điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Bildarchitektur / Hình ảnh kiến trúc

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

LAJOS KASSÁK

(1887-1967)

 

 

 

BILDARCHITEKTUR / HÌNH ẢNH KIẾN TRÚC

 

Nghệ thuật không bao giờ buộc chúng ta chấp nhận một cái gì đó, nhưng chính nó cho chúng ta khả năng làm ra cái tối đa.

Nghệ thuật biến đổi chúng ta, và chính chúng ta lại có khả năng biến đổi cái chung quanh mình.

Và như sự việc xưa nay vẫn thế — trong sự đảo lộn thế giới ngày nay, chính nghệ thuật là cái đi đến gần nhất điểm phát xuất sự hình thành hình ảnh mới của thế giới.

Khoa học ứng dụng trở về phục vụ phản ứng, còn nghệ thuật trong kiến trúc trọn vẹn đạt tới bản thể của ta, nghĩa là của thế giới.

Như thế từ nay chúng ta đã nhìn thấy rõ là nghệ thuật là Nghệ Thuật, không hơn không kém.

Và không phải tuỳ theo những quyền lợi có tính khuynh hướng của giai cấp hay đảng phái, bởi nó là khuynh hướng trong sáng nhất của cuộc sống.

Trong số những tác phẩm nghệ thuật thực hiện được cho tới ngày nay, chỉ có kiến trúc là chứng minh được khuynh hướng ấy của cuộc sống.

Như vậy, hình ảnh kiến trúc không phải là cái “gợi ý” Thượng Đế quyền uy, cuộc chiến tranh khủng khiếp hay yêu đương tình tứ, đó là một sức mạnh biết tự minh chứng minh.

Hình ảnh kiến trúc không giống như bất cứ gì, nó không kể chuyện gì, nó không bắt đầu cũng không kết thúc ở đâu cả.

Nó hiện hữu thế thôi.

Giống như những thành phố không có hàng rào, biển khơi mà ta có thể đi dọc ngang mọi phía, như rừng cây mà ta có thể lang thang bất tận, hay tác phẩm gần với nó hơn cả: là Kinh thánh.

Người ta có thể bước vào đó bất cứ chỗ nào, và ở mỗi điểm riêng biệt của nó chúng ta vẫn cảm nhận được cái toàn thể của nó.

Vậy thì nó cứ hiện hữu thế thôi, bởi lẽ nó phải sinh ra từ sức mạnh của chính mình.

Và trong sự hiện hữu ấy, nó không biết thương xót.

Do đặc tính, các trường phái nghệ thuật hiện đại thường tự buộc mình đồng hoá, giống y như các trường phái đi trước. Chẳng hạn, nếu chúng ta muốn hình ảnh biểu hiện đắt giá, thì chúng ta phải tìm cho nó một môi trường thích hợp và nếu có thể, một môi trường “dễ thương”. Nếu chúng ta đặt hình ảnh biểu hiện ấy vào một môi trường xấu, nó sẽ chết như một cái hoa héo, màu sắc của nó nhạt đi hoặc sặc sỡ lên, hình dáng nó loãng dần. Người “sành điệu” bảo là nó chịu không nổi môi trường. Với hình ảnh kiến trúc, cái ngược lại mới thật là đúng. Nó xuất hiện trong môi trường của mình như một sức mạnh đã được bén rễ, tự mình sống, và những gì chung quanh nó không thể bắt nó tuân phục, mà là chịu đựng nó. Người nào yêu mến hình ảnh kiến trúc hẳn phải cảm thấy chán ngấy hệ thống tiểu tư sản và do đó chán ngấy chính cái tôi tiểu tư sản của mình. Hình ảnh kiến trúc không phải là cái hão huyền, mà là có thật; nó không trừu tượng, mà nó chính là trường phái tự nhiên theo nghĩa chặt chẽ nhất của từ này. Đến độ, bên cạnh thứ hội hoạ mô phỏng được ban tên là “trường phái tự nhiên”, nó xuất diện dưới hình thức thiên nhiên tái tạo lại được, thực chất chẳng khác chút nào “những diệu kỳ thiên nhiên” như cái cây, con người, núi non hay những thứ khác.

Vậy thì hình ảnh kiến trúc không còn là hình ảnh trong nghĩa kinh viện của từ này.

Đó là một người bạn đồng hành linh hoạt trong đời sống chúng ta, biểu trưng của vũ trụ, là cái tôi buộc phải gắn bó, hoặc là cái tôi phải đấu tranh chống lại vì lợi ích cuộc sống của tôi.

Nó là một thứ tích luỹ của cải và buộc chúng ta phải tự mình tích luỹ của cải.

Hình ảnh kiến trúc xuất hiện trước mắt chúng ta qua loại nước xốt pha màu và hàng rào những đường nét trong xưởng vẽ, như bộ ba tính đơn nhất là sự đơn giản, sự an toàn và sự đúng đắn. Nó đến như đại diện của thời đại, và giúp chúng ta khám phá ra mặt bằng, tức khoảng không gian có thể sử dụng một cách hiện thực, và những hình thức của một lòng tin tập thể trước cuộc sống. Người hoạ sĩ có cảm hứng dừng chân bên cạnh tấm bố vẽ và người hạnh phúc nhất trong số những hoạ sĩ ấy chính là người có khả năng tiếp nhận ảnh hưởng của thế giới đến mức độ anh ta đã đưa được vào mặt bằng ấy, do sự khéo léo hoặc do phải đổ mồ hôi mới làm nên, những “viễn ảnh” lạm dụng chính anh ta và cả công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật của anh ta. Chúng ta biết rằng, khi vẽ một tấm tranh, chúng ta không chọc thủng được một đường hầm cũng chẳng xây được một ngôi nhà nào. Nhưng chúng ta xây được một hình ảnh.

Hình ảnh kiến trúc được xây dựng không phải hướng vào bên trong mặt bằng, mà khởi đi từ mặt bằng. Đơn giản là nó chỉ xem mặt bằng như một nền tảng sẵn có, nó không mở ra một viễn ảnh hướng vào bên trong, là điều lúc nào cũng chỉ có thể là ảo tưởng, nhưng do những màu sắc và hình thể của nó chồng lên nhau nó xâm nhập được khoảng không gian có thật và, bằng cách đó, hình ảnh nhận được khả năng vô tận của đời sống hình ảnh: viễn ảnh tự nhiên. Hình ảnh kiến trúc, hoàn toàn giống như kiến trúc nói cách tổng quát, dựa trên những định luật của trọng lượng và của hoá học. Viễn ảnh sinh ra giữa những hình thể và những màu sắc không do chỗ những cơ thể biểu hiện nhìn bên ngoài có vẻ như được xây dựng cái này sau cái kia, mà nó đến từ tính vật chất của chính những màu sắc và và những hình thể mặt bằng hiện hữu. Chính vì lý do đó mà những màu sắc và những hình thể sống, chúng sống đời sống thật của mình, ngược với kiểu trang trí bằng màu sắc và hình thể, — như các nhà phê bình hẳn sẽ đặt tên cho thứ nghệ thuật này. Trang trí là làm đầy mặt bằng, hình ảnh kiến trúc là xây dựng trên mặt bằng đó. Bởi thế nên những hình ảnh của chúng ta không phải như thể là, mà chúng đúng là cái hiện hữu. Chúng tác động trực tiếp, và tác động đó không bao giờ vận dụng như thể là chân dung hay phong cảnh được sao chép lại hay cái máy giả thiết kế mới nhất muốn lên tiếng, hay muốn nở hoa, hay muốn rung chuyển. Và bởi thế nên nghệ thuật của chúng ta là một sự sáng tạo sơ đẳng, và chúng ta, giống như mọi nhà kiến trúc, chúng ta đi từ lĩnh vực của riêng mình, là mặt bằng, như đi từ một trang giấy hướng về khoảng không, như những kẻ không còn muốn phục vụ cho thế giới, mà làm cho thế giới thích nghi với hình ảnh của riêng mình.

Và không phải do chiến thuật, như những nhà làm chính trị, cũng không phải do kỹ thuật, như những kẻ mút bút chì và những kẻ làm nô lệ cho cọ vẽ.

Bởi vì nghệ thuật không cần kỹ thuật. Kỹ thuật chính là nếp cũ, và nếp cũ chính là sự đổi chỗ trên bề mặt. Đích thị đó là cái ngược lại với nghệ thuật.

Hình ảnh kiến trúc bác bỏ mọi trường phái, và ngay cả chính việc mở trường dạy học.

Hình ảnh kiến trúc không đặt ưu tiên cho một chất liệu hay dụng cụ nào, nó cho rằng tất cả mọi chất liệu và tất cả mọi dụng cụ đều thích hợp với nó để qua đó nó tự biểu hiện.

Hình ảnh kiến trúc không rao giảng tâm lý học.

Hình ảnh kiến trúc chẳng muốn gì cả.

Hình ảnh kiến trúc muốn mọi thứ.

Hình ảnh kiến trúc tự giải phóng khỏi những cánh tay của “nghệ thuật” và đã vượt qua Dada.

Hình ảnh kiến trúc tự tin mình là chỗ khởi đầu một thế giới mới.

Hình ảnh kiến trúc thật sự không muốn chọn chỗ mình trong một căn phòng.

Hình ảnh kiến trúc muốn mình chính là căn phòng, chính là ngôi nhà, nó còn muốn là đời sống riêng tư nhất của bạn.

Hình ảnh kiến trúc đơn giản như một đế giày cao cổ, nhưng cho dù vậy đó cũng là cội rễ của sự hoàn hảo.

Hình ảnh kiến trúc là kẻ thù của mọi thứ nghệ thuật, bởi lẽ nghệ thuật chỉ có thể khởi đi từ nó.

Hình ảnh kiến trúc ấy là 2 x 2 = 4.

Hình ảnh kiến trúc, ấy chính là alfa.

Hình ảnh kiến trúc đã giết chết những chữ ngoằn ngoèo kiểu cách và những lối tô màu sặc sỡ diễm tình.

Hình ảnh kiến trúc nhìn thấy một vòng xoắn ốc vô tận ngay cả ở một đường thẳng.

Hình ảnh kiến trúc đã đặt quang phổ trong màu tắng và màu đen.

Hình ảnh kiến trúc tự cho là đỉnh cao của nhân loại.

Hình ảnh kiến trúc không muốn nằm chết trên tường.

Hình ảnh kiến trúc muốn mình cũng là một thành phố có kích thước Mỹ, một ngọn đèn pha, một nhà điều dưỡng cho những bệnh nhân lao phổi và một lễ hội quần chúng.

Bởi lẽ hình ảnh kiến trúc là một nghệ thuật, còn nghệ thuật chính là sự sáng tạo và sự sáng tạo là tất cả.

 

MA, 1922

 

 
Tranh Lajos Kassak:
1. Không đề [20,3 x 15,9 cm, 1921], cắt dán, mực, bột hồ và bút chì trên giấy gợn.
2. Không đế [23,5 x 20 cm, 1922], Mực và bột hồ trên giấy.
3. Cấu trúc [38,7 x 29,2 cm, 1925], Bột hồ và mực trên giấy.
4. Hình ảnh kiến trúc [28 x 20 cm, 1922] Sơn dầu trên giấy cứng.
 
----------------------
Dịch từ bản tiếng Pháp đăng trên tạp chí ARION 16 - Almanach International de Poésie, do Somlýo György xuất bản, 296 trang © Corvina 1988, số đặc biệt về nhà thơ / hoạ sĩ / nhà nghiên cứu nghệ thuật Lajos Kassák [1887-1967]. Bản tiếng Đức Bildarchitektur xuất hiên trước đó trên tạp chí MA ở Wien, 1921 — sau được đăng trên số báo ARION nói trên [1988] trước khi cho xuất bản ở Budapest [Bảo tàng Kassak, 1999.]

 

 

Thơ của Lajos Kassák:

... Tôi không biết bày tỏ với ai trong chỗ tối đen sâu lắng này. / Có lẽ vẫn có dăm ba kẻ còn nhớ đến tôi trong thành phố / tôi từng sống y như bao người khác bị khoá miệng, hoài công hi vọng... | ... Hắn hiểu rõ mình và hắn biết / đêm nay vẫn chính hắn là kẻ người ta lùng tìm để giết... | ... Rốt cuộc tôi đã bứt hết lông trên đôi cánh bồ câu của mình / đào hố cho những con người mà hạt không nẩy mầm. / Có ai nhắm vào con đại bàng bay tuốt trên trời cao, / hắn bắn trúng tim tôi. Tôi sẽ ra sao?... | Người ta đã đuổi bạn ra khỏi nhà / ra khỏi nơi bạn sinh ra... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021