thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG [III]

 

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Viện, viết năm 1974. Tác phẩm gồm ba phần. Hai phần đầu đã được in trong tạp chí Sáng Hóa (bộ mới), mùa xuân 1975, tại Sài Gòn, sau đó, cả tác phẩm này đã được in trong tập truyện Trinh Nữ (NXB Đồng Nai, 1995) dưới nhan đề “Trinh nữ”. Đây là tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên, sau feuilleton Ngày tháng đi lên (viết dưới một bút danh khác) cho thiếu nhi, đăng dở dang trên tuần báo Thẳng Tiến tại Sài Gòn khoảng năm 1967-1968.

 

 

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG

 

Đã đăng: PHẦN MỘT | PHẦN HAI

 

PHẦN BA

 

 

CÁI CHẾT CỦA THIÊN THẦN

Khi tôi vẫn còn ủ ê trong giấc ngủ. Có tiếng đập cửa dồn dập và tiếng đàn bà gọi tên tôi.

- Ai đó? - Tiếng hỏi tôi khô đắng.

- M. đây.

Tôi chui ra khỏi hầm mở cửa.

- Bạn làm tôi lo quá.

Cái giờ giấc vốn lạ, khuôn mặt M, còn lạ hơn. Tôi không đoán được điều gì. Một tay nàng cầm chiếc đèn bão, những ngọn gió thổi tới làm ánh sáng chao đi chao lại. U trầm, lặng lẽ. Sự bí mật vây quanh nàng, nhưng không có vẻ quan trọng, giống như một cái nghiêng vai chào. Tôi nhường lối cho M. bước vô trước khi cài cửa lại.

Giữa nhà, nàng vẫn cầm chiếc đèn như lồng ánh sáng của nữ thần lửa, nhưng nàng chẳng gieo sự sáng. Nàng nhìn thẳng tôi, gởi tới một trời bao la tối tăm, rồi hé miệng thổi tắt ngọn đèn. Bóng tối đổ ập xuống, bất ngờ như một chiếc ly vỡ.

- Hương chết rồi.

Hương chết rồi. Tôi đâu có nghe thấy một âm vang nào, bình rượu tôi uống trên môi nàng còn say, phải không?

- Bật đèn lên đi. Tôi khát nước.

- Tôi không mang hộp quẹt.

Tiếng đồ vật va chạm nhau lanh canh, tôi tìm thấy hộp quẹt. Ánh sáng bùng lên, tôi có cảm tưởng sắc nét của đôi mắt sau chiếc kính cận mới. Và điều rõ ràng, chắc chắn nhất là Hương vừa chết.

Người tôi khô như thân tre nỏ. Đừng cho lửa đốt lòng tôi.

Tôi uống một phần ba chai nước lọc. Khi dằn chai xuống bàn, bất chợt tôi nhìn thấy một bình hoa phong lan cắm thật đẹp, bên dưới có tờ giấy của người tặng:

“Dâng tặng thầy

những đóa hoa của tình yêu em

Thầy có thể chờ em lớn không?

Hương”.

Tới lúc đó sự xúc động trong lòng tôi mới òa vỡ ra, không có con đê nào ngăn được.

(Trong đời bạn, đôi khi bạn cảm thấy một từ ngữ nào đó, thấm thía và trung thực, làm rung chuyển tới bản thể trước sau, cũng có thể làm biến cải sự ở đời của bạn, từ ngữ ấy trong trường hợp tôi là cạn láng).

Và tôi cảm thấy cạn láng, trơi trọi. Hương sẽ không bao giờ lớn hơn, tôi còn điều gì để chờ mong trên cõi đời nữa.

Tôi cố gắng để khỏi gục xuống bàn, M. cầm tờ giấy coi rồi để vào chỗ cũ. Nàng thở dài. Và biết như thế giữa tôi và nàng đã xa hơn cái chết của Hương. Nàng cũng kiếm một chỗ ngồi. Chờ sáng. Chúng tôi không còn nói với nhau điều gì.

Tôi thấy lại một lần nữa hình ảnh Hương về đêm qua, lúc những viên đạn ầm réo, như một khúc phim quay chậm. Khuôn mặt Hương xanh mét vì hết máu.

Làm sao tôi giải thích được trường hợp của mối tình tinh khôi ấy đã tan biến giữa giấc mơ mà cái chết không ngăn cản được ý muốn thổ lộ.

Khi chuông nhà thờ đổ dồn gọi người ngoan đạo đi lễ sáng, chúng tôi tới nhà Hương.

Căn nhà sập một góc. Mẹ nàng bị thương nhẹ, Hương chết ngọt không hay biết.

Giấc mơ của nàng trở thành thiên thu.

Nhìn nàng trong tấm mền, tôi không dám, và không thể nào dở lên. Tôi không muốn nhìn thấy Hương chết lẻ loi.

Tôi thì thầm: Hương nằm trong đó, nàng vẫn mơ giấc mơ của mình. Còn về phần mi, cách của mi đến trong giấc mơ tinh khôi ấy là phiêu bồng.

Rồi tôi ứa nước mắt vì xót thương.

- Hương ơi, Hương có nhiều ước mơ, sao Hương chết. Em không lớn để sống với tôi nữa ư?

Đến khi người phu đào huyệt đắp cho Hương nắm đất cuối cùng, tôi vẫn còn im lặng.

M. đứng bên cạnh tôi.

- Thôi về.

Khoảng xanh và sáng tắt đi trên mộ huyệt Hương muôn đời sau.

 

ÁO HOÀNG HÔN BAY

Thời tiết tháng tư bắt đầu nóng, rừng cao su đón xuân muộn lá bắt đầu xanh, thế nhưng mai đã vừa tàn úa khắp nơi, thiên nhiên chuyển mình vào những đổi thay vội vã, đôi khi nó cũng tỏ ra sai lầm vì những cơn mưa quá sớm.

Đối với con người, sự đổi thay có tính cách may rủi nhiều hơn. Bởi vì, kẻ nào trong đám họ có thể đánh bạc lận với một tay chơi lừng lẫy và muôn mặt như định mệnh.

Chuyện chúng tôi cũng vậy.

Trước khi mùa hè đến, M. đã xin nghỉ dạy.

- Tôi ở đây quá lâu. Ba năm. Nàng nói thế.

Hôm M. rời quận lỵ, tôi ra bến xe đìu hiu tiễn nàng. Tôi buồn buồn hỏi có thể liên lạc với M. ở đâu, nàng đưa tôi địa chỉ cha mẹ nàng. Nhưng sau này, khi bị trục xuất khỏi tỉnh, tôi có tới tìm nàng. Mẹ già nua nàng cho biết, đã lâu lắm M. không về nhà.

Tôi nhớ câu cuối cùng nàng nói với tôi là:

- Anh Viện, ma quỷ bắt anh.

 

(1974)

 

 

Đã đăng:

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG [I]  (truyện / tuỳ bút) 
Vào năm hai mươi mốt tuổi, tôi bắt đầu đi dạy học ở một nơi buồn thảm và tuyệt vọng như sự chết. Thường vào khoảng bảy giờ tối, phố xá đã đóng cửa kín mít và dây thép gai phòng thủ được giăng ra giữa đường như là luôn luôn chờ đợi một cuộc tấn công tràn ngập. Tôi không có gì kể về những ngày đầu tiên của việc làm này, bởi vì tôi không coi đó là nghề nghiệp của mình. Tôi dạy học chỉ vì muốn phủ đầy nỗi cô đơn heo hút... (...)
 
MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG [II]  (truyện / tuỳ bút) 
Bỗng nhiên lòng tôi sợ hãi, vọng động. Không còn điều gì thuộc về tôi. Ngay cả thân thể tôi nữa, những cử động trở nên kỳ lạ và rời rạc. Tôi không thể làm sao diễn tả cho anh hiểu trạng huống này. Tương tự như nỗi cô quạnh nhưng xấu hổ hơn là bị từ chối. Tôi không thể ngất lịm đi, cũng không thể vùi đầu chạy trốn. Tôi có đó, khô cứng như một hình nhân, mỗi lần có ai gọi tên tôi là mỗi lần tôi tan vỡ như trái tim thủy tinh. Tôi không nhận ra mình để trả lời. Cùng khốn hơn là tôi cũng không thể im lặng. Bởi vì vẫn còn một điều gì khác thường không thuộc về thế giới này... (...)

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021