tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thế còn chính ông Ngô Huy Liễn, thì sao?  [đối thoại]

 

Thưa ông Ngô Huy Liễn,

Tôi thử làm một công việc là sử dụng lôgic của chính ông để suy nghĩ về sự việc ông đã nói tới trong bài “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta”. Chỉ nghĩ được một lúc là tôi đã bắt đầu cảm thấy lo lắng: hay là chính ông đang tránh né (mà không tự biết)?

Ai đã từng đọc tiểu sử của Kundera thì đều biết rằng Kundera từng viết thơ ca ngợi Stalin, từng vào đảng cộng sản Tiệp, ra khỏi đảng cộng sản Tiệp, rồi lại vào, rồi lại ra, và gần đây bị tố cáo đã cộng tác với cảnh sát mật của chế độ hãm hại người khác. Tại sao ông Ngô Huy Liễn không nghĩ rằng bỏ qua các chi tiết đó là một sự tránh né?

Kể thêm các chi tiết tương tự như trên sẽ rất dông dài và nhức đầu, nên tôi sẽ chỉ hỏi ông Ngô Huy Liễn: như thế nào là một tiểu sử đúng như ông mong muốn? Có cần nói Kundera buổi sáng ngủ dậy vào mấy giờ không?

Ở trên, tôi dùng lại đúng những từ của ông Ngô Huy Liễn, “Ai đã từng đọc tiểu sử của Kundera […] thì đều biết”. Bây giờ tôi sẽ bàn về mấy từ nằm ở trong hai ngoặc vuông, mấy từ xuất hiện trong bài của ông Ngô Huy Liễn, cụ thể là: “ở những nơi khác”. Tôi không rõ ông Ngô Huy Liễn định nói những nơi khác nào, tôi chỉ xin nói rằng phần tiểu sử tác giả do nhà xuất bản (ở đây là Gallimard) cung cấp về Kundera, trong các ấn bản folio (tôi xin nhấn mạnh, các ấn bản folio chứ không phải mọi ấn bản), và điều này là theo mong muốn của nhà văn, viết chính xác như sau:

“Milan Kundera est né en Tchécoslovaquie. En 1975, il s’installe en France.” Dịch nguyên văn: “Milan Kundera sinh ở Tiệp Khắc. Năm 1975, ông định cư ở Pháp.” Như vậy thì Gallimard có tránh né không, theo lôgic của ông Ngô Huy Liễn?

Ở điểm này, tôi hết sức tránh (ông có thể nghĩ là tôi tránh né, xin được tùy ý) nói là ông nói láo.

Sang đến bài thứ hai, “Tránh né, tránh nẽ nữa, tránh né mãi!”, lập luận của ông Ngô Huy Liễn cũng không khá hơn. Tôi chỉ xin nói rất ngắn: nếu ông tự cảm thấy được phép khơi khơi nói rằng “độc giả Việt trong và ngoài nước ai có đọc họ đều biết vì sao họ sống ở nước ngoài” khi đề cập Phạm Thị Hoài, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, thì tôi cảm thấy, rất hiển nhiên, là tôi cũng có quyền nói “độc giả Việt Nam ai có đọc Kundera đều biết vì sao ông sống ở Pháp”. Có lẽ ông Ngô Huy Liễn hàm ý đối với độc giả Việt Nam, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn nổi tiếng hơn Milan Kundera; điều này có thể đúng, nhưng cũng có thể sai, và tôi xin ông Ngô Huy Liễn cho phép tôi được nghĩ ngược lại ông, mà khỏi cần chứng minh.

 

*

*      *

 

Tôi đã không “đeo đuổi” cuộc tranh cãi xuất phát từ bài viết của ông Ngô Huy Liễn nơi tôi cho rằng ông chỉ phạm phải một cái tật (không lớn lắm) là phân tích thì dở mà lại thích khái quát hóa thật to, cộng với đặt tên bài thật vĩ đại, nếu như mấy ngày gần đây, tôi không nhận thấy bài của ông Ngô Huy Liễn được rất nhiều trang mạng khác đăng tải lại, một cách tràn lan. Tôi nghĩ đây là vấn đề đáng nói: môi trường Internet là môi trường quá màu mỡ cho thông tin không được kiểm chứng. Điều này khiến cho những gì ông Ngô Huy Liễn viết, lẽ ra không mấy đáng nói, đột nhiên trở nên có một sức nặng bất ngờ, một sự nhẹ không thể chịu đựng của tồn tại.

Nếu tôi có vì ý nghĩ trên đây mà tỏ ra nóng nảy, thì xin được ông Ngô Huy Liễn và độc giả lượng thứ.

 

Cao Việt Dũng

 

 

---------------

Bài liên hệ:

01.05.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Ông Ngô Huy Liễn “bức xúc” là phải, nhưng ông không nên trút cái nỗi “bức xúc” ấy lên những nhà văn trong tay không một tấc sắt. Họ đều là nạn nhân, cũng như ông. Có những hoàn cảnh khiến họ đành phải “tránh né” để khỏi bị voi giậm. Ông cũng đã phải “tránh né” liên tục, thì ông mới sống sót đến bây giờ chứ! Nếu sống ở Việt Nam mà ông nói và viết một mực thẳng băng thì có lẽ ông đã thành một người anh hùng lừng lẫy, hay đã “xanh cỏ” rồi! Phải không nào? ... (...)
 
30.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Nơi đào tạo thế hệ nhà văn trẻ mà lại truyền bá trò tránh né vòng vo như thế thì thái độ ấy có “đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta” hay không? Xin quí ông nhận xét giùm. Lời tôi nói có thể làm nhiều người mất vui nhưng không phải là tôi nói sai sự thật đâu... (...)
 
29.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Thưa ông Ngô Huy Liễn, “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta”! E rằng ông quơ đũa cả nắm rồi. Nó dễ như tôi nói “Bọn nhà văn hải ngoại là bọn vong bản” vậy. Nói vậy là hàm hồ, thưa ông. Chỉ có một vài dòng giới thiệu một tác giả mà ông kết luận ngon lành tất tần tật “nhà văn nước ta”... (...)
 
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Xin mời ông Ngô Huy Liễn tác giả bài viết “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta” bình luận về cách viết tiểu sử một số tác giả của chính trang Tiền Vệ mà ông tham gia cộng tác... (...)
 
27.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Tôi có cảm tưởng cái sinh hoạt văn chương ở thủ đô Hà Nội ta càng ngày càng thối tha vì những trò tránh né, xiên xẹo càng ngày càng trở thành những hành vi bình thường, không còn khiến các nhà văn ta cảm thấy xấu hổ chút nào nữa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021