thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chiếc dù đen to tướng

 

Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân.

 

MARJORIE AGOSÍN

(1955~)

 

Marjorie Agosín sinh năm 1955 ở Bethesda, Maryland, và lớn lên ở Santiago, Chile, cho đến khi theo gia đình trốn chế độ độc tài Pinochet và qua sống ở Athens, Georgia, Hoa-kỳ. Bà là một nhà thơ, người viết tiểu thuyết, tiểu luận [Senda Nueva de Additions, 1983, viết về tác giả Chile Maria Luisa Bombal], giáo sư tiếng Tây-ban-nha và văn học Mỹ La-tinh ở Wellesley College, Massachusetts, từ 1982, đồng thời là một nhà báo, một người hoạt động xã hội đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt quan tâm tới số phận của phụ nữ trong Thế giới thứ ba [Scraps of Life: Chilean Arpilleras, Red Sea Press, 1987]. Ngoài tác phẩm thơ viết bằng văn xuôi Circles of Madness: Mothers of the Plaza de Mayo (1992), số tập thơ bà đã xuất bản có thể nói là rất phong phú: Conchalí (1981), Brujas y algo más/Witches and Other Things (1984), Women of Smoke (1988), Zones of Pain (1988), Hogueras/Bonfires (1990), Sargasso (1993), Toward the Splendid City (song ngữ, Bilingual Press/Editorial Bilingue, 1994 đoạt Giải Văn Học La-tinh về thơ 1995 của Viện Văn Học Mỹ La-tinh), Lluvia en el desierto/Rain in the Desert (1999).
 
Ngoài tập hồi ký A Cross and A Star (University of New Mexico Press, 1995) viết về tuổi thơ của mẹ bà [một cô gái di dân Do thái trong Thế chiến II sống trong một cộng đồng người Đức ở Osorno, Chile], và Noche Estrellada, viết về cuộc đời của họa sĩ Vincent Van Gogh (North-South Center, 1996), cuốn La Felicidad in tại Santiago là tác phẩn văn xuôi đầu tiên xuất bản bằng tiếng Anh dưới tên Happiness (1994) và được giới phê bình nhìn nhận là một tác phẩm “hiện thực huyền diệu” vượt quá tên gọi thường tình của từ này. Tiếp sau là một loạt những hồi ký và tự thuật có tính phê phán: Always from Somewhere Else: A Memoir of My Chilean Jewish Father (1999), The Alphabet in My Hands: A Writing Life (2000). Ngoài Giải Letras de Oro 1995 về thơ do Bộ Văn hóa Tây-ban-nha kết hợp với Trung tâm Bắc-Nam Đại học Miami trao tặng, Marjorie Agosín còn nhận Huân chương Danh dự trao cho toàn bộ thành tựu hoạt động xã hội của bà và từng được chính phủ Chile trao Huân chương Danh dự Gabriela Mistral năm 2002.

 

____________________

 

CHIẾC DÙ ĐEN TO TƯỚNG

 

 

Khi chị đến nhà chúng tôi chị che một chiếc dù đen to tướng. Một nhánh hoa đành đành trắng lủng lẳng bên tai trái của chị. Em Cynthia và tôi vừa trông thấy chị là đã thấy mê tơi rồi. Chúng tôi cũng cảm thấy có chút sợ hãi nữa. Chị trông giống như một con cá khổng lồ hay một mệnh phụ bị đắm tàu ở nơi xa nhà. Chiếc dù của chị chắc chắn là không dùng được dưới mưa bởi lẽ nó bị rách toạc nhiều chỗ, nước mưa sẽ chảy xuống người chị – nước từ một trận mưa rào hiếm hoi của mùa hè khô ráo kỳ lạ kia. Cũng là cái mùa hè em gái tôi và tôi hiểu ra tại sao những chuyện kỳ diệu xảy ra, chẳng hạn chuyện Delfina Nahuenhual xuất hiện.

Mẹ tôi đón chị, và Delfina, với vẻ dạn dĩ, cắt nghĩa là chị đi đâu cũng luôn mang theo chiếc dù khổng lồ, dùng để chị tránh nắng, tránh cả những cô tiên tinh quái, và đám con gái như chúng tôi. Đôi môi mềm mại của mẹ tôi mỉm cười. Ngay từ khoảnh khắc ấy mẹ tôi và Defina đã nẩy nở một quan hệ thân thiết hơn hẳn bình thường giữa “bà chủ nhà” và “cô tớ gái”.

Delfina Nahuenhual – chúng tôi phải gọi chị bằng nguyên tên họ của chị – là một trong ít người sống sót của trận động đất Chile xảy ra ở phía Nam Chile.* Chị đã mất cả con cái, nhà cửa, áo cưới, gà, và hai cây chanh rất quí của chị. Cái duy nhất chị cứu được ấy là cái dù đen to tướng phủ đầy bụi và năm ba thứ lặt vặt đã bỏ quên.

Buổi tối chị thường đốt một bếp lò nhỏ để nấu nướng; ngọn lửa hắt ra một luồng sáng rất dễ thương, rất hiền hòa. Rôi chị quấn mình trong một chiếc khăn màu lam khổng lồ bằng len mịn và chị để vài lát khoai tây ở hai bên thái dương để khỏi bị ốm và cảm lạnh.

Khi chúng tôi ngồi bên bếp lò, Delfina Nahuenhual kể chuyện về những oan hồn và những con ếch biến thành các hoàng tử. Chị lắc lư chúng tôi trong lòng bụng thênh thang của mình, và giọng nói chị ru chúng tôi ngủ. Chúng tôi là những đứa trẻ bình an cảm nhận được sức ấm tình thương của chị. Sau khi chị nghĩ chúng tôi đã ngủ, Delfina Nahuenhual ngồi viết những bức thư dài mà chị sẽ đánh số và đem gói trong giấy báo. Chị giữ những lá thư ấy trong một cái lọ cổ chứa đầy tỏi, thìa là, và những mảnh cùi chanh vụn.

Em gái tôi và tôi lúc nào cũng muốn đọc những lá thư ấy và học thuộc tên và địa chỉ của người nhận thư. Thế nên bất cứ khi nào Delfina Nahuenhual bận việc trong bếp, chúng tôi cũng tìm cách nhìn trộm vào cái lọ để khám phá xem chị giấu những gì trong đó.

Nhưng chúng tôi chưa bao giờ đọc được thư. Delfina Nahuenhual mỉm cười nhìn chúng tôi và lấy đầu chổi xua chúng tôi đi chỗ khác.

Trong nhiều năm, Delfina tiếp tục kể chuyện cho chúng tôi bên cạnh bếp lò. Không lâu sau khi em Mario của tôi, cậu con trai cưng trong gia đình, sinh ra, Delfina Nahuenhual bảo chúng tôi là chị cảm thấy mệt và chị muốn trở về miền nam Chile. Chị bảo bây giờ chị đã dành dụm được chút đỉnh và đã có một con gà, như thế là đủ để tiếp tục sống được rồi. Tôi nghĩ chị muốn chết và lên thiên đàng bởi chị đã quyết định trở về với rêu xanh và đất sét của quê mình.

Tôi nhớ tôi đã khóc rất nhiều khi chị từ giã chúng tôi. Em trai Mario của tôi bám chặt chiếc váy dài kín chân của chị, không muốn phải xa người phụ nữ uyên thâm, với chúng tôi, chưa bao giờ là một người tớ gái trong nhà. Khi chị cúi xuống để hôn tôi, chị bảo tôi phải chuyển những lá thư của chị cho người chị có ghi địa chỉ gửi thư đến nhưng tôi có thể cứ giữ cái lọ lại.

Trong nhiều năm, tôi đã giữ cái lọ như một vật bí ẩn quí báu, một thứ đèn thần trong đó đã chôn giấu tuổi thơ của tôi. Khi tôi muốn nghĩ đến chị, tôi lấy tay xát vào cái lọ, tôi ngửi nó, và thế là tất cả mọi thứ sợ hãi, kể cả sự sợ hãi bóng đêm, đều tan biến. Sau khi chị đi rồi tôi bắt đầu hiểu ra rằng tuổi thơ của tôi đã ra đi cùng với chị. Bây giờ hơn lúc nào cả tôi nhớ đĩa đậu lăng chị nấu để cầu mong sự may mắn và thịnh vượng trong Đêm Đầu Năm. Tôi nhớ cái mùi da của chị và những câu chuyện kể huyền diệu của chị.

Nhiều năm sau, em gái Cynthia của tôi sinh đứa con gái đầu lòng. Mario đi du lịch nước ngoài và tôi quyết định hưởng tuần trăng mật ở đảo Easter Island, hòn đảo xa tít ở giữa Thái bình dương, cách Chile sáu giờ tính theo đường bay. Đây là một nơi có đầy những pho tượng huyền bí, khổng lồ có tên là Moais. Suốt từ thời còn là một đứa bé, tôi vẫn bị mê hoặc bởi những pho tượng bí hiểm kia, những hình thù khổng lồ có vẻ như từ dưới đất mọc lên, đúng y như Delfina Nahuenhual và chiếc dù đen to tướng của chị khi chị xuất hiện ở nhà tôi lần đầu tiên. Tôi vẫn giữ những lá thư của chị, mà từ lâu tôi đã lấy ra khỏi cái lọ nhỏ bằng đất và để vào một cái hòm lớn màu xanh rêu cùng với một ít những nhánh tỏi còn lại. Khi lớn lên rồi tôi không bao giờ còn muốn đọc thư nữa. Tôi chỉ biết là thư phải được chuyển đến cho ai đó thôi.

Một buổi sáng khi mặt trời chiếu vào ngay cả cái góc tối nhất của phòng khách sạn tôi ở, tôi đi đến địa chỉ ghi trên những lá thư của Delfina. Đây là một khu người cùi sinh sống, một trong ít khu còn sót lại. Một nhân viên mặt mày ảm đạm ra mở cửa và nhanh chóng chụp lấy cái gói đựng năm trăm lá thư từ tay tôi. Tôi hỏi xem người nhận thư còn sống hay không và ông ta bảo là đương nhiên, nhưng tôi không được phép gặp người ấy. Khi tôi đưa những lá thư kia cho ông ta, tôi cảm thấy như tôi đã đánh mất một trong những của cải quí giá nhất của mình, có lẽ còn là những kỷ niệm cuối cùng của cuộc đời chị Delfina Nahuenhual thân yêu của tôi.

Thế là tôi không gặp được người mà chị Delfina Nahuenhual viết thư gửi, cũng không biết được tại sao chị đã để bao nhiêu đêm không ngủ của mình để viết những thư kia. Tôi chỉ biết anh ấy là một người cùi trên đảo Easter Island, anh vẫn còn sống và, có lẽ, vẫn đọc những lá thư, những giấc mơ yêu thương mỗi đêm đến với chị Delfina Nahuenhual. Khi tôi trở về nhà, rốt cuộc tôi biết rằng Delfina Nahuenhual đã bằng lòng, bởi vì khi tôi ngước mắt nhìn lên, như trước đây chị vẫn dạy tôi làm, tôi nhìn thấy một chiếc dù đen to đùng bay lượn trên nền trời đầy mây.

 

Bản dịch này đã đăng lần đầu trên tờ Ngày mới, SLC Xuân 1995.

 

Dịch từ bản tiếng Anh “A Huge Black Umbrella” của Lori M. Carlson trong Where Angels Glide at Dawn — New Stories from Latin America, do Lori M. Carlson và Cynthia L. Ventura biên tập, Isabel Allende giới thiệu (New York: J.B. Lippincott, 1990).
 
-------------
Chú thích:
Bức minh họa ở đầu truyện là tranh mộc bản của José Ortega, hoạ sĩ người Ecuador, tốt nghiệp School of Visual Arts, New York.
* Chile từng chịu đựng nhiều tai ương, do thiên nhiên cũng như do những biến động chính trị xã hội, do đó người dân Chile lúc nào cũng liên tục nỗ lực xây dựng lại cuộc sống của mình khi được tái định cư.
 

Những tác phẩm khác trong cùng một tập truyện:

 
Diễn văn của gấu  (truyện / tuỳ bút) - Cortázar, Julio
Tôi là con gấu sống trong những đường ống của toà nhà. Tôi leo trèo qua các ống dẫn vào những giờ khắc yên tĩnh, những ống dẫn nước nóng, những ống lò sưởi, những ống dẫn của máy điều hòa không khí. Tôi đi qua những đường ống từ căn hộ này qua căn hộ nhà khác và tôi là con gấu đi qua những ống dẫn... [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân] (...)
 
... Và, với đôi mắt nhắm như thế, tôi bắt đầu nghĩ đến đủ mọi thứ chuyện. Tôi vẫn không hề dừng chân... Tôi tiếp tục bước đi, với đôi mắt nhắm, dĩ nhiên... — Truyện ngắn của Reinaldo Arenas (1943-1990), nhà văn Cuba lưu vong, một trong những cây bút hiện thực thần kỳ được nhiều người đọc ái mộ nhất của thế hệ hậu cách mạng ở Cuba. [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân]  (...)
 
Ngày xưa có một vùng đất thần thoại ở tận cùng thế giới, có tên là châu Mỹ. Những nhà thám hiểm từ châu Âu từng tìm ra vùng đất này, khi trở về nhà đã kể lại cho mọi người là họ đã nhìn thấy những con sông rộng như biển, những khu rừng không ai đi vào được, những sa mạc cát trắng nóng bỏng, và những ngọn núi cao ngất đến nỗi đỉnh với tới tận trời cao, nơi có những thiên thần bay lượn trong buổi rạng đông... [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân]  (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021