tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tranh sao chép, nhưng chữ ký thật: Hiện tượng tranh chính bản và tranh sao chép của các họa sĩ tài danh  [đối thoại]

 

(phiếm luận về hội họa)

 

Trong lãnh vực hội họa, hiện tượng sao chép hay mô phỏng tranh của các họa sĩ tài danh để bán lấy tiền không phải là điều gì hiếm hoi. Nhiều bức tranh được mô phỏng tinh vi khiến nhiều nhà chuyên môn về hội họa cũng có thể lầm tưởng là tranh chính gốc. Sự giả mạo khéo léo tới mức đã có ý kiến đề xuất là nên xem việc giả mạo tranh như là một trường phái riêng biệt và tranh giả mạo cũng có thể được sưu tập, lưu giữ trong các bảo tàng viện riêng.

Ðó là trường hợp giả mạo tranh của người khác. Còn một khi chính tác giả hay chính tác giả ủy nhiệm cho người khác sao chép tranh của chính mình thì sao? Ta phải thẩm định loại tranh này như thế nào?

Cách đây vài tháng, trong bài báo "Người đẹp trong tranh“, tác giả Nguyễn T. Long đã đề cập tới phát hiện của ông là họa sĩ Thái Tuấn, một họa sĩ nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam, đã sao chép một bức tranh của chính ông đã vẽ hàng chục năm về trước.

 

Chuyện mua tranh ở Việt Nam

Quãng cuối năm 1979 tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên. Lý do là bố tôi bị bệnh nặng. Tôi lấy phép thường niên, cộng với vài tuần nghỉ không ăn lương về thăm nhà, song giấy tờ lôi thôi rất khó khăn, tới khi xin được Visa chưa kịp về nước thì thì bố tôi đã mất. Tôi có nhiều thì giờ ở SaiGon, mà thời đó làm gì có thú vui nào. Cả nước đói khổ, chẳng ai có tiền để ăn uống cho đầy đủ, nói chi tới chuyện chơi bời. Thành ra thì giờ của tôi ở Saigon dạo ấy chỉ là lang thang phố phường, ngó vào vài cái Galerie bầy tranh vẽ lăng nhăng dành cho đám du khách ngoại quốc hay Việt kiều ít ỏi thời đó. Gặp được họa sĩ Vũ Hối, từ đó mới lần ra địa chỉ các họa sĩ còn ở lại trong nước.

Tôi đến nhà của Thái Tuấn, trong 1 con ngõ hẹp. Găp ông ta cùng 1 cậu con trai. Hỏi mua tranh. Thái Tuấn mang 2 bức tranh cho xem. Tranh cũng thật là điển hình, nhìn là biết ngay là tranh Thái Tuấn. Một bức tranh vẽ thiếu phụ cầm quạt, một bức vẽ chim đậu trên hàng kẽm gai, cả hai có màu nền là màu xanh đặc biệt của ông. Tôi hỏi thăm ý nghĩa của bức tranh chim. Thái Tuấn không trả lời thẳng, nói vòng vo tam quốc, cuối cùng là người xem phải tự tìm hiểu ý nghĩa tranh. Cũng giống như nhiều nghệ sĩ thành danh khác, ông không nói gì cả về dụng ý khi vẽ tranh, muốn để mọi người tự tranh-cãi về tác phẩm của mình.

Thái Tuấn đòi 4 cây vàng cho 2 bức tranh. Thời đó là rất nhiều tiền, Với 4 cây vàng, người ta có thể trả tiền vượt biên cho 2 người. Tôi ngần ngại, không muốn mua ngay, một phần vì cũng không có nhiều tiền lắm,vì mới đi làm kiếm tiền được vài năm, một phần vì tranh hồi đó rẻ như bèo.Danh họa Bùi Xuân Phái, còn có tên là Phái Phố, không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn có danh ở nước ngoài vì những bức tranh vẽ phố cổ Hà Nội của ông, ngày đó đã đổi một bức tranh (bức “Đêm Hà Nội”) để lấy một đồng hồ quân đội trị giá khoảng nửa chỉ vàng. Sau này bức họa này được một người sưu tập tranh Nhật Bản mua lại với giá 75000 USD.[1] Làm như là các họa sĩ lúc đó bán tranh chỉ là cốt để lấy lại tiền khung vải, tiền mầu, tiền cọ để mua gạo hay bo bo sống qua ngày. Các “tác phẩm”, tạm gọi là hàng chợ, sản xuất đại trà phần lớn vẽ cảnh đồng quê, con trâu, cái cầy, hàng dừa nước, thôn nữ… chỉ có giá không tới 1 chỉ vàng bán cho khách du lich dễ tính mua làm kỷ niệm.. Các tác phẩm của các họa sĩ đã có danh mà tôi mua, trị giá chỉ chừng 2-3 chỉ vàng/1 tấm lớn. Thái Tuấn đòi giá gấp 10.

Về nhà, tôi nói chuyện tranh Thái Tuấn với Vũ Hối. Vũ Hối bảo, để Anh lo cho Chú. Vũ Hối quen biết nhiều trong giới nghệ sĩ và người thưởng ngoạn nghệ thuật. Đi tìm mua được cho tôi 2 bức tranh Thái Tuấn mà một bức trong đó (“Để em làm gió”) là đề tài tranh luận trong bài báo này. Hai bức này Vũ Hối mua lại của 1 người cần tiền gấp ở làng Đại Học ở Thủ Đức. Giá cả cũng không cao như 2 bức của chính tác giả muốn bán.

 

Để Em Làm Gió, tranh chính bản và tranh vẽ lại của Thái Tuấn

Bức tranh vẽ thiếu phụ xanh, mà tôi đang sở hữu, không rõ là được vẽ năm nào, trước “giải phóng” hay sau “giải phóng” - tôi không biết - tôi tạm gọi là bức “Để em làm gió, số một” để phân biệt với bức “Để em làm gió, số hai” mà Thái Tuấn vẽ năm 1992. Sự hiện hữu của bức tranh thứ hai đã có nghi ngại từ khi tình cờ tôi đọc được trong 1 tờ báo hải ngoại quảng cáo 1 quyển thơ có tựa đề: Để Em Làm Gió, thơ Trần Mộng Tú, Tựa :Đỗ Quý Toàn, Thế Kỷ xuất bản ở Mỹ 1996, giá 10 USD. Bìa và phụ bản Thái Tuấn.Nhìn lại trang bìa thì chính là bức tranh của tôi, nhưng nhìn kỹ lại, bức hình bìa cũng không hoàn toàn giống tranh của tôi. Phát hiện của tác giả Nguyễn T. Long đã khẳng định điều là Thái Tuấn đã sao chép lại chính tác phẩm cũ của ông đến quãng 90% cho in làm bìa quyển thơ và in lại trong quyển Thái Tuấn,tuyển tập tranh và tiểu luận.[2]

 

Tranh chính bản và tranh sao chép của các tác giả khác

Nhiều họa sĩ Việt Nam khác cũng đã sao chép những tác phẩm thành công của mình.

Vũ Hối là 1 họa sĩ, ngoài ra còn chụp ảnh và làm thơ. Quãng năm 1962 Vũ Hối tham dự 1 cuộc thi tranh vẽ của Tổng Thống Kennedy đoạt được giải nhất với bức tranh “Mộng hòa bình”. Về giải thưởng này, người ta đã bình luận là Tổng Thống Kennedy có dụng ý chính trị nhiều hơn là nghệ thuật, khi ông dùng “Mộng hòa bình” để trấn an chính phủ ông Diệm, trong lúc đã có nhiều dấu hiệu cho thấy là Kennedy muốn mở rộng chiến tranh với sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ.

Khi tôi gặp Vũ Hối trong thời gian này(1979), Vũ Hối rất tình cảm, tặng ngay bức tranh đó cho tôi, như là món quà thân tình cho người bạn nhỏ. Tôi sướng mê tơi. Sau này, xem lại các bài báo in lại bức tranh đó, kể cả bìa các cuốn băng nhạc, mới thấy có khác biệt giữa bức tranh của tôi, và bức tranh in trên báo. Mới biết là tranh của mình không phải là bản đầu tiên và duy nhất.

Sau này Vũ Hối sang Mỹ. Rồi không biết với danh nghĩa gì (Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam?) Vũ Hối sang Âu Châu, được tổng thống Havel/ Tiệp Khắc tiếp kiến. Tổng Thống Havel vốn là thi sĩ, cũng là nghệ sĩ nên cho họa sĩ Vũ Hối gặp thì cũng là dễ hiểu. Vũ Hối đem theo quà cho tổng thống Havel. Quà của họa sĩ Vũ Hối chính là bức tranh “Mộng Hòa Bình” mà ông lại vẽ lại. Không biết là bản thứ mấy!

Vũ Hối có bản tính phóng khoáng nghệ sĩ, tôi rất quí ông. Tôi không trách Vũ Hối về việc cóp-py tranh của chính mình. Song nếu ông nói ngay cho tôi là bức tranh ông tặng tôi là bản thứ 2, thứ 3... vẽ lại, thì chắc là tôi không phải thất vọng sau này.

 

 
 
“Mộng hòa bình” - tranh Vũ Hối (1962?)
Hình trên là bản in bìa một băng nhạc
Hình dưới là hình chụp tranh nguyên thủy

Ở Sài Gòn dạo đó, tôi gặp nhiều họa sĩ có tên tuổi, làm thầy dậy ở trường Mỹ Thuật Gia Định, có thể kể tới Tú Duyên, chuyên vẽ tranh lụa. Tú Duyên có dáng như 1 ông thầy giáo già. Găp Thuận Hồ, có tranh in trong quyển Nghệ Thuật Việt Nam hiện đai,[3] vẽ tranh sơn dầu, dễ thương, có dáng cần mẫn như 1 ông bố hiền lành.Gặp Nguyễn Siên, giáo sư hội họa chuyên vẽ tranh sơn dầu, lúc đó lại theo thị hiếu người tiêu thụ, nhảy ra làm tranh sơn mài.

Tôi gặp Trần Đắc ở tư gia của ông đúng lúc ông đang dậy vẽ cho 1 cô gái trẻ. Ông chuyên vẽ tranh lụa, có tranh in ngay ở bìa quyển cẩm nang Nghệ Thuật Việt Nam hiện đại nêu trên. Tôi đặt vấn đề mua tranh, đặt mua ngay bức tranh vẽ cảnh sinh hoạt nông thôn ở hình bìa sách . Một tuần sau đó, Trần Đắc… cóp-py gần y-chang bức tranh nổi tiếng của ông và bán cho tôi…

Tôi gặp Kiều Yên, một họa sĩ trẻ từ Hà Nội vào. Kiều Yên khi ở Hà Nội, chỉ quen với kiểu nghệ thuật răng-đen-mã-tấu, khi đến Sài Gòn thì bị chóa mắt vì cảnh phồn vinh ở SaiGon, vì các cô gái SaiGon quầng mắt xanh, bờ môi hồng xinh đẹp như tiên, đã xuất thần vẽ 1 bức tranh 3 cô gái đi xe đạp, mà anh ta phải đặt tên là “Ngày hội tri ân cô giáo”, để phù hợp với tiêu chỉ chính trị thời đó. Không biết sau này Kiều Yên có gây dựng được tên tuổi của mình không. Song bức tranh này, theo tôi,rất có giá trị nghệ thuật, tác giả vẽ với cảm xúc thật sự, không phải lả vẽ theo đơn đặt hàng. Tôi nghiệm ra rằng, 1 họa sĩ vô danh cũng có lúc có thể cho ra 1 tác phẩm lớn. Một họa sĩ thành danh đôi lúc cũng vẽ những bức tranh tầm thường, giá trị không cao.Chữ ký trên tranh chưa bảo đảm được giá trị tranh.

Vài năm sau đó, tôi trở lại thăm nhà ở Saigon, lại thấy bức tranh “Ngày hội tri ân cô giáo” của mình bày bán trong 1 Galerie. Ông tác giả lại sao-chép tranh của mình bán thêm. Song tranh sao-chép không còn cái hồn của tranh nguyên bản, trông chẳng ra gì.

 

Lạm bàn về giá trị của tranh chính bản và tranh sao chép

Chuyện sao chép tranh chính bản không có gì mới. Ngay cả những bảo tàng viện cũng cho phép một số người với những điều kiện nhất định vào bảo tàng viện sao chép lại những tác phẩm kinh điển vĩ đại của nhân loại, nói chi tới những tác phẩm hiện đai chỉ có giá trị trong một không gian nhất đinh? Song những tác phẩm cop-py này không được phép ký tên tác giả nguyên thủy. Nếu điều này xẩy ra, thì đó là chắc chắn là một sự lừa gạt.

Nhưng đối với những tác phẩm mà chính tác giả sao chép lại và ký tên mình thì ta phải đánh giá như thế nào?

Về phương diện nghệ thuật, thì tranh sao chép không thể bằng tranh chính bản, bởi vì nó được ra đời không phải vì nghệ thuật, không phải vì niềm cảm xúc của người vẽ mà vì những lý do nào khác. Phân biệt giữa tính đích thực (authenticity) của tranh tác-giả-tự-sao-chép và tính nguyên-thủy (originality) của tranh sáng tác đầu tiên, theo tôi chỉ có tính cách hàn-lâm. Nếu nhìn nghiêm túc, thì tranh sao-chép có chữ ký thật, dù là do tác giả hay học trò tác giả làm ra, cũng là một sự giả dối đối với người mua tấm tranh đầu tiên nói riêng và với người thưởng ngoạn, nói chung. Bởi vì tính cách duy-nhất/độc nhất vô nhị, vốn là một phần giá trị của bức tranh, đã không còn nữa. Sự tin tưởng của người mua tranh là mình sở hữu một vật thể duy nhất đã bị tổn thương.

Nên chăng, là họạ sĩ cũng cần một ước lệ nào đó cho tranh mình vẽ, để người xem biết ngay, đó là tranh nguyên thủy hay tranh tác giả tự sao-chép, giống như qui ước đối với đồ họa (graphic)?

Bởi vì trong quá khứ cũng có những bức tranh được sao chép nhiều lần, mà sau này hậu thế không thể khẳng định được, tấm nào là tranh chính bản, tấm nào là sao chép. Đó là trường hợp bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh (1931), mà hiện nay có một bản tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam và một bản tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Châu Á (Fukuoka, Nhật Bản). Không biết tấm nào là tấm chính bản, tấm nào là sao chép. Có khi cả hai đều là sao chép, mà bản chính gốc không biết ở đâu.[4]

 

oOo

 

Những bức tranh của Thái Tuấn, Vũ Hối và các họa sĩ khác cũng đã đóng góp rất nhiều vào nền Mỹ Thuật Việt Nam trong những thập niên 60-70. Dù gì chăng nữa, những tác phẩm đặc sắc của họ cũng là một phần của tinh hoa dân tộc

Đối với riêng tôi, giá trị của những bức tranh mà tôi đã mầy mò tìm kiếm trong những năm tháng đó, không nhất thiết nằm ở chỗ chúng là tranh chính bản hay tranh sao chép, tranh đích thực hay tranh duy nhất, định giá được 2-3 chỉ vàng hay 5-7 cây vàng, mà nằm nhiều hơn ở cốt cách tinh thần của chúng biểu hiệu cho một vùng trời xa xôi, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên, nơi đã để nặng dấu ấn lên tôi trong suốt cuộc đời...

 

_____________

Chú thích:

[1]Thanh Thuận, “Ba câu chuyện thú vị về danh họa Bùi Xuân Phái“ (2009).

[2]Nguyễn T Long, “Người đẹp trong tranh“ (2014).

[3]Nghệ thuật Việt Nam hiện đại, sách do Nha mỹ thuật học vụ, bộ quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng Hòa ấn hành (1961).

[4]Nguyễn Đình Đăng, “Đi tìm một phong cách Hà Nội trong hội hoạ“ (2010)

 

 

------------------

Bài liên quan:

03.07.2014
[MỸ THUẬT] ... Cũng như cái khoảng trống trong tranh thuỷ mạc Trung Hoa để dành phần tưởng tượng cho người xem, Thái Tuấn dùng mầu sắc của hậu cảnh để diễn tả và kích thích cảm quan của người thưởng ngoạn nhiều hơn là cho thấy một bố cục lộ liễu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021