tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tin & thư
chi tiết bản tin
 

 

THÔNG BÁO

HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975

Trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, văn học Miền Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn không những trong lãnh vực sáng tác mà còn trong các lãnh vực dịch thuật, phê bình, lý luận và nghiên cứu. Tiếc, sau khi chiến tranh kết thúc, những người cầm bút nếu không bị bắt bớ thì cũng bị cấm hoạt động, sách báo nếu không bị thiêu hủy thì cũng bị cấm lưu hành, các thành tựu nếu không bị xuyên tạc và bôi nhọ thì cũng bị vùi vào quên lãng. Một số cây bút ở hải ngoại đã tìm cách để phục hồi nền văn học ấy nhưng tất cả đều là những nỗ lực cá nhân. Một cuộc hội thảo về nền văn học ấy, do đó, là một điều vô cùng cần thiết.

Không những cần thiết, nó còn khẩn thiết. Hiện nay, tất cả những cây bút tài hoa và có nhiều đóng góp nhất vào nền văn học Miền Nam trong giai đoạn 1954-75, nếu còn sống, đều đã luống tuổi. Thời điểm này hầu như là cơ hội cuối cùng để nhiều người trong họ có thể lên tiếng về nền văn học do chính họ góp phần xây dựng.

Nhận thức sự cần thiết và khẩn thiết ấy, hai nhật báo Người ViệtViệt Báo cùng với hai tờ báo mạng về văn học Tiền VệDa Màu sẽ cùng nhau tổ chức một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-1975 tại Litle Saigon, California, Hoa Kỳ trong hai ngày 6 và 7 tháng 12, 2014.

Cuộc hội thảo sẽ nhắm vào các mục tiêu chính:

1. Cố gắng nhận diện một số đặc điểm nổi bật nhất trong văn học Miền Nam.
 
2. Đánh giá lại những thành tựu chính của văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam nói chung.
 
3. Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các chính sách đối với văn học Miền Nam của chính quyền Việt Nam sau năm 1975.
 
4. Tìm hiểu, phân tích và đánh giá các nỗ lực duy trì và phục hồi văn học Miền Nam của các tác giả hải ngoại.
 
5. Tưởng niệm một số cây bút tài năng đã qua đời (có người qua đời trong lao tù hoặc ngay sau khi ra khỏi trại tù).

Nhắm đến các mục tiêu trên, đề tài hội thảo sẽ bao gồm một số khía cạnh chính:

1. Sinh hoạt văn học Miền Nam (điều kiện sáng tác, quan hệ giữa văn học và chính trị, giữa Việt Nam và thế giới, v.v…)
 
2. Phân tích một số thành tựu, đặc điểm và hiện tượng nổi bật nhất (kể cả hiện tượng các cây bút nữ hoặc các cây bút miền Nam cũng như các cây bút trong quân đội; các tạp chí văn học & các giải thưởng) của văn học Miền Nam.
 
3. Nhìn lại văn học Miền Nam trong toàn cảnh văn học Việt Nam hiện đại
 
4. Tìm hiểu các chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 đối với văn học Miền Nam (tác giả & tác phẩm)
 
5. Tìm hiểu các nỗ lực cứu vãn và phục hồi các tác phẩm văn học Miền Nam ở hải ngoại sau 1975.

Muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc với:

Nguyễn Hưng Quốc ([email protected])
Đinh Quang Anh Thái ([email protected])
Hoàng Ngọc-Tuấn ([email protected])
Đặng Thơ Thơ ([email protected])

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021