thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những buổi sáng ấy | Lúc nào cũng vậy... | Ý nghĩ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
MARCELIN PLEYNET
(1933~)
 
Marcelin Pleynet sinh ngày 23 tháng 12 năm 1933 ở Lyon, vùng Rhône, Pháp. Từ 1962 đến 1982 ông ở trong Ban biên tập [và là một trong những người sáng lập — năm 1963 được bầu làm Thư ký toà soạn và Giám đốc điều hành] tạp chí Tel Quel * ở Pháp. Sau đó, ông là đồng chủ bút của tạp chí L’Infini, cùng với Philippe Sollers. Những bài viết của ông xuất hiện lần đầu tiên trên các tạp chí L’Arc, Esprit, Ecrire, Botteghe oscure [ở La-mã], Locus solus, Art and Literature... Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn nổi tiếng như một nhà phê bình văn học và nghệ thuật sắc sảo, từng giảng dạy khoa mỹ học tại Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật / École Nationale Supérieure des Beaux-Arts ở Paris [1987-1998], giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Northwestern, Chicago [1966] và từng tham dự nhiều hội thảo cũng như các cuộc gặp gỡ quốc tế ở Tây-ban-nha, Trung quốc, Hoa-kỳ.... Trong một lần trả lời phỏng vấn [xem Serge Gavronsky, Toward a New Poetics — Contemporary Writing in France (University of California Press, 1994)], khi được hỏi về nhiều “nhân dạng” khác nhau của ông, như một nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học nghệ thuật, giáo sư mỹ học, và còn là một người đi nhiều, lại là một chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại, ông trả lời: “Tôi tin tất cả chỉ là một! Tôi tuyệt đối cảm thấy không có một sự phân chia nào giữa những hoạt động nhiều mặt ấy của tôi, và tôi xem tất cả như làm thành một mặt phím trên cây đàn của tôi...”
 
Ngoài những tác phẩm đầu tay gây tiếng vang lớn vào đầu những năm 60 như Provisoires amants des nègres (1962, Giải thưởng Fénéon) hay Paysages en deux, suivi de Les Lignes de la prose (1964), những tác phẩm chính của ông có thể kể những tập thơ: Comme (Seuil, 1965), Stanze (Seuil, 1973), xuất hiện như từ một hậu duệ của Heidegger, và Hölderlin, rồi Rime (Seuil, 1981), Fragments de chœur (Denoël, 1984), Les Trois Livres (Seuil, 1984), Premières poésies (Cadex, 1988), La Méthode (Paris: Collectif génération, 1990), Le propre du temps (Gallimard, 1995), Le Pontos (Gallimard, 2002); tiểu thuyết: Prise d’otage (Denoël, 1986), La Vie à deux à trois (Gallimard, 1992) và một số tác phẩm phê bình văn học, như Lautréamont par lui-même (Seuil, 1967) ..., và rất nhiều tác phẩm nghiên cứu và phê bình nghệ thuật, như Situation de l’art moderne: Paris-New York (với William Rubin); Henri Matisse (Gallimard, 1993); Robert Motherwell: La vérité en peinture; Les Modernes et la tradition (Gallimard, 1990); Les États-Unis de la peinture (Seuil, 1986) và L’art abstrait; Giorgione et les deux Vénus; L’Enseignement de la peinture (Seuil, 1971), Les Modernes et la tradition (Gallimard, 1990)... Những công trình mới nhất của ông, có thể kể: Rothko et la France (L'épure Eds, 1999), Les voyageurs de l'an 2000 (Gallimard, 2000), Poésie et "révolution", la révolution du style (Pleins Feux Eds, 2000), Judit Reigl, L'insolite (Adam Biro, 2001), Alechinsky le pinceau voyageur (Gallimard, 2002), Rimbaud en son temps (Gallimard, 2005), Le savoir-vivre (Gallimard, 2006), và La Fortune, la chance (Hermann, 2007)...
 
-----------
* Tạp chí Tel Quel do Fernand du Boisrouvray chủ trương, qui tụ các nhà thơ, nhà văn và nhà phê bình tiền vệ nổi tiếng của Pháp: Philippe Sollers, Julia Kristeva, Jean-Edern Hallier, Jacqueline Risset...
 
 
 

Những buổi sáng ấy...

 
những buổi sáng ấy
đây là màu sắc thật sự
như một tấm màn sau cửa sổ
nàng giữ và bay lên cao những đền đài không biết nói
 
thà lo lắng về chiếc bình màu xám
họ cầm trên tay
cái đang quay tròn đúng là theo kiểu màu sắc
 
“người ta có thể gọi đó là một chuyện ngược đời và quả nó là vậy
về tình cảm mà nói, nhưng về tinh thần thì lại không.”
 
thà nói rằng những người họ trông thấy
đều mắc phải bệnh mắt
làm họ bị mù
 
ba chiều không gian trong một kiến trúc chung chung
để ánh sáng lọt qua và không đem đến cái gì khác hơn
là sự lặp lại
là màu sắc thật sự mà họ nhìn thấy
 
 
 

Lúc nào cũng vậy...

 
Lúc nào cũng vẫn từ ấy
nhưng không phải là điều chúng nói ra
làm chúng ta bối rối
như thế lúc nào cũng vẫn từ ấy
và thỉnh thoảng lại nổi lên một khoảng cách bằng nhau
chẳng phải ở nơi khác cũng chẳng phải trong cái nhìn
tuy nhiên và bởi tư tưởng gọi tên chúng
với những nét gạch ấy / lộ ra bên ngoài
nơi tư tưởng bỏ trốn và bắt đầu
thế thì nếu chúng ta quay trở lại anh đi ngang gần nàng
và bởi bốn bức tường vẽ thành thung lũng
buổi sáng và buổi tối vướng vào nhau
những vách tường đứng kề cận
những lối đi vạch ra
tất cả những gì chúng ta cần biết là đang ở đó
mong có một bức tường chia cách chúng
 
chúng không tưởng tượng được điều ấy người ta viết ra sao
 
 
 

Ý nghĩ

 
                  Ý nghĩ của tôi chính là những cô đĩ già
 
Buổi bình minh
                  ta nghĩ đến em
                  ta nghĩ bằng những ngón tay
                  ta nghĩ đến em vuốt ve
                  bằng những ngón tay của bình minh
 
                                   *
 
buổi bình minh
                  mặt trời trên miệng em
                  ánh sáng trên tóc em
                  bên bờ ý nghĩ
                  đam mê xáo động trong tiếng nói em
                  trong sự trong suốt của bình mình
 
                  và trên làn da em
                  như một cánh buồm
                  đam mê che phủ
                  và mảnh lụa nhầu của giấc ngủ
                  trong sự trong suốt của bình minh
 
                  trong sự trong suốt của bình minh
                                                      cánh hồng
                                                      và ký ức
                                                      và điệu nhạc trên những ngón tay
 
                                   *
 
                  buổi bình minh cơn hứng khởi của ta[*]
                  buổi bình minh trong cổ em
 
                  và ánh sao lóng lánh lẩn mất
                  sức nóng thức dậy
                                          trên đồng cỏ màu hồng
 
                  và trên đôi vú em
                  dưới môi miệng ta
                  đam mê lấp lánh
                              màu hồng mặt trời
 
                  buổi bình minh
                              chuyển động
                                          thèm muốn
 
                  mênh mông và nặng như một ngọn sóng
                  em quay qua ta
                  và ý nghĩ hồng hào
 
 
_________________________

[*]caille: chim cút — một loài chim mang nhiều sức nóng hơn tất cả các loài chim [Buffon], được xác nhận trong một bài viết của giáo sư Léon Binet là có độ nóng bình thường lên đến 41°C. Một y sĩ thế kỷ XVI của Pháp [Antoine Mizauld] từng đưa ra công thức “pha chế” như sau: “Những ông chồng muốn được vợ yêu, những bà vợ muốn được chồng yêu, các người chỉ cần lấy một cặp chim cút, rứt trái tim ra, và mang tim lên người theo cách sau đây: ông chồng mang tim con đực, bà vợ mang tim con cái, và các người có thể yên tâm là tình vợ chồng sẽ nồng ấm.” Từ điển Dictionnaire des locutions francaises [Larousse] viết: Rất có thể thành ngữ xưa caille coiffée, vào các thế kỷ XVI và XVII dùng chỉ một phụ nữ lẳng lơ, bắt nguồn từ cái nóng ấm ấy của chim cút.

 
 
-----------
“Những buổi sáng ấy”, “Lúc nào cũng vậy...” dịch từ nguyên tác “Ces matinées...”, “C’est toujours...” trong Marcelin Pleynet, Comme (Paris: Éditions du Seuil, 1965); “Ý nghĩ” dịch từ nguyên tác “Pensée” trong Marcelin Pleynet, Plaisir à la tempête (Québec: Ed. Carte blanche, 1987) [in lại trong Jacqueline Risset, Marcelin Pleynet — Poètes d’aujourd’hui (Paris: Seghers, 1988)].
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021