tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Của các loại đỏng đảnh  [đối thoại]

 

 

Những tình phai, duyên úa, mộng tan tành!

 

Một trong những ý thích của tác giả là thỉnh thoảng lại muốn mình biến mất khỏi mặt đất: chưa sinh ra, chưa tồn tại, không dấu vết. Ứớc gì một buổi sáng tỉnh dậy mình trở lại trinh nguyên như cô gái mười lăm phấp phỏng chờ đợi chàng hoàng tử. Thế nên, không ít tác giả nam thỉnh thoảng lại tuyên bố sẽ lên núi một thời gian. Còn các tác giả nữ lại tuyên bố sẽ lấy chồng, sẽ chỉ dành thời gian cho gia đình. Tóm lại, anh sẽ nhập thất. Nàng sẽ bỏ tất. Đã đến, đã đi, đã ngấy cả mọi sự. Giờ làm ơn hãy xóa sạch mọi dấu vết của tôi đi.

Kể cũng lạ. Bởi xét về phương diện logic học thì việc này chẳng khác gì một người vừa muốn đặt chân vào một khu vườn nhưng lại không muốn để lại dấu chân của mình. Thì ai mà biết được, có thể, ban đầu anh/nàng thấy khu vườn vui, muốn đặt chân vào. Giờ chán, muốn rút chân ra, và hơn thế, còn muốn xóa sạch dấu chân của mình. Chỉ cần một giây suy nghĩ, hẳn anh/nàng đều nhận ra rằng, đó là một ý thích không thể thực hiện được. Bởi nó vi phạm các nguyên tắc vật lý học (và cả các nguyên tắc hình sự học): bất kì cái gì đã xuất hiện đều để lại dấu vết và bằng cách này hay cách khác, người ta đều có thể lần ra chúng, nếu muốn.

Thời đại ảo khiến người ta dễ quên các nguyên tắc vật lý. Nhưng chỉ cần lui lại hơn mười năm trước, người ta sẽ thấy vấn đề trở nên rõ ràng hơn nhiều. Một tác giả gửi bản thảo đến một nhà xuất bản và đồng ý cho in. Cứ cho việc này là vì công ích đi. Sách in ra, được gửi miễn phí cho bạn đọc. Một thời gian sau, tác giả viết một bức thư yêu cầu nhà xuất bản thu hồi tất cả sách lại. Lý do: tác giả không còn thích nhà xuất bản nữa, vì thế không muốn thấy ai đọc được cuốn sách của mình do nhà xuất bản in. Đó là một việc vô ích. Và nếu được so sánh thì ý thích của tác giả cũng chẳng khác lắm với ý thích thường thấy ở Ban Tuyên giáo: thỉnh thoảng lại cho thu hồi một cuốn sách vì không vừa ý với tác giả và không muốn ai đọc nó nữa. Kết quả là cuốn sách càng được photocopy và được đọc nhiều hơn.

Về logic học thì vô lý như vậy, nhưng nếu về tâm lý học thì lại dễ hiểu. Dễ hiểu như một cuộc tình. Khi phải lòng, nàng tặng anh khăn mùi xoa làm vật giao duyên. Tình nồng thắm, chẳng vấn đề gì. Giờ nàng đột nhiên không yêu anh nữa, giận, đòi lại khăn mùi xoa. Giá như anh điềm tĩnh mà nói rằng, khăn em tặng anh rồi, nó đã là của em, của anh, của đôi ta. Giờ tình mình đôi ngả, nhưng xin em hãy cho anh giữ khăn làm kỉ niệm. Có khi nàng cũng mủi lòng mà thôi. Nhưng có thể vừa chia tay mùa hè, khó ở trong người, anh đâm cục, nói: khăn cô tặng tôi rồi thì là của tôi, về lý thì cô không có quyền gì nữa. Nhưng cô đã thích thì đây, trả lại cô, tôi càng nhẹ người! Á à, anh nói lý à. Tôi sẽ ra tòa ly dị, tôi sẽ phân minh tài sản.

Những phiên tòa như vậy không phải ít. Nhìn ở góc độ nghiêm trọng, đây thậm chí là vấn đề có tính quốc tế mà người Việt Nam chúng ta, vì chưa có thói quen tìm hiểu thông tin, dường như còn đang rất thiếu ý thức về nó: vấn đề quyền tác giả. Nhưng thôi, chúng ta hãy cứ tạm đơn giản hóa mọi sự đi: về bản chất, đây chỉ là vấn đề thuần túy kinh tế học , homo, homo economicus: Của. Nó gói gọn trong một câu: cái khăn mùi xoa đó là của ai?

Trả lời câu hỏi này không dễ như ta tưởng. Bởi nếu lật lại các án lệ, người ta sẽ thấy rằng, các quan tòa cũng rất bối rối. Đúng là cái khăn mùi xoa đó là của nàng, nàng đã dệt nó, đã thêu nó. Dù không có hợp đồng, kí cọt gì, nhưng vì nàng đã [thuận tình] trao anh rồi, thế thì nó cũng là của anh. Năm ăn, năm thua. Không tin, các đương sự cứ đâm đơn ra tòa xem kết quả ra sao.

Liên quan đến vấn đề này, nhà văn Phạm Thị Hoài, người hẳn đã trải qua nhiều cuộc tình tan vỡ [trên talawas], đã hạ bút một câu tuyệt tác như sau, xin trích nguyên văn:

“Bài đã đăng trên talawas blog chỉ được phép sửa đổi, không được phép xoá hẳn.”
(Mục III, 10, Điều lệ talawas blog)

Kể cũng phũ phàng. Nhưng nó giúp tránh các loại đau đớn. Các đương sự liên quan nên tham khảo.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

28.09.2009
[VĂN HỌC] Tôi không hề biết ông Phan Nhiên Hạo, ông Phùng Nguyễn và ông Trần Tân Định ngoài đời thực, mà hoàn toàn chỉ tiếp xúc với con người – tư tưởng của các ông trên mạng. Nhưng qua cuộc trao đổi giữa các ông, tôi cũng có một vài suy nghĩ muốn trao đổi lại: đầu tiên là về vấn đề quyền tác giả trên các website tiếng Việt về văn chương, nghệ thuật, chính trị, xã hội... miễn phí và sau đó là cách hành xử giữa những người góp phần tạo nên đời sống văn hóa trên mạng... (...)
 
[VĂN HỌC] Đúng ra, góp ý này phải được gởi đến Tiền Vệ từ tuần trước, nhưng rồi tôi đổi ý chỉ vì không muốn làm sự việc rắc rối thêm. Nhưng nay, nhân đọc bài của ông Phùng Nguyễn trả lời Phan Nhiên Hạo và một độc giả, tôi quyết định gửi đến Tiền Vệ ý kiến của tôi... (...)
 
[VĂN HỌC] chia tay mùa hè / chia tay phan nhiên hạo / chia tay ễnh ương / “có cuộc chia tay nào mà không đầy / nước mắt?” / (nguyên sa) / nhưng may thay... (...)
 
27.09.2009
[VĂN HỌC] Trong cách nhìn của tôi, bài viết “Trả lời ông Phùng Nguyễn” của Phan Nhiên Hạo (Phan Nhiên Hạo) gần đây là một cử chỉ gỡ gạc tuyệt vọng của kẻ hụt chân và chỉ giúp bạn đọc nhìn rõ hơn tính khí không được rộng rãi của người viết... (...)
 
23.09.2009
[VĂN HỌC]... Trước nay thỉnh thoảng ta lại thấy có những kẻ sau khi cơm không lành canh không ngọt, nghỉ chơi với nhau, thì lôi thư từ của nhau ra mà đem lên báo, lên mạng để bôi bác. Trong quan hệ cá nhân, những trò đó đã không ngửi được thì trong quan hệ chữ nghĩa lại càng không ngửi nổi. Chia tay kiểu đó là chia tay luôn với văn minh chứ còn gì nữa?.. (...)
 
22.09.2009
[VĂN HỌC]... Trong bài “Chia tay mùa hè” đăng trên Da Màu mới đây, ông Phùng Nguyễn đã viết một đoạn dài có tựa đề “Chia tay Phan Nhiên Hạo”, trong đó đề cập đến chuyện lấy bài của tôi xuống khỏi Da Màu. Cách viết của ông Phùng Nguyễn có thể gây ngộ nhận và không được đàng hoàng. Tôi thấy cần phải lên tiếng. Tôi hy vọng chuyện này cũng đem lại một kinh nghiệm bổ ích cho những người làm văn chương mạng Việt Nam hôm nay... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021