kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Phác thảo kịch truyền thanh

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

SAMUEL BECKETT

(1906-1989)

 

PHÁC THẢO KỊCH TRUYỀN THANH

 

Chàng. – (giọng buồn). Thưa bà.

Nàng. – Ông mạnh giỏi chứ? (Một lát.) Ông đã yêu cầu tôi đến đây.

Chàng. – Tôi không yêu cầu ai đến đây cả.

Nàng. – Ông đã chịu cho phép tôi đến.

Chàng. – Là tôi trả nợ thôi.

Một lát.

Nàng. – Có phải là tiếng nhạc cứ chơi suốt như thế?

Chàng. – Vâng.

Nàng. – Không ngừng?

Chàng. – Không ngừng.

Nàng. – Thật không thể nghĩ ra nổi. (Một lát.) Và tiếng nói cứ nói suốt như thế?

Chàng. – Suốt như thế.

Nàng. – Không ngừng?

Chàng. – Vâng.

Nàng. – Thật không tưởng tượng nổi. (Một lát.) Vậy suốt cả thời gian ông vẫn cứ ở đấy?

Chàng. – Không ngừng.

Một lát.

Nàng. – Ông có vẻ rất lo âu. (Một lát.) Tôi có thể xem chúng được chứ?

Chàng. – Không, thưa bà.

Nàng. – Tôi không thể đến xem chúng một cái được sao?

Chàng. – Không, thưa bà.

Một lát.

Nàng. – Ông lạnh lùng quá. (Một lát.) Hai cái nút này đây phải không?

Chàng. – Vâng.

Nàng. – Chỉ cần ấn vào? (Một lát.) Bấm thẳng? (Một lát.) Tôi hỏi ông có phải là bấm thẳng hay không.

Chàng. – (mệt mỏi.) Tất nhiên rồi, thưa bà. (Một lát.) Không, phải xoay vòng. (Một lát.) Qua bên phải.

Tiếng cạch.

Tiếng nhạc. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Im lặng.

Nàng. – (ngạc nhiên). Thế ra không phải chỉ có một!

Chàng. – Vâng.

Nàng. – Bao nhiêu?

Chàng. – Năm... sáu... (Một lát.) Qua bên phải, thưa bà, qua bên phải.

Tiếng cạch.

Tiếng nói. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Nàng. – (với tiếng nói). Không thể lớn hơn sao?

Tiếng nói. (lớn hơn) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Im lặng.

Nàng. – (ngạc nhiên). Nhưng nó chỉ có một mình!

Chàng. – Vâng.

Nàng. – Một mình thôi?

Chàng. – Khi người ta một mình thì người ta một mình thôi.

Một lát.

Nàng. – Thế khi họp nhau lại thì nó ra sao?

Một lát.

Chàng. – Qua bên phải, thưa bà.

Tiếng cạch.

Tiếng nhạc. Rất ngắn, tiếp theo

{Tiếng nhạc / Tiếng nói} Cùng lúc. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Im lặng.

Nàng. – Chúng không đứng bên nhau?

Chàng. – Không.

Nàng. – Chúng không thể nghe được nhau?

Chàng. – Không.

Nàng. – Sao lại có thể như thế!

Một lát.

Chàng. – Qua bên phải, thưa bà.

Tiếng cạch.

Tiếng nói. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Nàng. – (với tiếng nói). Nhỏ hơn.

Tiếng nói. (nhỏ hơn) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Im lặng.

Nàng. – Ông muốn như vậy, muốn như vậy?

Một lát.

Chàng. – Tôi cần như thế.

Nàng. – Cần? Cần như thế?

Chàng. – Nó đã trở thành một cái cần. (Một lát.) Qua bên phải, thưa bà.

Tiếng cạch.

Tiếng nhạc. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..

Nàng. – Cả cái này nữa? (Một lát.) Cần cả cái này nữa?

Chàng. – Nó đã trở thành một cái cần, thưa bà.

Một lát.

Nàng. – Chúng trong cùng một hoàn cảnh?

Một lát.

Chàng. – Tôi không hiểu.

Nàng. – Thế chúng... đều chịu cùng... những điều kiện như nhau?

Chàng. – Vâng, thưa bà.

Nàng. – Chẳng hạn? (Một lát.) Chẳng hạn?

Chàng. – Người ta không thể mô tả chúng, thưa bà.

Một lát.

Nàng. – Thế thì, tôi xin cám ơn ông.

Chàng. – Cho phép tôi. Xin đi theo lối này.

Một lát.

Nàng. – (giọng hơi từ xa). Nó là một tấm thảm dệt Aubusson à?

Chàng. – (cùng giọng từ xa). Không, thưa bà. Cho phép tôi.

Nàng. – (giọng từ xa hơn nữa). Ông có vẻ rất lo âu. (Một lát.) Được rồi, tôi đi đây. (Một lát.) Ông cần gì tôi vẫn sẵn sàng.

Chàng. – (cùng giọng từ xa). Chào bà. (Một lát.) Qua bên phải, thưa bà, phía đó là bãi rác – (hơi nhấn mạnh) – rác gia đình. (Một lát.) Chào bà.

Một lúc lâu. Tiếng màn trướng kéo mạnh, tiếng những vòng treo màn chạy trên thanh treo lạo xạo nghe hai lần. Một lát. Ống điện thoại bốc lên với một tiếng chuông nhỏ xíu – như vẫn xảy ra. Không một tiếng nào khác. Một lát.

Thưa cô... bác sĩ có đó không?... à... vâng... xin ông ấy gọi... Macgillycuddy... Macgilly-cuddy... đúng thề... ông ấy sẽ biết... (nói lớn hơn)... và cô này!... này cô!... à!... khẩn cấp... vâng... (Giọng thé hơn)... rất khẩn cấp! Một lát. Ống điện thoại đặt xuống với cùng tiếng chuông nhỏ xíu. Một lát. Tiếng cạch.

Tiếng nhạc. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..

Chàng. – (với tiếng nhạc). Trời ơi!

Im lặng. Một lát. Tiếng cạch.

Tiếng nói. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Im lặng.

Chàng. – (thấp giọng). Ta sẽ làm gì bây giờ đây? (Một lát. Ống điện thoại bốc lên với cùng tiếng chuông nhỏ xíu. Một lát.) Thưa cô... Macgilly-cuddy... Mac-gilly-cud dy... đúng thế... tôi xin lỗi, nhưng... à... vâng... chắc chắn rồi... không thể nào liên lạc với ông ấy được... chẳng có ý kiến gì... tôi hiểu... đúng thế... ngay tức thì... ngay khi ông ấy trở về... sao đây... (giọng thé)... vâng vâng! Tôi đã nói với cô như thế! Rất khẩn cấp! Rất khẩn cấp! (Một lát. Giọng thấp.) Con mẹ dơ dáy!

Tiếng điện thoại đặt xuống lần này nghe khá mạnh, với cùng tiếng chuông nhỏ xíu. Một lát. Tiếng cạch.

Tiếng nhạc. (ngắn). . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Im lặng. Tiếng cạch.

Tiếng nói. (ngắn). . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..

Chàng. – (với tiếng nói, giọng thé). Thế thì điên mất rồi! Thế thì cũng vậy!

{Tiếng nhạc / Tiếng nói} Cùng lúc. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chuông điện thoại. Ống điện thoại tức thì bốc lên, chuông reo gần một giây.

Chàng. – (với tiếng nói và tiếng nhạc). Vâng... đợi một lát... (Tiếng nói và tiếng nhạc ngưng. Rất bồn chồn.) Vâng... vâng... được, tốt lắm...có điều là... chúng chấm dứt... CHẤM-DỨT... sáng hôm nay... đâu có... hoàn toàn không có, chúng CHẤM DỨT, tôi xin thưa cô... tôi biết là ta không còn làm gì được... đâu có, chính tôi đây... TÔI... sao cơ?... tôi bảo cô là chúng CHẤM DỨT... tôi không thể cứ ở vậy, sau khi... sao?... ai?... nhưng bà ta đã bỏ đi... mẹ kiếp... chắn chắn rồi, mọi người ai nấy đã bỏ tôi lại, cô không biết sao? tất nhiên chắc chắn là tôi chắc chắn... sao?...một giờ nữa à?... không thể trước đó sao?... xin chờ chút?... (giọng thấp hơn)... với cái ấy thì chúng đi cùng nhau... (giọng lớn)... CÙNG NHAU... vâng... tôi không biết, cũng như... (lưỡng lự)... được rồi, hô hấp, tôi không biết... (hăng tiết)... đâu có, đâu có, không bao giờ!... gặp nhau?... làm sao cô lại muốn chúng gặp nhau?... sao? cái gì giống nhau?... những tiếng hổn hển?... này!... đừng có đi!... này!... (Tiếng ống điện thoại đặt xuống nghe mạnh, với cùng tiếng chuông nhỏ xíu. Giọng thấp.) Đồ đểu!

Một lát. Tiếng cạch.

Nhạc. (yếu dần) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Rồi sau đó

{Tiếng nhạc / Tiếng nói} Cùng lúc, yếu dần. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chuông điện thoại. Ống điện thoại bốc xuống ít nhanh hơn.

Chàng. – (với tiếng nhạc và tiếng nói, giọng không lên xuống). Thưa cô... (một lúc lâu)... một vụ đỡ đẻ... (một lúc lâu)... hai vụ đỡ đẻ... (một lúc lâu)... một vụ gì?... cái gì?... đẻ ngược... sao?... (một lúc lâu)... trưa mai...

Một lát. Ống điện thoại đặt xuống nhẹ nhàng, với một tiếng chuông nhỏ xíu.

{Tiếng nhạc / Tiếng nói} Cùng lúc, chấm dứt với những khoảng im lặng và bắt đầu trở lại mỗi lúc một yếu hơn.

Im lặng.

Chàng. – (nói trong hơi thở). Trưa...mai.

 

(những năm 60?)

 

---------------
Dịch từ nguyên tác "Esquisse radiophonique" trong Samuel Beckett, Pas - suivi de quatre esquisses (Paris: Les Éditions de Minuit, 1978). Phác thảo này về sau được ghi nhận là Beckett viết bằng tiếng Pháp khoảng cuối năm 1961, rồi chính tác giả chuyển qua tiếng Anh và xuất bản dưới nhan đề “Sketch for Radio Play” trong Stereo Headphones, số 7 (Xuân 1976) trước khi được đưa vào Samuel Beckett, Collected Shorter Plays (New York: Grove Press, 1984) dưới nhan đề "Rough for Radio I".

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021