tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nỗi lòng biết tỏ cùng ai?  [đối thoại]

 

Vừa qua Ngày Thơ Việt Nam xảy ra lắm sự vụ tếu táo dzui dzẻ trẻ trung, cạnh đó còn có mấy nỗi nghiêm nghị như thế này.

Nhà phê bình “nổi tiếng” Nguyễn Chí Hoan, người gác cổng phê bình tại tờ báo chính thống khét tiếng bảo thủ là Văn nghệ già, trong bài “Thơ, những đụn cát vô hình” đăng trên báo Văn nghệ trẻ, số tân niên 20-2-2011, đã viết:

“Một nhánh đi mới đây của xu hướng thơ cấp tiến là “thơ tân hình thức”, được xem là một sản phẩm mang tinh thần “hậu hiện đại” rõ rệt nhất của ngôn ngữ thơ ca (tui nhấn mạnh), ít ra cũng là thơ ca tiếng Việt đương thời.
 
Nguồn gốc thơ “tân hình thức” cũng được trình bày rõ là một trào lưu trong thơ ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, mà một nhóm nhà thơ người Việt sống ở bên đó đã tiếp thu về căn bản phương pháp nhằm mở một hướng mới cho thơ tiếng Việt.
 
Nhưng những bài thơ “tân hình thức” tiếng Việt trong nước cho đến nay tỏ ra không mấy thuyết phục, không phải vì nó mới quá, mà vì nó quá tếu táo hay khô cứng. Nếu sự tếu táo còn dựa được vào yếu tố trào lộng gây cười thì sự khô cứng lại không thể dựa gì vào nghệ thuật kể chuyện thô sơ và ngôn ngữ quá thông thường, thậm chí còn gò bó.
 
Trong khi đó kể chuyện bằng thơ là một truyền thống lâu đời ở người Việt…”
 

Sát cạnh tờ báo đó là bài viết của nhân vật mới được thăng [quan tiến] chức Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Inrasara. Chủ yếu đây là bài tóm lược tiểu luận đã đăng trên Tiền vệ từ tháng trước

http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=11172

Thăn tui tạm túm tắt lại cái tóm tắt đó như sau:

“Mười năm ngoảnh lại, thơ Việt phát triển theo năm dòng chính.
 
- Thơ “cổ truyền”, là thơ hậu Thơ Mới cùng đủ loại biến thái với các cách tân nửa vời, sáng tác quẩn quanh trong hệ mĩ học cũ, cảm thức cũ… Ngoài các loại thơ theo thể thơ truyền thống như lục bát, tám chữ, bảy chữ, thơ mười hai chân… không khó nhận mặt, thuộc trường phái này còn có thơ “cách tân” lạc hậu các loại. Cách tân, hoặc mang đậm di chứng của thơ Miền Nam nối dài, hoặc loại thơ viết theo lối thơ Nhân văn - Giai phẩm rơi rớt lại cùng nhiều biến thái và dạng thơ “cách tân” theo dấu chân Nguyễn Quang Thiều vừa bước qua.
 
- Thơ tân hình thức là phong trào thơ do Khế Iêm khai sinh ở Mĩ vào năm 2000, truyền bá sang Việt Nam, được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn tích cực hưởng ứng, tạo không khí thơ sôi động một thời.
 
- Thơ nữ quyền luận, khai mào từ khá sớm với Dư Thị Hoàn, Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Khánh Mai... đến nhóm Ngựa Trời xuất hiện tại Sài Gòn bằng tập thơ Dự báo phi thời tiết (2006), vấn đề nữ quyền trong văn chương mới hiển lộ rõ hơn. Nữ quyền luận hậu hiện đại đẩy tư tưởng này dấn thêm một bước quyết liệt hơn. Khía cạnh nào đó, Phan Huyền Thư và Đinh Thị Như Thúy đã thể hiện được tinh thần nữ quyền luận hậu hiện đại này trong các sáng tác mới nhất của mình.
 
- Thơ thị giác (visual poetry) trong đó thơ trình diễn (poetry performance) là một nhánh nổi bật.
 
- Và cuối cùng, vào đầu thiên niên kỉ, từ sự chuyển động thơ ca qua những tìm tòi khai phá, với bao hi vọng lẫn hụt hẫng ấy, đột ngột nảy sinh một biến cố, biến cố mang trong mình khả tính cách mạng. Đó là trào lưu thơ hậu hiện đại. Đây chắc chắn là trào lưu khởi phát sớm nhất và được [người đọc cấp tiến] kì vọng hơn cả trong thời kì hậu đổi mới. Nó được khơi mào từ giữa thập niên cuối của thế kỉ XX và nở rộ cùng văn chương mạng tiếng Việt. Hậu hiện đại chủ động tồn tại bên lề sinh hoạt văn học dòng chính qua hình thức mạng internet và cả ở dạng in photocopy. Và chúng đã làm nên cuộc thay đổi lớn.”
 

Về mấy nhận định õng ẹo thì tui không dám giơ tay ý kiến.

Riệng vụ phân lô chia luồng, người thì cho hậu hiện đại thuộc nhánh khác với tân hình thức, kẻ thì khẳng định đinh đóng là “thơ tân hình thức”, được xem là một sản phẩm mang tinh thần “hậu hiện đại” rõ rệt nhất”.

Thế là thế nào nhỉ? Đám nhóc làm thơ thắc mắc. Thăn tui cũng lấy làm thắc mắc không biết hỏi ai. Đành cậy đến Tiền Vệ thôi vậy.

Làm ơn, dạ thưa làm ơn.

 

Thăn Sài Gòn

 

 

-----------------

Bài liên quan:

22.02.2011
[NGÀY THƠ VIỆT NAM] ... Quý ông Đỗ Nguyên Phong trích dẫn trong mẩu Đối Thoại “Đột biến” hay “mượn đỡ” đồ cũ? một đoạn thơ của một nữ sĩ mà ông cho là “hơi rởm”, thì e quý ông chưa “sành điệu” chăng? ... (...)
 
21.02.2011
[NGÀY THƠ VIỆT NAM] ... Cái gọi là “đột biến” trong màn trình diễn thơ của Vi Thùy Linh chỉ có nghĩa là, về thơ thì chị chỉ nhắc đến cái tên của tháp Pisa nghiêng ở Ý để làm sang, còn về hình thể biểu diễn thì chị “mượn đỡ” từ các bức tranh mà René Magritte đã vẽ cách đây gần một thế kỷ!... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021