tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời chị Ngọc Thu  [đối thoại]

 

Thưa chị Ngọc Thu:

Cám ơn và rất mừng là chị đã có câu hỏi, những câu hỏi hiền ơi là hiền. Tôi xin trả lời như sau:

Trước tiên, nhìn chung tôi thấy những câu hỏi của chị chủ yếu là xoay quanh việc tôi “vặn vẹo” Phạm Duy sao phổ nhạc thơ người này mà không phổ nhạc thơ người kia; trong khi ý của tôi là: Phạm Duy không phải là người làm nhạc tầm thường, và sở dĩ ông không phổ nhạc thơ Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên là vì như ông nói: “Hai ông nầy thơ hay thật, thế nhưng thơ của hai ông lý trí quá khó phổ thành nhạc được.” Nói như thế nghe được không? Cái mà tôi nêu ra là việc “Phạm Duy đã nói như thế”, chứ không phải là việc “ông ấy phổ nhạc thơ của người này mà không phổ nhạc thơ của người kia”. Nhưng có thể là do tôi diễn đạt không suôn sẻ thế nào ấy, nên chị đã hiểu ra và đặt câu hỏi như thế.

Kế nữa, tôi thấy cốt lõi những câu hỏi, nhất là phần đầu của câu số 3 của chị đã góp phần làm sáng tỏ hơn và vô tình giúp tôi triển khai ra thêm cái ý/cái điều mà tôi đề cập đến trong bài viết “Pham Duy ba xạo?”. Cái điều đó là, xin nhắc lại nơi đây: (Cái “rắc rối của cuộc đời” thường có nhiều dạng, hay nhiều hình thái. Một trong nhiều hình thái đó là sự che đậy.)

Nhân tiện chị hỏi, bây giờ tôi “bèn” triển khai cái ý đó ra thêm và cam đoan với chị cái ý này nó sẽ đầy “tiền bảo chứng” (nhờ có những câu hỏi của chị) như sau:

Cái “rắc rối của cuộc đời” thường có nhiều dạng, hay nhiều hình thái. Một trong nhiều hình thái đó là sự che đậy, NGAY CẢ NHỮNG KHI KHÔNG CẦN THIẾT.

Như thế, ý của tôi là: không thích thì nói không thích, hay không “cảm” được thì cứ nói không “cảm” được cho nó khỏe gà, mà lại hiên ngang và đầy khí thế, chưa kể là cho nó yên ổn với lương tâm tối ngủ yên, có ai cấm đâu; như thế nó vừa là hợp lý hợp tình chẳng ai bắt bẻ; chưa kể như thế lại càng hay ho, hay ho là vì (theo tôi) trên hết như thế nó THÀNH THỰC môt cách chân quê rất đáng ngưỡng mộ; chứ nói cái kiểu đó như Phạm Duy thì rõ ràng là “không thật” như tôi đã thưa.

Cái nữa là, rất “duyên dáng Việt Nam” hơn: như thế có cần thiết không? Tôi thì nghĩ là không, bởi vì chuyện làm nhạc phổ thơ của ai của ai là quyền tự do, là chuyện “tâm cảnh” như chị nói, là chuyện riêng tư như đi ra đường tôi muốn mặc cái gì tôi mặc, mắc mớ gì ai đâu thì hà cớ gì cần phải biện giải, nhất là biện giải một cách “không thật”. Nghệ sĩ đích thực trước tiên là cần phải thành thực với chính mình... có phải thế không thưa chị?

Cám ơn chị cái nữa là chị đã cho là tôi đã chẻ sợi tóc ra làm tư làm tám gì đó. Thông thường, theo tôi hiểu, khi cho ai đó là làm tám làm tư gì đó thì cũng là ý kiến về “người” chứ không phải về “việc”; vì thế tôi xin được quyền miễn trả lời, nhưng cũng xin cám ơn chị đã có nhã ý chiếu cố tới phần cá nhân có thể là “hãm tài” của cá nhân tôi...

Cũng trong câu số 3 chị có hỏi tôi “vặn vẹo” ông ta để làm gì, thì thưa chị, nói một cách vui vui, lâu lâu cứ cho là tôi “đá giò lái” ông ý một phát, hay “đá giò lái” người này một cái, “đá giò lái” người kia một đá, như thế có được không chị? Nói như thế không có nghĩa là tôi muốn hạ thấp sân chơi “đối thoại” này thành một nơi để người ta “đá giò lái”, nhưng thưa chị, ở sân chơi này, với tư cách là một công dân mạng dù là hạng cá kèo đi nữa, tôi vẫn có quyền tra vấn — nói theo chị là “vặn vẹo” — tôi tra vấn cho tới nơi tới chốn, trong khả năng của mình và trong chừng mực cho phép, và miễn là tra vấn của tôi nó make sense; tôi cho đó là nghĩa vụ, còn tỷ như chị không thấy như thế thì âu đó cũng là chuyện thường tình. Nói một cách nghiêm chỉnh, biết đâu những tra vấn lơ tơ mơ của tôi như thế này sẽ dẫn đường cho một chuyện hay một điều gì đó cần phải tra vấn khác, có khi là quan trọng hơn thì sao? Một cách cụ thể hơn, tôi thấy ông ấy nói “không thật” thì tôi tra vấn, hay nói như chị là “vặn vẹo”, để đi tìm sự thật chứ để làm chi nữa thưa chị?

Trả lời chị tới đây tôi thiển nghĩ là đã tạm đủ và cũng đã là cạn ý trong khả năng của mình, nếu chưa, xin chị vui lòng cho hay. Phần tôi, nếu có nghĩ ra thêm được điều gì nữa đáng nêu ra trong việc trả lời này, tôi sẽ xin bổ túc sau.

Một lần nữa, cám ơn chị và rất mừng là chị đã quan tâm.

Trân trọng.

Kính,

Chu Hà

 

 

-----------------

Bài liên quan:

17.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Nhạc sĩ chọn một bài thơ để phổ nhạc trước hết là do ông ấy thích bài thơ đó. Còn ông ta không chọn bài nọ bài kia vì ông ta... không thích những bài đó, không có cảm hứng... (...)
 
15.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Làm gì có chuyện một con người duy lý mà lại chạy làng trước những bài thơ “lý trí quá”... (...)
 
09.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Cách đây 13 năm, mình được một anh bạn mời tới nhà ăn mừng tân gia. Mục đích là để khoe nhà, sẵn khoe luôn dàn máy Karaoke mới sắm. Chủ nhà hát liên tiếp 5 bài hát mở hàng dàn máy. Lúc đó mình như thấy tuần tự hình ảnh Phạm Duy - Trịnh Công Sơn - Từ Công Phụng - Lê Uyên Phương và Cung Tiến ngã lăn đùng ra chết giấc... (...)
 
08.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Hát karaoke — đây là đang nói về karaoke đàng hoàng, chứ tuyệt nhiên chẳng có dính dáng gì đến karaoke ôm bậy ôm bạ như ở Việt Nam — cũng có thể được xem là một sự bùng nổ dữ dội, ít ra là tại những nơi có người Việt mình tại Mỹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021