thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đầu của hoa hậu Ấn

 

Người đàn bà tên Huỳnh Thị Liên, 67 tuổi. Bà đến làm thủ tục tạm vắng cho con trai.

Con trai bà, Phùng Anh Tuấn, 33 tuổi, kỹ sư xây dựng, được biệt phái công tác ra Hải Phòng sáu tháng, bắt đầu từ 15 tháng 6.

Nghĩa là thứ hai tuần sau.

Tại sao Phùng Anh Tuấn không tự đến?

Tôi không biết; tôi đang tìm hiểu đây.

Anh có nghe tiếng sấm không?

Cái thứ tiếng ầm ừ, rặn từng tiếng này, thời tôi còn bé, mẹ tôi thường bảo là “Ông Trời đau bụng”. Còn bây giờ nó giống gì? Anh có nghĩ ra gì không? Có phải những quả bi bằng sắt nặng trịch lăn qua bầu trời mà Rip Van Winkle đã nhìn thấy không? Cái tiếng ấy ta không chỉ nghe bằng tai. Anh có thể nghe cái tiếng ấy âm âm trong cơ thể mình; không phải cái cơ thể bằng xương thịt, mà cái cơ thể thanh, nhẹ hơn, rung nhanh hơn, bằng loại hạt ở sâu hơn, tận bên trong, mà hiện nay người ta gọi là hạ nguyên tử còn trong tương lai sẽ có từ thích hợp hơn để gọi. Anh có hiểu tôi không?

Anh nghĩ đến tiếng máy bay mà (đôi khi) ta cảm thấy trong giấc mơ? Có thể. Nếu sống ở Gò Vấp, hay Tân Bình, khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, anh sẽ thường xuyên thấy máy bay cất cánh và hạ cánh. Tình cờ nhìn lên, anh sẽ thốt nhiên kinh ngạc vì kích thước của chúng, lừng lững bơi qua bầu trời, càng ấn tượng hơn vào ban đêm với thân mình màu đen nhuốm bạc và chấm sáng xanh nhỏ xíu nhấp nháy. Tai anh không nghe tiếng động cơ, nhưng cái anh thấy, nó rền vang và tiến sâu vào anh, một chuyển động không nằm trong vật chất và xâm chiếm anh không phải như xâm chiếm một thể xác.

Đây là nhà thơ. Mỗi khi gặp một phụ nữ thiếu nhan sắc, anh bất giác cúi đầu như thấy mình có lỗi trong một công trình không thành công của Tạo hóa. Người ta không thoải mái với cái nhìn của anh, lúc nào cũng như muốn (hoặc đã) nhìn thấu chân tướng vạn sự. Nhà thơ tới đăng ký tạm trú cho cô gái bán bánh canh ở đường Hàn Thuyên, tuần trước đột ngột từ Huế vào tìm đến nhà anh, xin tá túc một thời gian, đặng “tìm cơ hội ở thành phố”. “Em biết anh là người tốt. Anh cứ coi em như đứa em gái; em sẽ nấu cơm, giặt đồ, lau nhà cho anh, và khi anh buồn, em sẽ kể chuyện cho anh nghe”.

Anh nhìn thấy khoảng tối chứ?

Đôi khi, trên một khuôn mặt người, dù dưới ánh sáng ban ngày, anh vẫn thấy khoảng tối ấy. Bầu trời như có đám mây đen lớn bay qua, kỳ thực chẳng có đám mây nào, nhưng khoảng tối cứ lan dần trên bầu trời quang, và anh không thể không cảm thấy nó.

Bây giờ anh thấy bóng tối - hay sự thiếu vắng ánh sáng, sự thoái biến ánh sáng - đó ở vùng không gian bên trên chiếc bàn, giữa nhà thơ và đại diện chính quyền; như có kẻ vô hình hay cái gì đó vô hình, cực lớn, đang chọc một ống rơm vĩ đại vào chỗ đó, hút hết ánh sáng, chừa lại vùng không ánh sáng hình chiếc phễu úp ngược, với đường viền mịn, khẽ động, như làn hơi nước một ngày nắng. Anh có thấy ánh sáng không? Đấy, ngay chỗ ấy! Chưa thấy à? Chuyển hướng nhìn một chút... Thử nhìn dưới một góc khác. Hoặc đổi vị trí một chút, chẳng hạn dịch sang trái... Hãy quên rằng trước đó anh không nhìn thấy.

Giờ anh thấy rồi chứ? Bên này anh thấy không-ánh-sáng, bên kia anh thấy ánh sáng. Nhưng chỉ một vùng đó thôi.

Quan tâm lớn nhất của tôi là thân phận con người, với vũ trụ. Có khi, tất cả những gì tôi quan tâm là một vạt cỏ chưa có chân người giẫm qua. Và màu sắc của một hạt bụi trong nắng.

Từ trong đá, một cái gì đó không được nói ra, và lựa chọn của tôi là im lặng về nó.

Cũng có nghĩa là cái đó im lặng về chính mình.

Phòng tiếp dân của chính quyền có bốn chiếc bàn gỗ, sổ sách, nhiều tập giấy, ấm chén, phích nước, điện thoại, tủ hồ sơ, hai khung cửa sổ, và vài thứ khác. Nhà thơ cảm thấy nơi đây vừa nhỏ bé vừa to lớn hơn anh. Trời nóng, anh nghe mồ hôi rịn ra nơi kẽ ngón chân.

Người ta bảo nhà thơ cần bổ sung giấy đăng ký tạm vắng từ địa phương gốc của cô gái. Nhà thơ đứng dậy. Khi nhà thơ đã quay lưng đi, bàn tay trái anh ta còn khẽ bíu lấy gờ trên của chiếc ghế vừa ngồi thêm mấy giây. Trên quãng đường dăm mét ra cửa, bàn tay trái anh ta - bàn tay rảnh, vì tay phải bận cầm mớ giấy tờ - chụm ngón vào nhau như thể nắm giữ một cái gì nhỏ bé, không rõ rệt, rồi các ngón lại dãn ra như thể buông cái đó xuống đất. Đám nhà thơ thật rắc rối, phải không? Mà thôi, hãy cứ quan sát anh ta. Anh ta sắp biến hình đấy. Thú vị lắm. Bản thân anh ta không biết đâu. Với anh ta, việc đó như là không có anh ta nữa. Xem nhé! Kìa, thấy chưa? Chân anh ta bắt đầu nhấc lên. Chầm chậm thôi, nhưng bây giờ đã cách sàn nhà khoảng mười xăngtimét. Có điều, anh ta không bồng bềnh như Neil Armstrong trên Mặt trăng đâu. Không phải sức hút trở nên nhẹ hơn đối với anh ta, mà dường như có những bậc thang vô hình - cái sau cao hơn cái trước - liên tiếp trồi lên trước mặt anh ta. À, có lẽ không phải. Không thể là những bậc thang, vì đầu gối anh ta chẳng hề nhấc cao như ta thấy ở kẻ phải vận động đi lên. Có lẽ nên nói dường như ai đó vừa chắp cánh vào chân anh ta: anh ta bước bình thường như kẻ đi trên đất bằng, nhưng cứ mỗi bước anh ta lại xa sàn nhà thêm chừng mười xăngtimét. Hơi giống Tề Thiên Đại Thánh đằng vân; liên tưởng tạm được đó. Bây giờ, khi đã đến sát ngạch cửa, bàn chân anh ta cách sàn nhà khoảng một mét. Anh đang lo nhỡ ra anh ta không biết khom mình xuống và sẽ cộp đầu vào khung cửa? Nhưng anh ta có ra khỏi cửa đâu. Nhìn xem! Anh ta từ từ xoay nghiêng, và từ từ tan ra, biến thành một cái gì đó như tia nắng chiều xiên khoai, với hằng hà sa số những vi thể lấp lánh màu vàng tinh khôi. Vạt nắng ấy từ từ trôi ngược về giữa phòng và, ngay trên bàn làm việc của viên chức Nhà nước (mà lúc này phía sau bàn đột nhiên chẳng còn viên chức nào nữa) liền tụ lại thành một cái lồng kính, một cái bể cá, nhưng không có nước, không có cá, mà bên trong là một cái đầu người, một cái đầu tuyệt đẹp, với mái tóc bới cao, làn da màu sôcôla, cặp mắt to đen, mũi cao thanh tú, đôi môi mọng, và, trên trán có một chấm đỏ! Đích thị là cái đầu một người đẹp Ấn độ, trông quen quá chừng... Thôi, còn ai vào đấy nữa! AISHWARYA RAI! Nàng hoa hậu Ấn độ, đoạt vương miện Hoa hậu thế giới vào thập niên 90 thế kỷ trước, anh nhớ không! Chẳng việc gì phải giấu, ngay từ phút đầu tiên thấy Aishwarya trên họa báo, tôi đã mê cô ta... Mặc dù cuộc đăng quang qua đã lâu, chẳng mấy ai còn nhớ, tôi vẫn mê cô ta... Làm sao ngờ nổi tôi lại thấy Aishwarya ở đây, dù chỉ cái đầu cô ta... Cái đầu sống, anh ạ. Nó - không, nàng Aishwarya của tôi - ngước đôi mắt đen láy mà mỉm cười với tôi.

Tôi không tin mắt mình nữa!

Xem kìa. Góc dưới bên phải cái bể cá, mặt đối diện với anh, anh có thấy vết trầy như mèo quào không? Còn góc trên bên trái, mặt phía tay phải anh, có chút cợn bọt khí, anh thấy không? Trừ hai khuyết tật nhỏ ấy, nhìn chung là vật liệu thủy tinh tốt, trơn nhẵn, trong suốt. Lấy vật gì đó bằng kim loại, chẳng hạn cái que đan mà gõ nhẹ vào thành bể, anh sẽ nghe tiếng lanh canh trong vắt như suối chảy trên núi.

Còn đầu của Aishwarya... Trên cần cổ, gần chỗ lẽ ra là xương quai xanh bên phải, có một cái bớt nhỏ màu sắc như ngón tay ngâm nước quá lâu, chẳng rõ hồi thi hoa hậu nàng Aishwarya có để lộ ra không, nhưng không đến nỗi vì vậy mà hỏng ấn tượng chung về cái đẹp. Anh cũng nghe mùi hương thoang thoảng, mùi hương đích thực của thân thể đàn bà, chứ không phải thứ nước hoa nào đó. Và toàn bộ không gian trong căn phòng chật hẹp chốn công quyền bỗng bừng lên trong một thứ ánh sáng khó tả, vàng như nắng chiều, nhưng không tuôn vào từ cửa sổ, mà hình như phát ra từ trên trần nhà, từ các bức tường, và mọi vật không có bóng, anh hiểu không...

Cái đầu hay nhà thơ? Câu hỏi hay, phải không? Có bao nhiêu phần nhà thơ còn lại trong cái đầu? Liệu khi có cái đầu thì có còn nhà thơ? Nhưng sao chúng ta chỉ nghĩ tới nhà thơ mà không nghĩ tới cái đầu nhỉ? Nó - Nàng đẹp quá đi chứ! Có lẽ trên đời khó có tạo vật nào đẹp hơn thế: cái đầu màu ô liu với đôi mắt nhung của Aishwarya Rai. Xét cho cùng, nhà thơ chỉ là một giai đoạn, còn cái đẹp là vĩnh cửu, phải không? Nhưng anh vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tôi đoán thế. Anh không hiểu làm sao có thể có sự biến hình phi lý, kỳ dị này - ít nhất là với anh. Anh vẫn chưa nhận ra anh đang nhìn một thế giới khác, thế giới của chúng tôi, hay sao? Ờ, anh không thể nhận ra được.

Thế giới của chúng tôi là một thế giới nhân tạo, giả lập, có thể kiểm soát, có thể tùy biến. Nó là món quà của một công dân đáng kính tặng đứa con bảy tuổi của ông ta. Một món đồ chơi, dĩ nhiên. Cậu nhỏ này, giàu tưởng tượng và nghịch như quỷ, là Thượng đế tuyệt đối, toàn năng của chúng tôi. Ngài toàn hiện (có mặt ở mọi nơi). Không có gì thuộc vũ trụ này - từ một hạt nơtrinô cho đến ông mặt trời đang làm chúng ta mướt mồ hôi như nhểu mỡ kia - mà không là một mẩu nhỏ xíu trong trò chơi của Ngài. Ngài kiểm soát và điều khiển thế giới này bằng ý chí hung bạo và ngây thơ của một đứa trẻ. Không một biến cải nào trong thế giới này tuân theo một trật tự hay lôgic nào đó như cách người ta hiểu ở thế giới các anh. Nhà thơ biến thành cái đầu tuyệt đẹp của hoa hậu Ấn, anh chàng sumo vụt hóa thành gã tí hon không cao hơn chú gà choai, bản thân tôi, nửa phút nữa bỗng thành con ếch đầy ghẻ hay thành lưỡi cưa cùn - tất cả tùy thuộc vào cảm hứng bất thần và tưởng tượng bất kham của Thượng đế nhỏ. Anh định nói gì? À phải; anh từng biết một cái gì tương tự, và miệng anh định thốt ra: phải chăng lại là trò hiện thực ảo cũ rích? Hẳn thế. Nhưng với tôi, anh nên nhớ là với tôi, đây không là thế giới của những hư tượng, những virtual image, bởi vì tôi, một nhân vật của nó, tôi có ý thức và đang ý thức về bản thể của tôi, thế giá của tôi, thân phận tôi, về (cái gọi là) sự sống và tự do của tôi.

Dĩ nhiên, tôi không chỉ là một nhân vật trong thế-giới-đồ-chơi này. Tôi có một bản thể song hành (đang sống) trong thế giới của anh, cũng với cái tên tôi, thân phận tôi, tinh thần tôi. Tôi là một bản đúp phái sinh, một bản đúp thứ nguyên, một degenerated duplicate của anh ta. Rất có thể ngày nào đó anh sẽ gặp tôi ở chỗ anh, và tôi gặp (bản đúp của) anh ở chỗ tôi. Dĩ nhiên, với điều kiện ta chưa kịp biến thành một thực thể khác.

Anh tự nhủ: Tinh thần nào có thể chịu nổi sự tồn tại trong một thế giới mà bất cứ giây nào tiếp theo anh đều có thể biến thành cái đầu hoa hậu Ấn, hòn đá, con thạch sùng hay lưỡi cưa cùn? Nhưng nghĩ lại xem, ở thế giới của anh: một quan chức đáng kính của công ty bảo hiểm, buổi sáng nọ trên tầng cao chót vót một tòa nhà New York, vừa thắng lớn một thương vụ cổ phiếu và, ngả người vào ghế, chắp hai tay sau đầu, mơ đến tòa biệt thự nghỉ mát tuyệt đẹp bên bờ biển Sardegna nơi chỉ có nắng, sóng vỗ bờ và tiếng hải âu, thế rồi đột nhiên trời đất rung chuyển, và lửa, lửa, lửa, và trời đất quỷ thần ơi, nóng, nóng, nóng quá, nóng quá, nóng quá!!! Thế là anh ta bê chiếc ghế xoay ném bể bức tường kính đặng lao ra ngoài không khí, cách mặt đất hàng trăm mét, mà thậm chí có lẽ không biết mình đang làm gì, không biết mình đang tránh một mối nguy chết người cấp kỳ này bằng cách lao thẳng đến một cái chết ngay tắp lự khác. Từ chỗ coi như an toàn tuyệt đối, anh ta rơi tõm một lần và vĩnh viễn vào hư vô. Cái gì là sự hữu lý của thế giới này đối với anh ta, riêng anh ta, nếu trong sát-na cuối cùng của đời mình anh ta có thể nghĩ đến nó? Còn chúng ta, những kẻ đang tồn tại và có khả năng luận giải sự hữu lý theo luật nhân quả của sự kiện, làm sao chúng ta có thể mang sự hữu lý ấy đến cho anh ta, một Vũ trụ đã mất và không thể lặp lại?

Tôi hiểu anh hỏi gì. Tôi cũng tự hỏi thế, và tự trả lời: không phải kẻ nào sống trong thế giới-trò chơi này cũng ý thức được tình thế thực sự của hắn. Nhưng, nhìn lại xem: có phải, trong thế giới thượng tầng của các anh, những kẻ vô minh đã và sẽ luôn luôn nhiều hơn không?

Sự phi lý trong một thế giới được điều khiển bởi tính ngông của một Thượng đế trẻ con có gì khác - và tệ hơn - so với sự phi lý trong một thế giới nơi nhiều kẻ ngông muốn và nghĩ mình có thể giành ngôi Thượng đế, và điều đó, cùng bản thân sự phi lý này, nằm trong ý hướng của Thượng đế, hay đúng hơn, trong tính vô sở ý bản nguyên của Thượng đế?

Mặt khác, anh không thấy rằng trong tính ngông và sự vô trật tự biểu kiến của Thượng đế trẻ con này cũng có chút chất thơ đấy sao?

Ý thức về tính cá biệt, độc nhất vô nhị, không thể lặp lại của mình, cho đến sát-na cuối cùng trước khi nó biến mất; đó là tự do của tôi. Tôi tự do khi ý thức được và tự điều hòa bản thân với sự hữu hạn nghiệt ngã của tự do ấy. Trước những bất trắc và biến dịch phi lý nhất của thế giới này, không sợ hãi, không loạn động, không phát điên.

Tôi tự do khi nói với anh bằng tiếng người, một giọng nói hữu thức. Khi tôi chỉ còn phát ra tiếng tặc lưỡi vô minh của con thạch sùng hay tiếng rít vô tri của lưỡi cưa cùn, tôi vẫn còn lại như một cá nhân đơn nhất và tự do. Bởi vì, khoảnh khắc cuối cùng của tự do - tinh thần tự do, ý chí tự do, cái tự do có khả năng nhận thức mình là một Vũ trụ -, khoảnh khắc đó là vĩnh cửu của nó, cõi phi thời gian của nó.

Tôi yêu thế giới này, và sự hiện tồn của tôi trong đó, với sự ngắn ngủi và bất định của nó; không đặt tình yêu đó trên cơ sở sự trường cửu.

Nếu muốn, hãy dành sự thương cảm cho những ai không ý thức được tình thế mình, thân phận hiện tại của mình. Chẳng hạn cô gái Huế kia, kẻ ngồi bên mâm cơm sắp nguội đợi nhà thơ mà không biết mình nằm trong số hàng triệu người đàn bà, trong hàng triệu ngôi nhà trên trái đất, suốt hàng ngàn năm, đợi mãi một người đàn ông không trở về. Khi quay lại thế giới của mình, nếu gặp cô ta, anh hãy thử làm gì đó cho cô ta.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021