thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Istanbul
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

MICHEL BUTOR

(1926~)

 

____________________

 

ISTANBUL

 

Tôi thức dậy trên chiếc xe lửa bấy giờ vẫn đang chạy. Tôi vén màn để nhìn ra ngoài. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một cảnh tượng sầu hoang đến như thế. Mưa rơi trên cao nguyên Thrace không một bóng cây, vùng đất phủ đầy những bụi gai và lan nhật quang, chen giữa sỏi đá. Đó đây, trong những khoảng đất rào kẽm gai của mình, gần những nhà trại bằng tôn, những người lính Thổ nhĩ kỳ dõi mắt theo những toa xe lửa từ phương Tây đến. Chúng tôi đến chậm mất nhiều tiếng đồng hồ. Tôi khép màn để đi ngủ trở lại.

Tiếp đó là khu ngoại thành dài trên bờ biển Marmara, phi trường và những bãi biển rồi đến cánh cửa lớn thếp vàng với hai tháp đá hoa trắng đã bị nứt, những bờ thành ở vùng biển trong đó chúng tôi đã từ từ đi khắp dọc ngang, những tòa nhà cao bằng gỗ xám, những nơi chốn bất thường, không được san bằng, chất đầy vôi gạch đổ nát, những con đường lên dốc, cảnh chen lấn lúc nhúc, những tháp đền Hồi giáo[1] trông giống như những cây bút chì khổng lồ. Ra khỏi nhà ga là chuyện không dễ. Sân ga đang được tu bổ. Phải len lỏi qua những đống gạch đá. Trời bắt đầu hơi quang đãng.

Khi đã đứng trên quảng trường, tôi phải nghe và bị chói tai vì những tiếng inh ỏi của thành phố, bởi hết các thứ tiếng taxi và tàu điện màu đỏ, vàng hay xanh, rít lên tiếng xe bẻ ghi đổi hướng, và những biển quảng cáo lớn khắp nơi công bố thành tích các ngân hàng trên những mặt tiền màu đen của cái thành phố Liverpool phương Đông này.

May cho tôi là trời mưa và có sương mù khi lần đầu tiên tôi đi qua chiếc cầu nổi Galata, chiếc cầu thở nhẹ dưới chân anh mỗi khi có một chiếc tàu kéo đi qua, cầu hai tầng, cầu-nhà ga với rất nhiều thang sắt, bao quanh là những bến chuyển hàng, thang lên tàu, đi đến Bosphore, vùng đảo của những ông Hoàng hay Eyup, với những cửa bán vé, những phòng đợi, những cửa hàng và những tiệm cà phê của nó, chen chúc một đám đông những dân câu cá buông lơ lửng những sợi dây câu bằng nylông, dựa cùi chỏ lên lan can hay ngồi chồm hổm trên mép cầu, và những du khách mang những cái giỏ, hay những người qua lại, ăn mặc kiểu dân châu Âu, trừ mỗi cái mũ chóp bằng da lông thú nhưng phần lớn gương mặt người nào cũng rất có vẻ người nước ngoài, da hơi ngả màu ô liu, hai gò má rất xa nhau, dáng đi vô định và chậm.

Người ta chỉ thấy lờ mờ bờ biển châu Á. Ướt sũng, mệt nhoài, bởi lẽ tôi đã đi bộ khá nhiều, tôi ngồi xuống uống một ly trà, trước một cái bàn vuông nhỏ sơn màu xanh lá cây. Ở đây có nhiều khách hàng khác, ngồi im lặng, nhâm nhi, trong căn phòng chỉ trang trí bằng những tấm quảng cáo viết chữ Thổ nhĩ kỳ. Cũng như tôi họ nhìn đám người nghiêm chỉnh kia đi qua đi lại, quần áo màu đậm và xỉn, trước những chiếc tàu du lịch chật ních hành khách cập bến, những thuyền nhỏ, trên thuyền người ta nướng cá mới đánh bắt được trên một cái bếp dầu, và sau đó nhét cá vào nửa khúc bánh mì tròn, những thuyền nhỏ sơn màu và đôi khi còn chạm trổ, bọc quanh thuyền là những mảnh bánh xe cũ để làm giảm va chạm, những chiếc thuyền ca-ic[2] lớn có buồm, những đoàn xuồng đen nối dài, bên trái là những chiếc tàu lớn màu trắng chạy đường Smyrne và Alexandrie, bên phải là những cần trục, khói xe lửa, cây cối trong công viên Gulhane, và bên trên là những mái cung điện[3] với cái tháp chuông kỳ lạ giống như ở những nhà thờ Pháp, vòm mái Sainte-Irène, rồi đến nhà thờ Sophie trông như bồng bềnh, như bị cuốn theo cánh bay rất chậm, rất điềm tĩnh của bốn cái trụ ốp khổng lồ.

Cảnh tượng mênh mông và long trọng, cực kỳ náo nhiệt kia, cái ngã tư hải cảng, cuộc lễ hội phô diễn kia, chắc hẳn tôi chưa bao giờ được cảm nhận tác động của nó sâu xa như lần ghé bến bạc bẽo ở xứ Bắc Âu này, chuyến cập bến đã làm đậm lên rất nhiều cái vẻ hoang dại buồn bã và hiền hòa của đám dân du mục xưa giờ đã quên mất những con ngựa của mình, giữa những tiếng rền rỉ và tiếng còi tàu chạy bằng hơi nước, tiếng náo nhiệt âm ỉ của xe cộ, tiếng va chạm của những sào móc và mái chèo, tiếng khuấy nước, tiếng kêu của đám mòng biển trên toàn cảnh tượng đó, và tuy nhiên nhìn nó tôi cảm nhận một nỗi hân hoan trước thứ ánh sáng ngọc trai và hổ phách lan toả tuyệt diệu biết bao, nó phản chiếu, rung chuyển bởi mặt nước lấp lánh khắp nơi, trước tất cả những tháp đền thờ[3] hiện ra trên đồi trông giống như những cột lều của một cuộc cắm trại đồ sộ, như những lau sậy trong ao hồ các thiên thần, thế rồi tối đến, mọi thứ đều thay hình đổi dạng trong cái lây lan màu vàng nhũ của nước trên trời đổ xuống, từ cái sừng bao la tỏa sáng đâm sâu vào nội địa châu Âu chiếu bật trở lại, nhuộm màu những vòm mái và những kho hàng, nhuộm màu mắt của những con người, đi vào tận máu của họ, vào tận máu của tôi, vào tận những bàn tay mà tôi không còn nhận ra được nữa khi tay nắm chặt trên lan can bấy giờ không chỉ ngả qua màu đồng mà còn đang rung nhịp rung của tay chân một loài thú hoang đang say ngủ.

Đây là ba thành phố chồng lên nhau, mà vừa đi dạo người ta vừa tháo gỡ, ba thành phố có cấu trúc cực kỳ khác biệt, ba thành phố ra đời từ ba cuộc xâm lược. Chúng ta hãy nhấn mạnh thêm nữa về thành phố sau cùng, thành phố công nghiệp, thành phố của nhà băng, thành phố đen, về những chiếc xe điện của nó, những bảng hiệu của nó, về “đường hầm” của nó, chiếc xe lửa chạy dưới mặt đất kéo anh từ dưới Karaköy lên đến Péra, về con đường huyết mạch dài ngoằn ngoèo, quá hẹp, chật ních người, với những cửa hàng và tiệm rượu, chạy theo dải đất gờ trên triền đồi đến tận quảng trường mênh mông Taksim, đường Istiklal Caddesi, hãy nói thêm về những trụ đèn giao thông, về những hãng hàng không, những nhà sách, những nhà hàng và những nhà xe của nó, về nỗ lực của nó, để tự che chở cho mình, để thoát ra khỏi quá khứ, để tự biến đổi, và tự lành mạnh hóa, mà còn cả về thứ bùn dính khắn mà những ngày mưa người ta bước lún đến tận mắt cá, về cảnh nhốn nháo của nó, về bọn đạo tặc của nó, về cái cảm giác bất an sâu đậm từ nó toát ra ngoài, về những cánh cửa đặt rào chướng ngại rất sớm khi đêm đến, về cái quạnh quẽ khó ưa của những đường phố buổi tối, về cái thứ cảm giác gây khiếp sợ lảng vảng quanh những công viên và những sòng bài của nó.

Cái thành phố Liverpool phương Đông ấy từng mọc lên mạnh mẽ đến thế trên tả ngạn sông Corne d’Or, đã thâm nhập vào thành cổ Istanbul bên kia bờ, vào cái thành phố ôtôman[4] lớn đã hư nát từ bao thế kỷ nay, và bằng cách nào đó đã cắm vào đây cội rễ của mình, đưa những vòi hút của mình vào những khe hở của tấm vải dệt thưa đã mòn, làm thoát đi sức mạnh của nó. Những tòa nhà bê tông, vô cùng rắn chắc, dần dần thay thế những căn nhà lớn bằng gỗ màu đá đen với những bao lơn, với vô số cửa sổ sắp đặt theo chiều nghiêng so với con đường đầy đá cuội và đầy khe rãnh, những trụ cột xoắn, những cầu thang bên ngoài, những đòn chìa chạm trỗ những hình ba lá, những chữ khắc bằng tiếng Ả rập phía trên cửa ra vào, những ngôi nhà xưa bị cháy, nứt rạn, bị mối ăn mòn, nằm giữa những vườn rau, những nghĩa trang và những khu đất trống nơi bọn trẻ con chạy nhảy kéo theo những sợi dây dài vô tận để đưa cao hơn nữa những con diều của chúng, đến mãi tận cái miền không trung nơi những con diều săn mồi bay quay cuồng để rồi đột nhiên sà xuống trên một vụn rác nào đó.

Đây đúng là một nơi lều trại được cắm lên, nhưng không hoàn toàn vững chắc, chỉ là những căn lều và những túp nhà loàng xoàng, người ta làm lớn ra và hoàn chỉnh, nay có tiện nghi, nhưng không khi nào mất đi tính cách tạm bợ. Istanbul của xứ Thổ nhĩ kỳ, quả là một sự sẩy thai tuyệt trần, đúng là biểu hiện cái vương quốc từng sụp đổ trên chính mình ngay khi nó ngưng không mở rộng ra nữa. Trong những cửa hàng lớn tấm vải bạt đã thay cho mái vòm, và nhất là, trên tất cả các đỉnh đồi, trong khi nâng nhà cửa cao hơn nữa, bao bọc quanh nhà, hoàn thành chúng, người ta đã xây lên những khối pha lê đồ sộ, những đền thờ Hồi giáo vương giả, và ở những khu đất thấp trong thành phố còn có những ngôi đền cùng kiểu đuợc tô điểm với những lớp vỏ giả sành và những mặt tiền lớn màu xám. Trong khoảng những thời kỳ vĩ đại và táo bạo ngay sau chiến thắng, chiến thắng của Mohamet Người chinh phục, chiến thắng của Soliman Thần kỳ và của Sinan kiến trúc sư của ông, vào cuối thế kỷ XV và suốt thế kỷ XVI, với mong muốn được ngang hàng với cái thành phố trong những phế tích của thành phố đó chính nó đang có mặt, một thành phố như thế đã được xây lên, đi trước tất cả những gì bấy giờ người ta đã làm được ở châu Âu, như ta có thể thấy rõ qua hai tổng thể kiến trúc lộng lẫy mang tên hai vị vua kia, bởi tòa nhà của vị anh hùng chinh phục đã được xây dựng lại ở thế kỷ XVII, nhưng gần như dựa trên đồ án cũ! Thế rồi, đột nhiên, hơi thở bị hụt đi. Truyền thống rõ ràng kéo dài đến đầu thế kỷ XVII với đền thờ Ahmet màu xanh, người ta rõ ràng đã cố làm cho truyền thống ấy tươi trẻ ra ở thế kỷ XVIII với đền Nuruosmanyé, và đền hoa vành khăn, nhưng đấy chỉ còn là những nỗ lực riêng lẻ ngày càng hiếm, ngày càng ít vững vàng, và hai hòn đảo nhỏ mà rộng nằm bên nhau không bao giờ được nối liền trong khi những phế tích của Constantinople tiếp tục rã vụn, lún xuống, những vụ động đất đã làm tổn hại đến những tòa nhà mới.

Vậy thì giờ ta hãy đến với cái thành phố ma này, cái thành phố mà mỗi bước đi ta đều bắt gặp những đống gạch vôi đổ nát, những cấu trúc hạ tầng bằng gạch, những thành lũy, những lỗ đào lớn hình chữ nhật ngày xưa là những bể chứa nước mưa mở ra giữa trời, sau cùng là những ngôi nhà thờ nay trở thành những thứ hang động, thành phố mà chính uy thế lại là cái đã gây ra mất mát, cái uy thế ngày nay vẫn còn nguyên vẹn mặc dù bị đổ nát, bị sút giảm, thành phố ấy, trong đầu óc của khách viếng thăm, cho dù là rất xa lạ, bởi lẽ cái mảnh đất khai quật mênh mông kia vẫn gần như chưa được khảo sát tỉ mỉ, sắp đến đây vẫn sẽ sớm xóa gần hết tất cả những gì tiếp sau nó. Chính nó là đầu nguồn của mọi thứ, nó đã để lại dấu ấn của mình trên mọi thứ. Cái cảnh quan kỳ lạ ấy, ta có thể nói, chính thành phố kia đã tự chọn cho mình, bởi lẽ nó đã không ra đời từ công cuộc phát triển Byzantin, mà từ cuộc vận chuyển có cân nhắc về nơi đây kinh đô của Đế quốc La mã mở rộng về phương Đông. Ngôi nhà thờ lớn của thành phố, nhà thờ Saint-Sophie, vẫn hơi bị biến chất bởi bốn tháp đền nhấn mạnh cấu trúc của nó, ngự trị một cách vô song, nhìn là tức thì nhận ra ngay, từng ám ảnh các nhà kiến trúc ôtôman.[4] Sau một thời gian thận trọng tránh mô phỏng một công trình xây dựng đầy diễn cảm như thế của nền văn minh mà họ muốn thay thế, do sự hiện diện không thể nào chối bỏ ấy họ đã ở vào thế bị buộc phải đưa cơ cấu của nó vào thẩm thức của mình, chấp nhận nó như nền tảng của những tìm kiếm của mình, từ đó tìm cách thử tất cả mọi biến thể khả thi nhằm thoát ra khỏi sự chi phối của nó. Những hồ bơi đẹp đẽ yên tĩnh kia, những đền Rustem Pacha hay đền Sokullu Mehmet Pacha, trong toàn bộ nét thanh nhã của chúng, trong toàn bộ sự hoàn hảo của chúng là gì, so với cái im lặng đè lên bạn khi bạn đi qua dưới tranh ghép Đức mẹ Đồng trinh giữa Justinien và Constatntin, cái im lặng vo ve vàng son, cái im lặng chôn vùi dưới nó mọi tiếng sấm ì ầm, mọi tiếng lá xào xạc trong rừng cây, mọi tiếng sóng vỗ vào bờ. Tính cách ưu việt của những vòng cung hơi bị gãy khúc ấy, toàn bộ cái vẻ thanh nhã chính xác, hợp lý, mát dịu, toàn bộ vẻ lịch lãm, tất cả những thứ ấy đáng kể như thế nào so với chiều sâu thần diệu tứ phía vây quanh bạn và cùng lúc tuột mất khỏi bạn? Và trên cái nền huy hoàng lộng lẫy ở Fethy Djami hay Khané Djami, thêm vào sự sỉ nhục của ta, sự mê hoặc toàn diện của chúng ta, còn có những hình trang trí bí ẩn lùi xa trong những đỉnh vòm thu hẹp của chúng.

Dần dần giấc mơ thành hình, khi ta gom lại tất cả những mảnh rời kia, khi ta đo những khoảng cách ấy, và, bên trên những khu đất hoang ấy, qua những tháp đền Hồi giáo ấy dựng đứng ảo ảnh thành phố Constantinople – ngôi nhà thờ Saint-Georges des Manganes[5] tái tạo, vàng của nhà thờ một lần nữa, theo mô tả của Psellos,[6] như bật ra từ một nguồn suối trung tâm, chảy tràn khắp bề mặt của nó, lần nữa, bao quanh nhà thờ, vẫn những hành lang và ngựa, những cánh đồng, những kênh lạch, những bồn nước phun, những lùm cây và những hồ bơi; lần nữa, trong cung điện Magnaure, vẫn là ngai vàng của vua Salomon; khu thành Chalcé phủ đầy những mái ngói màu đồng thanh, những bể chứa lại đầy nước, những ngọn đồi trở lại với những thềm đất và bậc cấp của nó, – ảo ảnh của cái thành phố ngay từ ngọn nguồn đã bị đe dọa bởi đủ mọi thứ từ cao nguyên, sâu bên trong những lục địa, cái thành phố từ rất lâu đã sống trong những phế tích của chính mình, khi lỗ hổng đã chọc thủng trên các tường thành của nó, thành phố với bao khó khăn đã bảo tồn được vài ba hang động màu hổ phách xưa giữa những khu sa mạc, những cung điện mênh mông đổ nát và bỏ hoang, cái thành phố ngày càng quạnh hiu, tự mình đã trở thành một Vương quốc.

Chiếc cầu Galata thở dưới bước chân tôi; tôi chưa rời khỏi cầu, đêm đã xuống. Tôi nhìn những con sếu và những chuyến xe lửa đi qua, tôi nhìn sương mù châu Á, tôi nhìn những ánh đèn nhấp nhô trên eo biển nơi tàu Argo vẫn còn qua lại, cái eo biển đông đảo, đầy vẻ huy hoàng, đầy niềm vui và sự âu lo mơ hồ.

 

 

-------------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp "Istanbul" trong Michel Butor, Le Génie du Lieu, Nhà xuất bản Grasset/Fasquelle. 1958.

 

_________________________

[1]nguyên tác: minarets - tháp (ở đền thờ Hồi giáo).

[2]nguyên tác: caiques - thuyền ở Thổ nhĩ kỳ.

[3]nguyên tác: sérail – cung điện Hồi giáo.

[4]Thổ nhĩ kỳ cũ.

[5]Tu viện nằm cạnh nhiều nhà thờ bao quanh một trong những cung điện uy tín nhất của Byzance là cung điện Manganes, trên bờ nhánh Saint-Georges.

[6]Michel Psellos, nhà văn Byzance sinh đầu thế kỷ XI, mất khoảng 1079. Triết gia, nhà thần học, nhà toán học, nhà sử học, nhà thơ, thầy thuốc, ông từng là cố vấn quan trọng dưới thời Constantin IX và nhiều triều kế tiếp, không những truyền bá triết học Platon trong triều đình Byzance, mà còn cho ra đời nhiều tác phẩm về Aristote, về số học, âm nhạc, hình học, thiên văn nhìn dưới góc độ khoa học toán, và cả thơ văn – được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021