tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đỉnh cao trí tuệ  [đối thoại]

 

Sáng mồng Ba Tết, tính hạ quyết tâm ngủ nướng thì cái mobile quên tắt kêu như giặc: - Vĩ đại lắm, kinh hoàng lắm, thêm sự kiện nữa đây. Moa có hỏi qua vài anh chị, họ nói vụ va quẹt này to đấy. Bồ xem xét hồ sơ mà phang nhé.

Tôi biết tính ông bạn ưa trầm trọng hóa vấn đề. Tưởng cái gì, té ra nó như vầy:

Phong Điệp trong bài “Điểm danh văn học trẻ 2009” trên web Phongdiep.net 16-2-2010, ở mục “Văn học dân tộc thiểu số: tự tin tiến về phía trước” có viết:

Từng có ý kiến cho rằng các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam chưa có tác phẩm sáng giá, bởi những nguyên nhân chính: 1. Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. 2. Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. 3. Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách. 4. Nhà văn chúng ta chưa biết và dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5: Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.
 

Hơn một tháng trước đó, trên Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2010, trả lời phỏng vấn “Giải thưởng cần hướng về phía mới, phía tương lai”, Inrasara nói:

Tại sao các nhà văn dân tộc thiểu số chưa sáng tác được các tác phẩm lớn?
 
Inrasara: Chưa có tác phẩm sáng giá, có mấy nguyên nhân chính. Thứ 1: Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. Thứ 2: Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. Thứ 3: Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách (...) Thứ 4: Nhà văn chúng ta chưa biết/ dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5: Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.
 

Ờ, khá lắm! Lặp lại nguyên xi câu văn người ta mà chả khai báo tên tuổi, chả thèm bỏ nó vào cái ngoặc. Chỉ làm mỗi thao tác trịch thượng là “từng có ý kiến cho rằng” vậy thôi. Không sao, phiền là cô này chơi tiếp trò khỉ:

Inrasara trong bài “Cái nhìn sòng phẳng”, Tạp chí Văn hóa Dân tộc, tháng 11-2009, viết nguyên văn:[1]

Thế nhưng, nhìn một cách toàn cảnh, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam 5 năm qua đã có những bước chuyển rõ rệt, cả ở tự thân lẫn nhìn nhận từ phía công chúng.
 
Về thơ, các tác giả thế hệ trước vẫn viết đều đặn, vẫn cho ra đời tác phẩm ngày càng chín hơn. Y Phương, Mai Liễu,... Hữu Tiến từ văn xuôi chuyển sang thơ, năm 2008 cũng kịp cho ra đời một tập thơ đặc sắc. Thế hệ chuyển tiếp có Lò Cao Nhum, Dương Khâu Luông, Ngọc Minh,... Thế hệ mới, bên cạnh Bùi Tuyết Mai ở miền Bắc, Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên là hàng loạt tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng, độc đáo. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mang toàn cầu (LQT nhấn mạnh) hay Blog cá nhân. Trà Vigia, Jalau Anưk càng viết càng hay. Sau đó hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi hương của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009. Là tín hiệu sáng sủa.
 
Nhìn qua mảng văn xuôi, dễ nhận thấy có vài biến chuyển tích cực với tác phẩm dài hơi như Đàn trời của Cao Duy Sơn, tập truyện ngắn của Niê Thanh Mai hay Bùi Như Lan. Chăm có Trà Vigia với tập truyện Chăm h’ri độc đáo. Năm 2008, tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó – Đông Nam Á, ghi một dấu ấn đáng kể. Sự kiện này còn ghi nhận sự đánh giá tích cực của độc giả cả nước về sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số.
 

3 tháng sau, Phong Điệp điểm danh như sau:

Nhưng, nếu theo dõi sự chuyển động của văn học những năm qua (LQT nhấn mạnh), đặc biệt hai năm trở lại đây thì có thể nhận thấy văn học của các tác giả dân tộc thiểu số dần định hình được trong lòng công chúng và xác lập vị trí của mình trong đời sống văn học nước nhà. Bên cạnh thành tích rất đáng nể của các nhà văn lớp trước như Cao Duy Sơn (Ngôi nhà xưa bên suối - giải thưởng Hội nhà văn 2008 và giải thưởng văn học ASEAN 2009), Inrasara (Lễ tẩy trần tháng tư - giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và Giải ASEAN 2004), Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007)... thì thế hệ mới cũng đã định hình và phát triển không ngừng. Đó là Bùi Tuyết Mai, Tằng A Tài, Chu Thị Minh Huệ ở miền Bắc; Nie Thanh Mai, Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên. Đó là một loạt các tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mạng. Hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi hương của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009.
 
Rõ ràng, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam đang được tiếp sức bởi một đội ngũ các tác giả trẻ hung hậu và đang tự tin tiến bước về phía trước.[2]
 

Kiểu “điểm danh” suýt soát nhau dzậy thì xin miễn bàn, biết đâu do hai tư tưởng lớn đụng nhau! Hay thần giao cách cảm chi chi đó. Nhưng tại sao:

Inrasara (tháng 11-2009):

hàng loạt tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng, độc đáo. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mang toàn cầu (...) Sau đó hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi hương của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009.

Phong Điệp (tháng 2-2010):

một loạt các tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mạng. Hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi hương của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009.

Y chang! Mà người sao chép lại quên khuấy đi dấu ngoặc kép, hử đỉnh cao trí tuệ XHCN đã từng “nếu theo dõi sự chuyển động của văn học những năm qua”??? Nếu nói tư tưởng lớn đụng nhau, thì tang chứng rành rành đây: Inrasara đã viết nhầm Mùi thơm của im lặng thành Mùi hương của im lặng, Phong Điệp đã cắt dán lại hệt cái sai kia!!!

 

Thế là rõ: Bên cạnh một Inrasara-từng-có-ý-kiến đã phát biểu bậy bạ, còn có một Inrasara-Phong-Điệp-khác theo dõi rất oách văn học dân tộc thiểu số.

Tạm kết: Nếu vụ Ngô Hương Giang là vừa ăn cướp vừa la làng, thì vụ này dân gian ta cần tìm cho ra một thành ngữ mới mà đặt tên cho nó vậy.

 

Sè Goòng, Mồng Ba Tết con Hổ Giấy.

 

_________________________

[1]Bài đăng lại trên báo Quân đội nhân dân, 22-12-2009, “Cái nhìn sòng phẳng”.

[2]Tôi biết Inrasara ngoài sức đọc dữ dằn của mình, đọc từ trong đến ngoài nước, dân tộc thiểu đến dân tộc đa số vân vân, anh còn là Trưởng Ban lý luận phê bình của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, ông theo dõi kỹ là đúng rồi. Hai ý trên anh đã nhiều lần nêu lên với văn phong khác nhau trước đó. Còn Phong Điệp, hà cớ, đi nói theo. Nói theo mà làm như chính mình tổng kết được. Rồi phê ông Inrasara theo kiểu rất bà nội: “từng có ý kiến cho rằng”.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

14.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao không hối cải? Vì tự ái? Vì tự cao? Vì mải lo noi gương sáng của Bác Hồ vĩ đại mà quên hết những đạo đức căn bản của một con người nhỏ bé nhưng lương thiện? Hay do mặc cảm? Hay do cá nhân mình thực sự chỉ là một tên ăn cắp đáng bị độc giả và dư luận khinh khi?... (...)
 
13.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Bài “Bàn thêm về cái gọi là ‘đạo văn’ của Nguyễn Hưng Quốc” trên Da Màu ngày 10/02/2010 là một trong một loạt những phản ứng kỳ lạ của Ngô Hương Giang, kẻ đã đạo văn của Nguyễn Hưng Quốc. Đầu đuôi câu chuyện như sau... (...)
 
17.01.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Theo tôi, điều đáng lo ngại nhất chính là ở chỗ “bất chấp liêm sỉ” ấy. Ăn cắp thì ở đâu cũng có. Nhưng, bình thường, bọn ăn cắp thường bị xã hội khinh miệt, do đó, ít nhiều cảm thấy xấu hổ; cũng do đó, bao giờ cũng có vẻ lén lén lút lút. Ở đây, ngược lại, những người ăn cắp lại không có vẻ gì thẹn thùng cả. Nó cho thấy có sự xói mòn về phương diện đạo đức, đặc biệt, đạo đức trí thức... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021