tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vài điều ngẫm ngợi cuối năm con Chuột trước khi đổi thành Trâu  [đối thoại]

 

1.

Trong cuộc họp lần thứ 4 - Quốc Hội khoá 12 - của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tại buổi chất vấn các Bộ trưởng, ông Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những câu trả lời chất vấn mà theo những người theo dõi thì đó là sự thể hiện những tâm huyết của một người trí thức trong bối cảnh bị ràng buộc, thất quyền và âm thầm gửi gắm bất bình...

Nhưng trong thực tế khi phân tích lại tất cả những gì vị Bộ trưởng này đã đối đáp thì thấy rằng những nhận định trên chỉ đúng một phần. Buổi trả lời chất vấn của ông chỉ phản ánh cái kịch tính, sự khôi hài và vô vọng của một bầu khí quyển chính trị đang buổi chiều tàn. Hơn nữa, nó cũng mang lại cho nhân dân một thông điệp về những khó khăn, những giới hạn quyền lợi và những thiệt thòi họ phải gánh nhận. Và sẽ còn gánh nhận lâu dài nếu như không có sự thay đổi chính trị tại Việt Nam ....

Và điều này cũng cho thấy sự bất mãn trong dư luận nhân dân là có cơ sở, là chính đáng vì họ đã nhận thức được mình bị xỏ mũi, mình bị đẩy vào một tình thế, một bối cảnh nguỵ tạo trong suốt hơn ba mươi năm nay mà vẫn không có lối thoát. Có thể ví chính sự Việt Nam là một vở kịch lớn, và thời gian các trường đoạn của vở kịch diễn ra quá dài dòng, không rõ ràng cũng như chẳng mang lại một ý niệm tốt nào cho tập thể khán giả hơn tám mươi triệu người...

Trở lại buổi chất vấn trong cuộc họp Quốc Hội, khi được hỏi vì sao Chính phủ đã bỏ ra một số tiền không nhỏ trong chiến dịch sạch hoá môi trường và sạch hoá lương thực, bảo đảm an ninh lương thực cho nhân dân nhưng đến bây giờ tình hình an ninh lương thực vẫn còn là vấn đề nhức nhối, bất an, không có dấu hiệu khả quan nào; những vụ ngộ độc thức ăn trên qui mô lớn tại các công ty, các xí nghiệp cũng như trong các hoạt động dân sinh vẫn xảy ra như cơm bữa... Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời vừa nghiêm túc vừa đùa giỡn rằng nếu ví an ninh lương thực tại Việt Nam là một mâm thức ăn thì quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ giới hạn duy nhất trong việc ngửi xem thức ăn này có ăn được hay không, có độc hay không, nếu có độc thì khuyên không nên ăn, trường hợp an toàn thì thôi...

Vì sao? Vì những quyết định nhập khẩu lương thực và những hàng hoá liên quan đến nhu yếu phẩm lại thuộc về Bộ Công thương mà trong thực tế thì Bộ này không có khá năng thẩm định y tế thực phẩm. Và nói đến nguồn lương thực, nói đến chế độ nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp, hạt giống, thuốc trừ sâu... thì lại thuộc về Bộ Nông nghiệp mà Bộ này cũng không có khả năng thẩm định y tế. Như vậy, những nguồn thực phẩm đã bị mất căn cứ xác định độ an toàn ngay từ đầu. Điều này dẫn đến hệ quả là an ninh lương thực tại Việt Nam luôn khủng hoảng, luôn bị bỏ trống và không có cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể...

Trong quyền hạn cho phép của mình, Bộ Y tế chỉ được kiểm định chất lượng, độ an toàn thực phẩm trên mâm ăn, mà đâu phải mâm ăn nào cũng được kiểm định, vì lẽ Bộ Y tế dù có ba đầu sáu tay vẫn không tài nào quan sát tất cả những bữa ăn, đó là chưa kể đến trường hợp người ta ăn vụng, người bán thức ăn không có trách nhiệm, nguồn thức ăn không có xác định rõ ràng... Nói xong, Bộ trưởng nhìn ra chung quanh một lượt, vẻ đắc ý và mãn nguyện.

Câu chuyện nghe ra có vẻ buồn cười và ngỡ rằng đơn giản, như đó là sự chồng chéo thiếu khoa học, thiếu liên kết nhịp nhàng giữa các Bộ với nhau... Nhưng thật ra, mặt trái của nó là sự thiếu trách nhiệm và thiếu năng lực cơ bản của cơ quan quản lý Nhà nước, cho thấy rằng trong hơn ba mươi năm lãnh đạo và quản lý đất nước, Nhà nước Việt Nam vẫn không đạt được một sự tiến bộ đáng kể nào. Và vấn đề manh mún trong kế hoạch quản lý, rắc rối trong phân chia quyền lực vẫn còn xảy ra, vẫn còn là ung nhọt...

Điều này dẫn đến tình trạng chính ung nhọt đó đã tự bục vỡ, tự huỷ chính mình... Niềm tin của nhân dân mỗi lúc càng thêm suy giảm. Sự khủng hoảng mỗi lúc thêm trầm trọng. Niềm hi vọng hồn nhiên trong nhân dân đã thành một loại xác chết gây ô nhiễm...

Qua diễn biến của cuộc họp nói chung và buổi chất vấn nói riêng, người quan sát có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao không có sự liên kết giữa các Bộ bằng cách cử chuyên gia hỗ trợ nhau? Vì sao sau cuộc họp, vẫn không có một văn bản cụ thể chỉ đạo phương án bảo vệ an ninh lương thực cho nhân dân?

Thực ra, cho dù có khờ khạo đến mức nào thì người ta cũng đủ sức để biết rằng giữa các Bộ này có sự liên kết với nhau (để biết được điều này không mấy khó khăn, chỉ cần nghe đài, xem truyền hình hay đọc báo cũng đủ gặp không ít các thông tư liên Bộ, các quyết định có tính liên đới giữa các Bộ...) nhưng vì một lý do bí ẩn nào đó mà cho dù có liên kết, có cử chuyên gia đến hỗ trợ nhau vẫn không đem lại kết quả tốt đẹp nào, nhân dân vẫn chịu thiệt thòi.

Vì sao? Mở rộng vấn đề ra một chút sẽ thấy ngay nguyên nhân của nó. Thứ nhất, vì chuyện tham nhũng, móc ngoặc đã thành nếp ăn sâu trong hoạt động của bộ máy nhà nước, trong khi đó sự man trá, dùng hàng giả kém chất lượng nhằm thu lợi nhuận cao, không quan tâm đến lương tri, trách nhiệm và sức khoẻ người tiêu dùng luôn là thói quen của phần lớn các nhà buôn Việt Nam. Điều đó dẫn đến hệ quả nhà doanh nghiệp sẽ mua chuộc, đút lót các chuyên gia, chuyên viên kiểm định để được phớt lờ, được sử dụng hàng hoá, thực phẩm kém chất lượng, có độc tố. Có như vậy họ mới có lãi cao, mới mau giàu.

Và trong đó, các dự án, các khoản tiền có liên quan đến kế hoạch bảo vệ an ninh lương thực cũng bị chia năm sẻ bảy, khi đi vào thực tiễn hoạt động cũng chẳng còn bao nhiêu đồng. Và khi hoạt động, tính thiếu trách nhiệm, sự thiếu năng lực của người có liên quan (tôi nói điều này hoàn toàn có cơ sở vì trong thực tế mặt bằng tri thức của các cán bộ quản lý nhà nước Việt Nam rất thấp, phần lớn là chuyên tu, tại chức, thậm chí chạy bằng giả... để duy trì chức vụ) nên chất lượng thực hiện công việc cũng không tới đâu, làm qua loa lấy lệ cho xong, làm để rửa tiền hợp lệ...

Đó là chưa kể đến chuyện kèn cựa địa vị, kèn cựa quyền lực giữa các thế lực, giữa các cá nhân có trách nhiệm vì nguyên nhân tư lợi!

Và, vì sao sau cuộc họp Quốc hội vẫn không đưa ra được phương án, kế hoạch nhằm mang lại một kết quả cụ thể cho vấn đề an ninh lương thực của nhân dân? Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì chưa có cuộc họp Quốc Hội nào của Việt Nam có được một kế hoạch cụ thể kể từ trước tới nay. Toàn là những dự thảo, những qui chế có tính dự phòng, sai đâu sửa đó, khắc phục sau, nhận lỗi sau khi sai, để gọi là có trách nhiệm... Không phải riêng gì lĩnh vực an ninh lương thực mà tất cả mọi lĩnh vực tại Việt Nam đều như vậy, đều có tính hình thức, và khi làm xong rồi thấy sai thì sửa, sửa xong rồi làm tiếp, thấy sai tiếp thì sửa tiếp... Nhưng sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai, do không có thực tâm muốn sửa, vì thực sự sửa thì sợ mất quyền lợi...

Đến khi sửa xong (?!) thì tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của nhân dân. Nhưng đó là chuyện đã rồi. Trách nhiệm không thuộc về riêng ai, trách nhiệm chung, tội chung, không ai phải đứng ra lãnh tội và càng chẳng có ai dại gì đứng ra tố giác vì làm như vậy là “con bươi chín mười con lủm”, là ngu... Vậy thôi, khôn thì sống. Mà những người làm trong bộ máy Nhà nước Việt Nam thì toàn “khôn” thôi, chẳng có mấy người “ngu” đâu! Đừng mong đợi gì khác!

 

2.

Trong vụ việc về phiên toà xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, nếu truy nguyên về động cơ của nó sẽ thấy rằng sở dĩ hai này báo này dám nói tất cả sự thật vì khi họ cho đăng tải thông tin trên báo chí, họ tin vào chiến dịch chống tham nhũng, tin vào những người khởi xướng chiến dịch cùng với quyền lực của họ . Nhưng đến khi sự vụ được phanh phui, hàng loạt những gương mặt vốn được xem là sáng giá trong bộ máy nhà nước bị tố giác, điều này vô hình trung làm lộ ra bộ mặt thật không mấy hay ho, không đúng như những gì người ta nghe thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng gọi là sự trong sạch, sự liêm khiết, sự tiến bộ của người Cộng sản nói chung và của người Cộng sản Việt Nam nói riêng... Và sự kiện này làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cũng như quyền lực của những con người đang ngồi ghế lãnh đạo cao cấp của Nhà nước Việt Nam.

Chính điều này đã dẫn đến hai khuynh hướng, hai chính kiến khác nhau trong vụ PMU18.

Một bên cố gắng phanh phui tận gốc rễ nhằm tạo ra sự minh bạch, tạo thêm uy tín cho một chính thể mở rộng, lấy kinh tế làm kim chỉ nam, lấy hoạt động đầu tư làm đà phát triển (vì không một nhà doanh nghiệp nào dám cả gan đầu tư vào một quốc gia mà ở đó không có sự minh bạch, ở đó tham nhũng hoành hành, pháp luật không rõ ràng...; và chuyện người đại diện tối cao của Tổng Lãnh sự quán Nhật tuyên bố ngưng hoạt động đầu tư, tài trợ ODA vào Việt Nam sau vụ IPC gần đây là một minh chứng), lấy kinh nghiệm các nước tiến bộ làm bài học mà trong đó đáng kể nhất phải là kinh nghiệm của các nước tư bản...

Còn một bên thì lấy sự tồn tại của chế độ, lấy quyền lực độc tài làm tiêu chí phát triển mà trong đó, Trung Quốc là người anh em, là người đỡ đầu, là ân nhân... Chính sự mâu thuẫn nội bộ này đã dẫn đến phiên toà xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải. Bản chất thật của phiên toà là cuộc đấu quyền lực, cuộc đấu giành đẳng cấp của hai phe nhằm khẳng định sức mạnh và khả năng thao túng của mình để thông qua đó tiếp tục duy trì chỗ đứng, duy trì quan điểm, duy trì tiêu chí hoạt động chứ không phải là phiên toà mở ra nhằm thực hiện công lý!

Và khi Nguyễn Việt Chiến bị ngồi tù, Nguyễn văn Hải chịu nhận tội cũng có nghĩa là phe bảo thủ đã thắng, phe mở rộng còn non nớt về quyền lực, mỏng về sự hỗ trợ từ các nước tiến bộ (vì dù sao đi nữa, trong con mắt của các nước tiến bộ, họ vẫn chưa đủ tiến hoá và chưa đủ tin tưởng để được ủng hộ đúng mức, được hậu thuẫn...), đã ngậm bồ hòn chịu nhượng bộ, chịu lép vế. Và khi ván cờ đã ngả ngũ, những con tốt đã được thí, mọi hoạt động lại đâu vào đấy. Cuộc họp Quốc Hội sẽ được khai mạc và uy tín đã được bôi trơn, dễ dàng đưa ra những sách lược có lợi cho sự tồn tại của mình mà không bị cản địa, không bị há họng mắc quai...

Đương nhiên câu chuyện về phiên toà xử hai nhà báo Nguyễn Việt chiến và Nguyễn Văn Hải chỉ là ví dụ đơn cử dễ thấy nhất trong chuỗi dài những hành tung không bình thường của Nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây. Còn rất nhiều vấn đề để bàn trong lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng nếu như nêu ra thì e rằng câu chuyện sẽ rất dài, xin được đề cập đến những vấn đề này trong một bài viết khác.

Những ngày cuối năm 2008 đang từ từ trôi qua mái nhà, những người dân nghèo vẫn đang héo ruột vì chuyện cơm áo gạo tiền mùa giáp tết, và câu chuyện vẫn phải bỏ dở như một công trình đang được thi công nằm chình ình giữa phố trước bao con mắt cam chịu và hoài nghi... Câu chuyện không đầy đủ này xin được xem như món quà dành cho việc tráng miệng sau khi ăn một khối hổ lốn thức ăn có nguy cơ sình bụng, mà đã là người Việt thì chắc không có ai tránh được chuyện nếm nó một vài lần trong đời...

Trong lúc tôi ngồi viết những dòng lan man không đầu không đũa này, đồng hồ chỉ sang hai giờ sáng, tôi biết ngoài kia vẫn còn rất nhiều cô cậu đi “ăn đêm”, vẫn còn nhiều em bé lang thang từng con hẻm bưng hủ tiếu thuê, dáng mệt mỏi vì mất ngủ và mất tuổi thơ, vẫn còn nhiều bà cụ nằm ngủ lạnh trong cái rét mùa Giáng sinh trên vỉa hè, vẫn còn nhiều người phu già ngủ co ro trên chiếc xích lô... Tất cả họ đều có chung một gương mặt buồn, một đôi mắt nhắm nghiền thổn thức, một nỗi niềm viễn xứ ngay trên quê hương... Dường như cái Tết đối với họ xa lạ lắm...!

 

 

-------------------

Các bài liên hệ:

27.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] Mời bạn đọc xem một bản tin của VIETNAMNET ngày 26/12/2008 để biết cách hành xử của chính quyền vì dân và do dân... (...)
 
22.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] Cứ sau mỗi trận bão, người dân quê rơi vào khó khăn, nhà cửa, tài sản hư hại, người chết..., thì chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh tưng bừng như mở hội, cờ đỏ sao vàng bay phất phới... Vì sao?... (...)
 
09.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Tôi mới đọc bài báo “Cam kết với dân (ODA)” dưới đây của nhà báo Huy Đức, một nhà báo nhạy bén và rất can đảm ở Việt Nam hiện nay. Huy Đức viết về một số sự kiện chung quanh việc nhà tài trợ ODA của Nhật đình chỉ việc cho Việt Nam vay nhẹ lãi trong các công trình phát triển và xây dựng đất nước... (...)
 
05.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Lịch sử dân tộc Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến nay có thể tóm tắt vào một chữ: Nhục. [...] Nhục quá đi chứ? Chỉ có những kẻ vô liêm sỉ mới không thấy nhục... (...)
 
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] (phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh) ... Nếu Thượng Ðế ban cho tôi ba điều ước, tôi chỉ ước một điều: làm ơn bứng Ðảng Cộng sản khỏi Việt Nam và hốt giùm 3 triệu đảng viên bỏ lên sao Hoả!... (...)
 
03.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Một dân tộc vốn tự hào là ra ngõ gặp anh hùng, thế nhưng 80 triệu người Việt Nam đã câm lặng chịu nhục hoặc thờ ơ vô cảm. Chính quyền hiện hữu đã thành công trong việc triệt tiêu sức đề kháng của dân tộc... (...)
 
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Giai cấp hiện nay chúng ta cần thể hiện tình thương yêu là giai cấp nào? Tại sao giai cấp ấy lại cần thương yêu mà không phải là toàn thể nhân dân?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021