tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đầu ra  [đối thoại]

 

Sài gòn vào mùa lễ hội, cả một vùng sáng rực, đèn màu giăng khắp những con đường chính dẫn vào trung tâm. Thành phố tráng lệ như các chuyện thần thoại trong phim hoạt hoạ. Người đi chơi đêm đông nghịt.

Chúng tôi đang đi dạo trong công viên trước dinh Độc Lập. Ở góc đường, hai vợ chồng du khách dắt tay một cô bé khoảng 6 tuổi, bà vợ đang cố gắng giải thích một điều gì đó với một cậu thanh niên qua đường. Người đàn ông quay sang tôi nói bằng tiếng Anh. Chào ông, ông vui lòng chỉ cho tôi gần đây có nhà vệ sinh nào không? Con bé nhà tôi cần quá!

Bị hỏi bất ngờ, chúng tôi không thể nghĩ ra ngay một nhà vệ sinh công cộng nào quanh đây để giúp họ. Cô bạn tôi chỉ họ đến quán café Highland ở góc đường Đồng Khởi và Nguyễn Du. Người đàn ông cúi xuống bồng cô bé lên. Nhìn họ cố len lách đi nhanh giữa một rừng người, tôi chợt nhớ rằng Highland chỉ có một cái toilet nhỏ xíu dành cho cả khách và cả nhân viên, nam giới cũng dùng chung với nữ giới. Ở đó, khi một người vào dùng thì những người khác phải chờ, có khi rất lâu mới đến phiên mình vì quán có đến hàng trăm khách hàng, nhất là trong những hôm lễ lạc như thế này. Lúc này, tôi mới nhớ đến một nơi tốt hơn là Diamond Plaza thì đã muộn, họ đã đi khuất. Mong sao cho cô bé xinh xắn giải quyết được nỗi khổ của mình trước khi quá muộn. Giá mà người ta đặt những toilet công cộng tạm thời, loại có thể di chuyển dễ dàng, ở quanh đây thì đỡ khổ và đỡ chướng mắt biết mấy.

10 phút sau, khi đi ngang bức tường gạch ngang hông nhà thờ Đức Bà, mùi khai nồng dậy lên trong không khí. Nơi trang nghiêm này cũng không thể giữ được thanh sạch. Một chàng thanh niên thản nhiên quay mặt đứng tè vào tường. Chắc chắn chàng ta không phải là người duy nhất làm chuyện đó ở đây. Khi về ngang cầu Thị Nghè tôi lại thấy ba anh khác đứng làm mưa từ trên cầu xuống dòng sông bên dưới.

Đêm ấy, tôi nằm mơ một giấc mơ kỳ dị, tôi đang sống trong một thế giới siêu thực. Tôi mơ thấy bên những trạm điện thoại, trạm xe buýt công cộng, những tượng đài, những khu di tích lịch sử... mọc lên những toilet công cộng, vô cùng tinh tươm sạch sẽ và hoàn toàn... miễn phí. Dĩ nhiên, trong một thế giới như thế, không một ai phải lo sợ chân mình dẫm phải những chiếc kim tiêm nguy hiểm và các “bãi mìn” nằm phục kích dưới đất. Và khi dùng xong, mỗi người còn được tặng một bó hoa (!) vì đã góp phần giữ gìn tốt môi trường sống. Tàn đêm.

 

*

 

Trong những thế kỉ về trước, sự tráng lệ của kinh thành Paris không nổi tiếng bằng sự kiện: đó là một thành phố thối hoăng phân người và phân súc vật. Thế giới quả có nhiều điều phải lo toan cho con người, và việc thải ra cũng quan trọng không kém việc ăn uống vào, nhất là ở những thành phố lớn đông đúc dân cư.

Cách đây vài tháng tôi đọc được mẩu tin cho biết rằng Trung Quốc tổ chức một hội nghị quốc tế về những vấn đề liên quan đến nhà vệ sinh. Chắc hẳn hội nghị ấy mang lại nhiều điều lý thú và lợi ích thiết thực hơn rất nhiều những cuộc hội nghị khác. Thỉnh thoảng báo chí lại loan tin các ông hoàng xứ Ả-rập, hay các nhân vật, các ca sĩ giàu có, còn bỏ ra những món tiền khổng lồ để thiết kế những toilet vô cùng tiện nghi và sang trọng (có khi những vật dụng trong đó hoàn toàn được làm bằng vàng khối hay cẩn các loại đá quí). Nhưng đó là chuyện nước người.

Một anh bạn dạy khoa Việt học ở một đại học nước Úc kể rằng, có lần anh đưa một số sinh viên về Việt Nam trong một chương trình trao đổi văn hoá. Khi trở lại Úc, anh hỏi các sinh viên những kinh nghiệm của bản thân về chuyến đi. Có người cho rằng đối với họ, khi phải chịu đựng sự thiếu tiện nghi, và thiếu vệ sinh trong việc giải quyết tiêu tiểu là để lại ấn tượng sâu đậm nhất, và tất nhiên là ấn tượng xấu. Trong thành phố cũng có một số nhà vệ sinh công cộng, nhưng vẫn không áp ứng đủ cho nhu cầu của mọi người về cả hai mặt chất lượng cũng như số lượng.

Các nhà vệ sinh công cộng hiện nay có niêm yết bảng giá như sau: tiểu tiện là 500đ, và đại tiện là 1000đ (thời giá của năm 2005). Tôi còn nhớ ánh mắt ngờ vực của anh nhân viên thu phí đối với sự thành thật của tôi, khi tôi đưa anh 500 đồng trong một ngày giông bão nọ. Có lẽ anh đã nghĩ rằng tôi đã gian lận sử dụng quá thời gian bình thường cần thiết cho dịch vụ có giá biểu 500 đồng chăng? Khổ thân tôi chưa!

Có những bức tường trong thành phố đã trở thành nơi xả bầu tâm sự cho người qua đường. Dân chúng sở tại không chịu được tình trạng này bèn dùng sơn quét lên đó một dòng chữ ngăn cấm và cảnh báo, nội dung tăng “đô” dần theo với thời gian. Ban đầu còn dịu dàng lịch sự : Xin đừng tiểu tiện nơi đây. Tình trạng không giảm bớt mà có chiều gia tăng, bèn trầm giọng nghiêm nghị: Không tiểu tiện nơi đây! Vẫn không suy suyển, bèn dài dòng hơn: Đây không phải là chỗ cho các người đứng đái! Rồi giận dữ: Cấm đái ở đây! Rồi đến biện pháp đe doạ: Cấm đái, liệu hồn! kề bên vẽ một cây dao máu nhỏ ròng ròng. Biện pháp chế tài cũng được sử dụng: Cấm đái! Công an phường sẽ xử phạt! Không chịu được nữa rồi, phải xài tiếng Đan Mạch thôi: Đ.M, CẤM ĐÁI! Không thể quyết liệt hơn được nữa, sau cùng đành tặng cho kẻ vi phạm một cái… đuôi, và hạ hắn từ nhân phẩm xuống thành “cẩu phẩm”: Nơi đây chó đái! Nhưng có kẻ nghịch ngợm lại xoá đi dấu sắc, thành ra Nơi đây cho đái! Xong phim!

Ở Singapore hình như có đạo luật khắt khe áp dụng với tội nhai kẹo gum nơi công cộng. Tôi nghĩ, chỉ hành vi nhai gum lén lút mà đã phạm tội như thế thì cái sự vụ “đái đường” công khai chắc phải lãnh án... chung thân!

Nhưng trong trường hợp bạn bị kẹt bất ngờ thì giải quyết làm sao đây? Một anh bạn bày tôi một bí quyết như thế này: Hãy ngang nhiên xông thẳng vào một nhà hàng, một khách sạn nào sang nhất trong tầm mắt. Vấn đề còn lại là bạn phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với các nhân viên bảo vệ, hay nhân viên tiếp tân tận tâm nào đó nếu rủi ro họ nhận thấy hành tung của bạn có vẻ khả nghi. Vì thế, trước khi bước vào hãy o bế bộ dạng cho tươm tất, rồi đẩy cửa vào, nhắm thẳng toilet mà đĩnh đạc bước đến. Trong trường hợp không tìm thấy, thì hãy đường hoàng hỏi một nhân viên phục vụ ở đó, hỏi ngắn gọn về vị trí của toilet, không gợi thêm chuyện gì khác. Nếu có thể thì hãy hỏi bằng... tiếng Anh hay tiếng Nhật, hoặc bất cứ một ngôn ngữ nào khác, trừ tiếng Việt, thì sẽ ổn.

Tuy nhiên, có nhiều nhà hàng, nhiều cơ sở được thiết kế, trang trí rất sang trọng nhưng bên trong nhà vệ sinh thì ngược lại, chúng vẫn rất nhếch nhác, bốc mùi và có khi còn không có miếng giấy vệ sinh nào. Có vẻ như người ta chỉ quan tâm đến chuyện đầu tư “đầu vào” chứ không quan tâm đến “đầu ra”. Trong một trung tâm mua bán kim khí điện máy có tiếng là lớn nhất thành phố, mới đây tôi được mục kích cảnh khách hàng khi cần dùng toilet vẫn phải xếp hàng chờ rất lâu mới đến lượt. Vừa mất thời giờ vừa bực mình và nguy hiểm. Nhưng những nơi bị than phiền nhiều nhất về tình trạng nhà vệ sinh là các trường học và các bệnh viện. Những nơi đó lại là môi trường dễ dàng cho các loại bệnh lây nhiễm. Tệ cho đến nỗi có nhiều học sinh nữ phải nín vì không thể nào có can đảm giải quyết nỗi khổ tế nhị của mình giữa nơi trống trải không được che chắn kín đáo và bẩn ghê hồn. Hệ quả của tình trạng này đối với sức khoẻ của các em là chuyện không phải bàn. Và mầm bệnh Ecoli là một mối đe doạ nghiêm trọng đến từ phân.

Hiện nay rất nhiều nơi vẫn sử dụng loại nhà cầu được thiết kế kiểu ngồi xổm của những thập niên trước. Kiểu bàn cầu này rất bất tiện, và nếu người sử dụng không khéo thì rất bẩn. Bất tiện nhất là cho phụ nữ, vì ngày nay trang phục của các cô thường phất phơ kiểu cách, và giày guốc thì cao chót vót trời mây. Nhỡ có sự cố ắt phải mang hận một đời. Có khi sự nâng cấp toilet từ “xí xổm” lên “xí bệt” là cả một cuộc cách mạng quan trọng về sinh hoạt của con người, cuộc cách mạng cần thiết nhất cần phải thực hiện.

Trở lại vấn đề các toilet công cộng trong khu vực trung tâm thành phố, đó là một nhu cầu có thực và cấp bách, nhất là trong các dịp lễ hội có đông người tham dự ở các con phố dành để đi bộ. Việc thiết kế và bố trí như thế nào cho hợp lý mà không ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố cần được xem xét cẩn trọng. Bài viết này chỉ có ý đưa ra vài ý nghĩ bên lề chứ không có khả năng trình bày một hướng giải quyết nào, xin dành việc này cho những cơ quan có chức năng chuyên ngành.

Chúng ta đã xây dựng thành công những tượng đài hoành tráng, kỳ vĩ, chúng ta đã tự hào về nền văn hiến hàng ngàn năm, chúng ta cứ mãi băn khoăn về vấn đề vĩ mô như làm sao để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc... thì chúng ta cũng cần xây những cầu tiêu công cộng sạch sẽ tươm tất cho nhân dân ỉa đái.

 

*

 

Tôi mong sao cô bé được nhắc đến ở đầu bài được thoát nạn trong đêm ấy, và cô có những ấn tượng tốt về thành phố Sài Gòn sạch đẹp của chúng ta, thay vì phải nhớ đến một kỷ niệm “tái tê” cho chuyến du lịch.

Tôi còn tò mò muốn biết những gì đã đến trong giấc mơ đêm ấy của cô bé. Tôi có hiện diện như một cô tiên dịu hiền hoặc một thiên thần hộ mệnh hiên ngang giúp cô thoát nạn? Hay tôi lại trở thành một gã phù thuỷ xấu xí ác độc, xí gạt cha con cô lạc vào một lâu đài bí hiểm đầy lũ quỷ mặt mày đỏ gay đang ngồi nốc bia, trong một... non-toilet castle.

 

 

-------------

Đọc thêm:

Cứt đái, đừng ngó lơ!  (tiểu luận / nhận định) - Hoàng Anh
... Vừa nghe thôi bạn đã khó chịu, xấu hổ, muốn chống đối. Phản ứng của bạn không phải là chuyện nhất thời, của riêng bạn. Nó mang dấu ấn của ký ức tập thể, của dân tộc, của truyền thống. Nó phản ánh một thái độ ứng xử văn minh, văn hoá. Do vậy, nó thuộc phạm trù của mỹ học, của văn hoá, rất đáng bàn, chỉ ngại không đủ sức bàn cho thấu tình, đạt lý đó thôi. Không có đề tài dở, mà chỉ có người viết dở và đôi khi, người đọc dở! Chuyện tôn nghiêm có khi biến thành rác rưởi, và chuyện thối tha, biết đâu, chẳng mở ra những điều thơm tho trong sạch... (...)

 

 

--------------

Bài liên hệ:

04.09.2009
[VĂN HỌC] ... cứt đống quý hơn vàng ròng / cứt khô thơm hơn mực khô / mực khô không phải là khô mực / mực khô là mực chết trên ngòi bút trí thức văn nghệ sĩ / đi lề phải... (...)
 
02.09.2009
[MỸ THUẬT] ... Nhân có cuộc đối thoại về “cứt” khá thú vị, tôi xin gửi vài bức tranh để minh hoạ... (...)
 
31.08.2009
[VĂN HỌC] ... Ðọc Chiều chiều, hồi ký của Tô Hoài, cứ thấy thương cho Phùng Quán với cái lần phải đi ăn trộm... cứt. Trên bảo: văn nghệ sĩ phải về cơ sở học hỏi, họ phải học để giác ngộ từ giữa lòng quần chúng và từ giữa lao động vinh quang, loại vinh quang có thể đo lường qua... chỉ tiêu cứt, thứ cứt dùng làm phân bắc cho rau vườn ta thêm xanh, cho lúa đồng ta thêm hạt. Và để đạt chỉ tiêu... cứt vinh quang ấy nhà thơ chúng ta chỉ còn cách đi ăn trộm... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Hai quái nhân ấy người thỉ nổi đình đám vì chim, người thì khét tiếng nhờ cứt. Chẳng nhẽ ở xứ sở này có phải muốn oanh liệt là cứ phải dùng tới “cặc” với “cứt” không? Tôi nghĩ nền văn hoá ở đây không đơn giản như vậy. Hình như nó đã trì trệ ghê gớm lắm cho nên các nghệ sỹ tiên phong mới nổi đoá lên như vậy. Sự văng tục của họ là những tiếng nói phản kháng mãnh liệt với nghèo nàn, lạc hậu, trì độn và ác độc trong văn hoá... (...)
 
29.08.2009
[VĂN HỌC] ... Cứt không làm một tác phẩm nghệ thuật trở thành “hay” hay “dở”, cũng không thể làm nó sạch sẽ hơn hay dơ dáy hơn. Giá trị của tác phẩm là do tài năng của tác giả trong việc sử dụng bút pháp của mình để diễn đạt những gì ở đằng sau và bên trên những cục cứt... (...)
 
26.08.2009
[MỸ THUẬT] ... Theo Manzoni, bất cứ thứ gì, kể cả những vật dụng thông thường trong đời sống hàng ngày, cũng có thể trở thành nghệ thuật khi bàn tay người nghệ sĩ chạm vào. “Cứt của người nghệ sĩ” là một trong những ví dụ cực đoan nhất: người nghệ sĩ biến chính chất thải trong cơ thể của mình để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021