tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vài điều xin hỏi hoạ sĩ Trịnh Cung  [đối thoại]

 

Tiếp theo “một người trẻ ở California”, xin có mấy câu hỏi với họa sĩ Trịnh Cung về những điều đã được họa sĩ nêu trong loạt bài phỏng vấn:

1- Trong bài họa sĩ Trịnh Cung có đoạn đề cập đến hội họa của các họa sĩ Miền Bắc Việt Nam và có ba ảnh minh họa tranh của Đặng Xuân Hòa, Đỗ Sơn, Hà trí Hiếu:

“... hội hoạ hiện đại của các hoạ sĩ miền Bắc rất mạnh về tính biểu hình. Tranh của họ có một điểm chung là: hình ảnh các nhân vật mang bản sắc nhân chủng rất “Bắc kỳ khắc khổ” với đôi mắt trắng dã mở to như muốn nói với chúng ta về sự phi lí và thảm hoạ từ chiến tranh dù là chiến tranh “giải phóng”. Họ cũng sử dụng tràn lan các mô-típ văn hoá đình làng để làm rõ tấm căn cước hoạ sĩ Việt Nam, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc vừa tạo sự khác biệt giữa hội hoạ hiện đại Miền Bắc với hội hoạ hiện đại các vùng miền khác. Đây cũng là cách bảo vệ chủ nghĩa độc lập dân tộc của những nghệ sĩ đã ít nhiều tham dự vào hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.”

Khi đã có một nhận định rất khái quát và chắc nịch về “một điểm chung...” thì xin họa sĩ Trịnh Cung trả lời giùm tôi về một số sáng tác sau của các họa sĩ: Nguyễn Quân, Nguyễn Quốc Hội, Nguyễn Minh Thành, Trần Trọng Vũ, Hồng Việt Dũng (xem minh họa) và chắc chắn còn rất nhiều người khác...

 

Tranh của Hà Trí Hiếu

 

Tranh của Trần Trọng Vũ

 

Tranh của Nguyễn Quân

 

Tranh của Nguyễn Quốc Hội

 

Tranh của Nguyễn Minh Thành

 

Tranh của Hồng Việt Dũng

 

Trong hình minh họa có thể thấy con bò trong tranh của Hà Trí Hiếu “với đôi mắt trắng dã mở to”, còn những “thằng người” của Trần Trọng Vũ với cặp mắt robot lại chẳng liên quan gì tới “bản sắc nhân chủng rất ‘Bắc Kỳ khắc khổ’”, ... còn những nhân vật trong tranh của ba họa sĩ còn lại thì... nhắm mắt. “Thế mới đau.” Vậy làm sao mà nói được “với chúng ta về sự phi lý và thảm họa từ chiến tranh dù là chiến tranh ‘giải phóng’...”?

Theo tôi, vẽ mắt nhắm hay mắt mở là tùy thuộc vào sở thích từng giai đoạn, từng tâm trạng, từng bức tranh của từng ông/bà họa sĩ cụ thể, Không có một định ước bắt buộc nào hết. Nhiều họa sĩ Miền Bắc trong xu hướng khai thác, học hỏi truyền thống văn hóa làng, văn hóa dân gian cũng như các bậc thầy của hội họa hiện đại thế giới, rất ưa thich trường phái Dã Thú và cách vẽ ngây thơ Naive, họ đã sáng tác theo lối đó (bởi phù hợp với lối sống tùy tiện, xởi lởi, ứng xử dân gian vẫn còn thấm đẫm trong họ và môi trường xã hội Việt Nam...). Ba họa sĩ mà Họa sĩ Trịnh Cung lấy làm minh họa là ba cá nhân điển hình và như các họa sĩ khác, họ sáng tác không để “...tạo sự khác biệt giữa hội họa hiện đại Miền Bắc với hội họa hiện đại các vùng miền khác...”

2- Khi bàn về mỹ thuật hay hội họa, thì phải thống nhất là cần lấy thước đo hay đứng trên quan điểm của lĩnh vực ấy mà xét rằng ông/bà họa sĩ được đề cập đã/đang sáng tác cái gì cho/thuộc về mỹ thuật. Có những người có thể làm giỏi nhiều việc, cũng như nhiều nghệ sĩ đa tài có thể sáng tác trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Họa sĩ có thể làm thơ, viết nhạc hoặc ngược lại. Vấn đề ở chỗ đâu là sở trường, đâu là sở đoản. Có thể học ngành này nhưng khả năng và ý thích lại phù hợp với ngành khác. Nguyễn Thúy Hằng là một nghệ sĩ trẻ có cá tính, chị tạo được dư luận thông qua một số sáng tác thơ, văn của mình. Ở đây xin hỏi họa sĩ Trịnh Cung: hai họa sĩ Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Thúy Hằng đã có quá trình sáng tác mỹ thuật như thế nào, những tác phẩm gì, triển lãm nào gây được ấn tượng và thuyết phục được giới mỹ thuật cũng như công chúng, để dẫn đên nhận định:của ông:

“...Họ đã xác lập tiếng nói mới cho mỹ thuật Việt Nam dù phải đối diện với hai rào cản rất khắc nghiệt: 1. Các nhà quản lý văn hoá ra sức kiểm soát nghệ thuật đương đại như một thứ văn hoá độc hại; 2. Mặt bằng kiến thức mỹ thuật trong cả nước còn lạc hậu...”

3- Chiến tranh Việt Mỹ đã qua 34 năm nhưng mặc cảm “thắng-thua”, “ta-địch” vẫn còn quá nặng nề ở cả phía một số người phải di tản xa đất nước và ở cả những người chiến thắng đang cầm quyền. Họa sĩ Trịnh Cung có lẽ cũng có những tâm sự riêng về chiến tranh quá khứ. Tôi hoàn toàn có thể chia sẻ và thông cảm những nỗi niềm của các bậc tiền bối. Nhưng mặc cảm “Quốc Cộng”, “Thắng-Thua” là mặc cảm của những “người già”, và nghệ sĩ cũng như nghệ thuật dù ở trong nước cũng như nước ngoài có lẽ ít người có tâm trạng này bởi nghệ thuật là để hàn gắn, liên kết mọi người (“Cái đẹp cứu chuộc thế giới” - Dostoievski) chứ không phải để chia rẽ. Chỉ khi nào mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài có thể gạt bỏ được quá khứ, nhìn rõ những nguy cơ cho dân tộc từ phía Bắc và phiá Đông... chúng ta mới có thể có được một nội lực đoàn kết đủ mạnh để tìm hướng cho việc xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, trân trọng các giá trị tự do, dân chủ, văn minh của loài người.

Cũng trên tinh thần lĩnh hội được từ bài trả lời phỏng vấn của họa sĩ Trịnh Cung, xin được có sáng kiến nhỏ để góp cùng với nghệ sĩ Ưu Đàm cho vui. Thay vì / và trên hai bao cao su vẽ hình hai lá cờ “ba sọc” và “sao vàng” thì Ưu Đàm nên lấy hai bao cao su khâu lại làm thành một bao có kích thước to gấp đôi, ở bên ngoài Ưu Đàm vẽ cả hai hình lá cờ “ba sọc” và “sao vàng” cùng “Mai vàng, Đào thắm” trang trí rực rỡ, cho tất cả cùng chung “Một cội”. Đảm bảo cả hai phe “Quốc-Cộng” đều thấy an lòng, không bị thiệt thòi. Để thêm phần “đậm đà bản sắc dân tộc kết hợp hiện đại”, phẩn đầu mũi bao cao su, Ưu Đàm nên bọc một hình chóp (hình nón lá) bằng kim loại Inox, đầy khí thế tiến công. Đảm bảo tinh thần và lực lượng Việt Nam sẽ là “Thứ dữ”, ba cái anh Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc... phải viện đến Viag... Đôla nhằm nhò gì!

Cũng không nên sợ văn hóa bao cao su không phải (và không hợp) thuần phong mỹ tục Việt Nam, bởi Ưu Đàm lớn lên và sinh sống ở Mỹ cơ mà. Cách nghĩ và hành động cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh mà thôi. Cũng như là người Việt dùng đồ (bao) Mỹ vậy.

 

TRƯỜNG THỤ

 

 

---------------

Bài liên hệ:

08.11.2009
... Trong một lúc nào đó xuất hiện một khe hở quản lý văn hoá ở Hà Nội hay Sài Gòn, thì cũng đã có những triển lãm sắp đặt, trình diễn của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành,... và tranh sơn dầu của Lê Quảng Hà (“Người Máy”), Nguyễn Thái Tuấn (“Black Painting”), qua đó các nghệ sĩ đã rất mạnh mẽ lên tiếng phản biện bóng tối toàn trị của nhà cầm quyền, phản biện sự tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận, quyền chọn lựa chính kiến, kể cả quyền chống ngoại xâm của người dân ở đây... (...)
 
09.11.2009
... Dù muốn hay không thì tiến trình toàn cầu hoá vẫn cứ xảy ra và đã xảy ra qua vô số ngõ ngách, nhất là khi nhà cầm quyền Việt Nam giảm bớt chủ trương “ngăn sông cấm chợ”. Sự va chạm với văn hoá bản địa trên đường xâm nhập vào Việt Nam tất nhiên không thể nhỏ, vì bản sắc chính trị của một quốc gia cộng sản và bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt nặng chất đình làng, hoặc cũng do mặc cảm lâu đời bị xâm lăng, thế nên nhà cầm quyền luôn có cảm giác đầy e sợ rằng những gì thuộc về tự do dân chủ sẽ tràn vào Việt Nam theo con đường toàn cầu hoá và sẽ lật mặt trái của chủ nghĩa toàn trị của Việt Nam xã hội chủ nghĩa... (...)
 
10.11.2009
... Nếu chúng ta đặt chính trị-dân tộc đứng ngoài phạm trù sáng tác nghệ thuật thì liệu có hạ thấp vai trò người hoạ sĩ Việt Nam? Chẳng lẽ chỉ có nghệ sĩ Phương Tây như Goya, Rembrandt, Delacroix, Picasso, Dalí, Marc Chagall,... mới có quyền vẽ về những bi thảm mà chính trị đã gây ra cho dân tộc của mình? Chẳng lẽ vì thế mà phần đông các hoạ sĩ bạn tôi nên xa lánh các vấn đề chính trị tồi tệ đang xảy ra cho đồng bào của họ? Theo tôi, nếu anh hay chị là nghệ sĩ đích thực thì không bao giờ dửng dưng với nỗi đau thương lớn của dân tộc mình, trừ phi sự dửng dưng ấy xác định chỗ đứng của anh hay chị ở về một phía khác của lịch sử... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021