tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
1 lần đọc – 3 lần phát hoảng  [đối thoại]

 

Hôm qua, đọc cái bài “Đối thoại văn chương - Nguyễn Đức Tùng và Trần Nhuận Minh” đăng trên Damau.org, 7-1-2013, mà 3 lần phát hoảng. Hoảng vì mới đầu tuần, Lâm tui đụng phải cùng lúc 3 cái vĩ đại.

 

1. Thứ nhất, là (vĩ) đại chán. Nó lê thê rả rích, rề rà rù rì kể lể dây cà dây muống đại cà sa thơ tôi, thơ tôi… Đọc 3 trang mà tôi phải chịu 7 lần ngáp. Nhà thơ xứ An Nam ăn nói về thơ chán như con gián.

Còn may! Bởi ở Thơ đến từ đâu? có tới mươi nhà cũng đã lê thê như thế. Mà nhà thơ Nguyễn Đức Tùng chả thèm ngắt lời chấm câu xuống dòng nữa là.

 

2. Cái (vĩ) đại thứ hai mới đích thị đại nhảm. Khi phải đọc ông nhà thơ này lôi ra bao la đại hải nào là “tuyển”, “tinh tuyển” hay “tinh hoa” với “thơ hay” cùng “tiêu biểu”. Toàn tầm “thế kỉ” không hà! Nào, ta cùng thử kê biên:

Thơ Việt thế kỷ XX

100 bài thơ hay của thế kỷ XX

Nhà thơ và tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ XX

Thơ hay thế kỷ XX  

Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX  (

Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX

Tinh tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ XX  

Tinh hoa thơ Việt

Thơ tình Việt Nam thế kỷ XX

Trần Nhuận Minh, Tuyển tập một tác phẩm thơ (2005)…

Đọc mà bắt ớn!

 

3. Còn đỡ! Nếu chỉ có thế thì Lâm tui chả nhọc công làm gì. Đến mục thứ ba mới là đại… sự. Xin mời đồng bào đồng chí và các bạn làng trên xóm dưới phố xa buôn gần thưởng lãm đoạn văn bất hủ này:

“Bởi vì chỉ có tôi (Lâm tui tô đậm) mới nói trên báo và viết vào sách rằng: xin tự loại bỏ toàn bộ sáng tác 25 năm bao cấp (1960-1985) của thơ tôi, với 166 bài thơ và 2 trường ca trong 4 tập thơ. Có tập đến 50 bài đã được tặng giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam, cùng một tập thơ, một tập trường ca đã được tặng hai giải nhất mỗi giải cách nhau 5 năm (1980 và 1985) của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
 
… Sở dĩ 20 năm sau, từ năm 2005, tôi mới chọn lại 28 rồi 29 bài trong 25 năm đó in thành PHỤ LỤC để tham khảo ở cuối sách, chính là vì các cháu sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn cử nhân và thạc sĩ khoa học về thơ tôi, cần hiểu thơ tôi trong một quá trình, nên tôi chọn lại, để các cháu khỏi phải mất công tìm kiếm trong thư viện, và trích ra những bài thơ mà có bài, đọc lại, tôi rất xấu hổ. Bởi trước đây, thơ tôi đăng nhiều báo, in khá nhiều sách, cả riêng và chung. Hầu hết đều là thơ tuyên truyền minh họa
… giáo sư Phong Lê đã viết: “Dẫu sao thì đó là việc anh đã làm, với một tâm thế dứt khoát, và một ý nguyện đáng quý.”

Định hướng cho độc giả đến thế là cùng.

Đích thị đại… gian. Không chạy vào đâu được. 25 năm làm thơ tuyên truyền minh họa, hốt bao nhiêu cái giải, từ đó mà lên lon lên lương lên lậu. Đùng cái, ông phủi tay tất tần tật, ngon ơ. Bớ đồng bào, đó không phải là tui, không phải là thơ tui. Từ đây nếu có làm gì làm gì, hay ngày mai khi tui ngỏm đi, đưa tui vào văn học sử, nhớ cắt bỏ của nợ đó khỏi sự nghiệp tui giùm.

“Một ý nguyện đáng quý” vô cùng đáng quý đó, mấy cha.

 

4. Kiến nghị của Lâm

Đây là đề tài vô cùng “đáng quý”, ngàn năm có một. Đề nghị “các cháu sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn cử nhân và thạc sĩ khoa học” cần tập trung vào mà khai thác. Thật đáo để nhé.

 

Sài Gòn, chiều buồn đơn côi, ngày 9-1-2013

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021