tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
THẬN NHIÊN - Nhà văn Việt Nam nghĩ về Hội Nhà văn Việt Nam: “Ăn bám, mua vui bằng tiền của nhân dân”  [chuyên đề  ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM]

 

Hoàng Ngọc-Tuấn thực hiện

 

Dưới đây là những câu hỏi do Hoàng Ngọc-Tuấn đặt ra để phỏng vấn các nhà văn Việt Nam trong nước và ngoài nước nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Những câu hỏi này được gửi đến rất nhiều người, cả những người đang là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn những người ở bên ngoài Hội. Những bài trả lời sẽ được đăng trên talawas và Tiền Vệ.

_________________

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)...”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

 

Thận Nhiên: Tôi nghĩ, “cuộc tụ họp” này cũng là một trò hội hè nhiều phần là tốn kém và vô bổ như vô số hội hè trên đất nước Việt Nam. Đây cũng là dịp để lắm kẻ diễn trò lưu manh (chữ của tôi), xỏ lá (chữ của nhà văn Tạ Duy Anh). “Goành cháng”, trong vụ này, tôi có thể chiết tự tếu rằng “goành” là “quanh co, vòng vèo”, còn “cháng” là “choáng váng”, tóm lại là “một màn rửng mỡ quanh co, vòng vèo” làm cho nhân dân “choáng váng”.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

 

Thận Nhiên: Dự hay không dự cái Đại hội này là tuỳ vào lựa chọn của mỗi người. Tôi có vài người bạn là hội viên Hội Nhà văn, và trong thời gian gần đây đôi khi tôi được nghe họ trò chuyện về kỳ đại hội này, về việc dự hay không dự, về chi phí đi lại và ăn ở, về việc bầu bán, về những bài tham luận sẽ đọc hoặc sẽ không đọc mà tung lên mạng (của Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo…), về những bài thơ có tính cách giễu cợt, trào phúng trong các kỳ đại hội khác (của Nguyễn Duy [?])… nhưng tuyệt nhiên không nghe một ai bàn bạc hay kỳ vọng về những thay đổi hay đường hướng xây dựng cái Hội đó. Điều đó cho tôi thấy rằng tình trạng và giá trị của Hội Nhà văn Việt Nam là đã “hết thuốc chữa”, không gì khác hơn một tổ chức vô ích, ăn hại và ăn bám vào ngân sách nhà nước, hay cụ thể hơn, tiền của của nhân dân.

Có người còn cho rằng đi dự đại hội cũng không khác gì với việc có dịp đi thủ đô chơi một chuyến, ung dung du hí, hay cao đạo hơn, đi xem thiên hạ diễn trò hề múa may đấu đá nhau – mà không phải mất tiền tàu xe ăn ở. Ngẫm lại thì đây là một ý nghĩ bất công, bần tiện, và vặt vãnh, phải không nào?

Tạ Duy Anh cho rằng đây là một trong “những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui”, tôi đồng ý với ông, nhưng xin nói thêm rằng “trò mua vui” bằng tiền của của nhân dân, thì các hội viên, nếu có lương tri, ý thức và tự trọng, nên mạnh dạn tẩy chay nó, thay vì có thái độ cơ hội hay thoả hiệp với nó.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam , lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

 

Thận Nhiên: Văn chương được Đảng quan tâm từ bao lâu nay, từ trước, và thậm chí suốt trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, thì vẫn luôn luôn với động thái xoa đầu và răn bảo: “Đồng chí nhà văn của nhân dân ơi, đồng chí đang nghĩ những gì thế? Có âm mưu phản loạn không? Đồng chí hãy… hãy… hãy… Và đồng chí đừng… đừng… đừng…”.

Vậy đó, tuy rằng hôm nay tác động của văn chương lên thực trạng xã hội là nhẹ hều, đúng hơn, chẳng là cái cóc khô gì cả. Nhưng văn chương vẫn nhận được một sự quan tâm quá mức cần thiết! Điều này có khi làm các nhà văn ngộ nhận rằng mình còn ngon, còn trọng lượng đáng kể, hay còn là tác nhân quan trọng có thể  làm thay đổi xã hội!

Bé cái nhầm, cả phía quan tâm và phía được quan tâm!

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường” , nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

 

Thận Nhiên: Tôi rất thú vị với câu trả lời – rất hóm hỉnh mà sắc sảo – của anh Nguyễn Đăng Thường: “Xin diễn dịch bổ sung: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết bắt buộc của chuồng cừu trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng cá nhân mình, của nhân dân ảo tưởng; vì sự nghiệp văn học sâu xa năm tấc và lâu dài năm phân của dân tộc ảo mộng; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đạo văn đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo cách chép sách mạo danh riêng biệt của mỗi tài năng nổ là công việc hàng đầu vịt và quan trọng nhất ; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng đố kỵ của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà tắm của mình thành ngôi đền rửa lớn của văn học dân tộc khựa.”

Chỉ xin rón rén bổ sung thêm về ý nghĩa “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” của Phạm Tiến Duật. Tôi không có ý đo lường hay thẩm định kích cỡ của “ngôi đền lớn” hay “cái chòi nhỏ”, mà chỉ thấy chán mứa những thứ lâu nay được thờ cúng, bái lạy trong cái “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đó của Phạm Tiến Duật. Những pho tượng mất linh và các bài vị không còn giá trị tinh thần trong bối cảnh lịch sử hôm nay nên được dẹp vào kho cho trống chỗ, đỡ vướng.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà” , cái nguồn của “văn học dân tộc” , nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

 

Thận Nhiên: Từ lâu nay, cái cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc” trở thành tiêu chí, hay yếu tố quan trọng nhất, trong việc thẩm định giá trị các sản phẩm văn học, văn hoá, nghệ thuật ở trong nước. Nó hiện diện trong hầu hết các văn bản. Cái khỉ gì cũng phải có yếu tố “đậm đà bản sắc dân tộc” thì mới được hệ thống chính thống công nhận. Tôi cho rằng sự nhập nhằng, cạn cợt, ngây ngô, giả dối… của cái khẩu hiệu “đậm đà bản sắc dân tộc” là một trong vài nguyên nhân chính của sự chậm lụt văn hoá Việt Nam trong lúc này. Ai là tác giả của cái mệnh đề phản động này vậy nhỉ?

Trước 75, ở miền Nam có khuynh hướng “Về Nguồn” trong các hoạt động văn hoá, mà chủ đích chính của khuynh hướng này là để đề kháng lại nỗi lo sợ bị các khuynh hướng văn hoá Tây phương, chủ yếu là từ Mỹ, khuynh loát và áp đảo. Cái “tình tự dân tộc” của khuynh hướng “Về Nguồn” trong bối cảnh chiến tranh lúc đó hoàn toàn khác hẳn với cái “đậm đà bản sắc dân tộc” trong lúc này. Tôi mong đến lúc sẽ có ai đó phân tích sự khác biệt giữa hai ý thức và giá trị văn hoá đó.

Động thái “về nguồn”, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I, chính là một ví dụ của sự nhập nhằng trong cái cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc” bị lợi dụng cho mục đích chính trị.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn” , đăng trên Trangha's Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền...) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và... tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

 

Thận Nhiên: Tôi tin rằng còn có những sự kiện khác nữa để minh họa cho tình trạng rã nát của cái hội này. Nhưng có lẽ chúng ta nên gọi đúng bản chất “bỉ ổi và tồi tệ” của nó thay vì hài hước hoá một cách châm biếm rằng nó “thú vị và ngoạn mục” như anh Hoàng Ngọc-Tuấn nói chăng? Đọc xong bài viết của nhà văn Trang Hạ, tôi thấy thật là khó mà cười được anh à, đau nhất ở cái thái độ hèn nhược trước Trung Quốc của họ.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

 

Thận Nhiên: Theo tôi thấy thì hầu hết mọi người, trong hội hay ngoài hội, đều nhận định giá trị của Hội Nhà văn Việt Nam trong lúc này bằng những tính từ tệ hại, rồi đi đến kết luận rằng nó không còn thuốc chữa và nên giải thể đi là hơn.

Tôi nghĩ, nếu ai còn thấy rằng sự tồn tại của Hội Nhà văn Việt Nam là đúng đắn và cần thiết, thì hãy tự nuôi sống và bảo trì nó bằng kinh phí và công sức của CHÍNH HỌ hay của NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG QUAN ĐIỂM VỚI HỌ, chứ đừng bằng tiền của của NHÂN DÂN. Mọi người đều có tự do chọn lựa thái độ của mình, nhưng hãy chọn lựa nó trong SỰ CÔNG BẰNG và LÒNG TỰ TRỌNG.

Đây không phải là một điều ước, mà là một ý thức cần thiết.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

08.08.2010
.. Tổ chức Đại hội Nhà văn Việt Nam sẽ cho họ cơ hội đánh bóng lại cái chuồng trại văn hoá của chế độ toàn trị made in Viet Nam! Và một lần nữa trang trí hoa lá cho “tự sự của lồng chim” để tiếp tục che đậy “thực tế của xà lim”!... (...)
 
phải tệ lắm dân mới cáu tiết / mới la mắng các bác rần rần / chỉ mặt kêu là bọn ăn bám / khi vẫn còn đủ cả tay chân // cầm bút viết theo chỉ thị đảng / làm văn nô tất bị khinh thường / có mấy bác dám đi lề trái / hay sẵn sàng lao động kiếm cơm? // nuôi mỗi năm mấy chục tỷ bạc / vẫn không có tác phẩm ra hồn / áo thụng vái nhau như cơm bữa / nhiều bác còn mang tiếng xảo ngôn... (...)
 
07.08.2010
... Theo tôi hiện nay Đảng không những không coi trọng thị trường, mà còn coi thường cái Chủ Nghĩa Xã Hội. Cái mà Đảng coi trọng và quan tâm nhất là sự sống còn của Đảng. Định hướng XHCN và thị trường là những phương tiện để những phe phái trong Đảng thoả hiệp và tranh giành quyền lợi... (...)
 
... Nếu Hội Nhà văn không thể tự mình thay đổi, cứ mãi già nua , bảo thủ, cũ kỹ, trở thành gánh nặng cho xã hội, trở thành lực cản của các nhà văn, thì nên giải tán nó đi và thành lập các hội khác... (...)
 
... Đại hội có diễn ra và có bầu cho những ai thì cũng chỉ là vậy, không ngoài cái quy luật này: Nhà cầm quyền muốn tìm những nhà cầm chữ biết ngắm trăng theo... nghị quyết... (...)
 
06.08.2010
... Tôi không tin có tiên, lại càng không tin có một vị tiên nào làm một việc “bất nhân” là ban cho ta một ân huệ để cầu ước cho hội ấy “sửa sai”. Bởi lẽ đó, nếu như bị ép quá, mà có một vị tiên được “bố trí” làm việc này, thì tôi chỉ xin một điều duy nhất: nếu hội ấy không được tái “cơ cấu” để biến mất, thì cho tôi không được nghe nói về nó nữa... (...)
 
... Tôi có 3 mong-ước: a) Toàn zân tẩy chay Hội Nhà-văn Việtnam. b) Jải-tán Hội Nhà-văn Việtnam. c) Mỗi hội-viên của Hội Nhà-văn Việtnam fải đọc và học cuốn Văn-chương là jì? của J.-P. Sartre để hiểu sứ-mệnh và trách-nhiệm của nhà-văn trong jai-đoạn tối-tăm ở Việtnam hiện-tại... (...)
 
... Chỉ cần một điều: Cóc cần chơi với “đảng” nữa, e khá hơn chăng? Nếu không thì nên “phẹc mê bu tích”!... (...)
 
05.08.2010
... Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ đã thành cái ao làng lâu rồi. Tôi ước: Lấp đi cái ao làng. Cái ao làng phải thật sự bị lấp để thách thức chính những kẻ quen sống trong ao...
 
... Văn học là Đảng, Đảng là văn học. Đảng nói dân cầm bút nghe. Dân cầm bút nghe Đảng nói. Bô bô cái lỗ miệng “xây dựng/xây đắp” thì dễ ợt ai mà chẳng làm được. Nhưng “dựng đắp” thì phải có công cụ (tài năng) và vật liệu (tác phẩm) và thời gian nữa chứ...
 
04.08.2010
... Sự quan tâm của Đảng dành cho văn chương chính là vì chưa bao giờ như hôm nay Đảng mất quyền kiểm soát đối với văn chương, đặc biệt là văn chương ngoài luồng và những thứ chữ nghĩa trên internet... (...)
 
... Lẽ ra phải nói là: Tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là tạo ra một cái nền gọi là văn học “dân tộc” dưới ánh sáng Mác–Lê, “tư tưởng” Hồ Chí Minh và Mao, một nền văn học tuyên truyền cự phách và một công cụ tuyên truyền toàn trị ưu việt. Nói như vậy nghe có vẻ thật thà đôi chút... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021