thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nỗi hoài

 

Buổi chiều, một trong những buổi chiều cuối năm, quán cà phê nhìn ra dòng sông hẹp, một nhánh của sông Sài Gòn. Hắn từ bên này của dòng sông, qua cầu Tân Thuận, quán cà phê tầm tầm, luôn vắng khách lúc hắn vào. Hắn nhìn ra dòng sông, tất nhiên là như vậy, trước mặt hắn chỉ có dòng sông. Hắn vào cái quán tầm tầm ấy chỉ vì có dòng sông trước mặt. Hắn nhớ H, nhớ mênh mông, trọn buổi chiều trong những buổi chiều cuối năm của hắn, ở cái quán tầm tầm, có dòng sông trước mặt. Buổi tối, hắn làm một bài thơ ngắn (hắn có làm một bài thơ cực kỳ dài, gọi là trường-ca, thì cũng không chứa được nỗi nhớ H.) Bài thơ ngắn của hắn: Sự trống rỗng của chiều vắng H / Chiếc đầu lâu mở trong hồn / Chiếc lá nén một mùa khô chết // Kể số gì mùa đông / Khi lạnh hàn kết cứng gì hơn / Bụi tre già, mấu xương cong buốt nhọn / Thọc sâu vào tim. Sáng sớm hôm sau, hắn ngồi quán cóc đầu đường Bà Lê-Chân, con phố nhỏ chạy qua một đầu con đường mang tên Mã Lộ, bên hông chợ Tân Định, hắn đọc thầm cho một mình hắn nghe bài thơ của hắn. Hắn không thể biết lúc đọc bài thơ, hắn có nhớ H như buổi chiều hôm trước? Ở con phố nhỏ này, từ quán cóc này, hắn nhìn thấy hình ảnh cuối cùng của H tại Sài Gòn. H đi xe ngang qua quán, dừng lại ở đầu phố trước khi quẹo phải con đường Trần Quang Khải, hắn nhìn thấy H và hắn ngồi bất động. Bây giờ H ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương. Vài ba lần H điện thoại về, hắn không thể nói được gì, hắn bị kẹt cứng trong tình thế khó khăn của hắn.

Thái Kỳ, chủ quán cóc, là con trai thứ của người hoạ sĩ đã gần chín mươi tuổi, người hoạ sĩ mà hắn yêu mến, đã xem hắn là bạn vong niên. Kỳ nói: “Bữa hôm khai mạc triển lãm, ông già nhắc mãi sao chưa thấy anh tới. Bữa ấy đầy đủ bạn bè thân hữu, tất cả những người quen biết của ông già tới chật cả phòng triển lãm. Hoạ sĩ Tú Duyên, nhà văn Thanh Châu, đều đã ngoài chín mươi tuổi, cũng có mặt… Rồi đến tận hôm nay, khai mạc phòng tranh đã cả tuần lễ rồi, cũng không thấy anh tới… Hay là anh giận ông già chuyện gì? Mà có chuyện gì thì anh cũng phải biết ông già đã chín mươi tuổi rồi, mấy tháng nữa là đúng chín mươi tuổi đấy. Ông già rất quý anh, nhắc tới anh luôn, bữa khai mạc triển lãm, ông già chờ mãi không thấy anh tới để ông già ký tặng cuốn sách Câu Chuyện Hội Hoạ.” Kỳ nói một hơi, nói như kẻ mượn rượu để nói cho thoả. Hắn nói, Kỳ có uống vài chai bia rồi phải không? Kỳ gật đầu thú nhận, “Nhưng em không say xỉn gì hết. Em hỏi anh, ông già có chuyện gì làm anh không bằng lòng, thì có phải vì vậy mà anh giận một ông già đã chín mươi tuổi rồi không? Ông lão Trịnh Cung còn kêu lia lịa ông già là bố. Hoạ sĩ Nguyễn Trung cũng có mặt trình diện ông già đúng giờ khai mạc phòng tranh. Cô Ý Nhi ôm một bó hoa thật tươi, tới cùng ông xã, giáo sư Nguyễn Lộc.” Kỳ nói như kẻ mượn rượu để nói cho thoả, hắn thừa nhận, anh chàng mà H bảo là khá đẹp trai nhưng đầu rỗng, Kỳ lúc này ăn nói có hùng hồn, có lý lẽ. Tuy nhiên, hắn biết là Kỳ không hiểu câu chuyện giữa “ông già” và hắn. Hắn biết là Kỳ còn nói khống nữa. Một anh chàng khá đẹp trai hay đẹp trai cực kỳ mà có cái đầu rỗng, một anh chàng như vậy không phải là không biết nói khống, nói dóc, nói sai sự thật. Cuốn sách Câu Chuyện Hội Hoạ, “ông già” viết từ thuở ông chưa già, thời miền Nam tự do, cách đây đã gần bốn mươi năm, bây giờ được in lại ở Sài Gòn. Hắn biết, nhà xuất bản chỉ tặng tác giả mươi cuốn, “ông già” cẩn trọng, tế nhị, chẳng lẽ mang sách tới phòng triển lãm để người tặng người không. Khi anh chàng khá đẹp trai, con nhà danh hoạ (Kỳ đã một ngàn lần xác nhận vinh danh “ông già” như vậy) nói hắn chê tranh “ông già” vẽ dở, nên cóc thèm tới xem tranh triển lãm chứ gì, hắn nói thẳng thừng: “Ông già giận tôi chứ không phải tôi giận ông già. Cậu cóc hiểu gì cả, ông già đíu thèm cả tặng tôi cuốn sách, tôi nói thẳng cho cậu biết như vậy.” Gương mặt đỏ bừng, Kỳ nói không phải như vậy, không phải như vậy, anh có tới đâu để ông già ký tặng cuốn sách. Anh không ghé nhà, cũng không tới phòng triển lãm… Hắn biết anh chàng khá đẹp trai cũng khá lỳ lợm. Một chàng hoạ sĩ trẻ tuổi, chính hắn giới thiệu chàng này để quen biết “ông già”, trước ngày khai mạc riển lãm tranh, khi Kỳ nói nhà xuất bản chưa mang sách tới tặng tác giả, chàng này đã được “ông già” tặng sách. Chàng hoạ sĩ trẻ nói: “Ông cụ biểu cuốn sách in ra không vừa ý, nên ông cụ không muốn tặng ai.” Và chính hắn mang thiệp mời xem triển lãm tranh của “ông già” tới nhà chị Ý Nhi giùm Kỳ, chị Ý Nhi nói: “Mấy bữa trước Kỳ có chở ông cụ tới đây.” Hắn hỏi: “Chị đã đọc Câu Chuyện Hội Hoạ của ông cụ chưa?” Chị ý Nhi cười, nói: “Ông cụ tặng sách rồi. Ông cụ nói ông cụ giận anh, giận lắm đấy. Ông cụ nói, ông sống hiền hoà lặng lẽ, ở bên Pháp ông cụ cũng chả phát biểu gì ý kiến về chính chị (trị) chính em, vậy mà anh viết bài đăng báo bên Mỹ, gán cho ông cụ phát biểu rằng chế độ cộng sản thiếu tự do dân chủ.”

Hắn ngồi lặng trên chiếc ghế gỗ xiêu xẹo kê sát bờ tường của một cái đình miếu sau lưng, quán cóc liền sát đó, như hắn đã ngồi lặng trên ghế xa-lông êm ái, sau câu nói của nhà thơ nữ, mà “Người anh thi sĩ” của hắn, định cư ở Mỹ, gọi là “Em gái cộng sản Ý Nhi.” Hắn ngồi lặng im, hồi nhớ gì. H nói: “Một bữa em ghé thăm nhà một người quen ở bên Mỹ, thấy bức tranh của ông cụ. Lúc đó em càng nhớ quê hương.” Hắn từng nói với H, ở Sài Gòn: “Tranh của ông cụ, có thể gọi là hoạ-phẩm-của-nỗi-hoài.” H trầm ngâm: “Nỗi hoài, hoài cảm, hoài niệm. Thiệt hay!... Anh thích tranh của ông cụ chứ?” Hắn gật đầu, nói: “Anh đã được xem bức Thiếu Nữ Trên Hòn Đá Cũ, cứ thắc mắc chả biết bây giờ bức đó ở đâu. Anh hỏi, ông cụ cũng chả biết được bây giờ bức đó ở đâu. Thiếu nữ ấy đã biệt tăm ở cuối vùng trời nào. Anh phải thích tranh của ông cụ chứ. Trừ khi anh là hoạ sĩ, rất có thể anh không thích tranh của ông cụ nữa.” “Có phải nếu anh là hoạ sĩ, anh chỉ thích tranh của chính mình?” “Không phải như vậy. Anh muốn nói về nỗi hoài, về hoài niệm. Nó có thể cần thiết cho thơ, một bài thơ rất hay về nỗi hoài, nhưng nó không chút xíu nào cần thiết cho hoạ.” “Thế anh biểu cái gì cần thiết cho một hoạ phẩm?” “Chả có cái gì cần thiết cho một hoạ phẩm. Nó độc lập, nó thuần túy, nó là chính nó, là màu sắc tự biểu hiện.”

Bên bờ tường của một cái đình miếu sau lưng, hắn bắt nhớ H chất ngất. Buổi trưa cách đây mấy bữa, H điện thoại cho hắn, hắn không thể nói được gì, hắn bị kẹt cứng trong tình thế khó khăn của hắn. Buổi trưa ở Sài Gòn, hắn đang dùng bữa. H gọi cho hắn lúc đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chính xác là mấy giờ, trong khuya khắt? H thao thức với nỗi nhớ? Hắn nhủ thầm, có thể hắn sẽ viết dòng thơ Ôi nỗi nhớ mà làm chi vậy?

Nỗi hoài lẽ ra tới đây là kết thúc. Ấy tuy nhiên, vẫn là kết thúc, dù liền ngay dưới đây, (nguyên mẫu) hắn, chính là hắn chứ không là ai khác, viết nối vào vài dòng văn, bởi hắn vừa làm được (thơ) vừa viết được (truyện). Vài dòng này thuộc loại truyện cực ngắn, hắn nói vậy, cho vài dòng hắn viết, có nhan đề đàng hoàng:

Chàng nhà văn Sài Gòn viết nhiều truyện yêu, nhớ người yêu ở tận nước Mỹ. Truyện gửi đăng báo bên Mỹ để người yêu đọc. Chàng rất muốn được đọc truyện của mình đăng trên báo in ở Mỹ, nhưng làm quái gì chàng có báo bên Mỹ mà đọc. Nàng về thăm nhà ở Sài Gòn. Nàng: “Cô bạn tặng em 80 số báo, biểu mang về cho anh số nào có truyện của anh, nhưng em không mang về.” Chàng: “Sao vậy?” Nàng: “Mang về làm gì?” Chàng không viết truyện như trước, mà viết truyện cực ngắn, nguyên mẫu nhân vật vẫn là nàng. Truyện nhan đề “Adieu”, như sau: “Adieu Người Đẹp (xứ) Thần Kinh.”

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021