tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về đại từ nhân xưng “ông/bà” và việc dùng thể thơ để viết phê bình văn học  [đối thoại]

 

Về đại từ nhân xưng “ông/bà”

Trong bài “Trao đổi cùng Hà Thanh Thuỷ xung quanh bài viết của Lữ”, Trà Đoá đề nghị với tôi: “...để có hiệu quả, Hà Thanh Thuỷ nên đưa cái cụm đại từ “ông/bà” vào thế chỗ trong bài viết của Lữ để thấy hậu quả như thế nào.”

Bài viết của Lữ có hai đoạn. Đoạn trên hoàn toàn không nói đến “nhà phê bình” và “ông”, nên không cần phải thay thế gì cả. Đoạn dưới mới là đoạn nói đến “nhà phê bình” và “ông”. Vậy, tôi xin thay thế “ông/bà” vào những chỗ cần thiết, để “thấy hậu quả như thế nào” (theo đề nghị của Trà Đoá):

Nhà phê bình, là người đọc, mà cũng là người viết. Nhà phê bình viết xuống cái đọc của mình. Cách đọc đó, cũng chính là cách nhà phê bình viết. Khiêm tốn hơn, ông/bà sẽ không chỉ cho ai cách đọc một tác phẩm văn học. Tự nhiên hơn, ông/bà sẽ nói: ‘Tôi đọc như vậy đó.’ Và điều này có nghĩa là: Tôi sống như vậy đó. Không ai bắt chước ông/bà được. Mỗi người phải tự sống cuộc đời của mình: Đừng bắt chước. Người đọc phải dùng sự sống của chính mình mà tiếp cận với một sáng tác phẩm. Mỗi lần đọc, ta khám phá thêm một vài điều mới lạ. Cái mới, cái lạ, cái hay, có mặt ở trong đời sống hàng ngày của bạn. Nó không nằm trong một tác phẩm văn chương. Và ta càng không thể tìm ra nó qua ngòi bút của một nhà phê bình. Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn.

Thưa ông Trà Đoá, ông “thấy hậu quả như thế nào”?

Riêng tôi thì tôi thấy rất “hậu quả” là rất tự nhiên, thoải mái, không có “bối rối” chỗ nào cả.

Lẽ tất nhiên Lý Đợi (có lẽ vì hơi muốn lên gân để... “nịnh đầm”) nên nói hơi quá lố. Ai cũng thấy là Lữ dùng chữ “ông” một cách bình thường theo lối nói thông thường của đa số người Việt, chứ không phải ông ấy có ý “kỳ thị giới tính”, tuy dùng như vậy vào thời nay thì dễ bị xem là không được “politically correct”!

Trở lại với chuyện “ông/bà”. Trà Đoá viết:

Cách dùng “ông/bà” như Hà Thanh Thuỷ đề nghị, ngoài các bất tiện đã nói, cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Vì “ông/bà” không thể thay thế được cho “anh/chị”, “hắn ta/cô ta”, “thằng/con”,... Còn giới phê bình có thêm một giới tính nữa là “đồng tính” như Lý Đợi đã viết, thì không biết Hà Thanh Thủy sẽ dùng cụm đại từ gì?

Xin được đáp lời:

1. Cách dùng “ông/bà” đã được chứng minh ở trên đây là rất khả thi và hiển nhiên là giải quyết được vấn đề lắm đấy chứ!

2. Trong ngôn ngữ trao đổi văn học mang tính nghiêm túc, tương kính và chuyên nghiệp, ta gọi các nhà phê bình là “ông” hay “bà”, hay “ông/bà”. Gọi các nhà phê bình là “anh/chị” (anh Hoài Thanh, chị... Hoài Cảm...) thì không phải là lối gọi trong môi trường giao lưu chuyên nghiệp và nghiêm túc. Trong môi trường này, các lối gọi “hắn ta/cô ta”, “thằng/con”... lại càng không thể chấp nhận. Vì thế, sự “bàn rộng ra” của Trà Đoá như vậy là... trật chìa.

3. Đối với các nhà phê bình thuộc giới đồng tính, thậm chí lưỡng tính, ta vẫn có thể gọi họ là “ông/bà”. Họ có thể tự xem họ là “ông” hay “bà” hay cả “ông” lẫn “bà”. Tôi có hỏi thử một vài người bạn đồng tính về chữ “ông/bà”, thì họ nói là cách dùng này công bình, không kỳ thị.

 

Về việc dùng thể thơ để viết phê bình văn học

Dĩ nhiên trường hợp của bài thơ “An essay on Criticism” của Alexander Pope (1688-1744) không là ngoại lệ. Ví dụ đến ngay trong trí tôi là bài thơ dài đồ sộ L'Art poétique (1674) của nhà thơ kiêm phê bình gia Nicolas Boileau, và hai trăm năm sau đó có bài thơ ngắn hơn nhưng cùng tên, “L'Art poétique” (1874) của thi sĩ Paul Verlaine. Chắc hẳn hai ông người Pháp này đã “bắt chước” nhà thơ kiêm phê bình gia Horace Horace (65-8 B.C.), người đã viết cái luận văn phê bình lừng danh dưới dạng một bài thơ dài đồ sộ: Ars Poetica.

Nếu cần, hôm nào rảnh tôi sẽ lục lọi để tìm nhiều ví dụ nữa.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

18.09.2009
[VĂN HỌC] ... Một nhà phê bình giỏi có thể khiến cho người khác quan tâm đến một tác phẩm nào đó. Nhưng khi người đó đọc tác phẩm được nhà phê bình giới thiệu, người đó nên dùng sự trải nghiệm của mình để thưởng lãm nó (trải nghiệm trong cuộc sống bao gồm nhiều thứ như: sự giáo dục, nền văn hoá, môi trường tự nhiên, xã hội... và cả việc đọc những bài viết của nhà phê bình)... (...)
 
15.09.2009
[VĂN HỌC] ... Nói đúng ra, người ta có thể dùng bất cứ thể loại văn chương nào để viết ra những ý tưởng phê bình. Ví dụ như bài thơ lừng danh “An essay on Criticism” của Alexander Pope (1688-1744). Đó là một bài thơ, hiển nhiên như vậy, nhưng nó vẫn được xem như một bài nhận định mang tính phê bình văn học... (...)
 
14.09.2009
[VĂN HỌC] ... Về bài viết “Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn” của Lữ, tôi có vài ý kiến chung quanh các nhận định của Phan Quỳnh Trâm và Lý Đợi... (... )
 
13.09.2009
[VĂN HỌC] ... Phải chăng nhà phê bình là / và chỉ là “ông”? Tôi e là không phải. Bởi lịch sử phê bình cho thấy, có ông, có bà, và có cả giới đồng tính nữa... (... )

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021