tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thương lượng với bạo lực, hay “Chuyện con gián và cây kiếm nhựa”  [đối thoại]

 

Thời của chính trị thương lượng

Tin thế giới trong gần đây cho biết Tổng Thống Afghanistan vừa quyết định sẽ bảo đảm tính mệnh cho ông Mullah Omar, thủ lĩnh phe Taliban đang bị Mỹ treo giải thưởng hằng chục triệu USD để bắt được hoặc giết chết ông ấy. Và cũng tin hấp dẫn nhất, tổng thống Mỹ mới đắc cử, Barack Obama, vừa công bố ông sẽ hoà giải với Iran, nước mà chính quyền Mỹ hiện do ông Bush lãnh đạo liệt vào một trong số những nước nguy hiểm nhất, đang tiến hành chế tạo bom nguyên tử đe doạ tới nền an ninh Hoa Kỳ và thế giới.

Thực ra chuyện thương lượng với các tổ chức bạo lực đã xảy ra từ lâu dưới hình thức kêu gọi đối thoại công khai được quốc tế bảo hộ hoặc dưới dạng đi đêm qua trung gian của những nhà ngoại giao trung lập. Tuy nhiên, những kết quả của các hoạt đông như thế đã không mang lại tốt đẹp như mong muốn. Hoà bình và quyền sống của con người ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tiếp tục bị xâm hại nặng nề. Vậy thì từ niềm tin nào mà hai ngài Hamid Karzai và Barack Obama lại cùng một thời điểm công bố chủ trương phải thương lượng với với “bạo lực”?

Nếu người ta chịu khó điểm lại những cái ác mà con người dành cho đồng loại của hắn, từ khi còn ở thời kỳ đồ đá cho tới ngày nay – khi con người đã đổ bộ lên tới mặt trăng – thì cái ác không hề thuyên giảm mà còn nhờ tiến bộ khoa học, trong đó mạng internet và điện thoại di dộng, ngoài tiện ích kinh khủng trong việc điều hành mạng lưới tổ chức khủng bố, buôn lậu vũ khí và ma tuý, còn đã giúp cho các hoạt động chế tạo và kích hoạt bom tự tạo dễ dàng hơn, bất kỳ ở nơi đâu và bất kỳ lúc nào. Vì thế, thế giới chắc không bao giờ có hoà bình. Nếu ở đâu đang tạm thời có hoà bình thì ở đó có sự nơm nớp lo sợ khủng bố; càng giàu có càng dễ trở thành mục tiêu của khủng bố. Những bài học vô giá diễn ra từ vụ toà tháp đôi ở New York bị Al-Qaeda đánh sập bằng máy bay, nhà ga xe lửa ở Madrid Tây Ban Nha bị đánh bom làm chết và bị thương hằng trăm người, tàu điện ngầm Luân đôn bị đánh bom, cho đến vụ bom nổ ở Bali - Nam Dương làm chết và bị thương nhiều du khách quốc tế...

 

Thời phá sản của đấu tranh bất bạo đông

Vậy, rõ ràng súng đạn không chỉ là cái vốn mạnh nhất và hữu hiệu nhất để thương lượng của những kẻ căm thù các thế lực giàu có đang cai quản phần lớn thế giới, mà cả bọn thổ phỉ cướp bóc bắt cóc và buôn lậu đang hoành hành từ Nam Mỹ đến Phi Châu, từ Đông Bắc Âu đến Á Châu cũng làm ăn phát đạt nhờ nó. Và rất có thể, cả hai trường hợp này lại chỉ là một. Đây là một hình thái khác của toàn cầu hoá mà người ta không dám thừa nhận. Và thực sự nó đang đẩy thế giới vào thế cùng cực bối rối, Tổ chức Liên Hiệp Quốc đang trở nên lúng túng trước sự nghèo đói bệnh tật của hằng triệu con người trên thế giới, bất lực trước chiến tranh sắc tộc thảm khốc như vô tận ở Châu Phi và bó tay trước cuộc thánh chiến đổ máu mỗi ngày của người Hồi Giáo... Thế sự hỗn mang này đã đẩy những vấn nạn về tự do dân chủ, quyền con người... xuống hàng hết sức thứ yếu, thậm chí còn bị coi là những đòi hỏi không mấy cần thiết. Vụ Tây Tạng, mới hôm nào, người Anh đã đứng về phía người Tây Tạng bị Trung Quốc đàn áp, thì nay chính phủ Anh vừa nhìn nhận Tây Tạng là của Trung Quốc. Thật ra thì con đường chính trị này phải như vậy thôi, các nhà nước dân chủ tư bản chỉ cần phải diễn vai người của tự do dân chủ một lúc nào đó cho phải đạo, rồi làm ăn vẫn cứ tiếp tục kiểu “đưa người cửa trước rước người cửa sau”. Đừng trách người Anh vừa tát một gáo nước lạnh như thế vào phong trào đòi dân chủ cho Tây Tạng, người Pháp đã chẳng từng trải thảm đỏ đón Giang Trạch Dân, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung quốc, đến thăm điện Élysée-Paris chỉ sau vài tháng vụ xe tăng nhà nước cộng sãn Trung Quốc đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình ôn hoà của sinh viên và trí thức Trung Hoa đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 hay sao? Mà nghe nói đâu trong vụ nổi dậy này của phong trào dân chủ Trung Quốc có sự cổ vũ ngầm của những nhà dân chủ Pháp! Ôi, còn nghi ngờ gì nữa, thời của đấu tranh bất bạo động theo cách của Ngài Gandhi (Ấn Độ) đã qua rồi, càng thực sự qua rồi khi chúng ta thấy các cuộc tuần hành ôn hoà của hằng ngàn nhà sư Miến Điện mới đây đã thất bại thảm hại như thế nào trước họng súng và dùi cui của quân phiệt Miến Điện; và vừa mới đây, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nhận ra chân lý “bạo lực là sức mạnh đàm phán” của thời hôm nay, mà Phật giáo thì cấm sát sinh, nên ngài đành tuyên bố thôi đối thoại ôn hoà với Trung Quốc cộng sản. Thế đấy, chỉ có bọn cầm súng, dùng bom tự sát tấn công vào bất cứ nơi nào mà họ muốn và bắt cóc người để yêu sách thì người ta cần thương lượng và chấp nhận chia sẻ quyền lực nếu cần để tìm kiếm hoà bình, dù bản chất của nó thực ra đâu có hoà bình bền vững. Vụ giải trừ vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng của Mỹ là một ví dụ của một quá trình thương lượng bấp bênh, dễ bị lật lọng và hết sức tốn kém tiền của, thời gian của phía Mỹ, mà đã chắc gì có kết quả như mong đợi.

 

Bạo lực là đối tác của phe dân chủ tư bản

Vậy, có phải do ngẫu nhiên hay cùng chiến lược “thay đổi” của tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama mà ngài Hamid Karzai của nước Afghanistan đã vừa công bố chủ trương thương lượng với Mullah Omar, kẻ đã từng gây nên thảm hoạ cho dân tộc Afghanistan và đang cùng với Al Qaeda dùng bạo lực tạo nên nỗi sợ hãi khủng khiếp thường trực cho nền dân chủ mới khôi phục ở quốc gia hồi giáo khốn khó này để mưu cầu hoà bình? Và nếu đúng như thế, trong tương lai gần, phe ác (tạm gọi phía nổi dậy hay dùng súng, bom và bắt cóc) đã thực sự được công nhận là đối tác của nền dân chủ tư bản chủ nghĩa. “Đôi bên cùng có lợi”, không biết ai là cha đẻ cái sáng kiến rất ư là “hậu hiện đại” này, nhưng với học thuyết này, lợi hay hại cho nhân loại thì chưa được phân minh, tuy nhiên, đối với phe ác thì họ đang rung đùi tự do phát triển. Làm gì được nhau! Đã có cái nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau và mỗi quốc gia có những khái niệm khác nhau về dân chủ thì chớ nên áp đặt kiểu của nước mình cho nước khác, cần gì thì nên tiếp tục trao đổi qua kênh ngoại giao để không ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc và đang ngày càng được nâng lên một tầm cao mới! Đối thoại là thượng sách của ngoại giao ngày nay mà!

Trở lại chuyên của Ngài Tổng Thống Hamid Karzai và Ngài Tổng Thống Mỹ mới đắc cử, Barack Obama, nếu làm được chuyện kéo Mullah Omar vào bàn hội nghị cho một giải pháp hoà bình ở Afghanistan và Iran thôi sản xuất bom nguyên tử, thì hai ông không chỉ xứng đáng nhận được giải thưởng Nobel về hoà bình, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại về việc qui phục những cái ác bằng ngôn từ ngoại giao. Để quí vị suy đoán việc này sẽ đi về đâu, tác giả xin nhắc lại một chuyện khá lý thú “Con gián và cây kiếm nhựa”, như sau:

Thằng bé đang chơi với cây kiếm nhựa bỗng hét lên:”Bố ơi, có con gián, ghê quá, bố ơi bố!” Ông bố nhìn con và ôn tồn nói: “Con có cây kiếm mà sợ gì?” Thằng bé đáp ngay: “Nhưng con gián là thật, còn cây kiếm của con là đồ giả mà bố!”

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021