thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đêm trước trận cuối
 
Nhớ TNT và Chiến Sĩ Sư Đoàn 18 Bộ Binh
trong trận cuối tại Xuân Lộc
 
Anh ngó lên tháp canh
khi bóng đêm vừa đổ
phòng tuyến đứng lặng thinh
hoả châu rừng rực lửa.
 
Địch điệp điệp trùng trùng
hàng ngàn đàn kiến cỏ
giẫm nát hết ruộng đồng
ta không hề khiếp sợ.
 
Ngày mai trận sống mái
ngày mai ta phản công
máu sẽ đổ thành sông
xương chất lên thành núi.
 
Đứng lên anh ngó quanh
khuya lặng thinh nín thở
hoả châu rơi lả tả
bóng tối nhảy chập chờn
đêm ngã xuống biển mù
giao thông hào lẩn khuất.
 
Anh nhớ em của anh
của những ngày tan tác
từ khi miền Trung mất
em chạy loạn nơi nào?
anh đứng sau chiến hào
địch trùng trùng điệp điệp.
 
Em sinh trên đất Bắc
anh quê ở miền Trung
gặp nhau ta yêu nhau
như đã yêu từ trước.
 
Đã yêu từ nhiều kiếp
nguyện với đất với trời
thề cùng biển cùng non
tình trăm năm tạc dạ.
 
Lên đường anh vào Nam
xa quê hương khốn khổ
nhớ em và thương quê
ngày đêm anh ấp ủ
giấc mơ về chốn cũ
 
Có anh và có em
có dòng sông êm đềm
có cánh đồng mát rượi
có mẹ cha trông đợi
có đàn em đón mừng
có xóm dưới làng trên
có hàng cau khóm chuối
có ngôi nhà ngói mới.
 
Anh nhớ lời em nói
“Quê em xa nghìn trùng!
miền Bắc trong lao lung
làng em còn đâu nữa!
 
Quê anh là quê em
ta quê hương chia sẻ!
và anh là của em
là của em mãi nhé!
 
Hằng đêm em khấn nguyện
thôi thôi đừng giết nhau
anh mau về mau về
về anh về nguyên vẹn.”
 
Nhưng khi nào hết giặc?
Bao giờ là ngày về?
 
Tháng trước mất miền Trung
mong tin em quay quắt
nay giặc tràn xuống Nam
tin em càng bằn bặt.
 
Toàn những ngày chém giết
thịt đổ với xương rơi
binh lửa khắp nơi nơi
đất cháy đen vấy máu
chim rừng không chỗ đậu
đàn quạ lượn chờn vờn.
Ôi miền Trung đau thương
ôi Hàm Tân khốn đốn
ôi Tánh Linh, Xuyên Mộc
những cứ điểm địa đầu
của miền Nam thân yêu
lần lượt vào tay giặc.
 
Đây phòng tuyến Xuân Lộc
những ngày cuối Tháng Tư
ngó lên anh ngẩn ngơ
đứng ngồi không nguôi nhớ.
 
Mùa hè sôi sục máu
bão nổi mấy mùa thu
không bếp lửa mùa đông
mùa xuân không cánh én.
 
Bốn mùa mù mịt khói
em chờ anh bốn mùa.
Anh không có ngày về
Nay em đi biền biệt!
 
Ngày mai trận sống mái
máu xương sông và núi
giờ đây anh ngó quanh
đêm không trăng không sao
hoả châu rơi lã chã
trên những giao thông hào
hoả châu tuôn dòng lệ.
 
Bỗng nghe lời thì thầm
em của anh kể lể
trong tiếng gió canh thâu
trong lau lách vi vu
trong mờ mịt âm u
 
“Anh ơi anh ở đâu?
đến với em anh nhé!
anh ơi anh ở đâu?
kiếp này còn gặp nhau?”
 
Ngày mai ta phản công
giằng lại từng tấc đất
máu sẽ đổ thành sông
thây chất lên thành núi
 
Thây ta và xác địch
ôm nhau nằm co ro
tử thi lạnh cứng trơ
liệu có anh trong đó?
 
Có bao giờ em hỏi
tại sao lại giết nhau?
có bao giờ em quên
điều không ai muốn nhớ
 
Trong lớp người sắp chết
trong hàng ngàn đàn kiến
giẫm nát hết ruộng đồng
của miền Nam êm đềm
của miền Nam yêu dấu
của miền Nam đau đớn
có họ hàng của em
những người lính măng tơ
từ xa xôi xứ Bắc
con mắt còn ngơ ngác
vầng trán còn ngây thơ
trái tim còn vô tư
“Đi vào Nam giải phóng”.
 
Những khẩu hiệu quái gở
những lời lẽ đa đoan
những đổi trắng thay đen
những lọc lừa dối trá
những hành vi bạo ngược
những mưu mô quỷ quyệt
những kế sách hung tàn
nung nấu tuổi thanh xuân
đưa ngàn vạn sinh linh
vào sâu vòng oan nghiệt.
 
Ngày mai trận sống mái
giết nhau ta giết nhau!
chém ngươi gươm ta đau
bắn ngươi nòng súng buốt.
 
                  *
 
Đứng ngồi không nguôi nhớ
giấc mộng vàng đan dở
đàn kiến chạy lăng quăng
chiếc xe thồ thổ mộ
con ngựa gầy bước xiêu
mắt buồn không thôi ngó
xóm quê qua bến đá
lối nghẽn bánh xe lăn.
 
Đêm trắng giở từng trang
rừng lá đen tở mở
đưa những bàn tay vẫy
con gió kéo nhau vào
em đang ở nơi nao
héo hon miền đất lạ
viên đạn đồng cứng khô
bay ngang hồn băng giá.
 
Một mai binh lửa tàn
Em và anh qua đó.
 
04/14
 
 
 
-------------------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021