thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bảy bài thơ
(Diễm Châu dịch)
 
TÔI SUY TƯỞNG
thế nên tôi là bướm.
Mười ngàn năm sau
những đóa hoa nho nhỏ người ta thấy
qua những đám mây không tỉnh không mê,
với những tiếng kêu êm dịu,
sẽ làm rung lên đôi cánh muôn màu
của tôi.
 
                         14.3.1937
 
 
BƯỚM TRẮNG
 
Mi cho ta nhận thức nào
hỡi bướm trắng nho nhỏ?
Mi mở những phiến trắng
mi khép những phiến trắng.
 
Những trang mở:
hiu quạnh;
những trang khép:
quạnh hiu.
 
                         3.5.1940
 
 
CON HẺM DƯỚI MƯA
 
Với một chiếc ô bằng giấy dầu, đơn độc
tôi lang thang trong một con hẻm vắng vẻ,
dài thật dài, dưới mưa
và tôi hy vọng gặp
một thiếu nữ cũng buồn
tựa hoa xoan.
 
Nàng sẽ mang
màu hoa xoan
Sẽ trút nỗi oán than trong mưa,
buồn rầu và sầu muộn.
 
Nàng sẽ lang thang trong con hẻm vắng vẻ này
như tôi
với một chiếc ô bằng giấy dầu
và cũng như tôi
nàng sẽ bước đi lặng lẽ
rét mướt, đơn độc và buồn.
 
Nàng sẽ nhè nhẹ tiến lại gần
Và đúng lúc này sẽ đưa mắt nhìn tôi
một ánh mắt não nuột
rồi nàng sẽ lướt qua như một giấc mơ
một giấc mơ thoáng nhạt và buồn.
 
Như một cây hoa xoan
lướt qua, vụt biến trong mơ
người thiếu nữ này sẽ gặp tôi
rồi sẽ rời xa, rời xa trong lặng lẽ
vượt khỏi hàng dậu đổ nát
để khuất dạng ở cuối con hẻm, dưới mưa.
 
Trong vẻ muộn phiền của cơn mưa
màu sắc của nàng sẽ bị xóa nhòa
mùi hương của nàng sẽ tan biến
mất đi cả đến ánh mắt nàng
ánh mắt nàng não nuột
và nỗi buồn hoa xoan.
 
Với một chiếc ô bằng giấy dầu, đơn độc
tôi lang thang trong một con hẻm vắng vẻ,
dài thật dài, dưới mưa
và tôi hy vọng gặp
một thiếu nữ cũng buồn
tựa hoa xoan.
 
                         1928
 
 
KỶ NIỆM CỦA TÔi
 
Kỷ niệm của tôi trung thành với tôi,
Hơn cả người bạn tốt nhất của tôi.
 
Nó ở trên điếu thuốc đã đốt,
Nó ở trên cây bút vẽ trang trí hình bong huệ,
Nó ở trên hộp phấn đã hư,
Nó ở trên lớp rêu trên bức tường đổ nát
Nó ở trên chai rượu đã vơi một nửa
Trên bản nháp những vần thơ xưa đã xé rách, trên cánh hoa héo khô,
Tren ngọn đèn ánh mờ, trên làn nước bình yên,
Trên mọi sự có hay không hồn,
Nó ở khắp nơi, như bản thân tôi trên thế giới này.
 
Nó rụt rè và e ngại tiếng ồn ào của mọi người.
Nhưng trong cảnh đơn đôc nó tới thăm tôi thật thân thiết.
Tiếng nó yếu ớt,
Lời nó dai dẳng, không ngơi,
Dai dẳng, chúng lặp lai liên miên và không cùng.
Lời nó cũ kỹ, nó thuật lại cũng vẫn những câu chuyện,
Giọng nó thật xưa, nó ca vẫn những bài ca.
Đôi khi nó học đòi giọng nói mơn trớn của một thiếu nữ,
Một giọng nói yếu ớt,
Hòa lẫn với những tiếng thở dài và nước mắt
Nó tới thăm bất thần,
Vào bất cứ giờ nào, ở bất cứ nơi nào,
Thường là trong giấc ngủ chập chờn của tôi
Hay những giờ đâu tiên của buổi sớm mai.
Nó có thể xuất hiện không ngượng ngùng
Bởi chúng tôi vốn là chỗ cố tri.
 
Chuyện ba hoa lảm nhảm của nó thật không cùng
Trừ khi tôi buồn khóc
Hoặc khi tôi ngủ say.
Nhưng không bao giờ nó quấy rầy tôi
Bởi vì nó trung thành với tôi.
 
 
SẦU MUỘN
 
Có lẽ tôi sẽ nói ấy nỗi buồn vô cớ của mùa Thu lặng lẽ,
Có lẽ tôi sẽ nói ấy sự tiếc nuối những vùng biển xa xôi,
Có lẽ tôi sẽ không dám nói tới tên em,
Nếu có ai hỏi đến nỗi sầu muộn của tôi.
 
Nếu có ai hỏi đến nỗi sầu muộn của tôi,
Có lẽ tôi sẽ không dám nói tới tên em,
Có lẽ tôi sẽ nói ấy sự tiếc nuối những vùng biển xa xôi,
Có lẽ tôi sẽ nói ấy nỗi buồn vô cớ của mùa Thu lặng lẽ.
 
 
THÁNG HAI
 
Mùa Xuân lang thang trên đầu những bông cúc dại,
Mùa Xuân lang thang trên bộ lông những con cu cườm,
Mùa Xuân lang thang trên đám lau sậy của dòng suối trong
Bóng tối rừng xanh trở thành cõi riêng của tình ái sực nức hương.
Chẳng mấy chốc, đồng xanh sẽ mỏi mệt lắng nghe những trao đổi giả dối
Và đám cỏ vô tội chịu đựng kém sức nặng
Của những tấm thân nhợt nhạt, hâm hẩm và dịu dàng
Sẽ ngất ngây vì mùi hương của những tấm thân ấy.
 
Chẳng mấy chốc, trong hoàng hôn mờ tối
Tôi sẽ nghe tiếng thở dài của người thiếu nữ nhàn du chót
Nhè nhẹ bỏ đi, một nhành lưu ly* trên tay.
 
-------------------------------------------------------------
* Thứ hoa này còn có tên tiếng Anh là “forget-me-not”. (người dịch)
 
 
BÀI THƠ GHI TRÊN VÁCH NHÀ TÙ
 
Nếu tôi chết ở đây, hỡi các bạn,
Thì xin các bạn, các bạn đừng buồn!
Tôi vẫn sống,
Sống mãi mãi trong lòng các bạn.
 
Ấy đó một người trong các bạn chết đi
trong nhà tù của bọn Nhật chiếm đóng,
Y ra đi với nỗi căm hờn không nguôi
Các bạn cần vĩnh viễn giữ kỷ niệm về y.
 
Ngày trở lại, các bạn sẽ khai quật
Từ đất đen, tấm thân y bị hủy hoại
Và cùng với những tiếng kêu thắng lợi
Các bạn sẽ phấn khích hồn y.
 
Rồi các bạn sẽ đặt hài cốt y
Trên đỉnh cao, trong nắng, trong gió
Ấy đó giấc mơ êm dịu nhất
Của y nơi ngục tối, ẩm thấp này.
 
                                 27.4.1942
 
--------------------------
Ghi chú của người dịch:
ĐỚI VỌNG THƯ (1905-1950) là một nhà thơ "dấn thân" của Trung-hoa. Ông sinh ngày 5.11.1905 ở Hangxian, Zhejiang. Cha ông làm ngân hàng Trung quốc ở Hangzhou. Ông học văn khoa và khoa học xã hội, rồi học Pháp văn ở đại học. Một trong các bạn học của ông là Ding Ling... Năm 1928, xuất hiện trên một tạp chí văn nghệ sáu bài thơ của ông trong đó có bài “Con hẻm dưới mưa”. Chính bài thơ này đã khiến người ta ca ngợi ông là “nhà thơ của con hẻm dưới mưa”! Với bài ấy, trong một tiểu sử biên niên đời ông, người ta đã viết: “Như thế là vào năm 23 tuổi, ông đã đặt nền tảng cho trường thơ hiện đại (Trung quốc)”! Năm 1930, ông trở thành một trong những thành viên đầu tiên của “Liên đoàn các nhà văn cánh Tả”, một tổ chức do Lỗ Tấn điều khiển. Từng sống ở Pháp và Tây-ban-nha, Đới Vọng Thư cũng đã dịch nhiều truyện của Pháp, Bỉ, Tây-ban-nha và Nga. Năm 1941, ông bị quân Nhât bắt giam và tra tấn ở Hương cảng. Tháng Ba 1947 xuất hiện bàn dịch Fleurs du mal của Baudelaire do ông thực hiện. Cùng năm ấy ông bị “cho thôi việc” ở đại học Jinan vì ủng hộ phong trào sinh viên tiến bộ. Tình trạng sức khỏe suy sụp nghiêm trọng từ nhiều năm, khiến ông phải nằm bệnh viện vào mùa Thu 1949. Ông mất ngày 28.2.1950. Chịu ảnh hưởng thơ cổ điển Trung-hoa, thơ Tượng trưng Pháp và thơ Federico García Lorca, Đới Vọng Thư còn để lại ba tập thơ gồm ngót 100 bài, kể cả một số bài viết bằng tiếng Pháp hoặc tự dịch sang tiếng Pháp. “Một vài ý nghĩ về thơ” của ông, viết vào thời kỳ đầu của thơ mới Trung-hoa, dường như.. vẫn còn đôi điều “kỳ dị” so với thơ hiện đại và cả hậu hậu-hiện đại!
 
Các bài trên dịch theo các bản Pháp văn của Yan Hansheng và Suzanne Bernard trong Dai Wangshu, Poèmes, Littérature chinoise, Beijing, 1982; và của Patricia Guillermaz trong La poésie chinoise contemporaine, nxb. Seghers, Paris, 1962. Riêng bài ghi chú có tham khảo thêm François Cheng trong Entre source et nuage, Albin Michel, Paris, 1990.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021