tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Hoạ sĩ và kiến thức  [đối thoại]

 

Tôi thấy diễn đàn đối thoại về “bút chiến” của hai hoạ sĩ Cương và Hà khéo nhanh chóng trở thành một chiều mất. Vì dù muốn khách quan cũng vẫn thấy Lê Thiết Cương “xuất chiêu” quả này hơi đuối. Ở Việt Nam cách đây gần chục năm, Nhà xuất bản Mỹ thuật có in một cuốn sách do hoạ sĩ Lê Thanh Đức dịch, Những bức thư của V. Van Gogh gửi Theo. Nếu có điều kiện tìm đọc, có lẽ Cương sẽ hiểu rằng Van Gogh vẽ “đôi giày” là hoàn toàn có nguyên cớ và có ý nghĩa cả đấy. Và thiên hạ đã tốn không ít giấy mực về “đôi giày”. Không phải đó chỉ là hành động vẽ vu vơ vì đẹp không thôi.

Vẽ là nhu cầu bộc lộ tâm trạng của hoạ sĩ và đó là sáng tạo tự do, không thể đóng khung mọi hành động sáng tạo vào một “khuôn khổ” chung nào đó. (Dù rằng hành động đó chỉ có thiện ý vì cái đẹp đi chăng nữa). Bởi nếu thế thì chỉ cần các “Chính ủy” chỉ đạo là đủ, cần gì đến suy nghĩ của các nghệ sĩ nữa. Đối với những người học hành bài bản, tay nghề vững vàng thì việc tạo ra một bức tranh đèm đẹp cũng đã khó nhưng không phải là quá khó đối với họ, mà cái chính là họ muốn bức tranh, bức tượng ấy nó nói lên điều gì, thông điệp của nó có sức lôi cuốn, chia sẻ không? Đấy mới là cái mà các nghệ sĩ chân chính hướng tới và nghệ thuật cũng có lý do tồn tại của nó ở chỗ đó. Và qua đó người ta cũng phân biệt được sự “Cao” hay “Thấp”, sự “sâu sắc” hay “hời hợt” của người nghệ sĩ. Cũng như Bùi Xuân Phái là người vẽ đẹp, nhưng nếu những tranh về Hà Nội của ông chỉ là những khuôn màu và hình đẹp theo trường phái Paris thôi thì có lẽ nó đã không tạo được danh hiệu “Phố Phái” của ông như bây giờ. Các bức tranh Phố của Phái là chứa đựng cả bao nhiêu nỗi niềm...

Nếu chịu khó tìm hiểu, chỉ cần lật mấy cuốn sách mỹ thuật phổ thông thôi thì sẽ thấy rằng trong lịch sử mỹ thuật thế giới (không cần thiết phải kể đến dạng nghệ thuật Ý niệm - Conceptual art) cũng có nhiều hoạ sĩ họ không chủ trương làm nghệ thuật “đẹp” như: Edvard Munch, Egon Schiele, Otto Dix, James Ensor, Kathe Kollwitz, Willem de Kooning, Jean Dubuffet, Georg Baselitz, Chaim Soutine; F. Bacon và Lucian Freud (Tôi thấy có thời kỳ trước, Lê Quảng Hà cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều quan niệm của hai vị nầy)...

Không hiểu sao tờ Tia Sáng — “Một góc nhìn của trí thức” Việt — lại có ưu ái dành nhiều đất cho đăng các bài của Cương đến vậy, mặc dù đọc thì thấy các bài viết không phải chất lượng tất cả đều “đứng” được. Bài “Mèo trông nhà” viết lưu loát nhất nhưng tiếc thay nó lại bộc lộ sự khuyết thiếu về kiến thức của Cương nhiều nhất.

Chữ nghĩa là công việc của giới văn chương, triết học. Hoạ sĩ Việt Nam hiện nay phần đông nền tảng tri thức, kỹ năng nghề nghiệp thì yếu, học hành được chăng hay chớ, không có ngoại ngữ, đọc vài cuốn sách dịch, tiểu thuyết mà lại huyễn tưởng, đòi “Lập Ngôn” thì là điều cần suy nghĩ. Công chúng sẽ chẳng biết đâu là kiến thức thật, giả thế nào nữa (vì họ nghĩ nghệ sĩ tất nhiên [chắc chắn] phải là trí thức rồi?). Biết đâu mà lần.

Tôi thèm về cái thời ngày xưa, những hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc... họ có văn hoá, thực tài, nghề nghiệp đến nơi đến chốn lại lịch lãm, khiêm tốn, đầy “văn hoá tạo hình” — (chữ của hoạ sĩ Lê Thanh Đức). Cứ đọc lại văn của họ mới thấy họ yêu nghệ thuật và trân trọng con người biết bao. Thế nhưng bây giờ dạng hoạ sĩ - trí thức kiểu ấy ngày càng là của hiếm. Tại sao? “Bao giờ cho đến ngày xưa”.

 

 

-------------------

Các bài liên hệ:

02.12.2008
... Cái đẹp là một khái niệm mở, tạo ra những vẻ đẹp biến hoá không ngừng trong nghệ thuật nói riêng và trong đời sống nói chung. Vì thế, sự bắt chước rập khuôn, tuân theo những nguyên tắc của người đi trước để làm công việc sáng tạo và thẩm định giá trị tác phẩm hôm nay, là dấu hiệu tiêu vong của nghệ thuật... (...)
 
Để góp tư liệu cho cuộc đối thoại về Triển Lãm “MÁY” của Lê Quảng Hà, anh Phạm Long từ Hà Nội đã gửi đến Tiền Vệ một số ảnh do anh chụp được ngay tại Viện Geothe trong ngày khai mạc cuộc triển lãm (24.10.2008)... (...)
 
01.12.2008
... “Người khác”, và cả “chính mình” trong tranh anh, đều trở thành những hình nhân dị dạng, ma quái, nhiều khi mang dáng dấp dã thú, với những cái nhìn đau đáu, xỉa xói hay đanh lạnh, tồn tại bên nhau, nhiều khi kết dính vào nhau nhưng mỗi người vẫn là một cõi tách biệt, nặng trịch... (...)
 
30.11.2008
... Người mẫu của ông phần lớn đều xấu, da thịt bèo nhèo, không có vẻ gì quyến rũ cả. Thế nhưng tranh của ông vẫn đẹp... (...)
 
29.11.2008
... Chỉ căn cứ vào lập luận chung chung của Lê Thiết Cương trong bài “Mèo trông nhà”, tôi có cảm tưởng quan điểm thẩm mỹ của Lê Thiết Cương vừa lạc hậu vừa ngây thơ... (...)
 
28.11.2008
... Trong khi Cương có thể mãn nguyện với sự mất tự do của mình trong cái lồng son với những nguyên tắc, thì Cương lại đi trách cứ những người khao khát bầu trời sao không vào lồng để chia sẻ cùng anh sự tẻ nhạt đó... (...)
 
... Vẽ tranh nhưng tâm hồn anh vẫn đang lơ mơ cùng sắp đặt. Hà giống như một anh chàng trong chuyện cổ ra chợ mua một con mèo thật to khoẻ về để một công đôi việc vừa bắt chuột, vừa... trông nhà... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021