thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA HÌNH TƯỢNG PHẢN CHIẾU
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

ALAIN ROBBE-GRILLET

(1922~)

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, la Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khóa ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein... Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên
(trích giới thiệu trong Alain Robbe-Grillet,
Djinn - một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ,
bản dịch Hoàng Ngọc Biên, Nhà xuất bản Trình bầy, 2003)

 

_______________________________

 

BA HÌNH TƯỢNG PHẢN CHIẾU

 

Tượng người mẫu

 

Bình cà phê nằm trên bàn.

Đó là một chiếc bàn tròn có bốn chân, được phủ lên bằng một tấm vải dầu có sọc vuông màu đỏ và xám trên một nền sắc trung hòa, một màu trắng hơi vàng trước kia có lẽ là màu ngà – hay màu trắng. Ở giữa, một tấm gạch vuông tráng sành thay cho đĩa lót dưới; hình vẽ trên tấm gạch bị che lấp hoàn toàn, hay ít ra cũng đã làm người ta khó nhận ra được, bởi bình cà phê đặt ở bên trên.

Bình cà phê bằng sứ màu nâu. Bình được làm thành bằng một hình cầu phía trên có một cái lọc hình trụ với một nắp đậy hình cây nấm. Cái vòi là một chữ S với những đường cong lơi, hơi bầu ở phía dưới đáy. Ta có thể bảo, quai bình có hình dạng của một cái tai, hay đúng hơn là của vành bên ngoài của cái tai; nhưng đó sẽ là một cái tai không được đẹp, quá tròn và không có trái tai, và như vậy nó lại có hình dạng của một “cái quai hũ”. Vòi bình, quai và nắp đậy hình nấm đều có màu kem. Phần còn lại có một màu sáng rất đều, và bóng loáng.

Ở trên bàn không có gì khác, ngoài tấm vải dầu, cái đĩa lót dưới và bình cà phê.

Bên phải, trước cửa sổ, tượng người mẫu dựng đứng.

Sau bàn, khung kính treo trên lò sưởi lồng một tấm gương hình chữ nhật trong đó người ta thấy phân nửa chiếc cửa sổ (nửa bên phải) và, phía bên trái (nghĩa là về phía bên phải của cửa sổ), hình chiếc tủ kính. Trong mặt kính của tủ người ta lại thấy chiếc cửa sổ, lần này thì trọn cả cửa sổ, và cùng một phía như ở ngoài (nghĩa là cánh bên phải bây giờ ở bên phải và cánh bên trái bây giờ ở bên trái).

Như vậy phía trên lò sưởi có ba nửa cửa sổ nối tiếp nhau, gần như không để hở ra một chỗ nào, và tuần tự (từ trái sang phải): một nửa cánh trái bên trái, một nửa cánh phải bên phải, và một nửa cánh phải bên trái. Vì tủ kính nằm đúng ngay ở góc phòng và choán ra đến tận cuối bờ khung cửa sổ, hai nửa bên phải cửa sổ này chỉ cách nhau bằng một thanh gỗ nằm giữa cửa sổ (thanh gỗ bên phải của cánh cửa trái nối dính với thanh gỗ bên trái của cánh cửa phải). Ba cánh cửa cho ta thoáng thấy, qua bức màn chắn gió, những đám cây trụi lá trong khu vườn.

Như vậy, cửa sổ chiếm mất trọn cả bề mặt gương, trừ phần bên trên ở đó người ta thấy được một dải trần nhà và phía trên nóc tủ kính.

Người ta còn trông thấy trong mặt kính, phía trên lò sưởi, hai tượng người mẫu khác: một tượng người nằm trước cánh cửa sổ đầu tiên, cánh nhỏ nhất, hoàn toàn nằm ở phía bên trái, và tuợng người kia nằm trước cánh cửa thứ ba (cánh gần bên phải nhất). Cả hai tượng người mẫu đều không đối diện nhau; tượng người bên phải đưa ra sườn bên phải, tượng người bên trái, hơi nhỏ hơn một tí, thì đưa ra sườn bên trái. Nhưng mới nhìn qua cũng khó mà định rõ được điều đó, bởi vì hai hình đều hướng theo cùng một chiều và bởi vậy cả hai dường như đều đưa ra cùng một phía sườn – có lẽ là sườn bên trái.

Ba tượng người mẫu nằm thẳng hàng. Tượng người ở giữa, nằm phía bên phải tấm kính và có một kích thước ở giữa kích thước của hai tượng người kia, cũng hướng đúng theo chiều bình cà phê đang được đặt nằm trên bàn.

Trên phần hình cầu của bình cà phê lấp lánh một bóng phản chiếu đã bị biến hình của chiếc cửa sổ, một thứ hình tứ giác mà các cạnh là những vòng cung. Đường dài tạo bởi những thanh gỗ đứng, nằm giữa hai cánh cửa, đột ngột lớn ra ở phần dưới làm thành một vết khá mơ hồ. Chắc hẳn đó cũng lại là bóng của tượng người mẫu.

Căn phòng rất sáng sủa, bởi vì cửa sổ rộng một cách đặc biệt, dù nó chỉ có hai cánh.

Một mùi thơm của cà phê nóng bốc ra từ bình cà phê nằm trên bàn.

Tượng người mẫu không ở vào chỗ của nó: thường lệ người ta đem xếp nó vào góc cửa sổ, ở phía đối diện với tủ kính. Chiếc tủ kính đã được đặt ở đó để cho người ta thử y phục được dễ dàng.

Hình ở dưới đĩa lót vẽ một con cú mèo, với hai con mắt lớn trông hơi kinh. Nhưng, hiện giờ, do bình cà phê ở đó, người ta không thấy rõ được gì cả.

 

 

Kẻ thay thế

 

Người sinh viên lùi xa một tí và ngẩng đầu nhìn lên những cành cây thấp nhất. Rồi anh ta bước tới một bước, để thử nắm lấy một nhánh có vẻ nằm trong tầm tay mình; anh nhón gót chân lên và đưa tay cao hết sức anh, nhưng anh không với tới được. Sau nhiều lần cố gắng vô hiệu, anh có vẻ như từ bỏ ý định đó. Anh buông thấp tay xuống và chỉ tiếp tục đưa mắt nhìn đăm đăm vào một cái gì trong lùm cây.

Sau đó anh trở lại chỗ gốc cây, ở đó anh đặt mình trong cùng một thế đứng như lúc đầu: hai đầu gối hơi cong xuống, nửa người trên uốn về phía bên phải và đầu hơi nghiêng qua bờ vai. Anh vẫn cầm cặp ở bên tay trái. Người ta không trông thấy tay kia, chắc hẳn anh đang dùng để tựa vào thân cây, người ta cũng không thấy khuôn mặt hầu như dán sát vào vỏ cây, như để xem xét thật gần một chi tiết nào đó, cách mặt đất vào khoảng một thước rưỡi.

Đứa bé một lần nữa lại ngừng đọc, nhưng lần này chắc chắn ở đó có một chấm, hay cũng có thể là một chỗ bắt đầu một đoạn văn khác và người ta có thể tin là nó đang cố gắng để đánh dấu chỗ chấm dứt một đoạn văn. Người sinh viên đứng thẳng người để xem xét vỏ cây chỗ cao hơn một tí.

Những tiếng thì thầm nổi vang trong lớp. Vị gia sư quay đầu lại và thấy phần đông học trò đang đưa mắt nhìn lên, thay vì theo dõi bài tập đọc trên sách; ngay cả đứa học trò đọc bài cũng nhìn về phía chiếc ghế dựa bằng một vẻ nghi vấn mơ hồ, hay sợ hãi. Vị gia sư lấy một giọng nghiêm nghị:

“Em còn chờ gì nữa mà không tiếp tục?”

Mọi khuôn mặt đều cúi thấp xuống một cách im lặng và đứa bé bắt đầu đọc lại, vẫn bằng giọng đọc chăm chú, không lên xuống và hơi quá chậm, giọng đọc đã cho tất cả các chữ một giá trị như nhau và cách quãng chúng một cách thật đều:

“Vào buổi tối, Joseph de Hagen, một trong những viên trung úy của Philippe, thân hành đến điện của ngài Tổng Giám mục coi như một cuộc viếng thăm xã giao. Như chúng tôi đã nói trên hai anh em...”

Phía bên kia đường, người sinh viên lại rình rập những chiếc lá nằm dưới thấp. Vị gia sư đưa lòng bàn tay đập trên bàn giấy:

“Như chúng tôi đã nói trên, phẩy, hai anh em...”

Ông ta tìm thấy lại đoạn văn trên cuốn sách của chính ông và vừa đọc vừa cố nhấn mạnh những chỗ chấm phẩy:

“Em hãy đọc lại: ‘Như chúng tôi đã nói trên, hai anh em họ đã ở đó rồi, để có thể, nếu gặp lúc, lấy cớ có mặt tại chỗ để trốn tránh...’ và em hãy để ý đến câu văn em đọc đấy.”

Sau một hồi im lặng, đứa bé bắt đầu câu:

“Như chúng tôi đã nói ở trên, hai anh em họ đã có ở đó rồi, để có thể nếu gặp lúc, lấy cớ có mặt tại chỗ để trốn tránh – bằng cớ thật ra chưa đáng ngờ, nhưng là bằng cớ tốt nhất có thể được phép trưng ra trong trường hợp này – mà ông anh họ đa nghi của họ không...”

Giọng đọc buồn bã đột nhiên im bặt, ở chính giữa câu. Những học trò khác, lúc này đã ngẩng đầu về phía hình nộm bằng giấy treo trên tường, cũng liền chúi mũi vào sách. Vị gia sư đưa mắt từ chiếc cửa sổ trở về phía đứa bé đang đọc, ngồi ở phía đối diện, hàng đầu cạnh cửa lớn.

“Kìa, tiếp tục đi chứ! Có chấm ở đây đâu. Em có vẻ không hiểu gì về những gì em đang đọc cả!”

Đứa bé nhìn ông thầy, và nhìn qua cả bên kia, hơi qua về phía bên phải, hình nộm bằng giấy màu trắng.

“Em có hiểu không, có hay không?”

“Có,” đứa bé trả lời bằng một giọng không quả quyết.

“Có, thưa thầy,” vị gia sư sửa lại.

“Có, thưa thầy,” đứa bé lặp lại.

Vị gia sư nhìn bài đọc trong cuốn sách của ông và hỏi:

“Theo em thì chữ ‘cớ có mặt’ có nghĩa là gì?”

Đứa bé nhìn hình nộm cắt bằng giấy, rồi nhìn bức tường trống trơn, ngay trước mặt nó, rồi nhìn cuốn sách trên bàn học; và lại nhìn bức tường trở lại, gần đến một phút.

“Coi kìa?”

“Thưa thầy, em không biết,” đứa bé thưa.

Vị gia sư từ từ đưa mắt nhìn lại khắp cả lớp. Một cậu học trò đưa tay lên, gần cửa sổ cuối lớp. Ông thầy đưa một ngón tay chỉ về phía nó, và thằng bé đứng dậy khỏi ghế:

“Thưa thầy, nó có nghĩa là để người ta tin là họ có mặt ở đó.”

“Em hãy nói rõ hơn. Em nói họ là ai vậy?”

“Thưa thấy, là hai anh em.”

“Họ muốn làm người ta tin họ ở chỗ nào?

“Thưa thầy, trong thành phố, ở nhà ngài Tổng Giám mục.”

“Thế thật sự họ ở chỗ nào?”

Đứa bé suy nghĩ một lúc trước khi trả lời.

“Thưa thầy, thì thật ra chính họ ở đó, có điều là họ muốn đi chỗ khác và làm cho người ta tin là họ vẫn ở đó.”

Về khuya, ẩn sau những chiếc mặt nạ đen và khoác những chiếc áo choàng rộng thùng thình, hai anh em tuột theo một cái thang bằng dây thừng xuống một ngõ hẻm vắng ngắt.

Vị gia sư lắc đầu nhiều lần, về một bên, tựa như ông chỉ hơi đồng ý thôi. Vài giây đồng hồ sau, ông bảo: “Được rồi.”

“Bây giờ em hãy tóm tắt cả đoạn văn, cho những người bạn của em chưa hiểu bài văn đó.”

Đứa bé nhìn ra phía cửa sổ. Sau đó nó đưa mắt xuống cuốn sách, để rồi lại liền đưa mắt lên về phía bàn thầy giáo:

“Thưa thấy, phải bắt đầu ở đâu ạ?”

“Em hãy bắt đầu ở chỗ đầu chương sách.”

Không ngồi xuống lại, đứa bé lật mấy trang trên cuốn sách của nó và, sau một hồi im lặng ngắn ngủi, nó bắt đầu kể lại cuộc âm mưu của Philippe de Cobourg. Dù có nhiều lần do dự và lặp lại, nó cũng đã kể tóm tắt một cách gần mạch lạc. Tuy nhiên nó đặt quá nhiều quan trọng cho những sự việc phụ thuộc và, trái lại, chỉ nhắc sơ, hay là còn hoàn toàn không nhắc tí nào, một vài biến cố thuộc hàng đầu. Thêm vào đó, bởi vì nó thích nhấn mạnh những hành động hơn là những nguyên nhân chính trị của những hành động đó, thật là khó cho một thính giả không được biết sẵn trước khi họ phân tích những lý do của câu chuyện và những mối dây liên lạc nối liền những động tác được tả ra với nhau cũng như nối liền những động tác đó với những nhân vật khác nhau. Vị gia sư đưa mắt nhin dài theo các cửa sổ một cách dửng dưng. Người sinh viên lại trở lại dưới nhánh cây thấp nhất; anh ta đã để cặp dưới gốc cây và nhón gót nhảy tại chỗ, vừa đưa một cánh tay lên. Thấy mọi cố gắng đều vô hiệu, anh lại đứng bất động, nhìn ngắm những chiếc lá anh không với tới được. Philippe de Cobourg đóng trại cùng với những tên đánh giặc mướn của ông trên bờ sông Neckar. Đám học trò, kể như không còn theo dõi bài văn in trên sách nữa, đều cùng ngẩng đầu lên và nhìn chăm chú vào hình nộm bằng giấy móc trên tường mà không nói năng gì cả. Hình nộm không có bàn tay cũng không có bàn chân, chỉ có tứ chi được cắt xén một cách thô kệch và một cái đầu tròn, quá lớn, có sợi dây móc xuyên qua. Cao hơn mười phân, ở đầu kia sợi dây, người ta thấy miếng giấy thấm được nhai vo tròn thành viên nhỏ dùng giữ hình nộm.

Nhưng thằng bé học trò kể chuyện đã đi lạc vào những chi tiết hoàn toàn không đáng kể và rốt cuộc ông thầy ngắt ngang nó:

“Được rồi, ông bảo, như vậy là chúng ta cũng đã biết khá đủ rồi. Em hãy ngồi xuông và đọc lại ở chỗ đầu trang sách: ‘Nhưng Philippe và những người theo phe ông...’”

Cả lớp học, nhất một loạt, cúi đầu trên bàn học, và thằng học trò khác bắt đầu đọc, bằng một giọng cũng không diễn tả được gì cả như thằng bạn của nó, mặc dầu có đánh dấu một cách có ý thức ở những chỗ phẩy và những chỗ chấm:

“Nhưng Philippe và những người theo phe ông không nghe theo. Nếu đa số nghị viên trong quốc hội – hay chỉ có đảng của các nam tước mà thôi – chối từ những đặc quyền đã được chấp thuận, cho ông ta cũng như cho họ, để bù vào sự nâng đỡ vô giá mà họ đã đem lại cho phe của hàng thân vương trong dịp có khởi nghĩa, thì trong tương lai họ sẽ không thể, họ cũng như ông ta, xin buộc tội một kẻ tình nghi nào khác nữa, hay đình chỉ mà khỏi cần phán xét những quyền lãnh chúa của ông. Bằng bất cứ giá nào những cuộc thương nghị kia, lúc mở đầu ông ta thấy có vẻ như bất lợi cho phe của ông, cũng phải bị ngắt ngang trước ngày tiên tri. Vào buổi tối, Joseph de Hagen, một trong những viên trung úy của Philippe, thân hành đến điện của ngài Tổng Giám mục coi như một cuộc viếng thăm xã giao. Như chúng tôi đã nói trên, hai anh em họ đã ở đó rồi...”

Những khuôn mặt vẫn cúi một cách ngoan ngoãn trên các bàn học. Vị gia sư đưa mắt hướng về phía cửa sổ. Người sinh viên tựa vào thân cây, mải mê xem xét vỏ cây. Anh ta cúi mình rất từ từ, như để theo dõi một đường thẳng vạch trên thân cây – ở bên phía mà đứng từ các cửa sổ của trường học người ta không trông thấy được. Cách mặt đất một thước năm mươi, phỏng chừng như vậy, anh ta ngưng động tác của mình lại và nghiêng đầu sang một bên, đúng như trong cách thế lúc trước. Lần lượt, trong lớp học, những khuôn mặt lại ngẩng lên.

Những đứa bé nhìn ông thầy, rồi lại nhìn các cửa sổ. Nhưng những tấm kính phía dưới đã hết bóng và, phía trên, chúng chỉ có thể thấy được bên trên những thân cây và bầu trời. Trên mặt các cửa kính không có một con ruồi mà cũng không có một con bướm. Ngay đó tất cả những con mắt nhìn lại ngắm cái hình nộm bằng giấy trắng.

 

 

Lạc hướng

 

Nước mưa tụ lại trong chỗ trũng một vũng đất lún không sâu, làm thành một cái ao rộng ở giữa đám cây, không được tròn lắm, đường kính vào khoảng mười mét. Chung quanh, mặt đất đen, không một dấu vết thảo mộc ở giữa những thân cây cao và thẳng. Trong cánh rừng này, không có những đám cây bị đốn mà cũng không có những bụi rậm. Đất chỉ được phủ một lớp mịn êm ái phẳng lì, bằng những cọng cỏ và những xác lá chỉ còn trơ các đường gân, đây đó nổi lên lưa thưa vài đám rêu đã hơi rã mục. Trên những thân khô, những cành trụi lá cắt rõ trên nền trời.

Nước trong suốt, dù có màu hơi nâu. Những mảnh vụn từ các cây rơi xuống – những cành nhỏ, những hạt đã trống rỗng, những mảnh vỏ cây – tụ lại dưới đáy vũng đất trũng và ngâm ở dưới đó từ đầu mùa đông. Nhưng không có mảnh vụn nào nổi lềnh bềnh, hay đâm trồi lên mặt nước, chỗ nào cũng trống không và bóng loáng. Không có một hơi gió nhẹ nào đến làm xao động mặt nước yên tĩnh.

Trời sáng lên. Bây giờ là lúc cuối ngày. Mặt trời thấp, phía bên trái, sau những thân cây. Những tia nắng hơi nghiêng nghiêng vẽ lên trên khắp mặt ao những dải ánh sáng nhỏ xen kẽ với những dải tối lớn hơn.

Song song với những đường sọc đó, một hàng cây lớn sắp dài trên bờ nước, ở bờ bên kia, là những hình trụ toàn hảo, thẳng đứng, không có những cành thấp, những thân cây kéo dài ra xuống phía dưới thành một hình rất rực rỡ, còn tương phản nhiều hơn cả hình mẫu – hình mẫu so sánh thì dường như mơ hồ, mà có lẽ còn hơi lờ mờ nữa. Trong vũng nước đen, những thân cây trụi lá đối xứng chiếu sáng tựa như chúng được phủ lên một lớp dầu bóng. Một vạch ánh sáng làm cho đường viền những thân cây đó còn nổi rõ hơn bên phía mặt trời lặn.

Tuy nhiên cái cảnh vật tuyệt vời đó không những chỉ đảo ngược, mà còn gián đoạn nữa. Những tia nắng vẽ những gạch sát nhau trên mặt gương cắt hình ảnh thành những đường thẳng rõ hơn, cách quãng đều đặn và thẳng góc với những thân cây phản chiếu; cảnh nhìn ở đó như bị che phủ bởi màn ánh sáng chói chang, thứ ánh sáng chiếu để lộ vô số những chất vẩn nhỏ lềnh bềnh trên mặt nước. Chỉ có những vùng có bóng râm, mà những chất vẩn nhỏ kia người ta không trông thấy được, mới đập vào mắt ta bởi thứ ánh sáng chói chang của chúng. Mỗi thân cây như vậy bị gián đoạn, bởi những khoảng cách bằng nhau rõ ràng, với một hàng những vòng nhỏ lờ mờ (những vòng nhỏ không phải là không chiếu lại được nguyên hinh), và cho khắp một phần khu rừng “theo chiều sâu” đó dáng dấp của một hình kẻ sọc vuông.

Ngang tầm tay, sát bên bờ phía nam, những cành cây của hình phản chiếu chắp lại với những chiếc lá rụng chìm dưới nước, màu đỏ hung nhưng vẫn toàn vẹn, mà đường răng cưa còn y nguyên nổi bật trên lớp bùn dưới đáy – những chiếc lá sồi.

Một người, đang bước đi không phát ra một tiếng động trên thảm đất mùn, hiện ra ở bên phải, hướng về phía nước. Hắn ta tiến đến tận bờ và ngừng lại. Vì mặt trời chiếu thẳng vào mặt hắn, hắn phải bước lệch sang một bước để che mắt.

Bấy giờ hắn trông thấy mặt nước có sọc dài trên ao. Nhưng, đối với hắn, hình phản chiếu những thân cây đang nằm chồng lên bóng của chúng – ít ra là từng phần, bởi vì đám cây trước mặt hắn không được thẳng hàng lắm. Vả lại chỗ sấp bóng vẫn tiếp tục ngăn không cho hắn phân biệt được gì rõ rệt. Và chắc hẳn dưới chân hắn cũng không có những chiếc lá sồi.

Đây chính là đích của cuộc dạo chơi của hắn. Hoặc giả lúc đó hắn nhận ra là mình đã lầm đường? Nhìn phơn phớt chung quanh được một lúc, hắn băng ngang rừng quay trở về hướng đông, vẫn luôn luôn lặng thinh, qua con đường mà ban nãy hắn đã đi để đến đây.

Cảnh tượng trở lại trống không. Phía bên trái, mặt trời vẫn ở cùng một độ cao như trước; ánh sáng không thay đổi. Trước mặt, những thân cây thẳng và bóng loáng phản chiếu trên mặt nước không một gợn sóng, thẳng góc với những tia nắng của mặt trời lặn.

Dưới sâu những dải bóng râm, sáng rực hình ảnh bị cắt từng đoạn của những cột cây, đảo ngược và đen, sắc nét một cách kỳ diệu.

 

----------------
Ba hình tượng phản chiếu là bản dịch Việt văn từ Trois visions réfléchies (1954), gồm “Tượng người mẫu” / “Le Mannequin”, “Kẻ thay thế” / “Le remplaçant”, “Lạc hướng” / “La mauvaise direction”, rút từ cuốn Instantanés (Paris: Minuit, 1962). Bản dịch này được in lần đầu tiên trong Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, do Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và dịch, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021