thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bọn người lao đao [kỳ 2]

 

 

Ba người bạn ngồi quanh chiếc bàn tròn đặt cạnh mấy luống hoa hồng nhiều màu thân to và cao gần tới đầu người. Một cơn gió mạnh thổi, nhiều cánh hồng tung bay và rơi xuống nằm rải rác trên mặt đất trông như xác pháo ngày Tết. Xa xa, những cành thông vật vã, mây cuồn cuộn từng đám trông chẳng khác gì những ngọn sóng dữ ngoài biển khơi khi trời động. Trên mặt bàn lấm tấm những cánh hoa hồng, mấy đĩa đậu phụng, hột điều, chưa ai mó tới. Ba người bạn cầm lon bia bia ướp lạnh trên tay ngẩng mặt nhìn trời.

"Lạ chưa, trời nắng mà lại như sắp có mưa. Có bão nữa chăng,” ông Tuấn nói bâng quơ.

Ông Tuệ đáp:

"Đà Lạt cũng như Sài Gòn mưa vào mùa hè, cậu quên sao? Nhưng ta phải trở lại câu chuyện cô bán hàng. Con nhỏ coi cũng được mắt, nhưng hỗn láo. Gặp tôi, tôi sẽ cho nó biết tay. Bán hàng mà quá quắt!”

"Cô ấy có quá quắt gì đâu,” ông Tuấn nhăn mặt đáp. “Cậu mới quá quắt. Mình chọc nó, nó chọc lại, hoà. Có tung, có hứng, mới vui.”

Như bị giội một gáo nước lạnh vào mặt, ông Tuệ sừng sộ:

“Cậu đúng là cà chớn, không biết phân biệt phải trái.”

Ông Tuấn to tiếng:

“Phải trái cái quái gì. Vui đùa một chút mà phải phải với trái nữa sao. Cậu trịnh trọng quá.”

Ông Yên giảng hoà:

“Thôi, thôi, xin hai bên bớt giận. Cả hai người đều phải”.

Ông Tuệ gắt:

“Cậu đúng là ba phải.”

“Lại đúng thôi. Không ba phải không phải tôi. Mà này anhTuấn của tôi, sao cứ chứng nào tật nấy, gặp gái là a thần phù vào.”

“Lại thằng Phù lúc nãy. Thằng Phù nào thế?” ông Tuệ nói hơi gắt.

“Thằng Phù nào, cậu không biết hả?” Ông Yên đáp. “Để tôi nói cho nghe. Hồi đó lúc mới chạy qua Mỹ một mình, tôi buồn không thể tả. Cộng đồng chưa thành hình, người tỵ nạn như chúng mình sống rời rạc, vất vưởng như hồn ma bóng quế trên cái đất nước mênh mông lạnh lùng này. Hai cậu cũng đã từng nếm qua, khỏi phải nói nhiều.”

“Cậu bảo là khỏi phải nói nhiều thế cậu đang giở trò gì đó?” ông Tuệ chưa hết giận. “Gọn gọn lại đi.”

Ông Yên cười:

“Tôi đang giải thích chữ a thần phù đây, ưng nghe không? Nhưng phải có đầu có đuôi chứ. Hồi đó tôi sống tại một thị trấn nhỏ, thị trấn Orangeburg tiểu bang South Carolina, không thấy người Việt Nam nào cả. Buồn lắm. Bất cứ lúc nào có dịp là tôi qua Nam Cali thăm như đi về quê mình. Gặp được nhiều người Việt Nam, ăn món Việt Nam, nói tiếng Việt, đã quá. Trong một lần về đó, nhân dịp tụi Huế tổ chức cái gọi là Ngày Nhớ Huế, thì tôi tuy là gốc Gò Công, cũng đâm ra nhớ Huế lây. Thế là a thần phù tới. Nghĩa là xông đại tới, khỏi cần ai mời.”

“Thế tụi nó không hỏi vé sao,” ông Tuệ thắc mắc.

“Không. Một vài thằng đi theo dòm dòm, tôi ‘thành thật khai báo’ và sẵn sàng đóng tiền. Thế là OK. Chữ a thần phù tôi học trong dịp đó. Phải quen nhiều người Huế, phải học nữa mới biết hết tiếng Huế.”

“Phải học nữa sao?” ông Tuệ ngắt lời. “Cậu làm như dân Huế là người ngoại quốc không bằng! Tôi cũng có mấy thằng bạn Huế, mà nói gì tôi cũng nghe lọt hết.”

“Tôi chưa nói hết mà. Tôi học đấy, nghĩa là yêu cầu tụi nó nói tiếng Huế nhiều nhiều cho tôi nghe, tôi học, bằng không chúng giả giọng Nam. Và gặp người Bắc chúng lại giả giọng Bắc. Chúng bảo giả giọng như thế để người nghe hiểu dễ hơn. Cho nên có nhiều thằng Huế mà mình cứ tuởng chúng là Bắc Kỳ hay Nam Kỳ. Nhưng...”

“Nhưng cái gì.” Ông Tuệ ngắt lời, “Đừng nhưng nữa!”

“Ừ, thì không nhưng nữa. Tụi Huế giả giọng Nam, giọng Bắc thì OK. Nhưng, xin lỗi, lại... nhưng. Nhưng có cái chuyện lạ là nếu chúng giả giọng Quảng Nam là bị tụi Quảng Nam cà khịa ngay. Chẳng hạn cái bàn nói thành ‘cứa boàng’ dịch ra tiếng Tây là ‘loa toáp’.”

Ông Tuấn đưa nhận xét:

“Tốt hơn hết giọng mình thế nào nói thế ấy, dần dần người khác sẽ hiểu hết. Tiếng Việt thêm phong phú. Chửi cha không bằng pha tiếng. Tụi Huế ưa giả giọng vì muốn chiều người khác, đồng thời chúng nó cũng tỏ ra yếu kém, thiếu tự tín. Cái bọn đó không giữ nổi bản sắc của mình.”

“Tuệ ơi, anh Tuấn nói cái gì đó khó hiểu quá.”

Ông Tuấn nhún vai, im lặng. Ông Yên tiếp:

“Nói với mình, tụi Huế nó nói gần giống mình, giữa chúng nó với nhau lại khác. Nhất là trong những buổi hội họp riêng, chúng càng thích nói những tiếng địa phương mà chúng bảo là ‘rặt Huế’. Đố ai hiểu nổi. Chẳng hạn nói như thế này là nói cái gì: ‘Năm ni chắc lụt tởn lắm. Nước mới đó xắp xắp ngoài cươi rứa mà chừ đã em em nửa chưn chờn’.”

Ông Tuấn bật cười:

“Dễ ợt. Năm nay lụt lớn lắm. Em ơi, hãy rửa chân rồi lên giường với anh.”

Ông Yên vui vẻ hẳn lên:

“Trật, trật nhiều chỗ. Chẳng hạn ‘em em’ đâu phải là em. Để tôi cho một ví dụ khác xem hai cậu hiểu chữ ‘em em’ không nhé. ‘Lụt lội cho nên cá mú rẻ độn. Chỉ mấy trự cũng mua em em một rổ.’”

Ông Tuệ đáp ngay:

“Biết rồi, em em nghĩa là gần bằng, hay là hơi kém một chút. Tôi mang theo em em mấy triệu, chốc nữa ba anh em mình kéo nhau đi đánh chén. Đúng chưa? Thế thì anh anh hay chị chị nghĩa là nhiều hơn, hay quá hơn một chút, phải không.”

“Không ai nói thế,” ông Yên đáp. “Còn câu này thì hai cậu có hiểu không nào: ‘Tưởng răng, chộ mệ mì biết rứa đó nê.’”

Ông Tuấn cười:

“Xin thua.”

Ông Yên làm khó:

“Thua kệ, tôi không giảng nghĩa đâu. Xin trở lại chuyện cũ. Cũng nhờ Hội Nhớ Huế và mấy thằng bạn Huế khá thân mà hồi đó mình đỡ cô đơn, nhưng tình yêu thì không có cho mãi đến khi tôi gặp anh Tuấn của tôi đây. Tuệ đã biết rồi chứ, Tuấn và Yên như hình với bóng.”

Nói đến đây, ông Yên nhìn ông Tuấn âu yếm:

“Nhưng, xin lỗi lại nhưng, như một ông thi sĩ nào đó nói rất trúng tâm can của tôi, ‘Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu’.”[1]

Ông Tuấn quát:

“Câm cái mồm lại có được không!”

Ông Yên cúi mặt im lặng vâng lời.

Ông Tuệ cười cười, vẫn nụ cười pha chút giễu cợt:

“Bị Tuấn nó mắng là phải. Có hay ho gì mà cứ đem khoe hoài.”

Ông Tuấn quắt mắt, cau mày khó chịu, ông Yên sung sướng cười tủm tỉm. Ông Tuệ làm như không để ý đến phản ứng của bạn, nói tiếp:

“Yên, cậu đang ‘Tự Hào Về Mình’ đấy, phải không? Hãy trở lại chuyện Huế nhé. Bây giờ tụi nó có còn tổ chức Ngày Nhớ Huế không, và cậu có còn a thần phù tới nữa không?”

“Không, đã có anh Tuấn đây rồi. Chúng tôi luôn luôn đi chơi nhiều nơi với nhau lúc nào có ngày nghỉ dù ngắn hoặc dài. Còn tụi Huế hả? Tụi nó vẫn tổ chức đại hội hàng năm. Nhưng có khác. Trước kia chúng nó nhớ thiệt, bây giờ nhớ dỏm. Ai nhớ thiệt cứ việc bay vèo một cái là về tới nơi ngay, hết nhớ. Họp nhau chẳng qua để có cớ gặp lại nhau, chứ không phải để nhớ Huế nhớ Huệ gì ráo.”

“Có thể như thế, mà cũng có thể vì nhiều lý do khác,” ông Tuệ lý sự. “Cậu luôn luôn kết luận vội vã, chủ quan. Sự đời đâu có đơn giản như vậy.”

“Thế theo cậu, vì lý do gì?” ông Yên gật gù hỏi.

Ông Tuệ không trả lời câu hỏi ấy, quay qua cười giả lả với ông Tuấn:

“Cậu nghĩ sao?”

Ông Tuấn còn hậm hực, hỏi lại:

“Nghĩ sao chuyện gì?”

“Chuyện nhớ Huế,” ông Yên nhắc.

“Có lẽ tôi đồng ý với cái anh chàng ưa lý sự này,” ông Tuấn đáp. “Không nên kết luận vội, không nên đóng vai quan toà. Theo chỗ tôi biết, nay ngoài nhóm nhớ Huế, còn có nhiều nhóm khác mỗi năm đều họp nhau lại để nhớ chuyện cũ, để nhắc lại quá khứ, trường xưa. Chẳng hạn Ngày Nhớ Thủ Dầu Một, Nhớ Lại Giang, Nhớ Cổ Nhuế, Nhớ Phú Yên, Nhớ Quảng Trị, Quảng Nam, Hội An, Đà Lạt, v.v... Nhớ Huế là Nhớ Huế Xưa khi họ còn sống tại quê nhà, chứ không phải Huế bây giờ. Ngay nội chữ nhớ mà thôi cũng ngụ ý quá khứ. Nhưng càng có nhiều hội nhớ nhớ đó tôi càng có linh cảm rằng Việt Nam, rằng quê cũ, sắp tiêu vong rồi.”

Ông Tuệ tiếp:

“Cứ tưởng Tuấn chỉ biết gái mà thôi, không ngờ cũng có những ý kiến lạ.”

Ông Tuấn nhún vai, nói tiếp:

“Riêng tôi không những chỉ nhớ Huế, nhớ Quảng Trị, nhớ Quảng Nam, Đà Nẵng, nhớ Rạch Giá, nhớ Cà Mau, vân vân, mà nhớ cả Việt Nam nữa. Vì vậy năm nào tôi cũng về thăm.”

Ông Tuệ cười mũi:

“Đúng là giọng điệu của một nhà ái quốc chân chính!”

Ông Tuấn dằn tay xuống bàn đánh sầm một tiếng, đứng dậy, cầm lon bia đi quanh, nhìn trời, nhìn đất. Ông Yên nói nhỏ:

“Tuệ ơi, Tuấn nó đã đổi tính, nó hay sửng cồ vì những chuyện không đâu. Nhiều khi ảnh còn muốn bợp tai moa. Mà toa cũng thế, không như xưa. Moa nhớ xưa toa chịu chơi hơn nhiều. Dù hiện thời toa có làm cái chức gì đi nữa, bạn bè cũ cũng phải nương nhau một chút. Không nên cạn tàu ráo máng. Toa nói gì moa cũng không giận, nhưng Tuấn nó khác.”

“Tôi chỉ cần sự thật. Sự thật thế nào nói thế ấy.”

“Ủa, anh ấy có bịa chuyện gì đâu cậu bảo cần sự thật? Thôi, dĩ hoà vi quý.” Quay về phía ông Tuấn đang đi, la lớn: “Anh Tuấn ơi, lui lại đây mau. Tôi kể chuyện này cho anh nghe, vui lắm.”

Ông Tuấn trở lại bàn, mặt vẫn đăm chiêu. Ba người bạn ngồi yên lặng một chốc. Bỗng dưng ông Tuấn có vẻ tư lự, nhìn ông Tuệ một cách buồn rầu:

“Tuệ, cậu nên bỏ cái tật châm chọc, mỉa mai người khác nhé. Còn tôi, tôi cũng ráng kiềm chế cái nóng giận thất thường. Không hiểu vì sao độ rày tôi cứ bồn chồn, ngồi đứng không yên.”

Ông Tuệ cầm lon bia uống cạn, tiếp lời:

“Nhưng trước mặt các em thì bình thản?”

“...”

“Ô, tôi nói đùa đấy mà. Bệnh của cậu dễ chữa lắm. Trở về Mỹ đến các bác sĩ tâm thần là xong ngay.”

Ông Tuấn nghiêm giọng:

“Tôi nói cậu đừng giận, cậu thay đổi nhiều đấy. Nhưng không lẽ quen nhau lâu ngày lại không thể trò chuyện với nhau.” Ông lại đăm chiêu. “Bây giờ tôi xin được tâm sự đôi chút, cậu bằng lòng chứ? Quả thật ở Mỹ mười mấy năm nhưng tôi chưa thấy ‘dính’ vào một cái gì cả. Sống tại khá nhiều tiểu bang, tôi nhìn cảnh giàu sang, đẹp đẽ, bằng cái nhìn của một du khách, hay tệ hơn nữa, của một người ngoại cuộc, một kẻ chầu rìa.”

“Đó là vì ông muốn thế,” Ông Tuệ đáp. “Ông cố chấp, ông không tìm cách hội nhập. Ông có quốc tịch Mỹ rồi chứ? Một cách vô tình, ông không làm đúng bổn phận công dân, cái bổn phận có tính cách thiêng liêng chứ không phải chỉ có việc đóng đủ thuế, không phạm pháp, không lừa đảo, vân vân, thế là mọi thứ đều... đều... coi như sòng phẳng.”

“Cậu nói đúng, nhưng tôi không cưỡng được lòng tôi. Việt Nam, quê cũ, kỷ niệm, tưởng như đã bị chôn vùi vĩnh viễn. Đau đớn biết chừng nào. Bỗng nhiên được về dễ dàng, tôi sung sướng đến bàng hoàng. Vậy là năm nào tôi cũng về thay vì đi du lịch những nơi khác. Nhớ lần về đầu tiên tôi xúc động quá, nó làm tôi hầu như quên hết tất cả mọi bứt rứt trong lòng mà tôi mang theo từ ngày rời bỏ quê hương. Những lần sau, khi xúc động ban đầu giảm đi dần, thì thực tế của cuộc sống hiện ra rõ hơn, cái bứt rứt trở lại với tôi. Nhiều lúc tôi thấy chán nản quá.”

Ông Yên gọi thêm ba lon bia lạnh rồi bô bô:

“Các cậu cứ nói chuyện đâu đâu! Nghe tôi đây nè, nghe loa phóng thanh kia kìa. Đúng như Tuệ nói hồi nãy hết Đêm Đông rồi lại Mùa Đông Của Em, rồi lại mùa đồng gió ó ó lạnh lung, giò lạnh lùng. Chìm thồi bày... Chắc là bài hát của Phan Huỳnh Điểu. Trời nắng chang chang, mà cứ lạnh lùng hoài, kỳ quái quá!”

Ông Tuệ cự nự:

“Cậu mới kỳ quái, người ta đang nói chuyện nghiêm túc...”

Ông Tuấn tiếp lời:

“Yên ơi, trời đang nóng bức mà được thưởng thức những ngày đông, những đêm đông, dù qua giọng hát, thì cũng thấy đỡ khổ chứ bồ.”

Ông Tuệ dường như rất quan tâm đến câu chuyện của ông Tuấn, thúc giục:

“Nào, tiếp tục đi Tuấn. Cậu bảo cậu nản lắm? Cái gì làm cậu chán? Mà chán sao lại năm nào cũng mò về.”

Ông Tuấn nói một hơi dài:

“Vâng, năm nào tôi cũng muốn về. Lần đầu tiên về Việt Nam, trước hết tôi tìm thăm quê tôi. Rồi đến những nơi đã từng sống, rồi đến những nơi mà từ lâu tôi mong đến cho biết. Háo hức, cảm động. Dần dần một thứ phản cảm xâm chiếm lúc nào không hay, dần dần thấy mất vui. Nhưng vui hay buồn không quan trọng cho bằng cái tâm trạng lạc lõng. Cậu biết tôi thích thơ chứ. Tôi nhớ mấy câu thơ của Đỗ Phủ: Tiện tử nhân trận bại / Quy lai tầm cựu hề. Hoặc Túc điểu luyến bản chi / An từ thả cùng thê, trong bài Vô Gia Biệt.

“Tôi kém chữ Hán. Cậu dịch giùm đi.”

“Nghĩa là Chim chóc luyến cành xưa / Khốn quẫn cũng là nhà. Và hai câu trên: Tôi về nhân thua trận / Tìm lại chốn cũ này. Mấy câu dịch khá sát.”

Ông Tuệ cười thích chí:

“Không ngờ xưa và nay giống nhau như khuôn đúc. Cậu là Đỗ Phủ đấy. Cũng thua trận, cũng về quê, cũng lưu luyến này nọ.”

Ông Tuấn nói như gắt:

“Ví von cái quái gì thế. Đỗ Phủ là thi hào Tàu, tôi chỉ là người đọc.”

“Tôi chưa nói hết ý mà. Tôi muốn nói hoàn cảnh, tâm trạng của người xưa và của cậu có khác gì nhau đâu.”

Ông Tuấn lắc đầu chán chường. Uống hết bia còn lại trong lon, ông chậm rãi:

“Cậu không nên kết luận vội như thằng Yên hồi nãy. Thử tưởng tượng hoàn cảnh của Đỗ Phủ ngày xưa. Sống vào cuối đời vua Đường Minh Hoàng, nào An Lộc Sơn nổi dậy, nào con cháu nhà vua tranh giành ngôi báu gây việc binh đao, cũng loạn ly đấy, cũng chạy giặc hết nơi này đến nơi khác, nhưng không trực tiếp tham chiến. Rồi khi hết giặc, con cháu Đường Minh Hoàng lại lên nối ngôi, rồi cái xã hội phong kiến ấy trở lại với chừng ấy sinh hoạt, chừng ấy tình cảm, chừng ấy suy nghĩ. Cuộc sống của cả ngàn năm cũ tái diễn. Thì Đỗ Phủ có lẽ sẽ nghèo khổ hơn đôi chút nhưng rồi cũng phải ‘Về thu xếp lại / Ngày trong nếp ngày’.[2]

“Lại thơ Đỗ Phủ?” ông Tuệ chen vào.

“Không phải thơ. Mấy câu trong một bài ca bây giờ. Còn chúng ta? Khác, hoàn toàn khác. Ở Mỹ không thích nghi nổi với cuộc sống mới, về quê cuộc đời cũ không còn. May ra nó còn sót lại ở nông thôn, ở những ngôi chợ nhà quê đơn sơ, mộc mạc, ở những cô gái hàng rong, buôn thúng bán bưng, ở cô hàng bán trái cây.”

“Tôi khác anh. Thế anh không muốn dân mình tiến lên cho kịp cộng đồng loài người trên thế giới sao. Anh muốn chận đứng tiến hoá?”

“Không phải thế,” ông Tuấn đáp. “Tiến hoá thì ai mà không muốn, nhưng tiến hoá không có nghĩa tiến tới những sa đoạ, bạo ngược, lừa đảo, vong bản.”

Ông Tuệ có vẻ suy nghĩ:

“Vâng, tôi về đây lần đầu mà cũng đã cảm thấy có cái gì không ổn. Nhân biết đến một vụ xử án, tôi mới thấy toà án ở đây không thay mặt cho công lý. Đó là điều tôi vô cùng ngạc nhiên và chán ghét. Họ là công lý mà, ấy thế họ vo tròn, bóp méo luật lệ một cách ‘vô tư’. Người bị xử chẳng khác gì con cá nằm trên thớt. Nhưng thú thật tôi không biết nhiều... xin anh nói tiếp.”

“Chúng ta thua trận phải lìa bỏ quê hương đã đành, thế mà vẫn còn may mắn đấy. Những người bị kẹt lại mới khốn đốn. Những người khốn đốn ấy, và cả dân tộc, hiện đang sống dưới một chế độ độc tài, tham ô, dã man, tàn bạo. Một thiểu số cầm quyền dựa vào những lý thuyết ngoại lai vớ vẩn, lỗi thời để thay đổi cuộc sống đến tận gốc, thẳng tay đàn áp những ai có ý khiến khác. Còn đối với ngoại bang thì khiếp nhược, đưa đất nước dần dần đến bờ vực thẳm. Vì vậy bọn chóp bu chân trong chân ngoài để khi có biến là nhảy vọt đi như những con bọ chét trên cái thân thể quằn quại đang chết cháy. Vâng, không khéo Việt Nam sẽ mất vào tay bọn bành trướng Tàu. Cho nên nhớ quê cũ, tôi về thăm, ngày càng thấy buồn bã, lạc lõng, mà vẫn phải về.”

“Cậu nói gì tôi không hiểu.”

“Vì, như đã nói, tôi sợ trong một tương lai không xa không còn nơi để về.”

“Cậu hơi bi quan đấy.”

“Không bi mà cũng chẳng lạc. Và lần này Việt Nam sẽ bị xoá sạch vĩnh viễn trên bản đồ thế giới.”

Ông Tuệ bác bỏ ngay:

“Thế là cậu không nhớ những bài học lịch sử. Chúng nó đã xâm lấn ta nhiều lần nhưng cuối cùng lần nào cũng bị đánh đuổi về Tàu.”

“Xưa khác nay khác. Xưa Tàu đất rộng người thưa, không có nhu cầu di dân. Thấy tiện thì ở lại lâu, bị chống đối hoài hoặc không quen thời tiết, khí hậu, viêm nhiệt, dịch tể, thì rút về nước. Nay Tàu dân số hơn một tỷ ba, lại hùng cường, cả thế giới đều nể sợ. Tàu không đủ đất cho dân ở, tất nhiên chúng phải tìm cách bung ra. Chỗ gần nhất và dễ chiếm nhất là nước ta, rồi sẽ lấn qua các nước lân cận khác như Thái Lan, Lào, Căm Bốt, Miến Điện v.v... Hiện nay Tàu cũng đã có ý đồ di dân qua tận Châu Phi.”

“Vô lý,” ông Tuệ bẻ.

“Vô lý chỗ nào?”

“Ở chỗ cậu bảo Việt Nam dễ bị xâm lăng nhất. Tại sao thế?”

“Nếu cậu có theo dõi thời cuộc cậu sẽ biết tại sao. Bọn cầm quyền vì tối tăm, vì hèn nhát, vì tham nhũng, hối lộ, để mất đất, mất rừng, mất biển dần dần. Đã thế còn để cho lũ Tàu tràn ngập mọi nơi trên đất nước. Chúng sẽ là một lực lượng nằm vùng khổng lồ sẵn sàng đâm sau lưng ta khi cơ hội đến. Lòng dân ly tán, mệt mỏi, chán nản. Nếu có chiến tranh, liệu nhà cầm quyền có còn khả năng huy động và lãnh đạo dân chúng chống ngoại xâm như tổ tiên ta ngày xưa hay không? Có kịp trở tay không? Mà không đánh nhau, nước cũng mất.”

“Tại sao? Tại sao?” ông Tuệ có vẻ sốt ruột.

“Bọn Tàu đã di dân vào quá dễ dàng, càng ngày càng nhiều, lập nên vô số cơ sở văn hoá, kỹ nghệ, thương mại, lấy vợ, sinh con đẻ cái, đồng hoá ta mấy hồi. Mà đã bị đồng hoá thì còn đâu Việt Nam.”

“Vậy theo cậu tình hình đã đi đến chỗ tuyệt vọng?”

“Gần như là tuyệt vọng.”

“Gần như nghĩa là chưa hoàn toàn tuyệt vọng?”

“Đúng thế, nếu bọn cầm quyền còn nhất điểm lương tâm, chưa bán đứng đất nước cho Tàu. Trước hết phải đề phòng tụi Tàu đang sống trên lãnh thổ của mình, đuổi cổ những tên không có giấy tờ hợp pháp, không hành nghề hợp pháp. Không cho chúng di dân thêm. Đồng thời mở rộng cửa tìm đồng minh. Mà đồng minh đủ sức chọi lại với Tàu là Mỹ.”

Ông Tuệ cau mày:

“Cậu đã quên Mỹ từng bỏ rơi ta?”

“Trước khác, bây giờ khác. Bây giờ trong tình thế này, Tàu sẽ chiếm Việt Nam rồi một số nước Đông Nam Á và làm chủ Biển Đông. Và chỉ trong vòng nửa thế kỷ Tàu sẽ đô hộ Mỹ, làm chủ thế giới, nếu Mỹ thiếu cảnh giác. Cho nên Mỹ cũng có nhu cầu tìm đồng minh. Mà đã là đồng minh với nhau thì ít nhất phải có chung một vài điều chủ chốt. Chẳng hạn vấn đề dân chủ và nhân quyền. Chỉ có dân chủ thật sự kéo theo quyền làm người thực sự thì mới mong có hoà bình thế giới, mới tránh được nạn độc tài, phát xít khi có sức mạnh trong tay. Việt Nam phải từ bỏ cái chế độ độc tài đảng trị lỗi thời này mới có thể đứng sát cánh với các nước khác thuộc vùng Đông Nam Á, với cộng đồng thế giới, và đặc biệt, với Mỹ.”

“Cứ cho rằng lời cậu nói là đúng đi thì Mỹ cũng cần Việt Nam y như Việt Nam cần Mỹ. Vậy chẳng cần ai nhượng bộ ai. Nghĩa là chẳng ai cần phải thay đổi thể chế của ai?”

“Nhưng Mỹ rộng tay hơn. Không có Việt Nam làm đồng minh, Mỹ cũng có kẹt đấy, tuy nhiên có thể tìm nhiều đồng minh khác. Còn Việt Nam mà không có đồng minh, nhất là không có Mỹ nhảy vào, Tàu nuốt sống ngay. Cậu cũng đã biết đấy, trong những năm gần đây, Tàu đã vứt cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa, công khai chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam, tuyên bố sẽ khai thác các mỏ dầu hoả trên lãnh hải của Việt Nam. Rõ ràng Việt Nam đang bị Tàu nuốt chửng dần dần. Đó là chưa nói đến yếu tố Đài Loan.”

Ông Tuệ lại cau mày:

“Sao lại thêm Đài Loan vào đây?”

“Thứ nhất, Đài Loan ở xa Trường Sa trên cả ngàn cây số mà vẫn cứ cố chiếm cho được hòn đảo lớn nhất trong vùng quần đảo Hoàng Sa của ta. Ông thấy chưa, Tàu lục địa chiếm Hoàng Sa và những đảo gần, Tàu hải đảo chiếm đảo xa. Rồi một tương lai không xa khi thời cơ thuận tiện, Tàu lục địa sẽ công khai tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, thật ra hiện nay tụi nó chỉ dùng chủ nghĩa Cộng Sản như cái bung xung, thì Đài Loan sẽ thoải mái nhập vào đất mẹ Đại Hán. Và người Tàu hiện đang sống tại hầu hết mọi nơi trên hành tinh nhân mãn này cũng sẽ hân hoan ủng hộ nước Tàu Đại Hán chủ tể loài người.”

“Ông đoan chắc như thế hả?”

“Chắc thế nào được. Mình chỉ nhìn những biểu hiện bên ngoài rồi đoán mò như thầy bói sờ mu rùa. Thằng nào cũng lo cho mình trước hết, cho nên chúng nó còn tính toán thiệt hơn, đi đêm với nhau, lừa đảo nhau, doạ dẫm nhau, mặc cả với nhau, vân vân và vân vân. Đó là những thằng lớn con. Còn những thằng nhỏ con mà ngu thì chẳng khác gì những con tốt thí để cho những thằng lớn con sử dụng trong bàn cờ của chúng. Nhưng điều này mới là chắc chắn — tính cách Đại Hán bành trướng trong dòng máu Tàu. Tôi có thằng bạn mở phòng mạch tại khu nhiều Tàu Chợ Lớn tại Toronto, Canada. Nhân vụ Biển Đông, trong câu chuyện làm quà, một bệnh nhân Tàu cười hề hề và nói với bác sĩ Việt Nam rằng các hòn đảo đó thuộc Việt Nam cũng tốt, mà thuộc Trung Quốc cũng tốt thôi, có gì mà phải tranh giành làm mất lòng nhau. Mình là anh em một nhà mà. Bạn tôi hỏi thêm, ‘Nhưng thuộc về ai thì tốt hơn?’ Hắn cười hề hề không trả lời.”

Ông Yên ngồi nghe lâu sốt ruột la toáng lên:

“Ê, dzô đi chớ. Bia hết lạnh, hai cậu ơi. Mà Tuệ này, ông đã khơi đúng cái nguồn của anh Tuấn, ảnh sẽ cho nó tuôn ra mãi, nghe mệt nghỉ. Ta đang đi chơi, thì phải biết tận hưởng cái vui trước mắt, nói chuyện đâu đâu, mất cả thì giờ. Trở lại chuyện con nhỏ bán trái cây coi bộ hay hơn. Phải không anh Tuấn, nói chuyện tán gái là nhất.”

Ông Tuấn cười miễn cưỡng:

“Đúng đấy, gái Việt Nam là nhất.”

Ông Yên nói oang oang:

“Anh Tuấn ơi, anh nói vậy không sợ tôi buồn sao? Tuệ này, ảnh có vợ con tùm lum ở Mỹ, bây giờ bỏ hết. Về Việt Nam hoài để kiếm bồ nhí đấy. Thứ đồ bạc tình.”

“Vợ con gì đâu.” Ông Tuấn uể oải đáp. “Thấy thích thì chắp nối với nhau một năm năm bảy tháng, rồi đường ai nấy đi. Lỡ sinh con thì tháng tháng gởi tiền cho mẹ nó nuôi nó ăn học, lương tâm đỡ cắn rứt, nhà nước khỏi làm khó.”

Ông Yên vội tiếp:

“Vợ bên đó của anh toàn là dân Mễ, dân Mỹ, không hợp tính anh. Thì về đây làm lại cuộc đời đi, kiếm bồ nhí ở xứ mình đi, nhanh lên đi...”

“Ở tuổi này đèo bòng bồ nhí làm gì cho khổ thân,” ông Tuấn ngắt lời. “Gặp người vui tính thì tán bậy bạ chơi, thế thôi.”

Ngẫm nghĩ một chốc, ông Tuấn tiếp:

“Ở bên đó cũng thế, khi nào chán đời muốn chết mà không biết làm bất cứ một cái gì khác cho khuây khoả mà thằng Yên lại trở chứng, thì chỉ cần bỏ ra vài ba chục đô la để tán chuyện tục tĩu với tụi gái nhà nghề. Nghe nhiều hơn là nói. Bằng phone, bằng computer. Chat, chitchat! Dơ dáy và trắng trợn. Làm sao so được với những câu chuyện giữa người mình với nhau, chưa nói đã hiểu, chưa hiểu đã thấy trong lòng dấy lên một thứ tình cảm mang mang nào đó.”

Ông Tuệ nhìn bạn tỏ vẻ thương hại:

“Cậu bịnh nặng. Buồn rồi vui, rồi chán, rồi muốn chết? Còn tôi thì khác. Đâu vào đấy đàng hoàng. Ly dị vợ cũ, không con, giấy tờ hợp pháp. Nay, lần đâu tiên tôi về đây, về để cưới vợ mới...”

Ông Yên cướp lời:

“Tôi biết rồi. Cô bé hồi nãy chứ gì. Tên là gì, là, là Nhạn, phải không? Trông được lắm đấy. Trẻ, đẹp, duyên dáng, kín đáo. Chứ không sỗ sàng như tôi... khiến anh Tuấn không vừa lòng.”

Ông Tuấn lườm ông Yên, góp lời:

“Trong ba đứa mình chỉ có Tuệ là nhất. Đem vợ về Mỹ nhớ làm một bữa tiệc linh đình cho tụi này đến dự với nhé.”

“Cám ơn hai ông khen. Đã thế tôi tiết lộ thêm một chút bí mật nữa. Cô ấy cũng là cháu họ của tôi, có gốc có gác đàng hoàng chứ không phải bồ nhí cà lơ phất phơ như... đâu. Hồi đó... chú chú cháu cháu luôn miệng. Hiện ở với mẹ và gia đình người anh cả. Bố đi tù, chết. Và, và, và chờ tôi. Trong nhiều bức thư cô ta tỏ ra rất chịu ông chú họ này. Đúng thôi. Tôi, như hai anh đã biết, chăm chỉ làm ăn, tạo dựng được chút ít, và nhất là đã hội nhập vào dòng chính...”

Ông Tuấn ngắt lời:

“Cái gì? Đã hội nhập vào dòng chính?”

“Đúng thế, chứ không phải như hai cậu... chẳng đâu vào đâu. Nay sắp ‘Đem Nàng Về Dinh’. Còn gì bằng hả cô bé? Cô hài lòng chứ? Cô chờ đã bao nhiêu năm rồi nhỉ, chờ từ ngày còn nhỏ, từ ngày tôi đi. Cô bé rất mộ đạo, nhưng tôi có lẽ còn có sức lôi cuốn hơn. Trong một bức thư cô nói cô không thể sống nổi trong cái xã hội đầy gian dối, lừa đảo này. Cô chỉ có một trong hai con đường: hoặc chú còn thương, cháu theo chú; hoặc chú đổi ý, cháu đi tu. OK, bây giờ tôi phải đi gặp cô ta dưới kia. Chiều nay 6 giờ mình cùng kéo nhau đi ăn nhé. Hẹn trước chợ Đà Lạt rồi chọn nhà hàng sau. Sẽ không có cô ấy đi theo quấy rầy cuộc vui của đàn ông đâu. Tôi mời đấy. Cho nên đừng làm phiền tôi.”

“Cái gì?” ông Tuấn gằn giọng.

“Nghĩa là phải đến đúng giờ. Đừng đi đâu cũng mang theo cái tật quốc hồn quốc túy là trễ giờ. Đừng bắt tôi chờ.”

Ông Tuấn lại đập mạnh tay xuống bàn, nói với ông Yên:

“Này Yên, bây giờ mình đi là vừa.”

Ông Tuấn đứng dậy, tay cầm nải chuối, quay người, bước nhanh. Ông Yên nán lại thì thầm với ông Tuệ:

“Tuệ này, rất tiếc chiều nay bọn moa bận rồi.”

 

_________________________

[1]Thơ Xuân Diệu.

[2]“Chiếc Lá Thu Phai” - Trịnh Công Sơn.

 

[còn tiếp]

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021