thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một câu chuyện vắn tắt về thế giới song hành

 

Ở đâu đó trong thế giới ngầm bí ẩn nằm sâu dưới lòng thành phố, có những vùng được mệnh danh là “vương quốc bất khả xâm phạm của loài gián”. Trong đó, một nhà khảo cổ đã tình cờ tìm thấy một nơi mà ông gọi mỹ miều là “thư viện của gián”. Cũng nhờ kỳ công này mà ngay sau đó ông được tấn phong với một mỹ từ nhưng mang ý giễu cợt nhiều hơn là ngợi ca: nhà gián học.

Nhà gián học không phải là từ chuyên môn để chỉ người nghiên cứu gián ở khía cạnh côn trùng học như thường thấy, mà nó hàm ý để chỉ một khía cạnh nghiên cứu khác — lạ thường, khó tin và chưa từng được biết — về các giá trị văn hoá tình thần của loài gián. Vì vậy, ông là trường hợp đầu tiên và hiếm hoi ở đến thời điểm đó. Cũng chính sự hiếm hoi này đã chỉ rõ một khiếm khuyết to lớn của con người trong tiến trình nhận thức về thế giới xung quanh.

Phát hiện của ông đã giúp xoá tan niềm tin cho rằng con người là giống loài văn minh duy nhất trên trái đất này...

Thư viện của gián là một cái hố tối đen, dơ bẩn, với vô vàn những ký hiệu phức tạp được tô vẽ trên những gờ đá tự nhiên dưới tầng đất sâu. Với cái nhìn của người bình thường thì thư viện gián chỉ là một mớ những đường lằng nhằng rối rắm, nhưng dưới con mắt nhà nghề của một nhà khảo cổ, linh tính mách bảo ông rằng có một cái gì đó rất đặc biệt và trật tự trong mớ hỗn loạn ấy. Vì linh cảm tuyệt vời này mà ông đã dừng lại khá lâu ở vách đá để ngắm nghía. Cuối cùng ông nhận ra rằng các hình vẽ mà ông đang nhìn thấy đã được thiết kế có chủ đích chứ không đơn giản chỉ là các hình ngẫu nhiên. Và chính điều này đã làm ông trăn trở bao đêm khi cố giải mã cho ra ý nghĩa của chúng.

Và trong khi ông đang cố làm công việc ấy thì một kẻ bí mật cũng bắt đầu dõi theo nhất cử nhất động của ông. Mỗi khi ông vò đầu bứt tóc trước những ký hiệu phức tạp nơi gờ đá, cũng là lúc ánh mắt của kẻ bí ẩn, đang nấp trong một hốc tối nào đó, tỏ ra đầy lo lắng. Cuộc đeo đuổi này đã kéo dài từ ngày này qua tháng nọ nhưng ông không hề hay biết. Cho đến một ngày, khi sự bế tắc đã bắt đầu hiện rõ lên từng nếp nhăn và ánh mắt của ông, thì thật bất ngờ, kẻ theo dõi bí mật đột ngột xuất hiện với một điệu bộ lạ thường khiến ông chú ý. Đó là một con gián già với cặp râu trắng dài kỳ dị. Nó múa may, huơ tới huơ lui cặp râu dài như đang cố nói một điều gì với ông. Sau vài lần như vậy, ông có cảm giác như nó đang cố giải thích những ký tự rối rắm kia cho ông.

Và đó là những giây phút bắt đầu cho duyên kỳ ngộ giữa ông với con gián già thông thái. Sau này, chính nhờ vào sự nhiệt tâm và thông thái của nó, ông đã tiến những bước dài trong việc tìm hiểu lịch sử văn minh của loài gián...

Hàng ngày, con gián già dùng râu nhúng vào thứ nước cống đen kịt để làm mực rồi vẽ những ký tự ngoằn ngoèo lên vách đá. Nó đang giải thích, nhưng đúng hơn là đang dạy cho nhà gián học hiểu được các biểu tượng trông có vẻ rối rắm ấy. Đầu tiên, nó dùng rấu vẽ một loạt ký hiệu và sắp xếp thành một hàng dài mà với kinh nghiệm lâu năm của mình, nhà gián học cho rằng đó chính là bảng chữ cái của loài gián. Dần dà, ông cũng hiểu được các nguyên tắc kết hợp tạo từ và các nghĩa của chúng.

Càng ngày nhà gián học càng lờ mờ nhận ra hình như thứ ngôn ngữ viết bằng râu ấy được mô phỏng dựa trên các nguyên tắc ngôn ngữ latin. Có lẽ nhờ vậy mà từ đó ông học rất nhanh và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ông đã thông thạo cách sử dụng những ký hiệu tưởng chừng như rất phức tạp đó.

Và bắt đầu từ đây, những bí ẩn hàng triệu năm của loài gián dần dần được hé mở...

Trong hàng mớ dữ liệu mà thư viện gián đang lưu giữ, có thể tìm thấy hầu hết các lĩnh vực quan trọng mà nền văn minh loài người đã từng ghi nhận. Rất nhiều văn bản ghi lại những tư tưởng cổ xưa, những suy tư về vũ trụ, về thiên nhiên và về sự tồn tại của loài gián. Trong đó cũng không thiếu các ghi chép về kỹ thuật canh tác nông nghiệp hay các chế tác vũ khí phức tạp. Càng đọc những ghi chép đó ông càng có cảm tưởng như đang đi lạc trong thư viện của Aristotle. Nhưng điều gây kinh ngạc là các văn bản cổ xưa đó khẳng định lịch sử thành văn của loài gián đã có cách đây hàng triệu năm. Nghĩa là chúng đã đi trước giống người từ rất lâu...

Khi công việc đang trôi chảy thì một ngày nọ con gián già ngã bệnh. Khi nhà gián học đến thăm, nó đang nằm quặt quẹo trong một hốc tối. Đôi râu dài kỳ dị xìu xuống mất hẳn sức sống.

Khi thấy có người đến, đôi râu ấy cố gằng nhấc lên, quệt quạt vài nét vào không khí như muốn nói điều gì. Nhưng nhà gián học vẫn chưa hiểu. Và khi đôi râu ấy cố ngọ ngậy thêm vài lần nữa, đôi mắt của nhà gián học chợt sáng lên gật gù. Và đó cũng là lúc đôi râu buông thỏng rơi xuống đất và cái đầu quẹo sang một bên. Con gián già đã chết!

Nhà gián học buồn bã men theo gờ đá của hốc tối và tiến vào một cái hang vuông vắn như một căn phòng nhỏ. Bên trong ấy chứa một thứ còn bí mật hơn cả thư viện gián. Đó là nơi lưu giữ những ghi chép riêng tư của con gián già...

Thực tâm nhà gián học không chờ đợi điều gì mới mẻ từ căn phòng ấy. Đơn giản là ông chỉ thực hiện cái di chúc được uỷ thác của kẻ quá cố. Nhưng khi những dòng chữ thầm kín kia được soi rọi thì cũng là lúc nhà gián học bắt đầu đi từ ngạc nhiên rồi đến sửng sốt bàng hoàng. Và nó đã làm thay đổi cả con người ông...

Điều đầu tiên khiến ông kinh ngạc là những ghi chép này đã được bắt đầu từ giữa thế kỷ trước, nghĩa là ít ra tuổi thọ của con gián già cũng trên bảy mươi trong khi tuổi thọ trung bình của loài gián, như ngành côn trùng học đã chỉ ra, tối đa chỉ một hai năm.

Lần theo từng sự kiện ghi trong ấy, rồi xâu chuỗi chúng lại, cuối cùng một tấn bi kịch dần dần lộ diện...

“Trước tiên, xin phải hiểu cho rằng: tôi không phải là gián, vì nếu là gián, tôi sẽ không thể biết được mình không phải là gián.

Vì vậy nếu có ai đọc và hiểu được những dòng chữ này (ai, ở đây, theo ý tôi, phải là một con người), mong hãy bình tĩnh để tránh những xúc động thái quá. Xin hãy hiểu cho là bạn đang đọc những dòng sự thật bi thảm về một kiếp người, được viết dưới dạng ngôn ngữ của loài gián.

Vâng, tôi là một con người, hẳn nhiên là trước đây, và bây giờ vẫn là một con người nhưng trong thân phận của một con gián. Tôi có đôi cánh, có sáu cái chân, tôi có đôi râu dài để nhận mùi. Cơ thể tôi cũng toả ra thứ mùi hôi làm cho ai cũng tởm... Nhưng tất cả những thứ ấy cũng không thể phủ nhận tôi là một con người thực thụ.

Tại sao, tại vì trái tim và khối óc tôi là của một con người.

Tim tôi đớn đau từ khi tôi bị hoá kiếp, nó mòn mỏi hy vọng mong manh cái ngày tôi được hoàn thân trở lại kiếp người. Nhưng lý trí tôi mách bảo, đó chỉ là điểu ảo tưởng.

...

...

...

Nếu bạn biết rằng, vào một ngày đẹp trời khi tôi đang là một thanh niên tràn đầy sức sống và nhiệt huyết yêu đời, một gã nhà văn đã hoá kiếp cho tôi thành một con gián gớm ghiếc.

Tôi bị xua đuổi và phải bỏ trốn vào thế giới của loài gián.

Ở đó, tôi là một con gián lạ lùng không đồng loại. Những con gián quanh tôi đang sống đời sống của một loài côn trùng. Tự nhiên đã ban cho chúng một hình thể và cách sống như bạn thấy. Cách sống ấy, cũng như bao cách tồn tại của muôn loài khác, không xấu cũng chẳng tốt. Đơn giản là tất cả cùng hoà vào bức tranh vô vàn đa dạng của thiên nhiên.

Nhưng với thân phận gián như tôi lại khác, tôi không thể hoà nhập vào cái thế giới sối động ấy của loài gián. Tôi vẫn kinh tởm chúng, vẫn mang trong đầu những suy nghĩ của một con người. Và đó chính là bi kịch đầu tiên của kiếp gián mà tôi đang mang vác. Chính cái đớn đau này dày vò tôi hàng ngày. Tôi ước gì mình là một con gián thật sự để thoả sức chạy nhảy tự do và sống an nhiên tự tại trong cái vương quốc bất khả xâm phạm ấy.

Nhưng tháng ngày trôi qua, tôi vẫn không thể làm một con gián đúng nghĩa.

...

...

...

Lý trí, thứ được mệnh danh như là món quà quý báu mà Thượng Đế đã ban tặng cho con người, cũng chính là thứ đang huỷ hoại tôi từng ngày. Chính cái lý trí ấy đã biến tôi thành gián, rồi cũng chính nó ngăn cản tôi trở thành một con gián thực sự. Tôi tồn tại chơi vơi trong ranh giới giữa người và gián.

Nhiều lúc, khi nhìn những con gián khác đang vô tư sống đời sống tự nhiên của chúng, tôi ước gì loại bỏ được món quà quý giá ấy ra khỏi đầu óc mình. Nếu được như thế, có lẽ, đã không có những bi kịch đau thương của kiếp người. Nhưng thật bất hạnh cho tôi (và cả cho bạn), khi chẳng thể chối từ hay chạy trốn được món quà ngỡ như rất tốt đẹp ấy...

Cùng đường, và dù biết rất mong manh, tôi phải cố tìm cách để quay về với thế giới con người.

Vì thế một kế hoạch đã ra đời...

Và kết quả là thứ mà bạn đã thấy: thư viện của gián.

...

...

...

Tôi hy vọng một ngày nào đó, nếu may mắn, sẽ có một con người tò mò phát hiện ra... Và khi con người ấy có thể đọc và hiểu được những lời đau thương này, thì đó cũng chính là lúc tôi đã được quay về lại với thế giới con người...”

 

Sau khi đọc xong những lời đau đớn ấy, nhà gián học đã ngã bệnh suốt sáu tháng. Và khi bình phục lại ông đã trở thành một con người khác hẳn. Người ta nói đùa là ông đã bị “gián ám”.

Dĩ nhiên ông chẳng bao giờ tiết lộ những ghi chép riêng tư của con gián già — người mà bây giờ ông đã trân trọng coi như một người bạn thân thiết đã quá cố. Bởi ông sợ người đời sẽ giễu cợt ông và gây thêm những đớn đau cho linh hồn người bạn già tội nghiệp...

 
 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021