điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Ngôn từ không diễn tả nổi

 

Bản dịch của Phạm Chí Diệp.

 

Dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Words Cannot Express: In Vietnam, performance art is gaining favor as a way to push boundaries while evading censorship” của Sonia Kolesnikov-Jessop, trên tạp chí NEWSWEEK (July 7-14, 2008 issue).

 

 

Ngôn từ không diễn tả nổi

Ở Việt Nam, mỹ thuật trình diễn đang được yêu chuộng như một cách để vừa xô đẩy những giới hạn vừa tránh né sự kiểm duyệt.

 

[*]

 

Thoạt nhìn, chiếc khăn quàng đỏ nhỏ bé mà Trần Lương — một nghệ sĩ trình diễn của Việt Nam — vung phần phật giữa không trung thì trông khá hồn nhiên. Nhưng đối với một số khán giả người Việt Nam và Trung quốc, nó gợi lại những kỷ niệm thời còn ở trường tiểu học, khi họ đeo những chiếc khăn quàng như thế để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với chế độ Cộng Sản. Trần Lương, 47 tuổi, vẫn còn nhớ lại, với một tâm trạng phức hợp khó tả, cái hình ảnh mình là cậu bé cuối cùng trong lớp được trao một chiếc khăn quàng — một điều làm cho cha mẹ của anh phải lo lắng. Tiếp tục màn trình diễn, người nghệ sĩ Hà Nội này mời khán giả cùng tham gia bằng cách cầm lấy cái khăn quàng và quất nó lên bộ ngực trần của anh. Động tác này được tái diễn nhiều lần, và rốt cuộc đã để lại những vết hằn đỏ rực trên da của anh. “Thoạt tiên khán giả có lẽ còn rụt rè, nhưng thật ra khi họ thấy những vết hằn đỏ trên người tôi, thì họ quất nhiều hơn nữa, như một con người dã man ở trong họ chợt thức dậy,” anh nói, khi mô tả lại phản ứng của khán giả đối với “Welt”,[1] tiết mục anh đã biểu diễn tại Bắc Kinh và thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay. “Tôi nghĩ màu đỏ khiến người ta suy nghĩ.”

Và đó không phải là điều mà chế độ kiểm duyệt nghệ thuật ở Việt Nam sẵn sàng ủng hộ. Nói chung, mỹ thuật trình diễn vẫn bị xem như một hình thức nghệ thuật suy đồi của nước ngoài, quá xa lạ với những giá trị cổ điển của phong cách hội hoạ mang tính mỹ thuật trường lớp mà giới công an văn hoá của Việt Nam cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng trong những năm gần đây, thể loại mỹ thuật trình diễn đang từng bước vững vàng giành được chỗ đứng. Bởi tự bản chất nó mang tính di động và phù lãng — qua đó người nghệ sĩ cần ít vật liệu và có thể trình diễn tác phẩm ngẫu sinh ở bất cứ nơi nào — các nghệ sĩ Việt Nam đã và đang sử dụng mỹ thuật trình diễn để âm thầm xô đẩy những giới hạn của các quan điểm xã hội và chính trị được chấp nhận, trong khi tránh được cái nhìn soi mói của hệ thống kiểm duyệt. “Như một hình thức biểu đạt, bản chất phù lãng của mỹ thuật trình diễn cống hiến cái hữu hình cho một khán giả rộng rãi nhưng vẫn vô hình trước nhà cầm quyền,” Nora Taylor, tác giả của một số sách về mỹ thuật Việt Nam và một giáo sư tại Học Viện Mỹ Thuật Chicago, nói như thế.

Quả thực, sự kiểm duyệt nghệ thuật vẫn còn rất phổ biến tại Việt Nam. Các dự án mỹ thuật và các cuộc triển lãm tầm cỡ cần phải có giấy phép chính thức từ công an văn hóa, và các buổi trình diễn có thể bị huỷ bỏ không cần báo trước. Năm ngoái, một tác phẩm mỹ thuật sắp đặt của Trương Tân, gồm một chiếc tã khổng lồ có đính những cái túi, trông giống như những chiếc áo khoác mà các viên chức công an giao thông thường mặc — gợi ý đến những cái túi tham lam của các cán bộ tham nhũng — đã lập tức bị loại ra khỏi một cuộc triển lãm tại Viện Goethe ở Hà Nội. Nhưng mỹ thuật trình diễn, vẫn chủ yếu bị xem là “ngoài luồng” ở Việt Nam, thì khó kiểm soát hơn nhiều. Những buổi trình diễn thường xảy ra không có quảng cáo trước. Thay vào đó, các nghệ sĩ nhắn tin qua điện thoại di động và gửi e-mail cho một mạng lưới thân mật của bạn bè và các fan, rồi họ tụ tập tại một số địa điểm riêng tư nào đó, đáng kể nhất là tại cái nhà sàn của Nguyễn Mạnh Đức, một ủng hộ viên kỳ cựu của loại nghệ thuật này ở Hà Nội.

Mỹ thuật trình diễn bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào giữa những năm 90. Trần Lương bắt đầu sự nghiệp mỹ thuật như một nhà hội họa trừu tượng, một thành viên của Nhóm Năm Người nổi tiếng — một nhóm hoạ sĩ trẻ nổi lên như những khuôn mặt hàng đầu sau khi chính quyền Cộng Sản rốt cuộc đã mở cửa vào năm 1986. Nhưng anh đã rời bỏ các bạn trong nhóm khi những tác phẩm càng ngày càng thương mại hoá của họ làm anh thất vọng, và anh chuyển sang mỹ thuật trình diễn mang tính ý niệm vào giữa những năm 90. Thường giữ vai trò đỡ đầu cho những nghệ sĩ trẻ hơn, anh bây giờ đã được coi là một trong những người khai sinh mỹ thuật trình diễn ở Hà Nội, cùng với Trương Tân và Đào Anh Khánh.

Trong vài năm trở lại đây, những nghệ sĩ trình diễn đã cố gắng thoát ra khỏi bóng tối và giới thiệu các tác phẩm của mình trước một công chúng rộng rãi hơn. Năm 2006, Trần Lương đã tổ chức “Liên Hoan Trình Diễn Đom Đóm”[2] lần đầu tiên tại Hà Nội, nhờ sự tài trợ của Quỹ Trao Đổi Phát Triển Văn Hoá Đan Mạch-Việt Nam. Hai mươi hai nghệ sĩ Việt Nam tham gia vào cuộc liên hoan khởi điểm ấy. Năm ngoái, vài nghệ sĩ đã đứng ra tổ chức “Tuần Lễ Lén Lút”,[3] gồm một loạt những màn trình diễn ngẫu tác trên đường phố Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Vài tác phẩm khá khiêu khích; Vũ Đức Toàn đã chi phí cho bất kỳ thứ gì anh cần trong ngày hôm ấy bằng cách trả tiền đựng một phong bì dán kín — một phát ngôn về sự tham nhũng đang lan tràn trên đất nước này — và chụp ảnh những phản ứng khác nhau của những người mà anh gặp phải.

Mặc dù những cuộc trình diễn trên hè phố không cần có giấy phép, chúng nhanh chóng thu hút sự chú ý của công an . “Bạn cần phải biết chạy cho nhanh,” một nghệ sĩ phát biểu trong “Tuần Lễ Lén Lút.” Đào Anh Khánh, trước kia đã có thời gian làm việc trong công an văn hóa, nhưng bây giờ anh không còn đếm xuể bao nhiêu lần anh phải chạm trán với họ. Trong những năm qua, anh đã bị bắt giam vài lần, vài buổi trình diễn của anh đã bị đình chỉ và một số tác phẩm của anh đã bị phá hủy. Khi các nghệ sĩ trẻ xin giấy phép để tổ chức một “Liên hoan Trình diễn Đom Đóm” mới, các nhà chức trách văn hoá đã đòi xem trước những cuốn video thu các cuộc trình diễn ấy — một kiểu bắt bí đối với loại hình nghệ thuật thí nghiệm vốn phải được trình diễn một cách ngẫu nhiên. Hiện nay các nghệ sĩ trẻ đang cố gắng tổ chức liên hoan vào tháng Tám, nhưng đã có vài nghệ sĩ tham gia từ đầu thì bây giờ lại rút lui, có lẽ họ sợ hệ thống kiểm duyệt. Ít nhất, với mỹ thuật trình diễn, các nghệ sĩ còn có nhiên liệu mới cho nghệ thuật của họ.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Bức ảnh ở đầu bài viết trên đây được chụp bởi Ng Yi-Sheng (người Singapore, một nhà văn kiêm nghệ sĩ trình diễn) trong một đêm trình diễn của Trần Lương tại Sài Gòn, và Ng Yi-Sheng đã đăng bức ảnh này trên website The Flying Circus Project 2007: TRAVELOGUE.

[1]“Welt”, tiếng Đức, nghĩa là “Thế Giới.”

[2]Trong bản tiếng Anh là “Dom Dom Performance Festival.”

[3]Trong bản tiếng Anh là “Sneaky Week.”


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021