thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Còn có một bí mật này thủa xưa
 
Con người ta sinh ra đã cô đơn. Dường như ta biết điều đó khi mở mắt nhìn thế giới. Đó là khi ta chưa đến một tuổi gì đó. Mẹ bảo hồi ấy chiến tranh. Mẹ đưa ta rời thị xã theo cơ quan của mẹ về sơ tán ở một làng quê xa cầu Hàm Rồng, điểm hứng những trận bom toạ độ gần như 24/24 chặn đường tiến quân và lực lượng tiếp tế vào ra chiến trường. Nhưng bom có thể bay khắp nơi giết người vô tội nên cả thị xã phải đi sơ tán. Bố ta thì đi bộ đội. Ban ngày mẹ phải đi làm cùng cơ quan, gặt lúa, cuốc ruộng giúp nông dân. Ta được một chị gái nhỏ con chủ nhà trông giùm. Rồi chị ấy lơ đễnh thả ta ra bò lung tung dưới thềm đất ra ngoài sân và khi mẹ về thấy ta mồm đầy cứt ngỗng và khóc không ra tiếng vì chắc là quá sợ hãi và đói. May là ta không bò xa hơn, ra bờ ao chẳng hạn, và mẹ về kịp. Kỷ niệm ấy có thể hơi một chút xúc động nhưng kỷ niệm bao giờ cũng đáng yêu hơn là đáng buồn phải vậy không. Nhưng ta đang nói về điều muôn thủa: Con người ta sinh ra đã cô đơn gần như hiển nhiên hơn là tuyệt vọng.
 
Mấy trăm năm sau nữa thì sao? Như chiều nay ta thấy một chương trình truyền hình đang bình luận về một tác phẩm điện ảnh có nhan đề Tôi không muốn ngủ một mình của một đạo diễn Châu Á ở một nước láng giềng hình như Thailand. Họ bình luận và suy nghĩ về tiếng kêu tuyệt vọng trong nỗi cô đơn của con người và họ gửi thông điệp qua bộ phim rằng con người hãy xích lại gần nhau và biết cảm thông hơn, cùng sẻ chia hơi ấm đồng loại. Ai sẽ xem những chương trình như thế và họ trông đợi điều gì ở những thông điệp ấy ở điểm tận cùng của những nỗi cô đơn nếu như họ có thể cảm thấy và thực sự trải qua như biết bao số phận hiện thực quanh chúng ta? Ta hiểu đấy là điện ảnh, đấy là trên phim, và bao nhiêu đi nữa nó làm sao vượt qua được các kiệt tác bất hủ như Trăm năm cô đơn, thứ văn học nghệ thuật không thể vuốt ve giấc ngủ êm ái của con người. Bởi vì chăng điều ấy chỉ là giả tạo? Con người ta sinh ra đã cô đơn và họ phải tuyệt đối cảm nhận đầy đủ và cảm thấy hoan ca hạnh phúc trong nỗi cô đơn của mình để tồn tại và làm việc Làm nên những điều thực sự kỳ lạ và kỳ vỹ. Đấy phải chăng là sự chia sẻ tuyệt vời nhất?
 
Và ngay khi buổi đầu tiên đến trường vào lớp vỡ lòng năm 1977. Trong tất cả các ngày khai giảng náo nhiệt. Trong tất cả những lần hội hè em đi đến sau này. Em luôn là kẻ đứng riêng. Cô độc một chỗ. Một mình. Không hiểu tại sao Những mời gọi và những nụ cười vây quanh em Những bàn tay. Những an ủi ... Không làm em biểu lộ quá xúc động. Và thật không hiểu nổi tại sao tất cả những điều đó chỉ làm em thương nhớ nỗi cô đơn nhiều hơn và khốc liệt. Tránh xa. Không phải em mong mình giá lạnh mà có lẽ vì em yêu nó. Nỗi cô đơn cuồng loạn. Em yêu nó. Muốn ôm ấp và che chở nó. Nỗi cô đơn. Bởi vì từ thủa ấy em biết mình sẽ luôn phải rời bỏ để ra đi. “Rời bỏ”. Hai từ xứng tầm vóc vũ trụ mà em nghĩ một nhà khoa hoc có thể thành danh bằng việc khám phá nó, chỉ với hai từ ấy thôi... Và một trái tim buồn là một trái tim cứng cỏi phải vậy không? Nhưng đúng với điều này là như thế nào?
 
Ai giúp đỡ tôi / Ai đã giúp đỡ tôi?
 
Còn có một bí mật này thủa xưa. Chưa bao giờ kể. Rằng: Trên đời có một đứa sinh ra là con gái nhưng vướng vào một nỗi khổ, chính xác hơn là nỗi lo lắng suốt thời thơ ấu của nó về nhan sắc của mình. Đó chỉ là: Không hiểu tại sao bàn chân mình to và thô thế? Dép guốc nào cũng không đi vừa, và trong đầu nó chỉ phân vân một câu hỏi: Không biết sau này lớn lên có cỡ giày dép nào vừa chân mình không nhỉ? Những đôi hài mảnh dẻ thì chắc chắn là Không rồi. Và trong những giấc mơ của nó, nó chỉ mong làm sao Sau này lớn lên tìm được đôi dép đi vừa chân mình.
 
Nó không phải là Cám nhưng nó không hề thích nhân vật cô Tấm trong câu chuyện cổ tích sở dĩ lấy được hoàng tử chỉ vì chân đi vừa giày. Đấy cũng không phải là sự ganh tỵ mà là phân vân về Một nỗi cô đơn.
 
 
 
 
--------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021