn, có vẻ ngoài giống anh ta, không nhiều thì ít. Anh ta không cả nhìn sang cái thằng cha tự nhiên ở đâu tới ngồi ngay bên cạnh mình, chỉ cách mình một cái túi cũng của mình, trong khi còn một ngàn lẻ một băng ghế đá khắp công viên mênh mông vô bờ bến. May mắn cho tôi là vậy, có đủ thì giờ nghĩ một câu nói để làm quen cho tự nhiên: “Ngồi ở băng ghế đá này nhìn ngắm Nhà Thờ Đức Bà là đẹp nhất, phải không anh bạn?” Anh ta hơi ngoái nhìn sang tôi, hơi nhướng đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ, chắc chắn chưa đủ để thấy rõ tôi là thằng cha mày ngang mũi dọc thế nào, còn tôi thì đã đủ để thấy anh ta, một chàng không đoán được tuổi, đẹp trai mệt mỏi và chứa đựng, nghĩa là có nội tâm quá cỡ, “Tôi không quan tâm nhà thờ gì hết.” Ra sức nghiêm chỉnh, tôi nói: “Không phải ý tôi là vấn đề theo hay không theo đạo, hay chúng ta tin hoặc không tin có Chúa, mà tôi chỉ muốn nói sự nhìn ngắm nhà thờ, nơi Chúa ngự.” Anh ta lắc đầu lia lịa, tóc dài không rẽ ngôi, vuốt ngược phía sau, được dịp rũ xuống lòa xòa hai bên: “Chúa chẳng ngự nơi nào hết, ngoài lòng tin của những ai có lòng tin Chúa. Còn ông muốn nhốt Chúa trong nhà thờ, dù nhà thờ đẹp mấy chăng nữa, Chúa cũng sẽ vượt ngục như Papillon vậy.” Quả là thú vị quen biết anh ta, tôi càng tin anh ta là nhà văn, tin chắc tới mức khỏi cần hỏi. Bây giờ thì tới cái chuyện mà tôi thật sự muốn biết: “Tôi thấy anh đi bộ khắp Sài Gòn.” Anh ta gật đầu xác nhận, hiển nhiên như vậy là đủ. Tôi chẳng biết được anh ta đi bộ suốt ngày để làm gì, với câu hỏi như vậy. “Anh đi bộ như thế có ích lợi lắm, tất nhiên đi bộ suốt ngày thì cũng lạ đấy, cả Sài Gòn này dám chỉ có một mình anh.” “Cũng như ông thôi, ông phải đi suốt ngày mới biết tôi đi suốt ngày chứ.” “Dù sao thì xe buýt nó đi chứ không phải bàn chân tôi đi. Tôi chỉ ngồi thôi. Ngồi thì cùng lắm chỉ để nhìn ngắm, suy nghĩ. Đi bộ thì ích lợi hơn nhiều, cả thể chất lẫn tinh thần. Có thể có cả một con đường triết lý, một đạo học về đi bộ.” Anh ta, bây giờ nhìn hẳn sang tôi, cười lên tiếng: “Bảo đảm ông có coi phim gì đấy, phim gì có anh chàng chạy bộ tối ngày. Vậy thì điều ông thắc mắc tại sao tôi đi bộ suốt ngày, cũng giống như người ta thắc mắc anh chàng trong phim cớ chi mà chạy bộ dữ vậy.” Tôi chụp ngay cơ hội: “Vậy thì anh đi bộ cũng giống như anh chàng trong phim, phim gì tôi cũng quên tên, nhớ mỗi tên chàng tài tử Mỹ, Tom Hanks?” Anh ta không cười, nói với vẻ như cười: “Vậy thì ông cũng chỉ cần biết tên tôi là Thằng Cha Đi Bộ.” Câu trả lời vừa dư duyên dáng vừa thừa láu lỉnh, lỉnh luôn việc trả lời điều tôi muốn hỏi.

“Thôi được,” tôi nói, “tôi đi xe buýt tối ngày vì tôi mê kiến trúc nhà cửa phố xá. Có thể… có thể anh bạn bảo tôi cũng giống cha nội phát xít Hitler, cha nội ấy luôn nhắc các đệ tử tránh bắn phá oanh tạc các công trình kiến trúc tại Âu châu.” Anh ta lại lắc đầu lần nữa, sao mà tôi mong anh ta cứ phản bác nhưng chớ lắc đầu, dù mỗi khi lắc đầu, tóc anh ta lại lòa xòa đẹp thấy mồ tổ, “Xứ sở này có bốn ngàn năm văn hiến chứ cóc có một tí kiến trúc nào hết, ông có tốt nghiệp để lãnh cái bằng kiến trúc sư ở đây cũng chỉ để kiếm chác tí tiền của các đại gia, các nhà chùa, và tí tình của bọn phụ nữ ngu si dốt nát mà thôi.” Tôi ngạc nhiên: “Tôi chả là kiến trúc sư gì hết mà chạnh lòng, nhưng sao anh bạn khinh bạc ngành nghề kiến trúc quá vậy? Mà sao anh bạn bảo làm kiến trúc sư ở đây chỉ để kiếm chác tí tiền của các đại gia và các nhà chùa?” Khốn khổ là anh ta lại lắc đầu, tóc và râu anh ta đã chạm vào nhau, “Ông cho rằng kiến trúc sư ở xứ sở này làm cái giống gì, ngoài trang trí nội thất lăng nhăng lít nhít cho các đại gia, dựng các tượng Phật ông Phật bà màu mè thô thiển cho các nhà chùa quê kệch? Và tí ái tình của các nương trong gia đình con Phật, nếu ông muốn biết thêm.” Tôi ngờ rằng cứ tiếp tục câu chuyện theo chiều hướng này, sẽ có một cuộc cãi vã rồi không chừng xô xát, mà tôi thì không muốn một chút nào, với anh ta. Tôi chuyển câu chuyện cái một, chẳng một giây suy nghĩ: “Ông bạn viết vào lúc nào trong ngày? Chắc phải là ban đêm?” Bây giờ thì anh ta gật đầu, gật đầu như đứa em ngoan ngoãn nữa là đằng khác: “Ban đêm, từ mười một giờ tới một giờ, đấy là giờ thiêng.” Sau một giây êm đềm ấy, anh ta lặng lẽ đứng dậy, lủi thủi bước đi, quần áo lùng thùng, ống quần trùm lên đôi giày thô tháp, đôi giày y chang hai ổ bánh mì “con cóc”. Tôi mủi lòng nhìn theo anh ta, seul comme un rat, et pauvre comme un clochard.*

Những gì sau đó không là gì khác, không có gì khác. Một màn trắng xóa hiện ra, che chắn tất cả. Tất cả.

Tôi choàng dậy. Đúng là như thế, vì tôi đã gục đầu trên hai cánh tay lâu tới mức làm chúng tê dại. Không sao hết, cái bài viết mà tôi chuẩn bị gửi cho tienve.org xem như đã xong, cả cái tên cho bài viết: X trắng.

Sài Gòn, 17/5/2005

 

------------------------------------
* trong A Devil in Paradise (1956) của Henry Miller; bản dịch Pháp văn của Axel Grall: Un diable au paradis (Paris: Le Livre de Poche, 1965).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021