thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chiếc bánh madeleine
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

MARCEL PROUST

(1871-1922)

 

CHIẾC BÁNH MADELEINE

 

Cách đây đã mấy năm nay, ở Combray, tất cả những gì không phải là sân khấu và thảm kịch của giờ đi ngủ của tôi, đối với tôi đều không có nghĩa gì hết, thế rồi vào một ngày mùa đông, lúc tôi trở về nhà, mẹ tôi thấy tôi lạnh, bảo tôi uống một tí trà, dù thường ngày tôi chẳng thích gì. Ban đầu tôi từ chối, và rồi, không hiểu sao, tôi lại đổi ý. Mẹ cho người đi mua một chiếc bánh ngọt, thứ bánh ngắn và phồng tròn mà người ta vẫn gọi là Petites Madeleines, trông giống như vừa được vô khuôn trong vỏ sò có khớp ở Saint-Jacques. Trong lòng chán nản vì thấy ngày hôm nay tẻ ngắt mà ngày mai cũng không vui vẻ gì, bất giác tôi đưa lên miệng một thìa nước trà trong tách mà tôi vừa nhúng một miếng madeleine vào cho mềm. Nhưng ngay lúc ngụm nước lẫn với vụn bánh đụng đến gần cổ họng tôi, tôi rùng mình, chú ý đến sự lạ đang xẩy ra trong tôi. Một niềm vui thú vị đã xâm chiếm, cô lập cả người tôi, mà tôi không hiểu được do ở đâu. Trong khi chất đầy trong tôi một bản thể quý báu, cũng như tác dụng của tình yêu, nó đã cho tôi thấy những thăng trầm của cuộc đời không còn quan hệ, những tai họa trở nên vô hại, và cả cuộc đời ngắn ngủi chỉ còn một ý nghĩa giả dối: hay cái bản thể đó đúng ra không ở trong tôi, mà chính là tôi. Tôi không còn cảm thấy mình kém cỏi, ngẫu nhiên, phù sinh nữa. Cái niềm vui mạnh mẽ đó từ ở đâu mà đã tới được đây với tôi? Tôi cảm thấy rằng nó có dính dáng đến vị trà và bánh, nhưng nó đã vượt thật xa cái vị đó, và chắc hẳn không cùng một chất liệu. Vậy thì niềm vui ở đâu tới? Nó có nghĩa gì? Bắt được nó ở đâu? Tôi uống một ngụm thứ hai, mà tôi thấy chẳng có gì hơn ngụm trước, một ngụm thứ ba lại càng kém hơn ngụm thứ hai. Đã đến lúc tôi phải ngừng lại, công hiệu của thức uống hình như đã giảm đi. Rõ ràng là sự thật tôi tìm kiếm không phải ở nơi trà bánh mà ở trong tôi. Trà bánh chỉ đánh thức sự thật đó dậy, nhưng lại không hề quen biết với nó và chỉ có thể nhắc đi nhắc lại mãi một lời chứng, mỗi lần nhắc càng ít sức hăng hái đi, lời chứng mà tôi không biết giải thích làm sao và chỉ muốn lát nữa ít ra khi cần đến cũng có thể cầu xin và tìm lại được nguyên vẹn để làm sáng tỏ một lần dứt khoát. Tôi đặt tách trà xuống, và quay về phía tâm hồn tôi. Chính ra phải tìm sự thật ở đó. Nhưng làm cách nào đây? Thật vô cùng phân vân, mỗi lần tâm trí mình đi quá xa sức của chính nó; khi mà tâm trí là kẻ đi tìm, lại vừa là miền tăm tối mịt mù mà nó phải dấn mình vào để tìm kiếm và chính trong đó tất cả vốn tri thức của nó chẳng còn dùng được việc gì nữa. Tìm kiếm? Không chỉ có thế: còn phải sáng tạo. Tâm trí đang đối diện với một cái gì chưa thành hình mà chỉ có tâm trí mới tạo ra được, để rồi đem ánh sáng mình vào soi rõ.

Và tôi lại bắt đầu tự hỏi thứ tâm trạng đó là gì, mà không đem lại được một bằng chứng hợp lý, chỉ đem lại cả một niềm hạnh phúc và một thực tại hiển nhiên đến nỗi trước mắt nó tất cả những sự hiển nhiên khác đều lu mờ đi. Tôi muốn thử cố làm cho nó hiện ra lại. Tôi cho ý nghĩ lùi dần đến chỗ khi tôi uống thìa trà thứ nhất. Tôi lại tìm thấy nguyên tâm trạng cũ, không có một cái gì soi rõ thêm được. Tôi bắt tâm trí tôi phải cố gắng thêm lần nữa, để một lần nữa bắt cái cảm giác đã bỏ chạy trốn phải trở lại. Và trong khi nó cố tìm lại cảm giác đó, để cho đà của nó đi khỏi bị gián đoạn, tôi gạt hết các chướng ngại vật, các ý nghĩ xa lạ, tôi che kín cho hai tai và cho sự chú ý của tôi khỏi phải bị những tiếng động của phòng bên làm sao lãng. Nhưng cảm thấy tâm trí đã mệt mỏi mà chẳng thành công, ngược lại tôi bắt buộc nó phải ngơi nghỉ, là điều tôi vẫn từ chối với nó, bắt buộc nó phải nghĩ đến chuyện khác, lấy lại sức mạnh trước khi tìm cách tấn công một lần cuối cùng. Rồi một lần thứ hai, tôi gạt hết những ý nghĩ bên ngoài, tôi lại đặt trước tâm trí cái vị ngụm trà thứ nhất ban nãy và tôi thấy trong tôi có một vật gì rung rung chuyển động, muốn nổi dậy, một vật gì từ dưới một vùng sâu thẳm mà người ta vừa kéo neo lên; tôi không biết vật đó là gì, chỉ biết là nó đang nổi lên từ từ; tôi cảm thấy cả sự kháng cự, và nghe có tiếng lao xao của những khoảng cách phải đi qua.

Tất nhiên, cái vật đang rung động trong thâm tâm tôi chỉ là hình ảnh, nghĩa là kỷ niệm ghi được bằng con mắt, cái kỷ niệm có liên lạc với vị trà bánh, đang cố theo cái vị đó đến tận tôi. Nhưng nó đang vẫy vùng quá xa, quá mơ hồ; tôi chỉ thoáng thấy một thứ ánh sáng lờ mờ trong đó lẫn lộn các màu sắc lay động xoáy tròn không nhận ra được; nhưng tôi lại không thể trông rõ hình dạng, không thể nhờ nó, như nhờ một người thông dịch độc nhất đủ khả năng giảng giải, không thể nhờ nó giải thích ý nghĩa của người bạn đồng thời của nó, của người bạn đồng hành không hề rời nó một bước, là vị trà vị bánh, tôi không thể nhờ nó cho tôi biết đó là ở trường hợp đặc biệt nào, ở thời nào trong quá khứ.

Cái kỷ niệm đó, cái giây phút xa xưa đã được mời đón về, đã được lay động lại, đã được khơi dậy trong thâm tâm tôi khi đã lâu rồi mà tôi còn bị thu hút bởi một phút giây khác tương tự, cái kỷ niệm đó có lên được đến bề mặt ý thức sáng suốt của tôi chăng? Tôi cũng không biết nữa. Bây giờ tôi không còn cảm thấy gì nữa, nó đã ngừng lại, đã lắng xuống rồi, có lẽ như vậy; ai biết được có lúc nó sẽ trỗi dậy từ vùng đêm tăm tối của nó? Tôi phải bắt đầu lại, phải cúi xuống phía nó đến mười lần. Và cứ mỗi lần sự lười biếng vốn thường hay làm ta ngoảnh mặt trước mọi công việc khó nhọc, mọi công trình quan trọng, sự lười biếng đó lại khuyên tôi bỏ qua chuyện kia, khuyên tôi chỉ uống trà và nghĩ đến những điều phiền muộn ngày hôm nay của tôi, đến những ước muốn ngày mai của tôi, những ước muốn mà ta có thể đem suy ngẫm lại một cách dễ dàng.

Và đột nhiên kỷ niệm lại hiện ra với tôi. Mùi vị đó chính là mùi vị của miếng bánh madeleine mà hồi ở Combray mỗi sáng chủ nhật (bởi vì ngày đó tôi không ra khỏi nhà trước giờ đi lễ) khi tôi vào phòng dì Léonie để chào dì, dì thường hay cho tôi ăn sau khi đem nhúng vào tách nước trà hay nước chè tươi pha nóng. Khi nhìn thấy miếng bánh madeleine, nhưng chưa có nhấm nháp qua loa, nó chẳng gợi cho tôi nhớ lại được gì hết, có lẽ tại vì từ ngày đó tuy không ăn nhưng vẫn thường bắt gặp thứ bánh đó trên những tấm ván các hàng bánh, hình ảnh nó đã rời bỏ những ngày cũ ở Combray để nối liền với những ngày khác gần đây hơn; và có lẽ tại vì trong số những kỷ niệm đã bị bỏ quên quá lâu ngoài ký ức, không có gì còn sống sót lại, tất cả đều đã tan rã hết; những hình thể — và luôn cả hình thể của miếng bánh hình vỏ sò, nhân bên trong thật là béo mỡ kích thích, dưới những nếp xếp thẳng như trên bộ y phục nghiêm trang sùng kính — đã tiêu tan, hay đã chìm đắm trong giấc ngủ, đã mất đi sức phát triển lẽ ra có thể cho phép nó gặp lại được ý thức. Nhưng khi từ một quá khứ xa xưa không có gì còn tồn tại nữa, sau khi con người đã chết, và sự vật cũng đã bị hủy hoại, thì chỉ có mỗi mùi vị là còn giữ được lâu, yếu đuối hơn nhưng lại linh động hơn, vô hình hơn, bền bỉ hơn, trung thành hơn, chỉ có mỗi mùi vị là còn giữ được lâu, như tâm hồn ta, để nhớ lại, để đợi chờ, để hi vọng, trên phế tích của tất cả những gì còn lại, để ôm mà không thấy trĩu nặng, trên giọt nước nhỏ mong manh tay ta đụng vào gần như không cảm thấy được gì, ôm cả tòa lâu đài bao la của kỷ niệm.

 

 

-----------------
Trích dịch từ Du côté de chez Swann , cuốn đầu tiên trong Marcel Proust, A LA RECHERCHE DU TEMPS PERDU. Người dịch dùng nhan đề “Chiếc bánh madeleine” chính là do chút kỷ niệm thời đi học, những trang Proust đầu tiên trong Tủ sách giáo khoa của Pháp (Marcel Proust, Pages Choisies, Collection Classiques Illustrés Vaubourdolle, Librairie Hachette) là những trích đoạn “L’univers de Vinteuil”, “La madeleine”, “Les clochers de Martinville”, v.v...
 

 

 

-------------

Đã đăng:

Vũ trụ của Vinteuil  (truyện / tuỳ bút) 
Dường như mỗi nghệ sĩ là công dân của một quê hương xa lạ, mà chính hắn cũng đã quên mất, một quê hương không giống như quê hương từ đó một nghệ sĩ lớn khác sẽ lên đường để đi tới quả đất... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Lời thú tội của một thiếu nữ  (truyện / tuỳ bút) 
... Sau đó tôi chỉ còn biết buông trôi. Chúng tôi đã khoá trái hai cánh cửa lại, và, với hơi thở trên má tôi, hắn siết chặt lấy tôi, hai bàn tay hắn lục lạo khắp người tôi. Rồi trong lúc sự khoái lạc càng lúc càng xâm chiếm tôi, tôi cảm thấy thức dậy tận đáy lòng tôi một nỗi buồn và chán vô tận; tôi thấy dường như tôi đã làm cho linh hồn mẹ tôi khóc, linh hồn vị thần hộ mạng của tôi, linh hồn Chúa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Vườn Tuileries  (truyện / tuỳ bút) 
Sáng nay trong vườn Tuileries mặt trời tuần tự thiếp ngủ trên các bậc thang đá như một gã thiếu niên tóc vàng mà một chiếc bóng lướt qua làm gián đoạn tức khắc giấc ngủ nhẹ nhàng... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Một bữa ăn ngoài phố  (truyện / tuỳ bút) 
Honoré đến trễ, anh chào các gia chủ, chào những người khách mà anh quen, người ta giới thiệu anh với những người khách khác và mọi người vào bàn ăn. Được một lúc, người khách ngồi bên cạnh anh, một thanh niên còn trẻ măng, yêu cầu anh cho biết tên... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Nếu khi đi dạo trên bãi biển hay trong rừng bà có để cho thú trầm tư hay mơ mộng, hay chỉ là một hương thơm, một bài ca mà ngọn gió heo may đem đến và phủ kín, bà có để cho những thứ đó nhẹ nhàng xâm chiếm lòng bà, trong một lúc làm bà quên được nỗi khổ của bà, thì bà liền cảm thấy nhói lên nơi tim một vết thương đau đớn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Ba đoản văn “Vent de mer à la campagne”, “Rencontre au bord du lac” và “L'étranger” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Các người hãy giữ lại trên gối chân khóm hồng tươi mát, và hãy để mặc trái tim ta khóc trong lòng bàn tay khép kín của các người...) [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Hai đoản văn “Sonate Clair de lune” và “Comme à la lumière de la lune” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Những luồng ánh sáng dồn dập rực rỡ và êm dịu của nó đi vào đến tận tim chúng tôi. Như chúng tôi, mặt trăng cũng khóc, và cũng gần luôn luôn như chúng tôi, nó khóc mà không biết tại sao...) [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021