thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai bài thơ hiện sinh
 
(Nguyễn Đăng Thường sưu tầm & giới thiệu)
 
 
 
Bernard Buffet (1928-1999)
Déposition de Croix – 1948
oil on painting 200 x 97 cm
 
 
 
Lời giới thiệu:
 
Nguyện là ai?
 
Nguyện có thể là một tên tuổi hoàn toàn xa lạ đối với độc giả Tiền Vệ nói riêng và người đọc thơ trong cũng như ngoài nườc nói chung, vì Nguyện chỉ để lại cho đời / cho thi ca vỏn vẹn hai bài thơ. “Úp mặt”, bài thơ đầu tiên của Nguyện, xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Hiện Đại của thi sĩ Nguyên Sa. “Khóc”, bài thơ thứ hai và cuối cùng, xuất hiện trên tạp san Thế kỷ Hai Mươi. Tôi không nhớ số báo và ngày tháng (khoảng đầu thập niên 60) vì tôi vứt báo, giữ thơ.
 
Nguyện là ai, còn sống hay đã chết? Nếu như còn hiện hữu thì chắc Nguyện cũng đã trên 70?
 
Nguyện có thể đã tiếp tục viết với một bút danh khác? Dù sao, (theo thiển nghĩ của tôi) hai bài thơ này — đượm chất “hiện sinh” của văn thơ miền Nam cuối và đầu thập niên 50-60 — là hai thi phẩm đáng đọc và lưu truyền, chí ít là vì khi đọc tôi đã không... dửng dưng? Hi vọng độc giả cũng sẽ cảm nhận như tôi?
 
Bài “Úp mặt” có âm hưởng bài “Hú tim” của Tô Thùy Yên (tôi sẽ chép lại bài thơ của Yên trong phần phụ chú để bạn đọc so sánh).[*] Lời tuyên bố “xanh dờn” của Nguyên Sa — “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thi sĩ” — đã chào đời trên tạp chí Hiện Đại trong mục “Năm cánh tay” giới thiệu các tài năng mới. Xin ghi lại nguyên văn:
 
“Chủ đích giới thiệu trong mỗi số báo một tài năng mới của chúng tôi bị phá đổ bới số thơ đông đảo từ bốn phương gửi về. Không thể giới thiệu mỗi kỳ một thi tài được. Mặc Đỗ, Thanh Nam, Đinh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, đều nói lên như thế. Bởi vì sự chờ đợi sẽ trở nên đè nén, u uất với số đông. Do đó H.Đ. trân trọng mời Nguyện, Sao Trên Rừng, Tường Phong, Mai Sử Giương và Hoa Cúc Huyền dựng xây trên mảnh đất bé hẹp này năm ngôi nhà nhỏ ấm. Và với người hoài nghi dò hỏi: sao nhiều tài năng thế?, tôi trả lời: có lẽ vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc thi sĩ.” (N.S)
 
Nguyễn Đăng Thường
 
__________
 
 

ÚP MẶT

 
tôi úp mặt
vào quyển Dân luật khái luận
suốt một năm
im lặng
khi ngửng lên
vài người đàn bà đã bỏ đi
vì không thể chờ đợi
vì tưởng tôi đã chết
 
tôi tiếp tục úp mặt
một năm, hai năm
có thể đến bảy năm
vào quyển Dân luật khái luận
 
không biết rồi
bao nhiêu người chán quá sẽ bỏ đi
bao nhiêu bụi bám đầy cánh tay
bao nhiêu tế bào hai mươi sẽ dần tàn rữa
và tự hỏi bao nhiêu lần
tôi có còn là tôi?
 
 
 

KHÓC

 
sáng nay trước đám đông tôi dại dột
                   kể một câu chuyện thật
giữa khuya tình cờ gặp thượng đế
người nắm tay khuyên
“hãy yêu nhau yêu nhau yêu nhau.
hãy yêu kẻ thù như yêu bạn”
và tôi xoè bàn tay dẫn chứng
nhưng ngón mềm như giun chết
và lòng tay tái mét
tôi gượng cười mồ hôi lạnh đẵm áo
“hãy yêu nhau yêu nhau
tôi đã gặp thượng đế
tôi thay lời thượng đế”
một gã say lễ phép phản đối
“làm gì có chuyện đó!
ai chứng minh sự hiện hữu...”
ào ào đám đông vỗ tay dù chưa dứt câu
gõ nhịp và lập lại
chẳng để tôi hay người khác kịp hỏi
“căn cứ vào đâu anh quả quyết không?”
cúi đầu tôi đi
khóc
cho tôi cho họ
hay cho thượng đế?
không biết
 
 
_________________________
Phụ chú:

[*]

 
Tô Thùy Yên
Hú tim
 
Thế là tôi úp mặt vào tay và đếm đủ hai mươi
Một hai ba và không ngờ đã đến hai mươi
 
Tôi mở mắt
 
Kẻ thì đi xa hay đã chết rồi cũng vậy
Người thì lấy chồng
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021